Home / ĐÔ THỊ - MÔI TRƯỜNG / Cây xanh đô thị Việt Nam

Cây xanh đô thị Việt Nam

  1. Mở đầu

Cây xanh đô thị có một vai trò quan trọng trong đời sống con người, giúp cải thiện môi trường sống, làm đẹp thành phố, làm phong phú cuộc sống văn hóa dân cư đô thị. Các mảng xanh tạo nên những khu nghỉ ngơi yên tĩnh cho người lớn, nơi hoạy động thể dục thể thao cho thanh thiếu niên, chỗ vui chơi giải trí cho trẻ em. Bên cạnh đó, cây xanh còn là một trong những yếu tố rất quan trọng trong kiến trúc cảnh quan. Về mặt thẩm mỹ cây xanh làm giảm bớt những nét khô ráp của kiến trúc, nhiều hình dáng đa dạng cùng với các màu sắc phong phú của hoa lá tạo nên sự hài hòa và sinh động trong cảnh quan.

Việt Nam là đất nước có bề dày kịch sử và văn hóa, trong đó truyền thống trồng cây xanh cho làng xã, và đô thị. Theo quan niệm của người Việt, cây xanh có tâm hồn, có ngữ nghĩa. Đất nước Việt Nam trải dài từ Bắc xuống Nam có các vùng khí hậu đa dạng, với các điều kiện tự nhiên, điều kiện nguồn nước và đất đai khác nhau giữa các địa phương, đó cũng chính là môi trường tốt cho sự phát triển đa dạng và phong phú của cây trồng.

Quá trình đô thị hóa đang diễn ra rất mạnh mẽ trên cả nước, hàng loạt các công trình kiến trúc mới xây dựng đang mọc lên nhanh chóng trong không gian đô thị. Trong khi đó, hệ thống cây xanh đô thị hiện vẫn còn trong tình trạng kém về hình thức và chất lượng cây trồng, chưa ăn nhập với cảnh quan kiến trúc, chưa thật sự góp phần tạo dựng đặc trưng cho các đô thị Việt Nam. Bởi vậy chings ta cần phải nghiên cứu về quy hoạch cây xanh, không chỉ tăng về số lượng, mà đảm bảo lựa chọn loại cây xanh phù hợp với sinh thái, điều kiện tự nhiên và truyền thống của từng địa phương, để tạo bản sắc cho từng đô thị.

  1. Thực trạng cây xanh đô thị tại Việt Nam

Trong khuôn khổ bài viết có hạn, chúng tôi xin không đề cập tới các đô thị lớn, nơi thực trạng cây xanh đô thị ít nhiều đều được các phương tiện thông tin đề cập tới. Thay vào đó, xin chọn một số thành phố nhỏ hơn những các mảng xanh cũng có đầy đủ chức năng, gặp đầy đủ các vấn đề tương tự như ở đô thị lớn. Người viết cũng chỉ đề cập tới những sáng kiến, những giải pháp căn cơ, có tính khả thị cao để có thể học tập và nhân rộng.

  • Bắc Ninh

Là một đô thị cổ, nằm giữa vùng Kinh Bắc ngàn năm văn hiến, Bắc Ninh thừa hưởng đầy đủ cả truyền thống cũng như những hệ lụy trong quá trình hình thành và phát triển của các đô thị phía Bắc. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn thị xã có khoảng hơn 14.000 cây xanh các loại tập trung trên các phố Ninh Xá, Nguyễn Du, Ngô Gia Tự và một số đường, phố mới như Lý Thái Tổ, Phù Đổng Thiên Vương…

Thực hiện chỉ đạo của thành phố, đợt 1 năm 2017, công ty TNHH MTV Môi trường và công trình đô thị Bắc Ninh trồng hơn 10.000 cây sưa, chò chỉ, bằng lăng, long não… ở nhiều vị trí của thành phố như khu vực hò điều hòa Văn Miếu, các vườn hoa, công viên…

Hệ thống cây xanh này vừa đóng vai trò làm đẹp cảnh quan, và giúp điều hòa không khí. Vào mùa khô, những hàng cây trở thành chiếc “máy hút bụi” rất hiệu quả. Thời gian gần đây, nhiều cơ quan, công sở đã chú ý tới công tác trồng và chăm sóc bồn hoa, cây xanh tạo thêm một nét xanh cho cảnh quan chung. Cấu trúc không gian xanh đã được chú trọng trong quy hoạch chung của đô thị. Các vùng sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp được liên kết với các vành đai xanh dọc theo sông Đuống, sông Cầu, cùng các hành lang xanh dọc các trục cảnh quan đô thị theo QL 1, QL 18, QL 38, đường vành đai 4 và dọc hai bờ sông, kênh mương, ven hồ điều hòa trong khu đô thị đã tạo thành một không gian xanh tổng thể tạo nên diện mạo xanh cho thành phố.

