Home / TIN HOẠT ĐỘNG / CÂY XANH ĐÀ NẴNG : THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

CÂY XANH ĐÀ NẴNG : THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

          Sáng 26/4,  tại Hội trường UBND thành phố Đà Nẵng đã diễn ra buổi hội thảo về “Quy hoạch, phát triển hệ thống cây xanh đô thị thành phố Đà Nẵng – Thực trạng và giải pháp” do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng phối hợp cùng Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng, Phân viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng(đơn vị trực thuộc Tổng hội Xây dựng Việt Nam) tổ chức. Hội thảo nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia nhận diện đúng thực trạng, đánh giá được nguyên nhân và tiềm năng về nguồn lực để đề xuất giải pháp, kế hoạch thực hiện có hiệu quả đối với công tác quản lý, phát triển cây xanh đô thị thành phố .

          Tham dự hội thảo về phía Trung ương có bà Đặng Anh Thư, Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật – Bộ Xây dựng; TS.KTS Lê Thị Bích Thuận, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựngViệt Nam); Ông Đinh Đăng Hải, Tổ chức HealthBridge Canada Việt Nam và các chuyên gia đến từ các trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng; Đại học Lâm Nghiệp, Văn Lang; Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia – Bộ Xây dựng.

          Đồng chủ trì hội thảo Ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam; Ông Võ Công Trí, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng, Ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng.

????????????????????????????????????

Ông Võ Công Trí – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng phát biểu chào mừng hội thảo

????????????????????????????????????

Quang cảnh hội thảo

          Phát biểu chào mừng hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Võ Công Trí cho biết, Đà Nẵng là thành phố có tốc độ đô thị hóa khá nhanh, đến nay dân số của thành phố có khoảng 1,134 triệu người. Trong những năm qua, trong quá trình xây dựng quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu, quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế xã hội và các quy hoạch khác, thành phố đã chú trọng dành quỹ đất nhất định để phát triển hệ thống cây xanh. Tuy nhiên, mật độ cây xanh của Đà Nẵng/bình quân trên đầu người vẫn còn thấp.

          Vấn đề trồng cây đường phố hiện nay UBND thành phố đã phân cấp quản lý cho UBND cấp quận, huyện chịu trách nhiệm quản lý cây xanh vỉa hè đối với đường có mặt đường rộng từ 7,5m trở xuống. Tuy nhiên vẫn còn có rất nhiều vấn đề như trồng các loại cây có độ tuổi, sống lâu, ít rụng lá, có đủ bóng mát, không độc hại, công tác kỹ thuật quản lý đối với cây xanh đô thị… Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố và các hội thành viên trực thuộc như Hội Kiến trúc, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị, Hội Xây dựng… theo nhiệm vụ của từng đơn vị, trong thời gian qua cũng đã tích cực tham gia góp ý, phản biện đối với nhiều dự án quy hoạch của thành phố. Các trung tâm trực thuộc ngoài việc thường xuyên tổ chức các sự kiện, tuyên truyền về bảo vệ cảnh quan môi trường thì việc trồng cây xanh luôn được chú trọng. Nhiều đường phố đã được trồng mới, chỉnh trang cây xanh, cùng với các công trình kiến trúc đã tạo nên diện mạo tươi trẻ cho thành phố, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Võ Công Trí chia sẻ.

 

????????????????????????????????????

TS.KTS Phùng Phú Phong – Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng phát biểu khai mạc hội thảo

          Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. KTS Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh mục đích Hội thảo hôm nay là nhìn nhận đánh giá thực trạng những tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân và  công tác quản lý cây xanh đô thị tại thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua, tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, các nhà quản lý về định hướng quy hoạch phát triển cây xanh đô thị,  tổng hợp đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm xây dựng các kế hoạch phát triển, quản lý hệ thống cây xanh đô thị thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 đáp ứng chỉ tiêu cây xanh theo quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

????????????????????????????????????

Bà Đặng Anh Thư, Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật – Bộ Xây dựng

          Đi vào hội thảo bà Đặng Anh Thư, Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật – Bộ Xây dựng cho biết,  hiện nay pháp luật chuyên ngành về quản lý cây xanh, công viên đô thị có Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 về quản lý cây xanh đô thị. Tuy nhiên sau hơn 13 năm thực thi Nghị định số 64/2010/NĐ-CP đã bộc lộ những điểm hạn chế trong thực tiễn quản lý, đặc biệt là thiếu các quy định quản lý phát triển công viên. Pháp luật hiện hành cũng chưa có quy định hướng dẫn việc quản lý, sử dụng tài sản hạ tầng cây xanh, công viên đô thị để cụ thể hóa quy định về quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017. Năm 2024, Cục Hạ tầng kỹ thuật được Chính phủ, Bộ Xây dựng giao nghiên cứu xây dựng Nghị định về quản lý cây xanh và công viên công cộng đô thị (thay thế Nghị định số 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị). Qua quá trình nghiên cứu sơ bộ, Cục Hạ tầng kỹ thuật nhận thấy có một số vấn đề lớn liên quan đến chính sách quản lý phát triển cây xanh, công viên đô thị cần được xem xét, quy định làm rõ để hoàn thiện hành lang pháp lý cũng như tạo động lực thúc đẩy phát triển hệ thống cây xanh, công viên công cộng ở các đô thị hiện nay, trong đó có thành phố Đà Nẵng.

????????????????????????????????????

KTS. Bùi Huy Trí – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng

          Theo KTS Bùi Huy Trí, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP. Đà Nẵng nhận định:  Đà Nẵng là thành phố mới được phát triển mạnh trong gần 30 năm qua. So với thời điểm năm 1997, trước khi trở thành đơn vị hành chính độc lập trực thuộc Trung ương, diện tích đô thị đã tăng lên gấp khoảng 4 lần. Điều đó có nghĩa 3/4 diện tích đô thị là phát triển mới, một điều kiện không thể thuận lợi hơn để phát triển các không gian cây xanh. Dù vậy cho đến nay, trong khi diện mạo đô thị đã thay đổi rất nhiều theo hướng hiện đại nhưng riêng cây xanh đô thị vẫn là một chỉ tiêu còn thiếu khá trầm trọng. Đó là một nghịch lý không khó để nhận ra. Trước thực tế đó, thành phố cũng đã có nhiều nỗ lực để bổ sung diện tích cây xanh thông qua việc triển khai các dự án phát triển đô thị và các dự án chuyên về phát triển cây xanh. Tuy nhiên như vậy là chưa đủ. Tốc độ phát triển đất cây xanh đô thị đang chậm hơn nhiều so với tốc độ phát triển đô thị. Đây là thực trạng không tích cực và rất không nên để kéo dài. Hiện nay tổng diện tích đất cây xanh công cộng sử dụng thực tế chỉ vào khoảng hơn 400 ha. Trong khi đó, với chỉ tiêu kỳ vọng theo Quy hoạch chung là 7 – 8m2/người, một triệu dân Đà Nẵng cần 700 – 800ha loại đất này. Như vậy ở thời điểm hiện tại chúng ta con thiếu 300 – 400ha.

          Theo Quy hoạch chung, dự báo dân số đến năm 2030 khoảng 1,79 triệu người, đến năm 2045 khoảng 2,56 triệu người và chỉ tiêu đất cây xanh khoảng 1.394ha. Số lượng đất cây xanh cần phát triển thêm sẽ vào khoảng hơn 900ha. Có thể dự báo dân số của Quy hoạch chung chưa chính xác nhưng theo thời gian, sẽ đến thời điểm nào đó dân số sẽ bằng và vượt con số 2.56 triệu. Do vậy con số 1.394ha đất cây xanh đô thị không phải là ảo tưởng mà sớm muộn cũng phải đạt tới. Ông cũng nhận định hiện nay, có một luồng tư duy phổ biến là “đất vàng” phải là đất ở hoặc đất TMDV và phải được đem đấu giá. Các đề xuất sử dụng các lô đất có vị trí đắc địa làm “đất xanh” (công viên cây xanh) được coi là không thể chấp nhận. Các khu “đất vàng” đem bán sẽ phục vụ được các mục tiêu ngắn hạn. Chính các khu “đất xanh” mới là tài sản muôn đời của các thế hệ. Đây là dạng tư duy rất khó thay đổi, và cũng chính tư duy đó sẽ làm hại cho tương lai của thành phố nếu muốn vươn tầm thành một đô thị hiện đại và hấp dẫn. Ở một góc độ khác, chính “màu xanh” sẽ đẻ ra “màu vàng”. Một đô thị có cảnh quan hấp dẫn luôn tác động vào tâm lý đầu tư của du khách.

