Home / QUY HOẠCH / KIẾN TRÚC / Phát triển kiến trúc Việt Nam – Những thay đổi phù hợp với bối cảnh mới

Phát triển kiến trúc Việt Nam – Những thay đổi phù hợp với bối cảnh mới

Đại hội thế giới lần thứ 27 của Liên hiệp Hội Kiến trúc sư thế giới (UIA), dự kiến tổ chức tại Rio de Janeiro, từ ngày 19 đến ngày 23 tháng 7 năm 2020,lấy chủ đề “ Tất cả các thế giới. Một thế giới. Kiến trúc trong thế kỷ 21”. Tuy nhiên do dịch bên COVID 19 nên sự kiện trên đã được hoãn lại và dự kiến tổ chức vào 18-22/7/2021. Trước đó, vào ngày 6/4/2020, Chủ tịch Liên hiệp Hội Kiến trúc sư thế giới, Ông Thomas Vonier đã gửi thông điệp đến Hội Kiến trúc sư các nước thành viên với mong muốn các kiến trúc sư mạng lại tầm nhìn toàn cầu , hướng tới một thế giới thông qua các thiết kế tốt hơn, giúp thế giới chống lại  đại dịch đang bao trùm và giúp các cộng đồng phục hồi và xây dựng lại, áp dụng những kinh nghiệp, tránh các thảm họa về sức khỏe và môi trường trong tương lai. Trong bối cảnh ấy, kiến trúc Việt Nam cũng cần có cách tiếp cận và hội nhập với kiến trúc thế giới. Sự đa dạng trong phong cách kiến trúc đô thị là một sự tất yếu của quá trình hội nhập, công nghệ hóa – hiện đại hóa, hướng đến các giá trị chân-thiện-mỹ trong kiến trúc và sự phát triển chung của đời sống đô thị. Tạp chí ArchDaily, cũng đưa ra các yếu tố có ảnh hưởng đến định hình thành phố tương lai đó là:

1/ Biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề cấp bách nhất cần xem xét khi thỏa luận về các thành phố tương lai. Các tòa nhà và công trình xây dựng chiếm 38% lượng khí thải CO2 liên quan đến năng lượng.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, hiện tượng nhiệt độ trái đất gia tăng, mực nước biển trung bình tiếp tục dâng cao, thiên tai bão lụt thất thường xảy ra thường xuyên là mối nguy cơ hiện hữu đang đe doạ môi trường sống của con người trên trái đất. Trong khi đó, sự phát triển của kiến trúc chỉ biết khai thác thiên nhiên và môi trường đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triên bền vững. Từ đó, nảy sinh các khuynh hướng kiến trúc mới nhằm đưa con người trở lại với thiên nhiên, lấy lại sự cân bằng giữa môi trường thiên nhiên và con người.

xanh2

2/ Kiến trúc xanh

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kiến trúc xanh được coi là mô hình lý tưởng tại các nước phát triển. Đây cũng là hướng phát triển chủ đạo của thế giới trong thế kỷ XXI. Kiến trúc xanh (Green Building, Green Architecture) đòi hỏi các giải pháp đề xuất trên 4 lĩnh vực: Giảm năng lượng sử dụng; Giảm thiểu ô nhiễm bên ngoài và làm tôn hại môi trường; Giảm năng lượng và tiêu hao tài nguyên; Giảm thiểu ô nhiễm bên trong và tốn hại sức khoẻ con người. Hay nói một cách khác, kiến trúc phải thân thiện với môi trường tự nhiên, không làm phá vỡ sự cân bằng tự nhiên của môi trường sống trên trái đất.

