Home / QUY HOẠCH / Phát triển thành phố Đà Nẵng thành đô thị trung tâm động lực của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Phát triển thành phố Đà Nẵng thành đô thị trung tâm động lực của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Vùng Kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung, gồm 5 tỉnh, thành phố có tổng diện tích khoảng 2.788.400 ha, với đất đai kém phì nhiêu, quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa của các tỉnh phần lớn dựa vào sự phát triển của các đô thị trực thuộc như Huế, Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Quy Nhơn và các thị trấn (Chân Mây, Chu Lai, Vạn Tường, Nhơn Hội,…). Sự phát triển mạnh mẽ của các đô thị này góp phần vực dậy nền kinh tế của khu vực và dần khẳng định vai trò, vị thế của vùng KTTĐ miền Trung. Hiện nay, các đô thị này đang có những định hướng phát triển khá tương đồng là dựa vào thế mạnh của đô thị ven biển: đẩy mạnh phát triển cảng biển, du lịch, logistics, chế biến và đánh bắt thủy sản,… Sự phát triển dàn trải của các đô thị sẽ triệt tiêu dần thế mạnh kinh tế của từng tỉnh, biến các đô thị trở thành các đối thủ của nhau trong quá trình cạnh tranh và phát triển.

1. Vai trò của liên kết đô thị trong phát triển kinh tế vùng

Để khu vực thật sự trở thành Vùng KTTĐ, phát triển bền vững, cần tập trung nghiên cứu chiến lược phát triển tổng thể cho cả khu vực; Các đô thị cần liên kết chặt chẽ với nhau trong quá trình phát triển, phát huy thế mạnh, nâng cao sức cạnh tranh của toàn vùng và góp phần giải quyết những vấn đề chung của bài toán phát triển bền vững đối với từng địa phương. Quá trình liên kết và hỗ trợ giữa các đô thị một cách hiệu quả là cơ sở hình thành Chuỗi đô thị, tạo động lực phát triển cho cả Vùng.

1.1 Điều kiện tự nhiên đặc thù chung của khu vực

Để giải quyết bài toán phát triển cho Vùng KTTĐ miền Trung, trong quá trình nghiên cứu, các Chuyên gia luôn xác định các tỉnh thuộc Vùng KTTĐ miền Trung chịu nhiều bất lợi với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình hẹp theo chiều Đông -Tây, sông suối ngắn, độ dốc lớn thường gây ra lũ lụt,… khu vực gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế bền vững. Song, bên cạnh những bất lợi, các tỉnh thuộc Vùng KTTĐ miền Trung có vị trí thuận lợi trong giao lưu kinh tế, văn hóa với các tỉnh trong nước, quốc tế bằng cả đường bộ, đường biển và đường hàng không. Các tỉnh, thành phố trong vùng đều tiếp giáp với biển Đông, với dải bờ biển dài trên 600km là tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế biển gắn với du lịch, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay của các quốc gia trên thế giới là Đô thị hướng biển. Kinh tế biển chiếm vị trí then chốt bao trùm nhiều vấn đề về thương mại, du lịch, các khu công nghiệp, đặc khu kinh tế, cảng biển, khai thác khoáng sản, dầu khí, đánh bắt hải sản, an ninh quốc phòng,…

1.2. Phát triển các đô thị ven biển trong vùng thành chuỗi đô thị động lực.

Các đô thị lớn dọc theo bờ biển sẽ là trung tâm động lực cho cả vùng, có vị thế, tầm ảnh hưởng lớn và đóng vai trò động lực trong phát triển kinh tế – xã hội của toàn vùng và các khu vực lân cận. Tại các cuộc hội thảo về chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Vùng KTTĐ miền Trung, nhiều nghiên cứu tập trung vào vấn đề liên kết vùng và đề xuất nhiều giải pháp nhằm tìm ra cơ chế và cách giải quyết để vượt qua rào cản “cảm giác ranh giới hành chính” đã cản trở xu thế tự nhiên trong hợp tác giữa các tỉnh trong vùng. Sự liên kết là xu thế tất yếu của các tỉnh trong Vùng KTTĐ miền Trung. Đây là yếu tố quan trọng và cần thiết nhất để vực dậy nền kinh tế non trẻ của “khúc ruột” miền Trung;