????????????????????????????????????

ThS.KTS. Nguyễn Thị Hồng Diệp, Phòng Nghiên cứu và Phát triển đô thị – Phó Ban khoa học Hiệp hội
Cây xanh Đô thị Việt Nam

          Với ThS.KTS.Nguyễn Thị Hồng Diệp, Phòng Nghiên cứu và Phát triển đô thị, Phó Ban Khoa học Hiệp hội Cây xanh Đô thị Việt Nam, việc đưa Hạ tầng xanh – Công viên xanh vào quy hoạch cảnh quan thành phố sẽ làm cho mối quan hệ môi trường và các dịch vụ đô thị được tốt hơn. Để có thể áp dụng Hạ tầng xanh – Công viên xanh, cần có cách tiếp cận áp dụng các chính sách, chiến lược và hành động để phát huy giá trị của hệ thống cây xanh, hạ tầng xanh đô thị.

????????????????????????????????????

TS.KTS. Lê Thị Bích Thuận, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng

          Theo TS.KTS. Lê Thị Bích Thuận, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng, đề án của Chính phủ “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” đến hết năm 2025, cả nước trồng được 1 tỳ cây xanh, trong đó có 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất. Đà Nẵng triển khai thực hiện đề án này với mục tiêu đến hết năm 2025 toàn thành phố trồng được 5.017.000 cây xanh tập trung và phân tán các loại. Cụ thể, thành phố đặt chỉ tiêu trồng 163.000 cây xanh (tương đương khoảng 260,8ha) tại khu vực đô thị; trồng 1.850.000 cây xanh (tương đương 740ha) tại khu vực nông thôn; trồng 3.004.000 cây (tương đương 2.140ha) rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, trồng mới rừng sản xuất tập trung (không bao gồm diện tích trồng rừng thay thế).

          Bà cũng đề nghị.“Thành phố cần rà soát tình trạng, cách tỉnh chỉ tiêu của cây, quy trình thiết kế cây xanh đô thị cũng như kế hoạch xã hội hóa trồng cây xanh đô thị, ban hành danh mục các chủng loại cây đường phố, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án khu công viên đã được phê duyệt, phát triển cây xanh trong các khu dân cư, xây dựng công viên vườn hoa trong các khu ở”

????????????????????????????????????

