Home / VĂN HÓA-DU LỊCH / PHÓNG VIÊN TRƯỚC NHU CẦU “SỐ HÓA”

PHÓNG VIÊN TRƯỚC NHU CẦU “SỐ HÓA”

Phóng viên trước nhu cầu “số hóa”

Xã hội không ngừng tăng tiến tốc độ số hóa, đang đòi hỏi những người ở tuyến đầu thông tin – những phóng viên tác nghiệp báo chí phải khẩn trương cập nhật đổi mới năng lực làm việc của mình. Gần như để hoàn thành một tác phẩm báo chí bây giờ, phóng viên không còn chỉ làm đơn thuần một việc viết và viết.


thpoi dai

Không ít phóng viên các thế hệ 1960 – 1970 đã tự nhận định mình là người lạc hậu, khi nhìn vào cung cách làm việc, tốc độ viết tin bài của những phóng viên trẻ hiện nay. Các tòa soạn, nhất là tòa soạn điện tử không còn cảnh phân chia phóng viên theo thao tác nghề nữa, không còn phóng viên ảnh, phóng viên thời sự… Người cầm bút bây giờ, phải viết nhanh, có thông tin nhanh, đồng thời cần biết máy tính, kỹ thuật xử lý các công cụ trực tuyến, rồi cả làm phim…

Đa dạng thức “số hóa”

“Phóng viên giờ không còn cần trang bị lỉnh kỉnh túi xách, máy ảnh với đủ loại ống kính, mà chỉ gọn nhẹ với máy tính xách tay và điện thoại di động, nhưng số lượng thao tác khi tác nghiệp thì tăng gấp nhiều lần”. Thanh Thảo, thư ký tòa soạn một tạp chí điện tử mảng kinh tế doanh nghiệp thổ lộ như vậy. Cô nhấn mạnh rằng, tuyển dụng phóng viên thời nay đồng nghĩa với việc tiếp nạp thêm vào hệ thống bài vở trực tuyến thêm một tài khoản định danh, và công việc của những người đi trước như cô là hướng dẫn phóng viên mới làm quen với giao diện tòa soạn điện tử, những thủ thuật, thông số cần thiết khi viết lách. Ngoài ra các phóng viên còn phải học thủ thuật SEO các từ khóa “nóng”, tag những từ khóa cần thiết trong bài viết để thuận tiện cho các phần việc tòa soạn. Khá nhiều bài viết các phóng viên còn cần xử lý cả clip video, tệp âm thanh. Phóng viên càng giàu kinh nghiệm thao tác, tòa soạn càng đỡ mất công hiệu chỉnh biên tập, và phóng viên đó có nhiều cơ hội để tin bài nổi bật hơn, đạt lượng xem cao hơn.

Nghĩa là theo Thanh Thảo, công việc phóng viên hiện tại không còn thuần nhất là người cầm bút. Phóng viên cũng không thể cầu viện tòa soạn giúp chọn hình ảnh minh họa đẹp hơn cho bài viết của mình, lại càng không thể trông mong có đồng nghiệp hỗ trợ biên tập, xuất bản… Lợi thế của người làm báo hôm nay là đã được cả một không gian điều kiện tác nghiệp thuận lợi với Internet, với các loại phần mềm hỗ trợ, thì cũng đồng nghĩa với việc phóng viên phải tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để không “bó tay” trước những yêu cầu mới từ tòa soạn và thực tiễn bạn đọc truy tìm.

Mới đây, với sự hiện diện của các phần mềm chatbot thông minh, cho phép xử lý văn bản tự động, áp lực của người viết càng gia tăng. Một thống kê nội bộ ở giới truyền thông TP.HCM cho biết, tầm 60% đơn vị truyền thông số hóa tại địa phương này bị ảnh hưởng hoạt động, khi những người cầm bút “không thể sao chép, cắt lọc thông tin trên mạng” nhanh bằng chatbot thông minh. Nhiều phóng viên các mảng thời sự, “hot” view xã hội, văn hóa “showbiz” phải thừa nhận lúng túng vì quen xử lý thông tin cóp nhặt hơn là sáng tạo ra. Theo đó, không ít người phải lập tức cập nhật lại kỹ năng làm việc, học sử dụng những chatbotthông minh để không tự mình đào thải khỏi công việc. Tiếp đó, khi các phần mềm chuyển đổi âm thanh ra chữ viết được lan tỏa, các phóng viên lại phải mau lẹ tiếp cận, tự động biến mình thành người chỉnh sửa các văn bản được tạo ra.