Bài viết chỉ đề cập chủ yếu đến sự liên kết các đô thị trong Vùng KTTĐ miền Trung nhằm hình thành Chuỗi đô thị động lực, làm cơ sở cho sự liên kết vùng bền vững và hiệu quả hơn. Để đạt được mục tiêu, ngoài sự nổ lực cần thiết của các địa phương, Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong định hướng chiến lược, chính sách, cơ chế, làm nền tảng cho quá trình liên kết của các đô thị. Chính phủ cần có cơ chế khuyến khích đầu tư đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp cùng tham gia; nhằm đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật tạo sự liên kết bền vững giữa các đô thị, đặc biệt về hệ thống giao thông (Đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không…), thông tin liên lạc, cấp điện, cấp nước… nhằm rút ngắn khoảng cách giữa các đô thị, tạo điều kiện tối đa cho các hoạt động giao thương.

2. Vai trò của Đô thị trung tâm trong quá trình liên kết và phát triển Chuỗi đô thị, những ưu thế của thành phố Đà Nẵng.

Quá trình xây dựng, liên kết các đô thị thành một chuỗi hoàn hảo là một quá trình lâu dài, bên cạnh sự nỗ lực mạnh mẽ của các đô thị thì vị trí trung tâm của chuỗi đô thị sẽ góp phần nâng cao vị thế, vai trò về kinh tế xã hội của từng địa phương cũng như của vùng đối với quốc gia và quốc tế, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội toàn vùng cũng như cả nước. Thành phố Đà Nẵng là đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, với vị trí kinh tế thuận lợi, đầu mối giao thông và là điểm nút của hành lang Kinh tế Đông – Tây đã tạo cho Đà Nẵng nhiều ưu thế trong phát triển kinh tế – xã hội. Nắm bắt được cơ hội, thành phố Đà Nẵng cũng có cách đi riêng với khát vọng sớm trở thành đô thị hiện đại. Chính điều đó đã tạo nên tư duy đột phá trong quy hoạch, kiến trúc và diện mạo đô thị được thay đổi từng ngày và dần dần khẳng định là Trung tâm động lực của Vùng KTTĐ miền Trung.

Để khẳng định tầm vóc của đô thị động lực của Vùng, thành phố Đà Nẵng đã quan tâm phát triển hạ tầng đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, xanh sạch và bền vững. Công tác quy hoạch không gian đô thị đã khai thác các lợi thế về biển, sông, núi, rừng kết hợp hài hòa với phương châm “kéo dài bờ biển, mở rộng bờ sông”; Đến nay, hầu hết các công trình trọng yếu về hạ tầng đô thị của thành phố đã được đầu tư, đưa vào sử dụng; nhiều khu đô thị mới được hình thành đã tạo nên một thành phố Đà Nẵng có diện mạo tươi trẻ, khang trang và hiện đại.

3. Phát triển thành phố Đà Nẵng thành thành phố trung tâm của “Chuỗi đô thị động lực Vùng KTTĐ miền Trung”

Với tốc độ phát triển mạnh mẽ của các tỉnh thuộc Vùng KTTĐ miền Trung, để khẳng định vị trí là đô thị trung tâm động lực của Vùng, Thành phố Đà Nẵng cần tập trung phát triển nhiều mặt, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực; chú trọng phát triển, mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác với nhiều địa phương trong và ngoài nước, nhất là việc đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển với các tỉnh Vùng KTTĐ miền Trung trong việc khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng tỉnh.

Trong khuôn khổ bài viết này, người viết chỉ đề cập đến một số vấn đề cốt lõi liên quan đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, với mong muốn xác định những ưu thế vượt trội của thành phố Đà Nẵng. Trên cơ sở đó, từng bước có những chính sách phù hợp, chiến lượt đầu tư cần thiết để xây dựng và phát triển thành phố xứng tầm là đô thị trung tâm của Chuỗi đô thị động lực KTTĐ miền Trung.

