Home / VĂN HÓA-DU LỊCH / Nghệ thuật sử dụng màu sắc trong Phong thủy

Nghệ thuật sử dụng màu sắc trong Phong thủy

     Khi người ta nhắc đến Phong thủy, thì có hai vấn đề quan yếu mà những ai quan tấm đến lĩnh vực này đều phải biết, đó là phép xem dương trạch, còn gọi là thuật trạch cát (hướng nhà và nơi tọa lạc của người sống), phép định âm phần còn gọi là khoa địa lý (hướng mồ mạ và định huyệt vị của người chết). Gọi chung là khoa địa lý phong thủy.
Ở khoa địa lý phong thủy, các phương hướng được quy nạp vào bát quái, gọi là bát quái phương vị. Mỗi phương vị trong bát quái ứng với một quẻ trong tám quẻ (Càn – Khảm – Cấn – Chấn – Tốn – Ly – Khôn – Đoài). Và mỗi quẻ ứng với một hành trong ngũ hành (Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ). Ngoài ra còn ứng với Cửu tinh, Nhị thập bát tú v.v…

     Tuy nhiên cũng có hai phương mang cùng một hành nhưng khác nhau ở chỗ phân định thành âm dương của hành đó. Ví dụ: Trong bát quái phương vị:
– Hướng Đông Bắc thuộc quẻ CẤN: dương Thổ
– Hướng Tây Nam thuộc quẻ KHÔN: âm Thổ
– Hướng Tây Bắc thuộc quẻ CÀN: dương Kim
– Hướng Chánh Tây thuộc quẻ ĐOÀI: âm Kim
– Hướng Chánh Đông thuộc quẻ CHẤN: dương Mộc
– Hướng Đông Nam thuộc quẻ TỐN: âm Mộc

     Lý do có sự khác nhau giữa âm dương trong cùng một hành, vì khi phối vào từng cặp, hệ quả tốt định theo nhứt – nhì – ba – tư và hệ quả xấu cũng y như vậy. Và nguyên lý Âm dương được thể hiện rõ nét trong cách phối các quẻ theo “bát biến du niên” của Khoa Trạch Cát. (Phần dẫn nhập này để quý vị có một ít khái niệm cơ bản trong cách điều tiết quân bình giữa âm dương và ngũ hành liên quan màu sắc sử dụng mà bài này muốn đề cập sắp tới đây.)
Mỗi người tùy theo năm sinh âm lịch của mình, nam hay nữ mà ứng với cung phi bát trạch (một quái trong bát quái), rồi được phân ra làm hai nhóm: Đông Tứ Trạch – Tây tứ trạch, qua đó biết mình thuộc nhóm nào để áp dụng trong phép định phương, lập hướng: Cho dương trạch: khi sống; cho âm phần: khi chết. Thế nhưng trong kiến trúc cảnh quan, gần nhất là không gian nhà ở, bài trí vật dụng sinh hoạt, trang trí nội ngoại thất.v.v… Người ta dùng hành của bản mệnh (tức là người mạng mộc, người mạng kim, mạng hỏa… theo cách nói nôm na) để cân đối qua màu sắc tương ứng với ngũ hành mà chọn cho mình một tông màu thích hợp trong quy luật tương sinh, tương khắc, tương hòa chứ không tính theo cách tính của Khoa Trạch Cát. (dựa vào Cung phi bát trạch).
Quý vị có thể nghiên cứu trong bản “Lục thập hoa giáp” để biết xem mình tuổi gì (dựa vào năm sinh) và ngũ hành nạp âm của tuổi là hành gì?… (Thiên can, địa chi của tuổi tạo ra ngũ hành nạp âm tuổi đó).
Cũng như ngũ hành của phương vị, 2 phương vị có cùng một hành nhưng phân định thành âm dương. Hai người khác tuổi nhau, nhưng có chung một hành đó là âm hoặc dương tuổi.

Ví dụ: Tuổi Giáp Tý: (+) Hải Trung Kim
Ất Sửu: (-) Hải Trung Kim
Tuổi Bính Dần: (+) Lư Trung Hỏa
Đinh Mão: (-) Lư Trung Hỏa

    Và để đơn giản hóa, mọi người chỉ gọi là mạng kim, mạng hỏa, mạng thủy… Nếu xét về cái chung, tất giống nhau. Tuy nhiên khi cổ nhân đã phân chia rạch ròi từ Can – Chi, từ Âm – Dương tuổi thì chi tiết đó phải kèm theo ý nghĩa riêng của nó… Và mọi người cứ nhớ là “mỗi ly là một dặm…” – “Sai mỗi ly sai đi mỗi dặm!!…”

Dựa vào bản quy ước của màu sắc tương quan với ngũ hành, về phần cơ bản thì chúng ta có:
Kim: Màu trắng, sáng trắng kim loại
Mộc: Màu xanh, xanh lục
Thủy: Màu đen, xanh dương (nước biển)
Hỏa: Màu đỏ, hồng, màu tử tía
Thổ: Màu vàng, vàng thổ, nâu…

Theo nguyên lý ngũ hành tương sinh dựa trên màu sắc ta có:
Kim  -> Thủy -> Mộc -> Hỏa -> Thổ (-> Kim…)
Trắng -> Đen -> Xanh -> Đỏ -> Vàng (-> Trắng…)

Theo nguyên lý ngũ hành tương khắc dựa trên màu sắc ta có:
Kim ≠ Mộc≠ Thổ ≠ Thủy ≠ Hỏa (≠Kim)
Trắng ≠ Đen ≠ Xanh ≠ Đỏ ≠ Vàng (≠Trắng)

Và ngũ hành tương h dựa trên màu sắc thì :
Kim = Kim, Mộc = Mộc, Thổ = Thổ, Thủy = Thủy, Hỏa = Hỏa
Trắng = Trắng, Xanh = Xanh, Vàng = Vàng, Đen = Đen, Đỏ = Đỏ…

Áp dụng ngũ hành phối vào màu sắc thì mỗi gam màu cần có cho mỗi người theo luật tương sinh, tương khắc, tương hoà như sau:
1/ Người mạng Kim: Vàng thuộc Thổ (Sinh nhập); Trắng thuộc Kim (Hòa); Xanh thuộc Mộc (Khắc nhập); Đỏ thuộc Hỏa (Khắc xuất); Đen thuộc Thủy (Sinh xuất).
2/ Người mạng Mộc: Đen thuộc Thủy (Sinh nhập); Xanh thuộc Mộc (Hòa); Vàng thuộc Thổ (Khắc nhập); Trắng thuộc Kim (Khắc xuất); Đỏ thuộc Hỏa (Sinh xuất).
3/ Người mạng Thủy: Trắng thuộc Kim (Sinh nhập); Đen thuộc Thủy (Hòa); Đỏ thuộc Hỏa (Khắc nhập); Vàng thuộc Thổ (Khắc xuất); Xanh thuộc Mộc (Sinh xuất)
4/ Người mạng Hỏa: Xanh thuộc Mộc (Sinh nhập); Đỏ thuộc Hỏa (Hòa); Trắng thuộc Kim (Khắc nhập); Đen thuộc Thủy (Khắc xuất); Vàng thuộc Thổ (Sinh xuất)
5/ Người mạng Thổ: Đỏ thuộc Hỏa (Sinh nhập); Vàng thuộc Thổ (Hòa); Đen thuộc Thủy (Khắc nhập); Xanh thuộc Mộc (Khắc xuất); Trắng thuộc Kim (Sinh xuất)

    Tuần tự như trên, mỗi người tùy theo hành của bản mệnh mình vận dụng linh hoạt, quyền biến trong cách sử dụng hợp lý, hợp cảnh, đúng tình tiết, môi trường cảnh quan sinh hoạt, đem lại sự thư thái, nhẹ nhàng trong đời sống tinh thần…
Ở đề tựa của bài này có dùng cụm từ “Nghệ thuật sử dụng màu sắc trong phong thủy”… Vì nếu có nghệ thuật sử dụng thì không có màu nào loại bỏ đi, cho dù màu đó khắc bản mệnh ta, ở phần trên là phần nguyên lý căn bản sử dụng màu sắc trong đời sống. Tuy nhiên, chúng ta đang sống giữa thế giới nhị nguyên. Vì vậy không có gì là ưu việt tuyệt đối, mà luôn có sự đối đãi, qua về, xấu tốt, ưu khuyết hỗ tương cho nhau… Khi hiểu được nguyên lý căn bản của học thuyết âm dương: Tương phản nhưng tương thành; cùng tương tác qua về với nhau để thúc đẩy sự chuyển hoá không ngừng của trạng thái vật chất. Từ nền tảng này chúng ta suy luận qua nghệ thuật sử dụng màu sắc trong phong thủy như dưới đây:
Ánh sáng bao giờ cũng trước mặt ta (Minh đường). Bóng tối bao giờ cũng bố trí sau lưng ta (Hậu chẩn). Tiền tức thủy, hậu nghi sơn (Trước nên có nước, sau nên tựa vào núi).
Tả thanh long, hữu bạch hổ, long nghi tịnh, hỗ nghi động (bên trái là rồng xanh, bên phải là hổ trắng, bên long nên nhẹ nhàng, thanh thoát, tạo cảnh hữu tình đón sinh khí, bên phải mạnh mẽ, nặng nề dùng làm bến, bãi, kho tàng, đựng – để vật chất, dành cho tạp khí (động). Đó là nguyên lý âm dương tương tác, hay là âm dương tiêu trưởng…

    Luận về màu sắc:
Màu sắc nuôi dưỡng cho bản mệnh ta tức là màu đem lại sinh khí. Màu sắc khắc hại bản mệnh ta tức là bại khí. Vì vậy ta nên chọn màu sắc sinh dưỡng cho bản mệnh để tô điểm, trang trí các nơi như phòng khách, phòng ngủ, cổng chính, cửa chính, mặt tiền nhà, trước minh đường… Và bố trí các màu sắc khắc hại bản mệnh ta ở các nơi như nhà tắm, nhà vệ sinh, nhà kho, bãi chứa, nơi ẩm thấp, u ám, nhiều tạp chất… ấy là phép quyền biến trong điều phối màu sắc đóng vai trò và tính năng của nó… Vì không những bàn về chuyện màu sắc, mà có những vấn đề sâu xa hơn, mang hình tượng văn hóa, tâm linh, chúng ta cũng phải sắp xếp theo một trật tự thượng hạ tùy cấp độ rõ ràng…

    Bây giờ chúng ta quan sát nguyên lý âm dương ẩn tàng trong ngũ hành qua màu sắc như ở thuyết động tĩnh:
Màu sắc với cấp độ: Sáng – tối; đậm – nhạt; mạnh – yếu; chìm – nổi; dày – mỏng; viễn – cận…

* Xét về nguyên lí: Giữa hai cực âm dương:
2 phe cùng cực đẩy nhau.
2 phe khác cực hút nhau.

Dựa theo định luật này chúng ta có một hệ quả như sau đây:
* Luận về màu sắc tương sinh:
Ví dụ 1: Tuổi Giáp Tý (+) Hải Trung Kim (gọi tắt là mạng (+) kim). Sẽ được: Vàng nhẹ, yếu, chìm (âm thổ) sinh nhập ưu việt hơn so với màu vàng sẫm, đậm, mạnh (dương thổ) sinh nhập ( vì định luật: cùng cực đẩy nhau…)
Ví dụ 2: Tuổi Ất Sửu (-) Hải Trung Kim, gọi tắt là mạng (-) Kim. Sẽ được: Vàng sẫm, đậm, mạnh Sinh nhập ưu việt hơn so với màu vàng nhẹ, vàng mơ (âm thổ) sinh nhập (vì cùng cực đẩy nhau, mặc dầu ngũ hành tương sinh)

* Luận về màu sắc tương khắc:
Ví dụ 1: Tuổi Mậu Tý (+) Tích Lịch Hỏa (tức mạng (+) Hỏa). Sẽ bị màu đen nhạt, xanh dương yếu (Âm Thủy) Khắc nhập nặng hơn so với màu đen, đen sẫm, mạnh, chìm vì (dương Thủy) (cùng cực đẩy nhau).
Ví dụ 2: Tuổi Kỷ Sửu (-) Tích Lịch Hỏa (tức mạng (-) Hỏa). Sẽ bị màu đen, đen sẫm, đậm, mạnh, chìm (Âm Thủy) Khắc Nhập nặng hơn so với màu đen nhạt, xanh dương yếu (Âm Thủy) vì cùng cực đẩy nhau, mặc dầu ngũ hành tương khắc.