Về cơ bản hệ thống cây xanh của thị xã Bắc Ninh được trồng theo nguyên tắc đan xen nhằm duy trì xanh quanh năm. Các giống cây cũng được lựa chọn cẩn thận, chủ yếu là hoa sưa, chò chỉ, bằng lăng, long não, sao đen… cây vừa mang đậm bản sắc dân tộc, vừa phù hợp với đô thị hiện đại. Đặc biệt, thị xã có 8 tuyến đường được quy hoạch trồng cây đặc trưng. Đó là đường Nguyên Phi Ỷ Lan (trồng hoàng lan), Hai Bà Trưng (hoa sữa), Lê Văn Thịnh (lát hoa), Nguyễn Cao (ban tím), Phù Đổng Thiên Vương (nhội), Nguyễn Đăng Đạo (chẹo trắng), Lý Thái Tổ (sao đen) và Kinh Dương Vương (chò nâu). Các nhà quy hoạch mong muốn rằng những loại cây trồng trên các tuyến đường này sẽ sớm trở thành đặc trưng của từng đường phố. Đây là một ý tưởng hay vì trồng một loại cây như thế sẽ tạo ra nét thống nhất cho kiến trúc của tuyến đường và chính sự phối hợp đường – cây kiểu này có thể góp thêm một nét văn hóa độc đáo cho thành phố.

  • Đồng Hới

Ấn tượng của du khách và người quan đườn về thành phố mới Đồng Hới đó là “khô khan”, mặc dù ở ngay sát biển. Bên cạnh cái nắng hè chói chang còn là những cơn gió Lào bỏng rát, trong khi đó cây xanh lại quá thiếu và các mạng xanh lớn hầu như vắng bóng. Theo thống kê năm 2005, Đồng Hới chỉ mới có 7.100 cây xanh nằm dọc khoảng 22km đường phố trên tổng hơn 100km đường nội thành. Trong số đó, cây có chất lượng không nhiều và được trồng không theo một quy hoạch nào cả. Thành phố này có một đoạn đường khá xanh mát, đó là đường Lý Thường Kiệt đoạn qua trung tâm thành phố, nhưng lại trồng dày đặc một loại hoa sữa. Do mật độ quá dày, chỉ cách 2-3m lại có một cây nên đến mùa cây ra hoa, mùi hương nồng nặc kéo dài suốt ba tháng liền, làm ảnh hưởng nặng nề tới đời sống và sức khỏe cư dân.

Theo đề án phát triển cây xanh cho Đồng Hới trong giai đoạn 2006 – 2015, thành phố đã triển khai phủ cây xanh với tốc độ trồng hằng năm là 1.500 cây. Việc chọn trồng các loại cây cũng được chú ý hơn, sẽ trồng các cây phù hợp như sến, viết, nhạc ngựa, sao đen… theo hướng trên mỗi tuyến đường có ít nhất ba loại cây với khoảng cách trồng hợp lý.

  • Đông Hà

Cũng là một thị xã nằm giữa miền Trung rất cần bóng cây xanh nhưng do ảnh hưởng từ thời chiến tranh và sau đó là tốc độ phát triển đô thị quá nhanh nên tỷ trọng cây xanh còn quá thấp. Theo kết quả điều tra của UBND thị xã Đông Hà giai đoạn hiện nay, thị xã này đang có hơn 10.000 cây xanh với 14 chủng loại khác nhau. Trong số 55km đường đô thị đã trải nhựa, mới 32km có cây xanh ven đường. Chất lượng cây trồng đang bị coi là “tạp nham” do chủ yếu trồng tự phát.

Năm 1977, chính phủ Malaysia tặng Quảng Trị loạt cây cọ dầu góp phần làm xanh lại mảnh đất đã bị tàn phá về bom đạn đồng thời đóng góp giá trị kinh tế. Tuy việc khai thác dầu lấy cọ chưa hiệu quả, nhưng cọ dầu đã đóng vai trò không nhỏ trong việc cải tạo môi trường sinh thái cũng như cảnh quan trên địa bàn. Trong quá tình mở rộng thành phố, nhiều héc ta trồng cọ dầu phải giải tỏa, tuy nhiên nhiều cây đã được bứng gốc sau đó bố trí trồng lại ở những nơi thích hợp. Ý thức được vai trò của cây xanh đô thị, dù kinh phí hạn hẹp nhưng chính quyền vẫn cố gắng hằng năm tăng ngân sách cho cây trồng mới bên cạnh việc xây dựng đề án quy hoạch trồng cây xanh đường phố.

  • Buôn Ma Thuột

Lợi thế của thủ phủ Tây Nguyên là nằm ở cùng khí hậu tốt, thổ nhưỡng màu mỡ lại ít ảnh hưởng của chiến tranh nên hệ thống cây xanh của Buôn Ma Thuột khá tốt. Giữa lòng thành phố đang ngày càng trở nên hiện đại vẫn còn tồn tại một quần thể cây cổ thị có nguồn gốc từ đại ngàn, phân bố trên một diện tích gần 7ha. Trong khu rừng mang tên Biệt Điện này, các loại cây bản địa của Tây Nguyên như cẩm lai, sao đen, gạo và muồng hay những loài cây du nhập như phi lao và bạch đàn, đều có đường kính thân cây từ 1m trở lên. Ngay cổng vào khu rừng là hai cây long não có tán xòe rộng, đường kính gốc 5-6 người ôm không hết. Dưới các tán cây cổ thụ là tầng tầng lớp lớp các loài cây nhỏ tương đối phong phú, trong đó có nhiều loài cây ăn quả như chôm chôm rừng, xoài rừng, nơ, leekima và vú sữa.

Không chỉ mang tính chất “bảo tàng” khu rừng trong thành phố này còn có khả năng trở thành một vườn ươm mới các giống cây bản địa đặc sắc sẽ được chiết trồng và nhân rộng ra toàn vùng, toàn lãnh thổ.

  • Trà Vinh

Trà Vinh được coi là một trong các đô thị hiếm hoi ở Việt Nam giữa được tương đối toàn vẹn kiến trúc và quy hoạch từ đầu thế kỷ. Mật độ cây xanh của thị xã Trà Vinh đã đạt xấp xỉ 15m2/đầu người, cao nhất so với các đô thị trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố cũng nhận được sự quan tâm từ quốc tế ví dụ như dự án do Cộng đồng Châu Âu (EC) tài trợ, trị giá 5,8 tỷ đồng vào năm 2008 với mục tiêu huy động cộng đồng bảo dưỡng khoảng 700 cây cổ thụ 100 tuổi trở lên và trồng hơn 10.000 cây xanh lấy bóng mát nhằm cải thiện môi trường, tạo mỹ quan đô thị.

Bên cạnh hệ thống cây xanh đường phố, Trà Vinh còn có khu di tích Ao bà Om có tổng diện tích khoảng 10ha với trên 500 cây cổ thụ nhiều trăm năm tuổi. Đây là vốn quý đang được người dân cũng như chính quyền thành phố bảo tồn và giữ gìn.

  • Vị Thanh

Là một đô thị còn rất trẻ, Vị Thanh tổng số cây xanh đếm được “trên đầu ngón tay” và chỉ tập trung ở mấy phố trung tâm. Số lượng cây xanh tại Vị Thanh còn thấp hơn nhiều so với thị trấn Long Mỹ láng giềng, trong khi quy mô dân số cũng như diện tích lớn gấp nhiều lần. Năm 20106, Vị Thanh triển khai trồng mới 500 cây sao dầu, và hiệu quả đã được phát huy đến nay.

Tuy nhiên, do là một thành phố mới việc quy hoạch được vạch ra từ đầu, nếu đặt vấn đề đúng và giải quyết vấn đề triệt để thì Vị Thanh lại có thể biến thế yếu thành thế mạnh.

  1. Phân loại cây xanh đô thị

Cây xanh đô thị là tập hợp tất cả những loài thảo mộc hiện diện trong đô thị từ cây cỏ trồng dọc đường phố, trong các khu rừng phòng hộ, công viên, vườn hoa, sân vườn các khu ở hay các giàn cây, chậu cảnh trong từng gia đình.

Theo đặc tính sinh học, ta có thể phân loại dựa vào dạng sống và công dụng: cây gỗ lớn có Sấu, Xà Cừ, Chò…; thân gỗ nhỡ gồm Me, Bằng lăng, Nhãn, Cơm nguội…; cây có quả như Na, Hồng bì… Các loại cây thân thảo, cây bụi, dây leo cũng được ưa chuộng trồng trong đô thị do hình dáng phong phú và không đòi hỏi quỹ đất lớn. Tương tự, các loài cây họ Tre Trúc hay thân Cau Dừa cũng rất được ưu chuộng. Mặt nước tĩnh trong đô thị cũng thường được tận dụng để trồng những loài cay thủy sinh, nhất là những loài cây có chức năng cải tạo môi trường. Đặc biệt, các loài cây ưa bóng râm (thích hợp trồng trong nhà), cây chịu khô hạn (ví dụ xương rồng), các loài cây, hoa cảnh bonsai cũng là thành phần không thể thiếu đối với cư dân đô thị.

