Home / ĐÔ THỊ - MÔI TRƯỜNG / Xác định rủi ro cho các dự án đầu tư phát triển đô thị

Xác định rủi ro cho các dự án đầu tư phát triển đô thị

Rủi ro là điều không tránh khỏi trong các dự án đầu tư phát triển đô thị. Quá trình quản lý rủi ro có thể xem xét theo 3 giai đoạn chính là xác định rủi ro, đánh giá rủi ro và phản unwgs với rủi ro. Để quản lý rủi ro hiệu quả thì việc đầu tiên cần làm là xác định các rủi ro một cách chính xác và đầy đủ. Có nhiều cách khác nhau để xác định rủi ro và có thể sử dụng kết hợp các cách với nhau để rủi ro được tổng hợp một cách đầy đủ nhất. Bài viết này sử dụng phương pháp biểu đồ xương cá để xác định rủi ro gắn với nội dung quản lý thi công xây dựng công trình dự án đầu tư phát triển đô thị. Các nội dung này gồm: chất lượng, tiến độ, chi phí, khối lượng, bảo vệ môi trường, an toàn lao động và hợp đồng.

  1. Đặt vấn đề:

So với các ngành kinh tế khác, ngành xây dựng được xem là đối tượng với nhiều rủi ro và bất định hơn cả. Các nhà khoa học cho rằng quản lý rủi ro (QLRR) là khâu quan trọng nhất trong chủ đề quản lý dự án. Đồng thời, nhìn nhận về QLRR cũng có nhiều thay đổi, thay vì đối phó với rủi ro khi xảy ra, QLRR được xem xét trên khía cạnh dự báo và đề phòng được. Xác định rủi ro là bước đầu tiên trong quá trình QLRR với mục đích gọi tên rõ ràng các rủi ro tiềm ẩn. Các rủi ro tiềm ẩn cho dự án phải được xác định trước khi định lượng mức rủi ro hoặc xem xét các hành động để phản ứng với nó. Trong bước xác định rủi ro, sự phân loại rủi ro cũng được tiến hành. Việc phân loại rủi ro hỗ trợ cho việc xác định rủi ro một cách rõ ràng và không bị trùng lặp.

Tại Việt Nam, việc xác định rủi ro thường bị bỏ qua trong các dự án đầu tư phát triển đô thị. Theo báo cáo của Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình và báo cáo tổng kết của Sở Xây dựng các tỉnh thì gần như 100% dự án đầu tư phát triển đô thị phải đối mặt với các rủi ro lớn hoặc nhỏ nào đó. Trong đó có những rủi ro hoàn toàn có thể phòng tránh được nhưng không được chú ý, hoặc không được xem xét khi bắt đầu dự án. Có thể kể ra các rủi ro loại này như rủi ro về an toàn lao động, ô nhiễm môi trường,… Cũng có khi việc xác định này chỉ dựa theo kinh nghiệm của người quản lý và chỉ người quản lý quyết định việc phản ứng với nó một cách chủ quan.

  1. Xác định rủi ro cho các dự án đầu tư phát triển đô thị theo biểu đồ xương cá.

2.1 Nội dung quản lý thi công và kết quả dự án

Cách thực hiện phương pháp biểu đồ xương cá là xác định các bộ phận của một quá trình để tạo nên quá trình chính, qua đó dẫn đến một tác động cuối cùng. Theo NĐ 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, nội dung quản lý thi công xây dựng công trình gồm: Chất lượng công trình, tiến độ xây dựng, khối lượng thi công, chi phí đầu tư, hợp đồng, an toàn lao động, môi trường xây dựng.

Hình 1: Biểu đồ xương cá nội dung quản lý thi công công trình - kết quả dự án
Hình 1: Biểu đồ xương cá nội dung quản lý thi công công trình – kết quả dự án

Hình 1 thể hiện biểu đồ xương cá về nội dung quản lý thi công xây dựng công trình và kết quả dự án:

