Home / QUY HOẠCH / KIẾN TRÚC / Kiến trúc cầu Việt Nam dưới góc nhìn của nhà phê bình mỹ thuật

Kiến trúc cầu Việt Nam dưới góc nhìn của nhà phê bình mỹ thuật

Sự kiện công bố phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo theo kiểu “xứ Đông Dương” đã gây ra tranh cãi lớn trong dư luận xã hội. Nhiều người trong giới mỹ thuật cũng băn khoăn với phương án này, trong đó có nhà phê bình mỹ thuật Quang Việt. Dưới đây Kienviet.net có cuộc trao đổi với anh về phương án cầu Trần Hưng Đạo nói riêng và kiến trúc cầu Việt Nam nói chung.

Phóng viên: Anh có thể cho biết suy nghĩ của mình về phương án cầu Trần Hưng Đạo mà người ta gọi là “xứ Đông Dương”?

Nhà phê bình mỹ thuật Quang Việt: Trước tiên, tôi muốn nói, kiến trúc không hẳn là một lĩnh vực xa lạ lắm đối với tôi. Bản thân tôi cũng có mối quan hệ khá thân thiết với một số kiến trúc sư, cả kiến trúc sư sáng tác, kiến trúc sư thi công lẫn kiến trúc sư lý luận.

Năm 2004 – 2005, tôi còn được giới thiệu làm “tư vấn” cho một nghiên cứu sinh người Pháp, cô Caroline Herbelin, thuộc Đại học Paris IV Sorbonne, thực hiện luận án tiến sĩ về ảnh hưởng của kiến trúc Pháp tại Đông Dương…

Xem ra ở nước ta trong thời gian khoảng 15 – 20 năm trở lại đây, người ta ngày càng có xu hướng ưa sử dụng những chữ như “Indochine” (Đông Dương), “Tonkin” (Bắc Kỳ) hay “Cochinchine” (Nam Kỳ) để lồng vào nhãn hiệu cho một số sản phẩm mang phong cách mà họ cho là “cổ điển” và “bản xứ” ít nhiều có gốc gác từ thời kỳ thuộc địa Pháp. Đó là những chữ rất có âm vọng, kể cả khi bị lạm dụng hoặc bị dùng sai. Không phải ngẫu nhiên mà Wargnier đã lấy chữ “Indochine” để đặt tên cho một bộ phim quan trọng của ông.

Vậy phong cách Đông Dương là gì? Theo nhận thức của cá nhân tôi: Phong cách Đông Dương, phát sinh từ thời kỳ thuộc Pháp ở xứ Đông Dương, do người Pháp, đầu tiên là người Pháp, khởi xướng; sau đó tiến triển cùng với sự hợp tác của người Đông Dương, nhất là người Việt Nam. Nó là một phạm trù rất rộng. Riêng trong lĩnh vực kiến trúc, phong cách Đông Dương là một phong cách “sinh thái”: sinh thái văn hóa và sinh thái tự nhiên, một phái sinh đầy sáng tạo của kiến trúc Pháp nói riêng và kiến trúc phương Tây nói chung (đây là một chuyên đề lớn, chúng ta có thể tham khảo thêm qua các nghiên cứu của EFEO, CNRS và một số trường đại học ở Pháp).

Có lẽ cho đến nay, chỉ sống trong những công trình, những ngôi nhà hiện đại thiết kế theo phong cách Đông Dương chúng ta mới có thể cảm thấy tương đối dễ chịu mà không nhất thiết phải cần tới máy điều hòa nhiệt độ. Trái đất đang nóng lên, ngay cả ở Pháp, khí hậu ôn đới, người Pháp cũng đã phải dùng nhiều hơn đến quạt điện, và gần đây là máy điều hòa nhiệt độ.

Về phương án cầu Trần Hưng Đạo thiết kế theo cái gọi là “Phong cách Đông Dương”, nghe rất mùi mẫn, vì nó có vẻ phù hợp với một khuynh hướng thị hiếu khá mạnh hiện nay, khi có khá nhiều người, chủ yếu thuộc tầng lớp trung lưu trở lên, thậm chí đang mê mẩn cả phong cách “Louis 18”.

df4c8f78-8baa-4003-93de-f50193785257

Phương án cầu Trần Hưng Đạo theo “phong cách Đông Dương” đề xuất bởi Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải.

Tôi chưa tìm hiểu kỹ về phương án này, nhưng “tinh thần” của nó chỉ thoạt nhìn đã thấy rõ. Tôi chỉ muốn đặt ra hai câu hỏi: Đây có phải là phong cách Đông Dương không? Liệu chúng ta có thể và có nên quay trở lại với nó sau ít nhất gần 70 năm hầu như hoàn toàn gián đoạn?

