Home / ĐÔ THỊ - MÔI TRƯỜNG / Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

anh-bai-chinhBiến đổi khí hậu ngày một thách thức nghiệm trọng đối với nhân loại, ảnh hưởng sâu sắc và làm thay đổi toàn diện đời sống xã hội toàn cầu. Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu phải tiến hành đồng thời các hoạt động thích ứng và giảm nhẹ, trong đó thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, tránh thiên tai  là trọng tâm. Vì vậy Quảng Nam đã xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ứng phó với BĐKH hiện tại và tương lai là trách nhiệm của các cấp chính quyền, các ngành, các doanh nghiệp và toàn thể cộng đồng; Các yếu tố BĐKH phải được tích hợp vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của các cấp, các ngành, các địa phương. Các hoạt động ứng phó và thích ứng với BĐKH phải được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm; thích ứng với những tác động cấp bách trước mắt và những tác động tiềm ẩn lâu dài; Song song đó, việc triển khai thực hiện phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Sở, Ban, ngành, đoàn thể, UBND các cấp và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh.

Trên địa bàn Quảng Nam, BĐKH trong những năm gần đây có sự biến đổi khá rỏ rệt, cụ thể: Nhiệt độ trung bình năm giai đoạn từ năm 1976-2018 tại trạm Tam Kỳ khoảng 25,8°C, tháng có nhiệt độ trung bình cao nhất là tháng 6 với nhiệt độ 29,2°C, tháng có nhiệt độ trung bình nhỏ nhất là tháng 1 với nhiệt độ 21,1°C; tại trạm Trà My khoảng 24,5°C, tháng có nhiệt độ trung bình cao nhất là tháng 6 với nhiệt độ 27,1°C, tháng có nhiệt độ trung bình nhỏ nhất là tháng 1 với nhiệt độ 20,7°C. Mức độ tăng nhiệt độ trung bình mỗi thập kỷ khoảng 0,16°C, nhiệt độ thời kỳ sau cao hơn thời kỳ trước.

Đối với lượng mưa năm có sự biến đổi từ 2.000-4.000 mm và phân bố từ 3.000-4.000 mm ở vùng núi cao như: Trà My, Tiên Phước, Phước Sơn; từ 2.500-3.000 mm ở vùng núi trung bình như: Nông Sơn, Quế Sơn; từ 2.000-2.500 mm ở vùng núi thấp và đồng bằng ven biển như: Đại Lộc, Hội An, Tam Kỳ,…Như vậy, có thể thấy lượng mưa năm có xu hướng tăng nhiều với mức độ tăng mỗi năm khá giống nhau giữa các vùng, trung bình là 16,9 mm/năm.

Đối với diễn biến mực nước biển, trên địa bàn tại tỉnh Quảng Nam không có trạm quan trắc mực nước tại cửa biển; vì vậy số liệu lấy từ trạm quan trắc mực nước biển Sơn Trà (Đà Nẵng) với chuỗi số liệu dài 36 năm, xu thế mực nước biển dâng cũng khác nhau cho hai giai đoạn trước và sau năm 2000. Xu thế dâng mực nước trung bình cho giai đoạn trước năm 2000 là 4,6mm/năm và sau năm 2000 là 1,3mm/năm..

Trên cơ sở nền kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam, kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng tỉnh Quảng Nam được chi tiết  hóa như sau:

Đối với nhiệt độ:

Theo tính toán xu thế, mức độ tăng nhiệt độ mỗi thập kỉ theo kịch bản nồng độ khí nhà kính trung bình (RCP4.5)tăng khoảng 0,23oC, theo kịch bản nồng độ nhà kính cao(RCP8.5) tăng khoảng 0,36oC trong giai đoạn 2021-2050. Nhiệt độ theo kịch bản cho các giai đoạn đều tăng so với nhiệt độ thời kỳ cơ sở (kịch bản RCP4.5 tăng khoảng 0,7oC-1,2oC, kịch bản RCP8.5 tăng khoảng 0,7oC-1,6oC). Qua các thời kỳ trong kịch bản cho thấy vùng phía Nam của tỉnh mức độ nhiệt độ tăng nhiều hơn khu vực phía Bắc, khu vực miền núi tăng nhiều hơn đồng bằng.