  • Chất lượng dự án (Xương X1) phải đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư (CĐT). Các yêu cầu về chất lượng thực tế đã được cụ thể hóa trong các hồ sơ của dự án như hồ sơ thầu, hồ sơ chất lượng,…
  • Tiến độ thi công (Xương X2) phải được thống nhất và đạt được sự thỏa mãn giữa CĐT và nhà thầu (NT).
  • Khối lượng thi công (Xương X3) phải được tính toán chi tiết, rõ ràng, tính đúng, tính đủ để tránh các phát sinh gây khó khăn trong quá trình thực hiện dự án.
  • Chi phí (Xương X4) hợp lý có thể được hiểu một cách đơn giản là chi phí nằm trong khoản chi mà tổng mức đầu tư đã xác định. Việc vượt quá tổng mức đầu tư sẽ khiến CĐT mất kiểm soát. Đồng thời NT khó có thể thương thảo dễ dàng về các chi phí phát sinh của dự án.
  • Hợp đồng (Xương X5): Một vấn đề rất quan trọng khi bàn thảo hợp đồng là hình thức hợp đồng và điều khoản thanh toán. Hợp đồng thuận lợi khi cả CĐT và NT hoặc đơn vị tư vấn (TV) đều có thể thực hiện các điều khoản hợp đồng một cách dễ dàng.
  • An toàn lao động (Xương 6) là vấn đề quan trọng trong các công trình xây dựng. An toàn lao động được thực hiện chính bởi NT theo biện pháp an toàn lao động.
  • Môi trường xây dựng (Xương X7): Môi trường xây dựng luôn đòi hỏi yêu cầu cao đối với các dự án đầu tư phát triển đô thị. Môi trường xây dựng đảm bảo khi hạn chế được tối đa các tác động tiêu cực của quá trình thi công xây dựng tới môi trường.

2.2 Rủi ro gắn với yêu cầu chất lượng (CL)

Hình 2: Biểu đồ xương cá X1.
Hình 2: Biểu đồ xương cá X1.

Công trình đạt yêu cầu về chất lượng đòi hỏi sự tham gia của CĐT, NT, TV. Mỗi bên tham gia dự án phải có nhân lực và thực hiện các hoạt động quản lý chất lượng cụ thể. Chủ đầu tư cần đưa ra các yêu cầu về chất lượng, có nhân lực tham gia kiểm tra trong quá trình thi công đạt chất lượng, và phải tổ chức nghiệm thu để đánh dấu sự hoàn thiện về chất lượng công trình. Nhà thầu phải chuẩn bị máy móc thiết bị, vật tư, vật liệu, nhân lực để vận hành, giám sát quy trình quản lý chất lượng để tạo ra công trình chất lượng. Công trình đạt yêu cầu về chất lượng được thể hiện qua hồ sơ chất lượng. TV cũng phải có nhân lực, hồ sơ quản lý chất lượng riêng, giám sát và cuối cùng là nghiệm thu công trình cùng CĐT. Việc đánh giá công trình chất lượng dựa trên hệ thống văn bản pháp luật gồm các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn, Nghị định, Thông tư, cũng như các văn bản xử lý vi phạm khi có sai sót về chất lượng.

Các rủi ro tiềm ẩn gắn với yêu cầu về chất lượng gồm:

+ Hồ sơ thiết kế không đầy đủ, chi tiết.

+ Sai sót trong thiết kế.

+ Thiếu cán bộ tư vấn giám sát.

+ Tư vấn giám sát không đủ năng lực, kinh nghiệm

+ Tư vấn giám sát gây khó khăn.

+ Tư vấn giám sát không tiến hành nghiệm thu kịp thời.

+ Yêu cầu cao về chất lượng của CĐT.

+ CĐT không giám sát / không đủ nhân lực tham gia giám sát.

+ CĐT không tiến hành nghiệm thu kịp thời.

+ NT không đủ cán bộ kỹ thuật

+ Cán bộ kỹ thuật của NT không đủ năng lực, kinh nghiệm

+ Quy trình quản lý chất lượng của NT không phù hợp

+ Vật tư, vật liệu sử dụng cho công trình không đúng chủng loại, quy cách, yêu cầu chất lượng.

+ Không có / không đầy đủ hồ sơ quản lý chất lượng.

+ NT không giám sát tốt quá trình thi công.

+ Máy móc, thiết bị sử dụng cho công trình không đủ điều kiện hoạt động.

+ Tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định về chất lượng không đầy đủ, rõ ràng.

+ Các văn bản xử lý vi phạm về chất lượng công trình không đầy đủ.