KTS Nguyễn Đỗ Dũng, Tổng Giám đốc enCity

          Theo KTS Nguyễn Đỗ Dũng, Tổng Giám đốc enCity, nhận định  Đà Nẵng là một thành phố có sự đa dạng cảnh quan và môi trường sinh thái hiếm có với sự đổi từ vùng rừng núi tới vùng đồng bằng châu thổ ra vùng ven biển. Sự đa dạng này vừa có ý nghĩa về mặt trải nghiệm của con người, vừa có giá trị về sinh thái. Trong thời gian vừa qua, có thể nói cảnh quan khu vực ven biển, cảnh quan đô thị ven sông và một phần khu vực rừng núi đã được tập trung khai thác mà thiếu đi một tầm nhìn tổng thể và một bản quy hoạch có khả năng liên kết các khu vực này. Cụ thể là quá trình đô thị hóa và bê -tông hóa đã làm mất đi rất nhiều những hệ sinh thái ngập mặn ven biển trong khi những bãi sông chưa được quan tâm về giá trị sinh thái và cảnh quan. Cơ hội quan trọng nhất để hàn gắn và hoàn thiện hệ sinh thái của Đà Nẵng chính là dòng sông Hàn – dòng nước kết nối giữa khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà ở phía Tây và khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà ở phía Đông . Ông đề xuất, hành lang sinh thái sông Hàn có thể được chia thành 5 đoạn: đoạn núi Bà Nà với cảnh quan rừng núi, đoạn sông Túy Loan với cảnh quan nông nghiệp, đoạn sông Cẩm Lệ và Đô Tỏa với nhiều bãi bồi có thể tái tạo thành rừng ngập nước, đoạn sông Hàn từ cầu Tiên Sơn tới cầu Rồng có thể bổ sung những công viên ven sông; đoạn tả ngạn sông Hàn từ cầu Rồng tới cửa vịnh có thể tái tạo rừng ngập mặn và đoạn hữu ngạn sông Hàn từ cầu rồng tới Sơn Trà sẽ là hành lang sinh thái với việc trồng cây đa tầng dọc theo những trục đường chính. Với hành lang sinh thái sông Hàn là xương sống, nhiều tuyến phố từ trong các khu đô thị dẫn ra sông sẽ được chuyển thành phố đi bộ hoặc ít nhất giảm bề rộng lòng đường và trồng thêm cây xanh để trở nên thân thiện hơn với con người và sinh vật. Những tuyến đường xanh này cũng sẽ là một phần quan trọng trong hệ thống thoát nước cho thành phố với những mương sinh thái hai bên đường. Cuối cùng, với Đà Nẵng bài học quan trọng nhất có lẽ là việc sử dụng sông Hàn để kết nối hệ sinh thái, giống như sông Kallang ở Singapore hay sông Sài Gòn và kênh Xáng ở TP. Hồ Chí Minh. Hành lang sinh thái sông Hàn sẽ vừa kết nối những khu bảo tồn thiên nhiên nổi bật của thành phố, vừa tạo ra vô số những trải nghiệm sông độc đáo, làm gia tăng chất lượng sống cho cư dân và giá trị đất đai để thu hút thêm đầu tư.

          Nhận định từ các vấn đề pháp lý và thực trạng nêu trên, TS. Vũ Thị Quyền, Trưởng ngành CNSH, trường Đại học Văn Lang đề xuất một số ý như sau:
– Lập kế hoạch đô thị chi tiết cho từng phân khu chức năng trên cơ sở quy hoạch chung được duyệt; bao gồm từ việc xác định các khu vực đất dành riêng cho các mục đích như sinh hoạt, công nghiệp, thương mại và công cộng đến thiết kế không gian xanh, hệ thống giao thông công cộng và cơ sở hạ tầng khác được tích hợp một cách hợp lý.
– Xây dựng đô thị phân tách nhằm quản lý sử dụng đất bền vững, trong đó các khu vực sinh hoạt cộng đồng, dân cư, công sở và giải trí được đặt cách xa nhau, từ đó giảm thiểu sự tăng cường lưu lượng giao thông và tiết kiệm năng lượng. Điều này giúp thúc đẩy việc sử dụng giao thông công cộng, đạp xe và đi bộ, giảm ô nhiễm môi trường và tăng cường sự thoải mái và sức khỏe của cư dân.
– Xây dựng bộ tiêu chí chọn loài cây trồng phù hợp một đô thị hiện đại và điều kiện tự nhiên khu vực.
– Xây dựng tiêu chuẩn đánh giá không gian xanh đô thị, bao gồm: công viên xanh, công viên rừng, cây xanh đường phố, hoa viên, và các hạng mục cảnh quan khác.
– Khuyến khích phát triển tái tạo và sử dụng lại: Thay vì mở rộng đô thị vào các khu vực mới, có thể tận dụng lại các khu vực đất hoặc khu công nghiệp cũ để phát triển đô thị. Điều này có thể đạt được bằng cách đưa ra các chính sách khuyến khích việc tái sử dụng đất và cung cấp các ưu đãi cho các dự án tái tạo.
– Thiết lập các qui định và qui chuẩn sử dụng đất bền vững, tối ưu hoá sử dụng tài nguyên; bao gồm việc xác định mục đích sử dụng đất, qui định mật độ xây dựng, đảm bảo an toàn đất và cung cấp các hệ thống hạ tầng phù hợp.