Theo tiêu chí về kiến trúc xanh do Hội Kiến trúc sư Việt Nam công bố, kiến trúc xanh là công trình được xây dựng trên địa điểm bền vững; môi trường sống bên trong có chất lượng; sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả, hòa nhập môi trường nhân văn; kiến trúc hiện đại, có bản sắc. Trong phát triển đô thị hiện nay, một số mô hình tiến bộ, như: đô thị xanh, sinh thái, đô thị thông mình, đô thị cần được tạo dựng tính thích ứng để có thể phát triển bền vững… cùng với việc coi trọng các giá trị văn hóa truyền thống, nhằm mục đích nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân, đang là xu hướng chung các đô thị và nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, của các chuyên gia và doanh nghiệp. Một số mô hình tốt đã thành công như khu đô thị Ecopark, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, khu đô thị Vinhomes Ocean Park…

3/ Công nghệ

ảnh 22

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng. Số hóa ngành Xây dựng ngày nay là một trong những cơ hội lớn nhất cho các nhà đầu tư, thu hút sự chú ý toàn cầu của các nhà quản lý, nhà làm chính sách và các chuyên gia: quy hoạch đô thị, kiến trúc và là một trong những lĩnh vực có thể tắc động đến tương lai của nhân loại.Internet vạn vật (IoT), thiết kế tái tạo và tham số, trí tuệ nhân tạo, robot, in 3D, dữ liệu lớn và thực tế ảo… là một số công cụ mới có thể làm thay đổi suy nghĩ của kiến trúc sư khi thiết kế và xây dựng các thành phố của tương lai. Điều này đồng nghĩa với việc kiến trúc sư chấp nhận và áp dụng các công nghệ mới vào thiết kế là một xu thế tất yếu. Ngoài ra, các yếu tố như vật liệu xây dựng mới, mật độ đô thị, dữ liệu lớn (Big Data) và hành vi của con người cũng có tác động đến định hướng phát triển kiến trúc tương lai. Điều này sẽ đưa ra các thiết kế thông minh hơn, phù hợp hơn với nhu cầu của con người.

Bên cạnh đó, năm 2020, đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu có tác động lên mọi mặt cuộc sống và gây ra những hệ lụy, ảnh hưởng đến thiết kế và kiến trúc công trình và các không gian bên trong tòa nhà. Đây cùng là một yếu tố mới có ảnh hưởng và tác động tới việc thay đổi hình thái thiết kế ở một số loại công trình đặc thù như các công trình y tế, các công trình công cộng có quy diện tích lớn, có khả năng hoán đổi công năng cho phù hợp với việc ứng phó các thảm họa thiên tai, dịch bệnh. Ví dụ, trong đợt dịch bệnh bùng phát ở Đà Nẵng vào tháng 7 vừa qua, Đà Nẵng đã xây dựng bệnh viên dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn; tại Hà Nội đã cải tạo Bệnh viện đa khoa Mê Linh (hiện đang bỏ hoang) thành bệnh viên dã chiến Mê Linh… Trước đây khi những thảm họa thiên tai hay chiến tranh xảy ra thì các công trình công cộng có sức chứa lớn (sân vận động, nhà hatsm,v.v) luôn là sự lựa chọn trong trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên trong trường hợp ứng phó với đại dịch có tốc độ lây lan nhanh, khó kiểm soát như đại dịch COVID 19 thực sự đây đang là những thách thức và chưa có tiền lệ. Để tự cách ly trong chính ngôi nhà của mình,  một lần nữa người kiến trúc sư cần phải chú trọng đến các không gian gắn với thiên nhiên để con người thích ứng với mọi điều kiện, đảm bảo sống tốt, bền vững, dễ dàng vượt qua những khó khăn thời dịch bệnh.

Một số thay đổi cần thiết trong bối cảnh mới

Công nghiệp 4.0 với nền kiến trúc bền vững.

Thách thức chính của việc thiết kế kiến trúc và hiện đại hóa những không gian hiện có nằm ở nhu cầu thay đổi nhanh chóng của nhân loại và các công nghệ. Sự kết hợp của nhu cầu và công nghệ giúp chúng ta thiết kế một thành phô bên vững trong tương lai. Hội nghị Kiến trúc sư tương lai được tổ chức vào ngày 9-11 tháng 10 năm 2019, tại Kyiv,Ukraine, đã nhấn mạnh chủ đề “The Inevitable: Disruptive Technologies’. Hội nghị thảo luận về sự đột phá của công nghệ đang định hình tương lai của kiến trúc. Sự xuất hiện của Công nghiệp 4.0, sẽ là công cụ để tạo ra thành phô trong tương lai mà các kiến trúc sư mong muốn. Biết được những dự báo về khí hậu trong tương lai, các kiến trúc sư có thể lập kế hoạch cho những ngôi nhà đề thích ứng với từng kịch bản khí hậu có thể xảy ra, đề có được ngôi nhà an toàn hơn.

Các công nghệ mới trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang đến nhiều lợi thế và tiềm năng về hiệu quả và chất lượng, làm thay đổi cơ bản trong lĩnh vực kiến trúc và quy hoạch đô thị. Việc làm chủ, vận dụng linh hoạt, hợp lý các công cụ, công nghệ sẽ cho phép xử lý rất nhiều vấn đề phức tạp của dự án, từ bước thiết kế cho đến khâu triển khai, xây dựng và quản lý, vận hành sử dụng một cách hiệu quả, tối ưu.

Hình ảnh các công trình, các tòa tháp chọc trời ở Việt Nam, tạo thành những điểm nhấn cho các đô thị. Ví dụ như tòa nhà Landmark 81 tại TP.HCM là một minh chứng rỏ ràng nhất, trong việc sử dụng công nghệ BIM và hệ thống quản lý tòa nhà cao tầng BMS để thiết kế xây dựng và quản lý các công trình có quy mô lớn. Trong thời đại công nghệ 4.0, việc áp dụng một cách linh hoạt, đúng đắn các yếu tố công nghệ mới trong các điều kiện đặc thù rất cụ thể của Việt Nam sẽ đạt được các mục tiêu như đảm bảo tính chính xác, sự chặt chẽ về kỹ thuật và tính kinh tế của dự án.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, trong tương lai xa, cũng cần thận trọng khi ứng dụng các công nghệ hiện đại. Thực tế cho thấy việc áp dụng các công nghệ mới sẽ tạo ra những, hiệu quả tức thời về mặt hình ảnh (hiệu ứng thị giác), đôi khi đặt cao hơn các yếu tố công năng, khí hậu trong kiến trúc. Trong khi đó, khí hậu lại đóng một vai trò quan trọng trong kiến trúc. Nó quyết định các lựa chọn về giải pháp không gian, ánh sáng, vật liệu, giải pháp kết cấu, để tạo ra các hiệu quả về nhiệt độ, thông gió, chiếu sáng, tiện nghi vi khí hậu,… trong công trình. Thay vào đó là các giải pháp, công nghệ và hình ảnh thiết kế đơn điệu, thiếu kết nối với môi trường thực, từ đó dần dần đánh mất bản sắc kiến trúc mang yếu tố vùng miền… Mặt khác, công nghệ mới sẽ đòi hỏi lượng tài nguyên khổng lồ, từ đó có thể làm trầm trọng sự cạn kiệt tài nguyên và gia tăng lượng khí thải.

Kiến trúc xanh

Trước những ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và môi trường đến điều kiện sống con người, thì phát triển kiến trúc xanh vẫn đang là xu hướng phát triển kiến trúc trong thế kỷ 21. Ở mức độ cao hơn, một số nước đã đưa ra những mô hình công trình “Superlow Energy Building” hay “Zero Energy Building” là công trình ít tiêu hao hoặc không tiêu hao năng lượng. Các giải pháp cụ thể được đề cập khi nghiên cứu lập đô thị xanh hoặc thiết kế công trình kiến trúc xanh là sự tận dụng tối đa yếu tố tự nhiên đáp ứng điều kiện vận hành của đô thị và công trình kiến trúc. Vấn để “Kiến trúc xanh” với bất cứ tiêu chuẩn, tiêu chí nào cũng đều bắt đầu từ nhận thức khi đầu tư, bắt đầu từ khâu thiết kế và quá trình vận hành công trình.

Đối với phương án thiết kế xanh việc trước tiên là nghiên cứu hiện trạng, lập được quy hoạch tổng thê bền vững cho khu đất, cho dự án. Với tiêu chí kiến trúc xanh phải đặt ra sự kết hợp giữa công nghệ và những giải pháp thông minh, những kinh nghiệm truyền thống, hướng về thiên nhiên. Cần phải có sự quan tâm của nhà đầu tư trong việc lựa chọn công nghệ, các vật liệu xanh nhằm bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển kiến trúc xanh ở Việt Nam cần đề ra các chiến lược, chính sách, giải pháp quy hoạch, thiết kế xây dựng phù hợp với từng vùng, từng địa phương và nhất là phải quy định thành luật. Cần xây dựng hoặc áp dụng hệ thống tiêu chí công trình xanh phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Kiến trúc thích ứng với biến đổi khí hậu.

Với tốc độ đô thị hóa tăng nhanh chóng, các đô thị lớn ở Việt Nam đang đối mặt với sự bê tông hóa, mật độ xây dựng lớn, không gian công cộng dành cho giao thông và mảng xanh ngày càng bị thu hẹp, kéo theo đó là nguy cơ ngập lụt ngày càng gia tăng. Vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu là một thách thức lớn nhất của thời đại và đề cao vai trò hết sức quan trọng của kiến trúc sư trong công tác thiết kế kiến trúc ứng phó với biến đổi khí hậu. Đô thị cần được tạo dựng tính thích ứng để có thể phát triển bền vững. Các công nghệ mới cần được áp dụng một cách hiệu quả để dự đoán, mô phỏng các kịch bản rủi ro này, nhằm giảm thiểu tối đa các nguy cơ gây thiệt hại.

lu_lut_sputnik-11_09_08_322

Trên cơ sở quy hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu, cần nghiên cứu áp dụng thiết kế kiến trúc khu dân cư có tính thích ứng cao với các hiện tượng thiên tai tại từng khu vực vùng miền như gió, bão, ngập lụt, sạt lỡ đất,…Đối với vùng sông nước, có thể sử dụng các mô hình nhà nổi, nhà trên sông. Có giải pháp phù hợp trong việc đầu tư xây dựng công trình công cộng có khả năng thích ứng và chống chịu bền vững trước thiên tai. Tại các điểm có nguy cơ sạt lỡ đất và lũ lụt, căn cứ vào các đặc điểm công trình tùy vào các mức độ khác nhau, cần xây dựng quy chuẩn riêng đối với quy hoạch xây dựng và yêu cầu thiết kế cấu trúc của tòa nhà như: kết cấu móng, độ dày của tường, vật liệu xây dựng, quy định mật độ xây dựng, các loại công trình xây dựng và mật độ dân cư cho phù hợp…

Để giảm thiểu thảm họa thiên tai cần tiếp cận theo cách thích ứng với môi trường hơn là tìm cách chống lại nó. Thay vì tăng cường bảo vệ chống lại lũ lụt, cần chấp nhận thực tế mực nước biển dâng và đưa nó vào thiết kế. Công trình sẽ được thiết kế xây dựng trong khu vực an toàn, trong khi các khu vực dễ bị tổn thương trở thành vùng đệm.

Lời kết

Kiến trúc xanh và biến đổi khí hậu toàn cầu là một thách thức lớn nhất của thời đại và vai trò hết sức quan trọng của kiến trúc sư đối với công tác thiết kế kiến trúc.  Việc phát triển kiến trúc xanh vừa phù hợp với mục tiêu phát triển của kiến trúc Việt Nam, vừa phù hợp với truyền thống văn hóa – kiến trúc dân tộc. Đồng thời, đáp ứng nếp sống của người Việt và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội – môi trường sống của đất nước hiện tại và tương lai, phù hợp với tình hình biến đổi toàn cầu. Chủ đề “ Kiến trúc, xây dựng, khí hậu – Trách nhiệm và giải pháp” của Liên hiệp hội Kiến trúc sư Thế giới (UIA) lựa chọn nhân ngày kiến trúc thế giới năm 2015 vẫn còn nguyên giá trị và cần được phát huy trong bối cảnh mới.

KTS. Trần Ngọc Chính

Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị VN.

Tài liệu tham khảo

-Tóm lược bài viết tại Hội thảo “ Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam trong bối cảnh mới”, 2021.

Các bài viết có liên quan đăng trên tap chí Kiến trúc và tạp chí Kiến trúc Việt Nam  (Nguồn Internet)

-Tạp chí ArchDaily.

Check Also

df4c8f78-8baa-4003-93de-f50193785257

Kiến trúc cầu Việt Nam dưới góc nhìn của nhà phê bình mỹ thuật

Sự kiện công bố phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo theo kiểu “xứ …