2.3 Rủi ro gắn với yêu cầu về tiến độ

Tiến độ thi công được NT lập và trình chủ đầu tư phê duyệt trước khi bắt đầu khởi công dự án. Tuy vậy, thời điểm bàn giao dự án đưa công trình vào khai thác sử dụng (điểm cuối của đường tiến độ) đã được CĐT dự định từ trước. Để có một tiến độ thi công phù hợp với dự án, phải xem xét tới 2 nhân tố là CĐT và NT. CĐT gắn với các yêu cầu về tiến độ nhanh, chậm, xác định phạm vi dự án, cũng như các thay đổi trong khi thực hiện dự án. Để hoàn thành dự án theo tiến độ được CĐT phê duyệt, NT cần chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực gồm con người, máy móc, vật tư và các kế hoạch công việc cụ thể:

Các rủi ro tiềm ẩn gắn với yêu cầu tiến độ:

+ Kế hoạch công việc không chi tiết.

+ Chậm trễ cung cấp vật tư, vật liệu.

+ NT không đủ nhân lực thi công.

+ Đội ngũ cán bộ không đủ chuyên môn kỹ thuật.

+ Công nhân không đáp ứng chuyên môn, tay nghề.

+ Không thực hiện / thực hiện không tốt việc giám sát tiến độ công việc.

+ Chậm trễ cung cấp máy móc, thiết bị.

+ Yêu cầu tiến độ bàn giao công tình của CĐT khắt khe.

+ Quy mô công trình không rõ ràng.

+ Thay đổi của CĐT trong quá trình thi công.

Hình 3: Biểu đồ xương cá X2
Hình 3: Biểu đồ xương cá X2

2.4 Rủi ro gắn với yêu cầu khối lượng.

Khối lượng là căn cứ quan trọng trong xây dựng kế hoạch thực hiện công việc. Với dự án đầu tư xây dựng nói chung, dự án đầu tư phát triển đô thị nói riêng, yếu tố khối lượng có thể xem là thước đo chung cho các bên liên quan tới dự án. Khi bắt đầu dự án, CĐT phải thực hiện xác định khối lượng công việc và được chuẩn hóa qua dự toán công trình. Trong quá trình thực hiện CĐT phải tiến hành nghiệm thu khối lượng công việc, và có thể đưa ra các yêu cầu thay đổi dẫn tới sự tăng, giảm về khối lượng.

NT cần có dự toán viên giỏi để tính toán được bảng khối lượng đầy đủ và chi tiết. Bảng khối lượng này được chuẩn hóa thành bảng giá dự thầu trong quá trình đấu thầu và bảng khối lượng đính kèm theo hợp đồng. Biện pháp thi công, công nghệ thi công hay công tác giám sát khối lượng cũng là yếu tố làm thay đổi nội dung quản lý khối lượng thi công xây dựng.

Với nội dung quản lý khối lượng, TV thiết kế sẽ gây ảnh hưởng khi hồ sơ thiết kế và bảng tính khối lượng có sai sót. TV giám sát dù không làm tăng, giảm khối lượng nhưng sẽ có ảnh hưởng tới quá trình thực hiện công việc hoặc công tác nghiệm thu khối lượng từ đó gây ảnh hưởng tới quá trình quản lý khối lượng (KL).

Các rủi ro tiềm ẩn gắn với yêu cầu về khối lượng:

+ Biện pháp thi công có làm thay đổi khối lượng so với thực tế.

+ Bảng tính khối lượng của NT chưa đầy đủ, chi tiết.

+ Dự toán viên không có trình độ, kinh nghiệm, tính cẩn thận khi tính toán khối lượng.

+ Công nghệ thi công cao khó thực hiện làm tăng khối lượng do sửa lỗi.

+ Việc giám sát quản lý khối lượng thi công không tốt.

+ Dự toán được CĐT phê duyệt có nhiều sai sót về tính toán khối lượng.

+ CĐT không tiến hành nghiệm thu về khối lượng đầy đủ và kịp thời.

+ CĐT yêu cầu phát sinh khối lượng như làm thêm công việc, thay đổi thiết kế,…

Hình 4: Biểu đồ xuong cá X3.
Hình 4: Biểu đồ xuong cá X3.

2.5 Rủi ro gắn với yêu cầu về chi phí

Chi phí dự án trước hết được xác định bởi CĐT thông qua tổng mức đầu tư. Bằng cơ chế tài chính, CĐT sẽ sử dụng nguồn tiền phù hợp theo từng giai đoạn dự án. Hợp đồng hình thành là một nhân tố ràng buộc các bên trong dự án. Đơn giá được xác định trong hợp đồng thể hiện thương thảo đã đạt được sự thành công của các bên trong dự án.

Trong suốt quá trình thực hiện dự án, NT là người sử dụng chính nguồn tiền dự án cho tiền lương, tiền vận hành quản lý, tiền cho các nhà cung cấp vật tư vật liệu, mua máy móc thiết bị,… Hợp đồng được chuẩn hóa cho việc thanh toán này. Tuy vậy, NT cũng phải có một cơ chế tài chính tốt để việc sử dụng nguồn tiền của dự án được thông suốt.

Các rủi ro tiềm ẩn gắn với yêu cầu về chi phí:

+ Có sai sót trong xác định tổng mức đầu tư.

+ Cơ chế của CĐT không thông suốt.

+ Đơn giá thương thảo giữa CĐT và NT chưa rõ ràng và cụ thể.

+ Điều khoản thanh toán phức tạp / không rõ ràng.

+ Cơ chế tài chính của NT không thông suốt.

+ NT không kiểm soát tốt quá trình thanh toán cho các nhà cung cấp

+ Đơn giá thương thảo giữa NT và nhà cung cấp chưa rõ ràng và cụ thể.

+ Chậm trễ thanh toán do ngân hàng.

Hình 5: Biểu đồ xương cá X4.
Hình 5: Biểu đồ xương cá X4.

2.6 Rủi ro gắn với yêu cầu đảm bảo về môi trường

Trong biểu đồ trên có thể thấy nhà thầu thi công bắt buộc phải có biện pháp bảo vệ môi trường để hạn chế tối đa các tác động từ việc thi công tới môi trường. Để làm được điều đó nhà thầu cần phải tập huấn cho cán bộ về môi trường và tìm hiểu rõ yêu cầu của CĐT, cộng đồng khi xây dựng biện pháp bảo vệ môi trường. Với mỗi nhân tố trên biểu đồ, các câu hỏi sẽ được đặt ra. Tương ứng với các câu hỏi các rủi ro tiềm ẩn được phát hiện.

Các rủi ro tiềm ẩn gắn với yêu cầu về môi trường:

+ Yêu cầu của CĐT, cộng đồng về bảo vệ môi trường quá cao.

+ Yêu cầu của cộng đồng về bảo vệ môi trường quá cao.

+ Yêu cầu của cơ quan QLNN về bảo vệ môi trường quá cao.

+ Biện pháp bảo vệ môi trường của nhà thầu không phù hợp.

+ Tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường không phù hợp.

+ Việc tập huấn cán bộ về môi trường không nghiêm túc, không hiệu quả.

+ Thiếu cán bộ về môi trường.

+ Tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định về môi trường chưa đầy đủ, chưa phù hợp.

+ Thiếu các văn bản xử lý vi phạm về ô nhiễm môi trường.

Hình 6: Biểu đồ xương cá X5.
Hình 6: Biểu đồ xương cá X5.

2.7 Rủi ro gắn với an toàn lao động

An toàn lao động là một vấn đề được cộng đồng quan tâm hơn cả trong các dự án đầu tư phát triển đô thị hiện nay. An toàn lao động được thực hiện chính bởi NT. Khi bắt đầu thực hiện dự án NT phải chuẩn bị biện pháp an toàn lao động, kiểm định máy móc thiết bị, và tổ chức giám sát quá trình tuân thủ an toàn lao động. Đồng thời, quá trình thực hiện về an toàn lao động của NT cũng chịu sự chi phối do các yêu cầu từ CĐT, cơ quan quản lý nhà nước và chính người dân quanh dự án. Hệ thống văn bản quy định về an toàn lao động, bảo hiểm đã được ban hành là một căn cứ pháp lý cho NT thực hiện. Việc vi phạm các quy định về an toàn lao động sẽ được xử lý khi NT thực hiện không tốt.

Các rủi ro tiềm ẩn gắn với yêu cầu về an toàn lao động:

+ Biện pháp an toàn lao động của NT không đầy đủ hoặc không hiệu quả.

+ Máy móc, thiết bị NT sử dụng cho công trường dự án không đảm bảo chất lượng.

+ NT không tổ chức tập huấn, tập huấn không hiệu quả về an toàn lao động.

+ Công nhân chưa tuân thủ tốt các quy định về an toàn lao động.

+ Yêu cầu an toàn lao động từ phía CĐT cao.

+ Yêu cầu an toàn lao động từ cơ quan quản lý nhà nước khắt khe và phức tạp.

+ Cộng đồng xung quanh dự án có yêu cầu cao về an toàn lao động

+ Thiếu các quy định về an toàn lao động.

+ Các văn bản xử lý vi phạm an toàn lao động không đầy đủ hoặc đủ sức răn đe.

+ NT chưa tuân thủ tốt các quy định về an toàn lao động, bảo hiểm.

Hình 7: Biểu đồ xương cá X6.
Hình 7: Biểu đồ xương cá X6.

2.8 Rủi ro gắn với hợp đồng

Hợp đồng chính là cam kết giữa các bên tham gia dự án để thực hiện các công việc của dự án. Hợp đồng xây dựng hiện nay đang thực hiện theo các quy định tại Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng. Các vấn đề cần quan tâm trong hợp đồng ngoài các nội dung về tiến độ, chất lượng, khối lượng, chi phí mà chuẩn hóa là đơn giá hợp đồng thì còn các nội dung gồm: Hình thức hợp đồng, điều khoản thanh toán, quyền hạn và trách nhiệm công việc của mỗi bên trong hợp đồng, quy định thưởng phạt hợp đồng.

Các rủi ro tiềm ẩn gắn với yêu cầu về hợp đồng:

+ Hình thức hợp đồng chưa phù hợp với loại hình dự án

+ Tạm ứng hợp đồng quá cao hoặc quá thấp.

+ Hồ sơ thanh toán nhiều thủ tục, mất thời gian chuẩn bị và phê duyệt.

+ Giai đoạn thanh toán chưa hợp lý với giai đoạn thi công.

+ Quyền hạn và trách nhiệm của CĐT.

+ Quyền hạn và trách nhiệm của TV chưa rõ ràng cụ thể.

+ Quy định về thưởng phạt hợp đồng chưa đầy đủ, chi tiết và không có tính răn đe.

Hình 8: Biểu đồ xương cá X7.
Hình 8: Biểu đồ xương cá X7.

Kết luận

Xác định rủi ro là giai đoạn đòi hỏi sự cẩn trọng và chi tiết. Các rủi ro càng được nhận dạng sớm càng tạo cơ hội phản ứng với rủi ro một cách chủ động và có kế hoạch. Tác giả đã xác định các rủi ro cho dự án đầu tư xây dựng phát triển đô thị thông qua phương pháp định tính. Qua đó tổng hợp được 71 rủi ro cho giai đoạn quản lý thi công công trình dự án đầu tư phát triển đô thị. Trong đó gắn với yêu cầu chất lượng có 18 rủi ro, gắn với yêu cầu tiến độ có 10 rủi ro, gắn với yêu cầu khối lượng có 8 rủi ro, gắn với yêu cầu chi phí có 8 rủi ro, gắn với yêu cầu môi trường có 9 rủi ro, gắn với yêu cầu an toàn lao động có 10 rủi ro và gắn với yêu cầu hợp đồng có 8 rủi ro.

Tài liệu tham khảo:

  1. Chính phủ (2015), Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
  2. Chapman, C. B.; Ward, Stephen (1997), Project Risk Management: Processes, Techniques, and Insights, John Wiley & Sons, Ltd (UK).
  3. Roger Flanacan and George Nornam (1993), Risk Management and Construction, Bookcraft (Bath) Ltd, Somerset, Great Britain

Nguyễn Thị Thúy – Đinh Tuấn Hải
Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
(Theo Người Xây dựng số tháng 3&4/2018)

Check Also

brg-smarttown-15198048646601809363374 (1)

Xu hướng phát triển đô thị xanh trên thế giới

Mời bạn đọc xem ” Xu hướng phát triển đô thị xanh trên thế giới” …