3.1. Vấn đề hệ thống hạ tầng kỹ thuật

Hạ tầng kỹ thuật là cơ sở trọng yếu và tiên quyết cho bất kỳ đô thị nào. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật thể hiện mức độ tiên tiến của một đô thị. Một đô thị phát triển bền vững là đô thị có hệ thống cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc, giao thông vận tải,… luôn được đảm bảo thông suốt. Đối với thành phố Đà Nẵng, ngoài việc đáp ứng nhu cầu cần thiết của cư dân trong đô thị, cần quan tâm đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho các đô thị lân cận. Đây là yếu tố quan trọng trong quá trình giao thương, liên kết với các đô thị lân cận. Trong đó lĩnh vực giao thông đóng vai trò then chốt, cần tập trung hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải giữa các đô thị, đảm bảo việc di chuyển thuận lợi của người và hàng hóa giữa thành phố Đà Nẵng và các đô thị trong vùng .

image001

Mạng lưới xe khách liên tỉnh đi và đến Đà Nẵng

image003

Mật độ bao phủ của đường bộ theo khu vực năm 2008*

*Đoàn Nghiên cứu chiến lược phát triển liên kết TP Đà Nẵng và vùng phụ cận (DaCRISS)

Đối với đường bộ, thành phố Đà Nẵng không có đủ không gian cho đường bộ so với Tokyo (15,8%), Singapore (12,0%) và Bangkok (8,5%), do vậy cần dành quỹ đất để phát triển các phân khu chức năng, các đầu mối giao thông tầm cỡ quốc gia, vùng làm điểm trung chuyển khách du lịch của Vùng. Cần sớm đầu tư mở rộng đường cao tốc Đà Nẵng – Dung Quất, đường Hồ Chí Minh,… để rút ngắn thời gian di chuyển giữa các đô thị. Đối với các đô thị lân cận, đặt biệt là các di sản văn hóa, cần triển khai sớm các tuyến xe buýt nhanh như: Đà Nẵng – Huế, Đà Nẵng – Hội An, Đà Nẵng – Mỹ Sơn.

Đối với đường hàng không, cần tập trung đầu tư sân bay Đà Nẵng thành sân bay quốc tế tầm cỡ khu vực với lưu lượng 10-15 triệu khách/năm (hiện nay là 4 triệu khách/năm). Sân bay Đà Nẵng chỉ phục vụ cho hành khách và hàng hóa, từng bước di chuyển sân bay quân sự và các khí tài liên quan ra khỏi sân bay Đà Nẵng. Chuyển đổi công năng của sân bay Nước Mặn thành sân bay trực thăng thuần túy, phục vụ công tác cứu hộ, cứu thương và dịch vụ du lịch.

Đối với đường sắt, cần di chuyển nhà ga ra khỏi trung tâm thành phố, xây dựng mới nhà ga đường sắt mới với kho tàng, bến bãi đủ phục vụ cho nhu cầu đi lại của người và hàng hóa.

Đối với đường thủy, không nên phát triển mở rộng Cảng hàng hóa tại thành phố Đà Nẵng, thành phố nên sử dụng đất vào mục đích du lịch thay cho các kho tàng, bến bãi, dịch vụ logictics. Thành phố cần tập trung phát triển phục vụ du lịch, thay đổi công năng của cảng Liên Chiểu thành cảng du lịch với chức năng trung chuyển khách du lịch đường thủy cho các tỉnh lân cận trong vùng. Khơi thông dòng sông Cổ Cò nối liền hai đô thị Đà Nẵng – Hội An. Phối hợp với các đô thị Hội An, Chân Mây, phát triển loại hình taxi nước phục vụ kết nối các vùng di sản Huế – Đà Nẵng – Hội An – Cù Lao Chàm.

3.2. Vấn đề hệ thống hạ tầng xã hội

Trên nền tảng của Hạ tầng kỹ thuật bền vững, Thành phố cần tập trung phát triển Hạ tầng xã hội có chiều sâu, phấn đấu đi đúng mục tiêu “Xây dựng Đà Nẵng thành thành phố môi trường, là trung tâm thương mại, du lịch, tài chính, ngân hàng; trung tâm công nghệ cao, giáo dục, đào tạo, y tế chuyên sâu”.