Thế còn những cây cầu khác ở Việt Nam được nhiều người ưa thích check-in như cầu Rồng, cầu Vàng ở Đà Nẵng?

Nhiều người “check-in”? Điều này không nói lên gì nhiều, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ. Giá trị thực và sự nổi tiếng không phải bao giờ cũng đồng nghĩa với nhau. Còn cái “được bội tìm kiếm” thì luôn luôn rất khác so với giá trị thực. Vui thôi mà!

Về tính kiến tạo, kiến trúc đặc biệt gần với âm nhạc, bất cứ một sự mô phỏng “lộ liễu” nào trong kiến trúc cũng đều bị đánh giá thấp. Nhìn đã thấy hết ngay, người sáng tác như ấn “ai-đì” của mình vào đầu người ta thì còn gì thú vị nữa. “Art only begins where imitation ends” (Nghệ thuật chỉ bắt đầu ở nơi sự mô phỏng kết thúc) là một trong những câu hay nhất của Oscar Widle.

Nhiều người ca ngợi kiến trúc cầu Long Biên và lấy nó để so sánh với phương án cầu Trần Hưng Đạo. Anh nghĩ sao? 

Một sự so sánh như vậy luôn luôn xảy ra, và dường như luôn luôn bất lợi cho cái đang được đề xuất hoặc cái vừa xuất hiện.

Riêng trong trường hợp này, những người tạo so sánh có vẻ có lý do chính đáng, vì cái đang được đề xuất, thai nghén rõ ràng lại cũ, cổ hơn cả cái đã được xây dựng trước nó đến 120 năm. Người ta có thể quay về với cái cũ, cổ, thậm chí cái “hủ lậu” ở tư cách cá nhân (hoặc ở tư cách một nhóm thiểu số). Đấy là sở thích riêng của họ và chỉ được phép phục vụ cho riêng họ. Song người ta không thể làm điều đó ở tư cách của người đại diện cho cả một quốc gia, một cộng đồng rộng lớn, bất chấp tâm thức, tâm thế, tâm lý chung của cả một thời đại. Tư tưởng phục cổ bản thân nó đã không có gì hay, phục cổ cái của người khác (hoặc về căn bản của người khác) chứ không phải cái của mình thì lại càng đáng để phê phán.

Cầu Long Biên có ở đằng sau cả một lịch sử dài, như đã nói, là 120 năm. Nó đã đi vào thi ca, âm nhạc, hội họa, vào tận đáy sâu tâm hồn của con người, nhất là người Hà Nội. Vả lại nó cũng không phải là một công trình mang phong cách kiến trúc Đông Dương mà là kiến trúc công nghiệp Pháp ở thời kỳ thích ứng với cấu trúc sắt.

Về căn bản, cầu Long Biên và cầu Chương Dương có thiết kế toán – cơ như nhau, nhưng lời giải cho cầu Long Biên đẹp hơn. Giống như tháp Eiffel, cầu Long Biên được làm với mục đích trên hết là để khẳng định một thành tựu của công nghệ, rồi sau con mắt và trái tim con người mới “biến” nó thành một tác phẩm nghệ thuật.

Cầu Chương Dương do chúng ta tự thiết kế và xây dựng vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, khi trình độ thiết kế của ta còn chưa cao, và thêm nữa, ở thời điểm ấy mọi cái còn đang vô cùng khó khăn, đỉnh điểm của thời bao cấp, chỉ cần giải quyết “cái đi” để thay thế cho hệ thống cầu phao có từ thời kỳ chiến tranh, do vậy cầu Chương Dương không hề có “kiến trúc”.

Anh đã thấy cây cầu hiện đại Việt Nam nào đẹp chưa?

Nếu nói thích thật sự về mặt kiến trúc thì tôi rất thích cây cầu Hàm Rồng bắc qua sông Mã ngày xưa. Mặc dù được xây dựng từ năm 1904, nhưng đó cũng là một cây cầu sắt hiện đại, vẽ nên một đường cong duy nhất ẩn hiện trên nền phong cảnh sơn thủy hữu tình. Tiếc là nay không còn nữa.

Những cây cầu mới xây dựng gần đây hiện đại nhưng thường ít bản sắc, khoa trương, đi qua nhiều lần, xem nhiều lần vẫn không nhớ được mấy.

54b65c07-bb04-421b-9761-9543985cda5a

Cầu Hàm Rồng cũ (Thanh Hóa).

Cầu trên thế giới khen mãi cũng không hết, nhưng nhìn lại kiến trúc cầu truyền thống Việt Nam cũng có nhiều cây cầu ngói rất đẹp. Theo anh, chúng ta có thể học hỏi được gì từ truyền thống ấy?

Về nguyên lý toán – cơ, mọi cây cầu trên thế giới xưa nay đều giống nhau, tức là nhằm giải bài toán để treo, kê một đoạn đường vượt qua một địa hình trở ngại nào đó, đặc biệt là các con sông.

Vì những cây cầu luôn luôn gắn bó với cả đời sống vật chất và tinh thần của con người nên con người luôn luôn có xu hướng tìm những lời giải đẹp, gần hoặc song hành với nghệ thuật. Kiến trúc nói chung, kiến trúc cầu nói riêng, phải từ xương, từ thịt mà ra, tức là phải từ cấu trúc toán – cơ của nó, rồi mới đến (nếu cần) sự tô điểm bề mặt.

Việc học hỏi từ những cây cầu truyền thống của ông cha hoàn toàn khả thi, nhưng phải là sự học hỏi từ cấu trúc bên trong. Cấu trúc cầu truyền thống Việt Nam có một số mẫu thức lạ, độc đáo, thiết kế rất thông minh do thường phải vượt qua sự thiếu thốn về vật chất và phương tiện.

2182d986-c26d-4840-bfb7-802a5f3b1c18

Cầu ngói chợ Lương (Nam Định).

Theo anh, cần những yếu tố nào để có một cây cầu đẹp?

Một cây cầu đẹp đương nhiên phải là một cây cầu tốt có những yếu tố thích ứng tối ưu với điều kiện sinh thái văn hóa và sinh thái tự nhiên ở thời điểm nó được xây dựng. Đứng trên quan điểm này thì không nhất thiết phải tranh luận dông dài về “cổ điển” hay “hiện đại”, “dân tộc” hay “quốc tế” nữa.

Marcel Dassault, nhà công nghệ nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực hàng không, từng nói: Máy bay phải đẹp thì mới bay cao được. Phải chăng, Đẹp đã bao hàm tất cả.

Mặt khác, không phải hễ cứ có nhiều tiền là ta chắc chắn có một cây cầu đẹp. Ngược lại, có khi càng có nhiều tiền thì cầu càng xấu. Không có gì tồn tại vĩnh cửu cả, bởi vậy cũng không nên tuyệt đối hóa những đòi hỏi đối với một cây cầu. Kiến thức và quan niệm về cái đẹp cũng không cố định, nay thấy đẹp mai thấy xấu, nay chê xấu mai khen đẹp là chuyện vẫn thường xảy ra trong lịch sử.

Cái đẹp thực sự bền vững thực ra rất ít có, khó có, và liệu chúng ta có đủ sức để làm ra nó được không?

Sau những tranh cãi, lùm xùm, UBND Thành phố Hà Nội đã quyết định sẽ tổ chức thi tuyển rộng rãi phương án cầu Trần Hưng Đạo. Anh có lạc quan với kết quả hay không?

Các cuộc thi đôi khi chỉ là những cuộc tìm kiếm cái đỡ dở nhất trong những cái dở, thậm chí có khi được như vậy vẫn còn là may. Về mặt nào đó, sự thi thố có thể làm nghèo đi khả năng sáng tạo của con người, vì nó có thể hướng con người vào mục tiêu thắng đối thủ nhiều hơn là thắng chính bản thân mình.

Ngay cả Sác-lô cũng đã từng không đoạt được giải cao tại một cuộc thi bắt chước Sác-lô!

Tôi vẫn nhớ, khoảng 2013 hay 2014 gì đó, Đài Truyền hình Hà Nội có tổ chức một cuộc thi sáng tác logo mới cho đài, vận động được rất nhiều người tham gia, cả trong lẫn ngoài nước. Họ còn chơi sang tới mức mời cả một nhà thiết kế người Anh lừng danh uy tín sang tận Hà Nội để làm chủ khảo. Rốt cuộc, chọn ra được đâu hai giải nhì, mà giải nhì thì không sử dụng được. Cuộc thi kết thúc bằng một cuộc phỏng vấn ông chủ khảo người Anh tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Trong trả lời, ông ấy nói, đại ý: Một cuộc thi kiểu như thế này ông chưa từng thấy ở đâu!

Riêng tôi cho rằng, nếu chúng ta không chỉ định được người sáng tạo mà dứt khoát cứ phải thi, thì ta chỉ nên chọn hai hoặc tối đa ba tác giả (hoặc nhóm tác giả) có tiềm năng nhất để họ thi với nhau, kèm theo kinh phí hỗ trợ cho họ. Bằng không thì tức là chúng ta đã mặc nhiên thừa nhận ở nước ta không tìm ra được người tài, người giỏi, và cũng mặc nhiên vì thế chúng ta phải nhờ cậy đến các nhà thiết kế quốc tế.

Cám ơn anh về cuộc trao đổi này!

Nguồn: Kiến Việt

Check Also

xanh 1

Phát triển kiến trúc Việt Nam – Những thay đổi phù hợp với bối cảnh mới

Đại hội thế giới lần thứ 27 của Liên hiệp Hội Kiến trúc sư thế …