Cần những thước đo công nghệ

Điều khiến nhiều người làm công tác tòa soạn báo chí vui mừng, là yêu cầu số hóa trong tác nghiệp báo chí càng tăng, khiến công tác tòa soạn thuận lợi hơn; thì cũng chính là mối nguy trăn trở. Bởi phía sau những bài vở soạn trực tuyến, tòa soạn nào cũng dễ “dính nguy cơ” bài vở sao chép, thông tin vi phạm bản quyền đâu đó. Một khi phóng viên chạy đua tốc độ làm tin bài, không đủ thời gian để kiểm chứng các dữ liệu có được, vấn nạn cẩu thả trong viết lách, sai sót trong dữ liệu, và nhất là vi phạm “ăn cắp” bài viết trên các diễn đàn, mạng xã hội… sẽ phát sinh, gây bức xúc dư luận. Khá nhiều trường hợp các tòa soạn đã phải trả giá đắt cho những bài viết “câu view” thiếu kiểm chứng, hời hợt trong xử lý dẫn đến sai dữ liệu từ các phóng viên nóng vội bởi áp lực tin bài.

“Thắt chuông ở đâu, tháo chuông ở đó”. Suy nghĩ này của các tòa soạn điện tử đặt ra vấn đề thiết yếu cho trang bị bảo mật của các cơ quan báo, tạp chí. Đó là phải có những phần mềm công cụ làm thước đo, đầu mối phát hiện những sai phạm trong tác nghiệp báo chí từ phóng viên. Những ứng dụng chuyên nghiệp này, từ tra cứu, phát hiện sai chép văn bản, hình ảnh trong các bài viết, đến phát giác các thủ đoạn “view giả”, mới có thể giúp chấn chỉnh, nhắc nhở người viết có trách nhiệm và nghiêm túc hơn khi tác nghiệp viết báo.

Tất nhiên, không phải tòa soạn nào cũng có đủ khả năng tài chính để trang bị đủ phương tiện tra soát thông tin. Thậm chí, với vấn đề bản quyền hình ảnh, âm thanh…, nhiều tòa soạn thừa nhận không có khả năng “mua bản quyền” từ các đơn vị cung cấp chuyên nghiệp. Ngay với một số phần mềm làm việc phổ biến với phóng viên, như trình sửa ảnh, công cụ biên soạn văn bản…, nhiều tòa soạn cũng chưa thể trang bị bản quyền đầy đủ cho phóng viên.

Quy tụ lại, trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp vẫn là điểm mấu chốt để phóng viên đảm bảo tác nghiệp báo chí với tinh thần “số hóa”. Cập nhật, đổi mới những yêu cầu áp dụng công nghệ trong quá trình làm việc đã trở thành đòi hỏi tất yếu, buộc phải có của người phóng viên, song không thể vì những lý do này, mà tác nghiệp phóng viên chấp nhận những sự tùy tiện, vi phạm các quy chuẩn đạo đức nghề. Đây thực sự là những vấn đề rất quan trọng, đòi hỏi sự quan tâm từ chính các tòa soạn báo chí, hợp tác cùng phóng viên để triển khai hiệu quả, chất lượng các nội dung báo chí.

Nguyên Đức
Chuyên đề Đô thị 

Check Also

THUNG LŨNG YARRA (1)

TRỞ LẠI AUSTRALIA

TRỞ LẠI AUSTRALIA Mùa lá đỏ ở thung lũng Yarra Australia cuối thu. Đúng 8 …