1

TS. Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam

          Kết luận tại hội thảo TS. Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận định, với 22 bài tham luận bao gồm đánh giá hiện trạng, một số kinh nghiệm về hệ thống cây xanh tại các nước phát triển, đề xuất một số giải pháp… Những tham luận của các chuyên gia, nhà quản lý rất đầy tâm huyết, thành phố cần tham khảo, nghiên cứu để thực hiện.

          Nhận xét chung hiện nay, thành phố đã quan tâm thiết kế cảnh quan, bố trí cây xanh, công tác duy tu quản lý đã  từng bước hiện đại hóa, bên cạnh 10 công viên công cộng cấp đô thị với bán kính phục vụ lớn thì cũng đã có hơn 100 khu vườn hoa, vườn dạo tại các khu dân cư đã được đầu tư  góp phần quan trọng trong việc xanh hóa và cải thiện chất lượng môi trường sống cho người dân đô thị. Tuy nhiên, Đà Nẵng vẫn còn những tồn tại.

          Vấn đề thứ nhất: là còn tồn tại chỉ tiêu cây xanh chưa đạt hiện tại bình quân chỉ  từ 3,91m2/ng – 4,31m2/ng, trong khi đó chỉ tiêu kỳ vọng theo quy hoạch chung là 7- 8 m2 /ng, theo tính toán thì quỹ đất cây xanh chúng ta còn thiếu từ 300 đến 400ha . Theo quy hoạch chung, dự báo dân số đến năm 2030 khoảng 1,79 triệu người tầm nhìn đến 2045 khoảng 2,56 triệu người thì chỉ tiêu đất cây xanh khoảng 1.394 ha như vậy đất cây xanh cần phát triển thêm khoảng hơn 900ha. Có quỹ đất nhưng chưa được trồng cây, trồng cây nhưng chưa được chăm sóc kỹ. Khu vực cây xanh trong đô thị còn rất hạn chế, phân bổ không đồng đều, chủng loại cây xanh chưa phong phú, hình thức tổ chức cây xanh đơn điệu kéo theo đó, là nguồn lực cho đầu tư xây dựng các công viên cây xanh cũng không được bố trí kịp thời nên chỉ tiêu cây xanh đô thị của thành phố không đáp ứng theo tiêu chuẩn đề ra.

          Vấn đề thứ 2: Là quy hoạch phát triển cây xanh không có quy hoạch chuyên ngành, không có chiến lược phát triển cây xanh cho thành phố; Khi được quy hoạch thì thu hẹp mục đích sử dụng cây xanh, chưa ứng dụng công nghệ số trong quản lý cây xanh đô thị. Để hướng tới một đô thị xanh, thân thiện, Đà Nẵng cần học tập kinh nghiệm các nước như Singapor – là thành phố trong công viên, thành phố trong thiên nhiên, Mỹ, châu Âu, Úc với hạ tầng xanh, rừng trong đô thị hay thành phố trong rừng.

          Qua đó, Đà Nẵng cần ban hành các quy định công tác quản lý, phát triển cây xanh; Đẩy mạnh công tác phân cấp và thống nhất quản lý của các đơn vị;  Hoàn thiện các quy định trồng, quản lý, duy tu, đẩy mạnh khuyến khích đầu tư nguồn vốn ngoài ngân sách; Lựa chọn cây phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, phân loại cây xanh công cộng, cây xanh hạn chế, cây xanh chuyên dụng; Cuối cùng, trong thời kỳ công nghiệp lần thứ 4 cần đưa ngay ứng dụng phần mềm, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa một hay nhiều khâu trong công tác quản lý cây xanh đô thị góp phần giải phóng sức lao động con người, nâng cao hiệu quả chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cây xanh đô thị, tăng khả năng lưu trữ và xử lý thông tin mang tính tích hợp cao và mang tính liên ngành trong công tác quản lý đô thị.

Cửu Loan (ghi chép)

Check Also

d308b2c4511ef140a80f

HỘI THẢO: ĐÔ THỊ MỚI HÒA VANG – TẦM NHÌN VÀ THÁCH THỨC

          Sáng nay 31/5/2024 tại Hội trường Huyện ủy  Hòa Vang đã …