*Luận về màu sắc tương hòa:
Ví dụ 1: Tuổi Nhâm Thìn(+) Trường lưu Thủy (tức mạng(+) Thủy) Tương hòa cùng màu đen, đen sẫm, đậm, mạnh (Dương Thủy) nhưng lại tương tranh( vì cùng cực đẩy nhau), vậy không ưu lợi bằng màu đen nhạt, xanh dương yếu (Âm Thủy) theo luật tương hòa và thuận lí âm dương ( khác cực hút nhau)…
Ví dụ 2: Tuổi Quí Tỵ (-) Trường lưu thủy (mạng (-) Thủy) Tương hòa cùng màu đen nhạt, xanh dương yếu (Âm Thủy) nhưng lại tương tranh (vì cùng cực đẩy nhau), do vậy không ưu lợi bằng màu đen, đen sẫm, đậm, mạnh (Dương Thủy) theo luật tương hòa và thuận lí âm dương (khác cực hút nhau)…

Qua sự nghiên cứu, suy luận và đúc kết của rất nhiều học giả trải qua nhiều thời đại, chúng ta thấy sự dung nạp và khắc chế của ngũ hành đồng chất tương tác qua lại với nhau có hệ quả sau đây:
Lưỡng Kim thành Khí
Lưỡng Mộc thành Lâm
Lưỡng Thủy thành Xuyên
Lưỡng Hỏa thành Diêm
Lưỡng Thổ thành Sơn

Và ngược lại:
Lưỡng Kim- Kim khuyết
Lưỡng Mộc- Mộc chiết
Lưỡng Thuỷ- Thủy kiệt
Lưỡng Hỏa- Hỏa diệt
Lưỡng Thổ- Thổ tuyệt

    Và rồi chúng ta lại thấy các hành trong ngũ hành khắc phá nhau theo quy luật tương khắc, nhưng dưới đây thì nhờ khắc phá mà lại hữu dụng:
Kỳ cố hà dư như Kim khắc Mộc, vô Kim bất thành khí… (theo lẽ đương nhiên là Kim khắc mộc, nhưng nếu không có Kim khắc (bào chuốc, đục đẽo, cưa tiện làm cho gỗ thành bàn ghế, tủ giường được hữu dụng thì Mộc không có chổ để dùng).
Như Thủy khắc Hỏa, vô Hỏa bất thành Thủy (nước dập tắt lửa, nhưng nhờ lửa đun sôi nước để dùng trong mọi sinh hoạt…)
Như Thổ khắc Thủy, vô Thổ bất dụng Thủy… (không có đất đắp đê ngăn đập thì không có chỗ để chứa nước phục vụ mùa màng.v.v…)
Một thân cây gồm có hai phần: Âm mộc: Gốc rễ.
Dương mộc: cành cây tán lá

    Nếu 2 bên cùng hỗ tương, nương tựa nhau thì đó là sự cân phân hài hòa đúng theo quy luật âm dương, biểu hiện sự bền vững, thuận hòa hợp với đạo.
Nếu như hai cây cùng sống và lớn lên trong một môi trường nhỏ, ví như một cái chậu – theo thời gian không chóng thì chày sẽ có cây vươn lên mạnh mẽ và cây kia suy tàn vì không đủ khả năng tranh chấp đạm tố trong đất với môi trường sống chung quanh… như vậy gốc rễ tranh chấp đạm tố với gốc rễ (âm mộc tranh cùng âm mộc) Cành lá tán lá tranh chấp với cành lá dương mộc tranh chấp với dương mộc)… Bởi lẽ này mà ở thuyết tương hoà lại có tương tranh trong định luật Cùng cực đẩy nhau, Khác cực hút nhau…

HOÀNG NGỌC ĐỐNG
ĐTPT Số 18/2009
(ảnh sưu tầm)

Check Also

THUNG LŨNG YARRA (1)

TRỞ LẠI AUSTRALIA

TRỞ LẠI AUSTRALIA Mùa lá đỏ ở thung lũng Yarra Australia cuối thu. Đúng 8 …