Về văn hóa và giáo dục, việc phát triển nguồn nhân lực đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao được đánh giá là yếu tố quan trọng bậc nhất cho phát triển kinh tế của các quốc gia và vùng lãnh thổ. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách của khu vực. Thành phố Đà Nẵng có ưu thế là trung tâm lớn thứ 3 cả nước về đào tạo nguồn nhân lực, cần mở rộng liên kết với các quốc gia trên thế giới đảm bảo đào tạo và cung cấp nhân lực chất lượng cao cho khu vực. Thành phố có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các trường đại học,  cao đẳng đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các nền giáo dục tiên tiến của thế giới.

Về y tế, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu an sinh xã hội của thành phố, Đà Nẵng cần đặt mục tiêu trở thành trung tâm an dưỡng và điều trị sức khỏe, thẩm mỹ của cả nước và khu vực. Ngoài việc đầu tư bệnh viện ung thư tầm cỡ Đông Nam Á, thành phố cần đầu tư thêm các loại hình y tế kết hợp du lịch, như dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, điều dưỡng cao cấp. Phát triển các dịch vụ cứu hộ, cấp cứu bằng trực thăng.

Về du lịch, Vùng KTTĐ miền Trung có vị trí đặc biệt trong bản đồ du lịch của cả nước, là nơi tập trung nhiều di sản văn hóa thế giới như đô thị cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế. Về mặt địa lý, Đà Nẵng là trung tâm của các di sản này, có điều kiện đặc biệt thuận lợi để phát triển Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng định hướng phát triển của thành phố. Ngoài việc nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch của địa phương, thành phố cần có chiến lượt kết nối với địa điểm du lịch nổi tiếng lân cận. Với các thế mạnh của mình, thành phố Đà Nẵng hoàn toàn đủ cơ sở phấn đấu trở thành Trung tâm Hội nghị của khu vực châu Á trong một tương lai không xa?.

Nhìn một cách tổng thể, mặc dù có sự nỗ lực của Chính phủ trong việc đầu tư cơ sở vật chất cho các tỉnh trong khu vực nhằm thúc đẩy quá trình liên kết vùng thông qua việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, như đường hầm qua đèo Hải Vân, đường Hồ Chí Minh nối Đà Nẵng – Huế, đường cao tốc Đà Nẵng – Dung Quất… Song, việc liên kết vùng, đặt biệt là liên kết trong Chuỗi đô thị chưa đạt được các kết quả tích cực như mong muốn. Ngoài nguyên nhân chính xuất phát từ nền kinh tế có xuất phát điểm thấp, địa hình dàn trải, đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn thì cơ chế chính sách cũng là rào cản lớn trong quá trình liên kết. Chính quyền các tỉnh cần thành lập tổ chức đại diện có trách nhiệm đề xuất các cơ chế phối hợp chung, các chính sách hỗ trợ, khuyến khích hợp tác giữa các đô thị.

Đối với thành phố Đà Nẵng, tận dụng tối đa ưu thế là cửa ngõ trên Hành lang kinh tế Đông – Tây, thành phố đã có “những bước chạy đà” mạnh mẽ, khẳng định vai trò đầu tàu trong sự phát triển chung của vùng. Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng thành trung tâm động lực, đủ vị thế cạnh tranh với các khu vực trong nước và quốc tế là bước đi đúng hướng. Hy vọng với định hướng liên kết bền vững, các tỉnh sẽ phát huy từng thế mạnh riêng của mình, hỗ trợ nhau đưa Vùng KTTĐ miền Trung xứng tầm là “Chuỗi ngọc của Biển Đông”.

Tài liệu tham khảo:

– Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

– Đoàn Nghiên cứu chiến lược phát triển liên kết TP Đà Nẵng và vùng phụ cận (DaCRISS)*.

– Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

– Website của Cục Xúc tiến Thương mại

ThS. KTS LÊ TỰ GIA THẠNH

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …