Home / VĂN HÓA-DU LỊCH / Điếm canh làng Việt

Điếm canh làng Việt

Điếm canh làng còn gọi là cổng mẫn hay điếm làng. Hỏi rằng điếm canh làng Việt có từ khi nào khác chi lục vấn làng xã có tự bao giờ.

Điếm canh làng Việt

Chỉ biết điếm canh, cũng như cổng làng bộc lộ tính tự quản, có thể nói hai chữ “ bán cô lập”, của làng xã Việt Nam truyền thống với tính tự trị cao. Người xưa nói từ thuở lọt lòng đến mãn đời người, dân quê mấy khi ra khỏi làng. Điếm canh làng có thể làm chứng cho điều đó.

Điếm canh có lẽ là công trình được hưởng đặc quyền  nằm ngoài lũy tre làng, có khi khá xa mép làng do chức năng như một trạm canh phòng của làng xóm. Thông thường người ta xây điếm canh cách cổng làng chừng 50m, có khi hơn, ngày đêm cắt cử phiên tuần. Phiên tuần có nhiệm vụ hỏi danh tính, xét nét người lạ mặt vào làng hoặc người ra khỏi làng những khi giờ giấc bất thường. Có làng còn tổ chức hẳn một đội dân binh, cắt cử canh chừng cả ban ngày, ban đêm. Về đêm phiên tuần hay dân binh chỉ đổi phiên ở điếm, còn chủ yếu vòng vo tuần tra theo mấy ngả đường làng ngõ xóm. Có khách xa đến thăm và ngủ lại thì phải trình báo phiên tuần…Những điều đó được khoán ước của nhiều làng xã quy định, ghi chép minh bạch.

Ngoài loại điếm canh xây dựng riêng biệt, nhiều làng còn kết hợp sử dụng cổng làng như một điếm canh, để canh phòng ban đêm và những khi làng có việc lớn như kỳ sưu thuế, bắt lính, dịch bệnh, quan ôn, đón quan trên, truy lùng tù trốn, người làm quốc sự…

Điếm canh xây dựng bên ngoài làng, nếu là các làng miền xuôi gần đê điều thì thường được xây dựng trực tiếp trên nền đất, sát liền và cao ngang mặt đê, có khi hơn một chút, đắp đê tiện thể đắp nền dựng điếm vừa tiện dùng canh đê trong mùa bão lũ, vừa không quá xa làng dễ quan sát canh phòng. Khi cần thiết điếm canh đê trở thành nơi chứa các phương tiện hộ đê, tập hợp dân đắp đê, ngăn lũ, tập trung đầu mối chỉ huy hộ đê. Quanh điếm canh thường không có vườn, đất trống cũng hạn chế nên người nông dân hay trồng gần đấy cây lưu niên, tán rộng, bóng cả. Phổ biến nhất là cây đa để che nắng che gió cho công trình, tỏa bóng mát cho người.

Con đê kiêm luôn đường bộ nông thôn, phẳng phiu lại đỡ lầy lội lúc mưa, liên hệ với làng xóm và đường sông nước đều tiện. Điếm canh trên đê dễ kiêm chức năng thay trạm dừng chân, chỗ nghỉ tạm cho dân làng đi làm đồng hay khách vãng lai. Vì thế canh điếm có thêm hàng quán con con, trao đổi đồng quà tấm bánh, bát nước vối, nước chè tươi. Điếm làng còn có một tên gọi nữa là “ quán – điếm”. Ngày hè nắng, ngày đông rét mướt gió bấc mưa phùn, sà vào quán điếm là có ngụm nước vối ủ giỏ tre lót rơm ấm nồng. Lão nông, lực điền xin lửa kéo đẫy hơi thuốc lào, đám đàn bà con gái kiếm củ khoai, miếng nước, con trâu có chỗ nhai cỏ thủng thẳng giữa buổi cày…Ai đi xa, ai về gần hỏi thăm nơi quán điếm làng là biết chuyện. Ở đó có lời hỏi, câu chào; đón người đến, đưa người đi. Điếm canh làng còn là chốn tự tình, hẹn thề của trai gái trong làng.

Nằm trên đê địa thế cao, hay giữa đồng không mông quạnh nên điếm canh luôn làm tốt nhiệm vụ quan sát. Điếm canh làng có quy mô nhỏ, tường thấp, mái gọn, giúp điếm chịu được gió bão, không bị xiêu vẹo…Người nông dân làm nhà ở thế nào thì cũng xây dựng điếm canh như thế ấy.

Nhỏ nhoi vậy đấy, mà điếm canh là thứ kiến trúc công cộng được xây dựng khá phổ biến ở nông thôn, ra đời trong quá trình hoàn thiện đơn vị cư trú cơ bản ở nông thôn Việt truyền thống: làng, xã. Đơn sơ thì dựng bằng nửa lá, tre pheo. Bền chắc và chững chạc hơn thì xây bằng gạch, đá ong, kèo gỗ, lợp ngói. Nhưng dù lớn đến mấy điếm canh cũng không quá 3 gian, dáng dấp gọn gàng, tường xây bít đốc. Mặt trước hoặc cả mặt trước lẫn mặt sau có thể để trống, không xây tường, bưng bách.

Kiến trúc điếm canh làng Việt thoạt nhìn tưởng chừng như không có trang trí gì. Chi tiết khúc chiết gọn gàng, mộc mạc, không có cái thừa ở điếm làng. Các chi tiết như hơi to, thậm chí quá cỡ so với khung và khối của điếm, đắc dụng ở cái chắc, thưa thoáng, cái nào ra cái ấy. Chẳng mấy đấu củng, triện đệm rườm rà, chỉ một bộ vì cánh ác hay chồng rường giản lược, rầm chia thay bẩn. Chi tiết nào cũng gần tầm với, vươn tay là chạm tới, vỗ về được cái gỗ cái lạt. Nếu là điếm xây gạch lợp ngói bao giờ cũng quét một nước vôi trắng, trông từ xa đã thấy nổi bật giữa cánh đồng xanh.

Bóng dáng của nó mới là tinh, là quý.

Cái tưởng mất vẫn còn. Cùng với mái đình, cây đa, ngôi chùa, bến nước, cổng làng, lũy tre, ngõ xóm, cầu ao…điếm canh tô điểm cho cảnh sắc thôn quê để trở thành hình ảnh của ký ức làng, là tín hiệu của cấu trúc làng Việt. 

KTS. Đoàn Khắc Tình

Check Also

THUNG LŨNG YARRA (1)

TRỞ LẠI AUSTRALIA

TRỞ LẠI AUSTRALIA Mùa lá đỏ ở thung lũng Yarra Australia cuối thu. Đúng 8 …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *