Home / ĐÔ THỊ - MÔI TRƯỜNG / Môi trường sinh thái, tình trạng và ý hướng – Có chăng lợi thế của kẻ đi sau?

Môi trường sinh thái, tình trạng và ý hướng – Có chăng lợi thế của kẻ đi sau?

        Trong bối cảnh chung hiện nay, việc sử dụng nước ngày càng tăng và thiếu tính toán, con người đã gần như vô tình (chứ không phải hoàn toàn không có nhận thức trước các phương tiện truyền thông hiện đại) làm lệch tính cân bằng nước tự nhiên, tạo ra nguy cơ trữ lượng nước hao hụt dần, đưa tới tình trạng khan hiếm nước xuất hiện theo một vòng kỳ nhất định nhưng ngày càng siết chặt dần. Song mối đe dọa này không nhất thiết phải xảy ra nếu có những biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Cho nên, nhiệm vụ của khoa học là khám phá mối tương quan phức tạp trong thiên nhiên, đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố con người đến chế độ nước và cân bằng nước, xây dựng một hệ thống hành động mang tính tổng hợp qua các chương trình có mục tiêu vì sự tiến bộ và sự phát triển vững bền nhằm giúp con người sử dụng ngày càng hợp lý hơn để bảo vệ nguồn nước khỏi bị kiệt quệ và giữ được chất lượng tự nhiên ban đầu của nước. Bởi vì sự giảm sút khối lượng và chất lượng các nguồn nước là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm thoái hóa môi trường.

Suy giảm khối lượng dẫn tới chất lượng – Bảo vệ chủ yếu vẫn là tạo nguồn

         Thủy quyển vận động theo quy luật tuần hoàn nước và luôn thực hiện những thay đổi tự nhiên của chính nó với biến độ nhỏ hơn những thay đổi do con người tác động vào. Chẳng hạn sự gia tăng độ ẩm hoặc diện tích phân bố cây trồng trong đới khô hạn sẽ làm thay đổi sự chưng thoát hơi khiến lưu khối thiếu hụt cũng tăng lên và điều đó có nghĩa lưu lượng sông ngòi sẽ giảm đi cùng với chất lượng nước. Ở đây lại có sự tương quan giữa khối lượng và chất lượng. Khi lưu lượng nhỏ dần đến mức độ nào đó thì sự xâm nhập mặn bắt đầu càng lúc càng mạnh lên, tiến sâu dần vào vùng hạ lưu. Cũng như vậy, sự khai thác nước vượt quá giới hạn nào đó thì dòng chảy bắt đầu giảm độ trong, hàm lượng chất rắn lơ lửng trong nước tăng lên, có trường hợp trị số pH thay đổi, do nước bắt đầu “chua” (có tính axit). Tất cả đều có thể làm giảm tiềm năng nông nghiệp và ngư nghiệp. Do đó người ta không chỉ lưu ý đến khối lượng chứa trên các sông ngòi mà còn phải xác định sự cần thiết phải tính đến các yếu tố liên quan khác của hiện tượng cân bằng nước. Giả sử trên địa bàn Quảng Nam – Đà Nẵng, trong những điều kiện cho phép dẫn thủy, người ta đưa cây công nghiệp lên vùng đồi và vào vùng đất thiếu nước khoảng 60 ngàn ha, chiếm 10,7% đất chưa sử dụng, theo đó là một chế độ tưới hợp lý, vừa đủ cho sự chưng thoát hơi hữu ích. Lúc ấy lưu lượng dòng chảy của các sông sẽ giảm đi bao nhiêu? (ngoại trừ vùng đất đã đầy đủ độ ẩm nhờ trữ lượng nước có sẵn trong đất trước đây chưa sử dụng tới). Năm 1973, nhà khoa học Đức Kalweit cho rằng trong 130 năm, cùng với sản lượng nông nghiệp gia tăng, lượng nước chưng thoát hơi trên khu vực nghiên cứu đã tăng lên 50mm, và dòng chảy sông giảm gần như tương ứng, chẳng hạn sông Lippe có lượng chưng thoát hơi trên diện tích nông nghiệp 48mm, chiếm 9% dòng chảy của sông này. Nhà khoa học Keller (Đức) cũng cho một kết quả nghiên cứu tương tự nhưng với sự tăng thêm 81mm so với thời kỳ trước đó thì dòng chảy đã giảm đi 14% mặc dù lượng mưa có tăng 25mm.

Sông Thu Bồn - Quảng Nam
Sông Thu Bồn – Quảng Nam

          Tuy vậy cần nhận thấy rằng mối liên quan giữa năng suất nông nghiệp và sự chưng thoát hơi hữu ích không phải luôn luôn tỉ lệ thuận. Và cố nhiên, việc khảo sát nghiên cứu về cân bằng nước phải bao gồm cả việc phân tích tính chất biến đổi, những phần dao động dòng chảy ngẫu nhiên và cố định cùng với các thời kỳ lũ lụt và khô hạn, quá trình xâm thực trong những vùng có diện tích thoát nước làm giảm thể tích nước chứa trong đất, các đỉnh lũ tăng lên, lòng sông bị lấp đầy trầm tích làm giảm dung tích chứa ẩm…

Một tiên liệu phải chăng là xa vời!

         Nhìn chung thì chất lượng nước hiện nay tại các sông trên địa bàn Quảng Nam – Đà Nẵng vẫn còn tốt và dồi dào. Song trong vòng 20 năm tới, để thoát khỏi nguy cơ tụt hậu xa hơn nữa, “vòng đua đầu tiên” này luôn bị thúc đẩy bởi tâm lý và ước vọng rút ngắn khoảng cách nên sự dồn sức cho công nghiệp và cho nhiều công trình khác thường vẫn ở trên tình trạng trên khả năng huy động vốn đầu tư hiện có. Do vậy, một số hạng mục dành cho bảo vệ môi trường, trong đó có khối lượng xây dựng, lắp ráp riêng cho việc chống ô nhiễm nguồn nước sẽ có thể trong một số trường hợp không được xúc tiến đúng quy trình kỹ thuật xử lý và kế hoạch phân bổ chi phí của dự án. Bộ máy quản lý Nhà nước có thể vẫn trong hoàn cảnh chưa đủ thực lực để làm tròn chức năng quản lý về phương diện bảo vệ môi trường trước khối kinh tế tư nhân đang phát triển mạnh. Mặt khác, nhịp độ đô thị hóa với chiều hướng ngày càng tập trung dân cư đông đảo vào các trung tâm thương mại, dịch vụ và khu công nghiệp; kể cả thị trấn, thị tứ chiếm từ 35-45% dân số trên địa bàn, trong lúc cơ sở hạ tầng của môi trường đô thị vẫn còn ở trong tình trạng chỉ đủ cho một số dân trên ít hơn 3,4 lần (xây dựng từ đầu thế kỷ, mặc dầu có bổ sung sửa chữa) như đường ống cấp nước, cống rãnh và nơi tập kết chất thải rắn. Những hệ thống này có thể đến lúc ấy vẫn chưa được xây dựng mới một cách đồng bộ, hoàn chỉnh và hiện đại trong kỹ thuật xử lý để giải quyết 95% tổng các chất thải thoát ra môi trường sông biển từ nguồn sinh hoạt và sản xuất công nghiệp. Tình hình ấy sẽ diễn ra cùng một lúc, trở thành những hoạt động ngoài khả năng kiểm soát được của bộ máy quản lý xã hội, dễ đưa tới những đảo lộn đáng tiếc trong cân bằng động lực của các hiện tượng tự nhiên và hủy hoại mối quan hệ giữa các hợp phần của môi trường, mà trước hết là sự ô nhiễm các vùng nước mặn (như sông ngòi, ao hồ chứa nước, dải biển ven bờ…) không khí, các hiện tượng đất và xói mòn làm cạn dòng chảy, các hoạt động chiếm dụng diện tích rừng…

Sơ đồ dự tính không phải là một sự ngoại suy đơn giản từ thực tại

        Nước trên 6 sông ngòi từ Liên Chiểu đến Dung Quất đều có thể nhận được trong tương lai một lượng nước thải khá lớn từ các khu công nghiệp, các trung tâm và đô thị. Trong số các khu công nghiệp này, phần lớn đều có công nghiệp hóa chất hoặc liên quan đến kỹ thuật chế biến từ nguyên liệu hóa học, chẳng hạn khu công nghiệp và cảng Liên Chiểu có luyện cán thép, cao su, hóa chất và xi măng; khu công nghiệp Hòa Khánh có giấy, vải, thủy tinh, nhựa tổng hợp, hóa chất (1); khu công nghiệp An Hòa – Nông Sơn chủ yếu là công nghiệp nặng và công nghiệp hóa chất; khu công nghiệp Chu Lai – Kỳ Hà quan hệ với khu công nghiệp phức hợp Dung Quất, có công nghiệp hóa dầu, công nghiệp hóa chất, phân bón, luyện cán thép, chế biến hải sản… Các sông nói trên còn nhận được lượng nước rửa trôi từ các cánh đồng nông nghiệp mang theo các hóa chất của lượng phân bón, thuốc trừ sâu…cùng một lượng nước thải sinh hoạt ước khoảng 50% lượng nước thải công nghiệp từ các khu đô thị Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, An Tân, Vạn Tường và nhiều thị trấn, thị tứ khác rải rác trên địa bàn mà hầu hết đều xây dựng bên cạnh các dòng nước. Các thành phố này sẽ có rất nhiều xí nghiệp hóa chất cấp II, cấp III nhằm đáp ứng nguyên liệu dưới nhiều dạng cho hàng trăm cơ sở chế biến hóa chất để có hàng ngàn sản phẩm dân dụng liên quan đến những hợp chất trộn lẫn với nhau có thành phần cực kỳ phức tạp. Công nghệ hóa học mà khối kinh tế tư nhân thường vận dụng có thể phân làm nhiều nhóm như các chất kết dính, các dung dịch nhũ tương (NT) huyền phù và bọt (NT benzyl benzoat, NT metyl salixylat, NT sunfatiazol, NT dung môi hydro-cacbon, các NT clo hóa…), các chất tẩy rửa, các chất bôi trơn và dầu nhờn, các chất dẻo, cao su, nhựa, các thuốc trừ sâu, mối, nấm bệnh, cỏ dại, các hỗn hợp đặc dụng… Nước thải từ những cơ sở này tuôn ra không kém độc hại (2). Ngay trong khâu công nghệ hồ vải cao cấp, trước khi qua máy cán lạnh, giặt và sấy khô, hàng triệu thước vải phải chạy qua dung dịch axit sunfuric 2 – 5%. Công nghiệp giấy cũng vậy, để hạn chế sự lắng cặn và sự phát triển vi sinh vật trong nước nghiền bột giấy, người ta đã dùng một số lượng hóa chất như dihydroxy, natri, hidroxit, diclodiphenylmetan… Nhà máy giấy Cogido đã bị khiếu nại về nạn nước thải ra sông Đồng Nai chưa được xử lý. Các nhà máy cán thép cũng dự phần nào quá trình làm giảm chất lượng nước sông bằng lượng nước thải chứa hàng tấn các vật chất lơ lửng cùng các loại dầu mỡ kỹ thuật. Các nhà máy xi măng, các xí nghiệp khai thác đá, khai thác khoáng sản có thể đưa vào lòng sông hàng ngàn tấn bột đá, quặng kim loại thải, tạo nên một lớp bùn ngày càng dày lên. Những dòng nước thải từ các sản phẩm hóa học trên sẽ tạo nên một hợp chất có thành phần luôn biến đổi, vừa tác dụng lẫn nhau, vừa tác dụng với nước, nhất là với nước biển để trở thành những chất nguy hiểm. Ví dụ Niken là một chất tương đối ít độc, nhưng nếu nó ở trong nước thải chứa đồng thì tính chất độc hại của nó sẽ tăng lên 10 lần. Sunfat sắt và axit sunfuric là chất thải thông thường với khối lượng lớn của các công ty hóa chất, khi hỗn hợp với nước sẽ tạo nên một dung dịch keo hidroxyt sắt, có màu vàng rất độc có thể giết chết bất kỳ loại cá nào từ mặt nước xuống sâu 100m. Một thử nghiệm đối với nước sông Saint – Louis (Tiểu bang Missouri – Hoa Kỳ) nơi có nhiều hệ thống nước thải công nghiệp và sinh hoạt trực tiếp đổ vào: Người ta kinh hoàng nhận thấy khi một phần nước thải pha loãng với 10 phần nước sạch thì cá bị chết trong 1 phút, và nếu với tỷ lệ 1/100 thì cá chết sau một ngày. Cũng tại Mỹ cách đây 3 thập kỷ, ở Tiểu bang New Mexico đã xuất hiện một số trường hợp của một bệnh kỳ lạ cho cả người lớn và trẻ em, chưa có tên gọi là bệnh gì. Khi truy tìm nguồn gốc mới phát hiện có sự xâm nhập của chất thủy ngân vào cơ thể con người qua thịt, cá. Hậu quả bi đát đó là do các xí nghiệp hóa chất trong khi sử dụng một lượng thủy ngân để làm thuốc trừ sâu và diệt cỏ đã để chất này theo nước thải hòa vào khối nước mặt mà quên hiểu rằng đây là một nguyên tố nguy hiểm gần như không thể diệt được. Một trường hợp khác cho mãi tới nay chưa có khả năng phục hồi được, đó là nước sông Rhin, một con sông chảy qua nhiều đô thị và khu công nghiệp ở Tây Âu. Các nhà hóa học Hà Lan, sau khi phân tích nước sông này ở vùng hạ lưu đã đi đến kết luận rằng hàm lượng các chất độc đã đến nồng độ rất cao làm cho nước sông không thể dùng để đánh răng chứ đừng nghĩ đến dùng để uống.

Và có lẽ không phải chỉ có thế

         Những ví dụ về sự ô nhiễm đã làm nên thảm họa có thể liệt kê hàng trăm trang giấy, hậu quả của quá trình công nghiệp hóa thiếu biện pháp bảo vệ môi trường sinh thái cách đây nửa thế kỷ hoặc gần đây của các nước phương Tây. Có lẽ khá đông trong chúng ta thừa biết rằng sử dụng nước từ nhiều con sông bị ô nhiễm do nước thải công nghiệp không được xử lý đúng đắn và nước rửa trôi từ đồng ruộng, trong đó không thể không có các chất gây ung thư thuộc nhóm benzen, traxen, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu. Phốt phát, nitrat trong phân bón, chì, thủy ngân, canxi, antimoan… Vì vậy, trước hơn ai hết, nhân dân các vùng công nghiệp hoặc đang tất cả vì một sự nghiệp công nghiệp hóa nên lưu ý rằng nếu vẫn không xem bảo vệ môi trường sinh thái là một trong những tiêu chí hàng đầu thì trong nhiều năm tới đây, chất độc vô cơ, hữu cơ sẽ xâm nhập dần vào cơ thể con người qua hệ thống cấp nước, qua thực phẩm cá, thịt, rau quả…; thậm chí cả khi nồng độ ô nhiễm đã được pha loãng đến mức độ không nguy hiểm, thì do tồn tại bền vững, một số chất vẫn hiện diện trong dây chuyền thực phẩm. Và do sự tồn tại đó đã làm giảm đi sức sinh trưởng, hạn chế tốc độ truyền giống, tái sản xuất, làm tổn thương khả năng chống chịu lại bệnh tật của nhiều động vật dưới nước, nhiều loại chim ăn cá, mà sau đó có cả con người.

          Và không phải chỉ có thế, ngoài các sông Cu Đê, Vu Gia – Thu Bồn, Cẩm Lệ, Tam Kỳ, Trà Bồng… đang chờ đợi cống hiến thêm dòng nước trong mát lành mạnh của mình cho sự nghiệp phát triển, đất Quảng Nam – Đà Nẵng còn có vịnh Đà Nẵng và 150km dải biển ven bờ xinh đẹp, kỳ thú, có vai trò kinh tế cực kỳ quan trọng đối với nhân dân trong vùng, cũng đang chất chứa những nỗi day dứt do bởi con người còn thiếu hiểu biết về đặc tính địa lý và môi trường biển cũng như đối bờ biển trước nạn ô nhiễm ngày càng trầm trọng làm suy giảm dần tiềm năng và thuận lợi vốn có của biển cả.

Tài liệu tham khảo:

  • Các tài liệu về công nghiệp hóa học.
  • Viện chiến lược phát triển (UBKHNN): Phương hướng quy hoạch phát triển công nghiệp và kết cấu hạ tầng vùng KTTĐMT 95 – 2010.
  • Ture (L): Le Bilan d’cau des sols: Re-lation entre les précipitation et l’écoule-ment.
  • Hệ thống thoát nước thải của khu công nghiệp Hòa Khánh sẽ tập trung vào 3 hướng: Sông Cu Đê, Bầu Tràm, Bầu Sen.
  • Sẽ vượt quá giới hạn nồng độ chấp nhận được (seuil de concentration Admissible).

Nguyễn Phúc

ĐTPT/Số 68-69

Check Also

brg-smarttown-15198048646601809363374 (1)

Xu hướng phát triển đô thị xanh trên thế giới

Mời bạn đọc xem ” Xu hướng phát triển đô thị xanh trên thế giới” …