Đối với lượng mưa:

Mức độ tăng lượng mưa theo kịch bản nồng độ khí nhà kính trung bình (RCP4.5) tăng khoảng 7,2 mm/năm, theo kịch bản nồng độ nhà kính cao (RCP8.5) tăng khoảng 8,5 mm/năm, trong giai đoạn 2021-2050. Vào mùa thu, lượng mưa có mức tăng cao nhất, tại trạm Tam Kỳ, dao động trong khoảng từ 314mm-440mm, tại trạm Trà My, dao động trong khoảng từ 452,9mm-634,6mm, tương ứng từ 19,3% – 27%. Lượng mưa có mức giảm mạnh nhất vào mùa xuân, có thể giảm tới 21,4mm tương ứng với 7,1%, theo kịch bản RCP8.5. Theo tính toán chi tiết hơn cho thấy lượng mưa năm theo kịch bản tăng so với lượng mưa thời kỳ cơ sở (kịch bản RCP 4.5 tăng khoảng 13,7% – 18,9%, kịch bản RCP 8.5 tăng khoảng 14,2%-19,6%). Qua các thời kỳ trong kịch bản cho thấy vùng phía Nam của tỉnh mức độ lượng mưa tăng nhiều hơn khu vực phía Bắc, khu vực đồng bằng tăng nhiều hơn miền núi.

Nước biển dân (NBD):

Theo tính toán chi tiết hơn cho thấy mực nước trung bình theo kịch bản tính toán tăng so với mực nước thời kỳ cơ sở, đối với cả 2 kịch bản RCP4.5 và RCP8.5, không có sự khác biệt về mức chênh lệch ở 2 giai đoạn 2021-2025 (10,40 cm) và giai đoạn 2026-2030 (12,26 cm), đến giai đoạn 2031-2050, mực nước dâng so với thời kỳ cơ sở lần lượt là 17,75 cm và 18,80 cm, tương ứng với 2 kịch bản RCP4.5 và RCP8.5

Nguy cơ ngập lụt do nước biển dâng:

Theo Kịch bản BĐKH và NBD của Bộ Tài nguyên và Môi trường (2016), nếu mực nước biển dâng 100 cm, khoảng 0,32% diện tích của tỉnh Quảng Nam có nguy cơ bị ngập, tập trung chủ yếu ở 2 khu đô thị lớn là thành phố Hội An và thành phố Tam Kỳ, trong đó thành phố Hội An có nguy cơ cao nhất (4,32% diện tích), thành phố Tam Kỳ (3,94% diện tích). Để chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong thời gian đến, tỉnh Quảng Nam đã chủ động đưa ra các giải pháp ứng phó với BĐKH. Các nội dung cụ thể gồm:

Tăng cường năng lực, thể chế chính sách:

Rà soát, đề xuất bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật và chính sách liên quan đến công tác ứng phó với BĐKH của tỉnh;Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và kiện toàn cơ cấu tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về BĐKH ở cấp tỉnh;Tăng cường năng lực về tổ chức, quản lý và vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về công tác ứng phó với BĐKH;

– Hướng dẫn xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của các ngành, lĩnh vực trọng tâm;Tăng cường công tác phối hợp giữa các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các Sở, ngành, địa phương khác có liên quan để thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH;

– Xây dựng kế hoạch và thực hiện kế hoạch nâng cao năng lực cho các cơ quan, tổ chức về công tác ứng phó với BĐKH; kiểm kê khí nhà kính trên địa bàn tỉnh;Hướng dẫn thực hiện các hoạt động giảm nhẹ khí nhà kính phù hợp với các điều kiện kinh tế, xã hội của tỉnh; thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về kiểm kê và giảm nhẹ khí nhà kính;

– Xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá và giám sát phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tiễn của tỉnh, tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050;Đánh giá, giám sát năng lực và tổ chức thực hiện công tác ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh; đề xuất giải pháp, kế hoạch, chiến lược thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.

Ngã tư Nguyễn Hoàng - Phan Bội Châu nước ngập lênh láng

Thành phố Tam Kỳ những ngày mưa ngập

Thích ứng với biến đổi khí hậu:

Đối với lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp: Xây dựng hệ thống giám sát mặn trên sông, công trình ngăn mặn;Trồng rừng đầu nguồn, xây dựng hệ thống tưới tiêu thích ứng với BĐKH, nâng cấp công trình thủy lợi và trạm bơm, kè bờ sông và nạo vét lòng sông. Tăng cường trang thiết bị, cơ chế vận hành của hệ thống cảnh báo sớm, xây dựng và hoàn thiện mạng lưới quan trắc chế độ thủy văn và chất lượng nước sông Vu Gia – Thu Bồn và sông Tam Kỳ, vùng ven biển với việc tự động hóa từng bước các hoạt động quan trắc;Chuyển đổi cơ cấu cây trồng đa dạng hóa hoạt động luân canh, xen canh; Đầu tư xây dựng sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn các hồ chứa, hệ thống kè chống sạt lở, công trình phòng chống thiên tai ở các địa phương có nguy cơ tổn thương cao do tác động của BĐKH. Đồng thời, đầu tư một số hồ chứa lớn, nhằm tích lũy và sử dụng nước tiết kiệm phục vụ sản xuất nông nghiệp trong mùa khô, hạn.

– Đối với lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, năng lượng, giao thông vận tải: Nghiên cứu và thiết kế, nâng cấp các công trình giao thông thích ứng với BĐKH. Nghiên cứu các công nghệ mới, đề xuất các phương tiện nhẹ tiết kiệm nhiên liệu hơn, khí thải ít hơn, hướng tới sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường. Xây dựng cơ sở hạ tầng như: đường giao thông, điện, nước, kè bảo vệ,… để tái định cư cho hộ dân cư khu vực ven sông Thu Bồn là nơi thường xuyên bị ngập lụt; Phát triển các hệ thống thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió. Điều chỉnh kế hoạch phát triển năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải phù hợp với tình hình BĐKH của tỉnh.

–  Đối với lĩnh vực du lịch, y tế, giáo dục : Nâng cao khả năng khai thác các hoạt động du lịch trong điều kiện BĐKH; tăng cường năng lực ứng phó với BĐKH trong lĩnh vực du lịch. Khuyến khích phát triển loại hình/sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường; Xây dựng và triển khai các hoạt động cấp cứu ứng phó với các thảm họa, thiên tai (tai nạn, chấn thương, dịch bệnh,…), xây dựng và lựa chọn các mô hình cung cấp dịch vụ y tế đáp ứng với thiên tai, thảm họa do BĐKH gây nên.

– Về truyền thông, nâng cao nhận thức: Tiếp tục nâng cao nhận thức cho cộng đồng trên địa bàn tỉnh về BĐKH như: phát sóng trên truyền hình, Đài truyền thanh, báo, các chuyên mục thời sự về BĐKH. Hướng dẫn cộng đồng dân cư về tác động của BĐKH và cách thích ứng;Thông tin, tuyên truyền về ứng phó với BĐKH và phòng, chống thiên tai trong trường học,…

QUANG-NAM-1

Quảng Nam phát triển du lịch bền vững

 Quản lý tài nguyên và  bảo vệ môi trường:

– Tiếp tục triển khai thực hiện các Chương trình, Kế hoạch hành động về quản lý bảo vệ tài nguyên và môi trường, BĐKH trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021-2030;

– Thực hiện đồng bộ các giải pháp, cùng với tăng cường kiểm tra, giám sát để làm tốt công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; hoàn thiện dự án xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh, nhằm đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ đa ngành, đa mục tiêu hướng tới quản lý đất đai chặt chẽ và hợp lý;

– Tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước, hạn chế việc cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất đối với khu vực ven biển của tỉnh; cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của sông trên địa bàn tỉnh;

– Cập nhật để hoàn thiện mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng; đầu tư, lắp đặt hệ thống thu nhận, lưu trữ dữ liệu tài nguyên và môi trường; kêu gọi đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn theo công nghệ tiên tiến, hiện đại; khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực môi trường, nhất là đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp, đô thị, cơ sở y tế, tái chế và xử lý rác thải, các công trình dân sinh góp phần bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh;

– Kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc xả nước thải chưa qua xử lý vào nguồn nước của các đơn vị, tổ chức; tập trung đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, đầu tư các công trình xử lý nước thải đảm bảo toàn bộ nước thải phát sinh đều được dẫn về trạm xử lý nước thải tập trung, nghiêm cấm xả trực tiếp ra môi trường hoặc tự thấm vào đất;

– Thực hiện đánh giá BĐKH, kiểm kê khí nhà kính; tiếp tục cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH, tăng trưởng xanh theo chu kỳ 05 năm. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh đảm bảo hiệu quả, giảm thiểu sự tác động của BĐKH và thiên tai xảy ra;

– Tích cực vận động các nguồn tài trợ để thực hiện các dự án trồng và khôi phục rừng ngập mặn (rừng dừa nước, đước, mắm), rừng chắn cát, chắn sóng biển (phi lao, dừa,..); nạo vét lòng sông, xây và củng cố đê biển, kè biển, cảng, nhà đa năng, nhà cộng đồng tránh bão, đường tránh lũ,… chú ý đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng phải tính đến tác động của các kịch bản BĐKH và nước biển dâng.

Giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu:

– Các giải pháp công trình: Xây dựng hệ thống cấp nước, hồ chứa nước thủy lợi, đập ngăn mặn giữ ngọt, kè chống sạt lở bờ sông bờ biển; Xây dựng trạm bơm, nâng cấp hệ thống kênh mương thủy lợi.

– Các giải pháp phi công trình: Xây dựng kế hoạch hành động bảo vệ tài nguyên nước, các mô hình cộng đồng ứng phó với thiên tai vầ biến đổi khí hậu; Xây dựng các mô hình thí điểm thu gom, xử lý, tái sử dụng chất thải tring nông nghiệp; tuyên truyền nâng cao nhận thức…

Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính:

–  Lựa chọn mô hình canh tác ứng phó bền vững với BĐKH tại địa phương; Sản xuất và sử dụng nhiên liệu sinh học trong nông nghiệp; thu gom, xử lý và tái sử dụng chất thải trong nông nghiệp giảm ô nhiễm môi trường và giảm phát thải khí nhà kính;

– Chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch hơn và các phương tiện có hiệu quả nhiên liệu cao hơn trong ngành giao thông đường bộ;Xây dựng hồ sinh học kỵ khí tại các khu, cụm công nghiệp, xây dựng thí điểm kênh Oxy hóa tuần hoàn, công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt đô thị tập trung quy mô nhỏ;

– Nâng cao nhận thức người dân trong việc sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng. Giảm thiểu phát thải khí CO2 trong sinh hoạt đô thị. Triển khai thí điểm cuộc vận động xây dựng mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm trong mỗi hộ gia đình.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam

Check Also

brg-smarttown-15198048646601809363374 (1)

Xu hướng phát triển đô thị xanh trên thế giới

Mời bạn đọc xem ” Xu hướng phát triển đô thị xanh trên thế giới” …