Cây hoa giấy ở các ngôi nhà tại phố cổ Hội An đã làm đẹp và thơ mộng nhiều thêm cho đô thị cổ này
Cây hoa giấy ở các ngôi nhà tại phố cổ Hội An đã làm đẹp và thơ mộng nhiều thêm cho đô thị cổ này

Theo chức năng, ta có thể chia cây xanh đô thị thành các nhóm chính sau đây:

  • Cây xanh đường phố: là các dải cây trồng tạo hành lang ngăn cách cho các trục giao thông đồng thời có chức năng tạo bóng mát, ngăn gió bụi, cải tạo môi trường. Đây thường là các cây thân mộc lớn, sống lâu năm, có độ che phủ cao
  • Cây xanh công cộng: được trồng tại các công viên, vườn hoa tạo thành một quần thể, một mảng xanh lớn. Lựa chọn cho các quần thể khá đa dạng, tùy thuộc theo ý nghĩa hay chủ đề của công trình khu vực.
  • Cây xanh công trình: trồng trong các khu dân cư, khu công nghiệp hay dịch vụ thương mại, giải trí.
  • Cây xanh đặc biệt: cây ven sông hồ, cây xanh phòng hộ, cách ly, các quần thể hay cá thể cây cổ thụ, cây mang tính văn hóa hoặc tâm linh.
  • Cây cảnh hộ gia đình: đây là một thị trường cực kỳ lớn mà bấy lâu nay phát triển khá tự nhiên, chưa được nghiên cứu hay định hướng
Hải Phòng đã đi vào thơ ca và nhạc với hình ảnh của một thành phố mang hoa phượng đỏ
Hải Phòng đã đi vào thơ ca và nhạc với hình ảnh của một thành phố mang hoa phượng đỏ

Thêm một đặc điểm rất quan trọng  mà các nhà hoạch định phải tính đến đó là bản sắc cây xanh riêng của từng đô thị đã được hình trong lịch sử. Những đường phố dài ngập tràn hoa phượng đỏ của Hải Phòng, những hàng cây Sao dầu vút cao ở Sài Gòn, những con đường xà cừ, phố Sấu cổ thụ ở Hà Nội đã trở thành “thương hiệu”.

Do vậy, việc lựa chọn cây trồng đô thị cho phù hợp với điều kiện cụ thể ở từng địa phương, phù hợp với kiến trúc và tạo được bản sức riêng cho từng ô thị là việc đòi hỏi phải được tính toán kỹ càng, tỷ mỷ.

  1. Những tác động xã hội ảnh hưởng đến sức khỏe của hệ thống cây xanh đô thị

Sức khỏe cây xanh đô thị, cây xanh đường phố bị tác động bởi rất nhiều yếu tố. Ngoài các yếu tố khách quan như thiên tai, bão lụt, sâu bệnh hay thiếu hụt nguồn dinh dưỡng, nguyên nhân gây chết cây lại thường do con người gây ra. Trong đó, có cả các nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, tức là cố tình triệt hạ cây xanh vì lý do nào đó.

Việc xây dựng, cải tạo trong đô thị ảnh hưởng lớn đến cây xanh. Ngoài việc thi công ác dự án lớn đòi hỏi phải “triệt hạ” cây xanh để giải phóng mặt bằng, các hoạt động duy tu bảo dưỡng đường sá, vỉa hè, hạ tầng đô thị cũng gây ảnh hưởng rất lớn. Nhiều cây sau khi bị chết hoặc đổ mới phát hiện ra bộ rễ đã bị cắt nát bởi các công trình ngầm. Các dự án, đại dự án nhà cao tầng hay trung tâm thương mại, dịch vụ đang mọc lên như nấm tại hầu hết các đô thị lớn. Để tiện cho việc thi công, người ta hạ sát hàng loạt cây xanh lâu năm rồi “bù đắp” bằng các hàng cây cau bụng, cây cọ dầu thiếu hẳn bản sắc cũng như công dụng.

Hàng cây hoa sữa với mùi hương nồng nàn làm ảnh hưởng đến môi trường sống đô thị.
Hàng cây hoa sữa với mùi hương nồng nàn làm ảnh hưởng đến môi trường sống đô thị.

Cây xanh đô thị, nhất là những hàng cây ven đường phố còn bị người dân cố tình “triệt hạ” để tạo ra mặt tiền nhà thông thoáng tiện việc buôn bán kinh doanh hay của những lý do mà họ coi là tâm linh, ảnh hưởng tới phong thủy. Họ âm thàm chặt rễ cây, bóc vỏ cây, lợi dụng đếm tối hay mưa bão để chặt cây. Một số thủ đoạn bức tử cây một cách “căn cơ” mà không sợ bị phát hiện ngay cũng thường được sử dụng, đó là đổ nước sôi, nước muối, đổ dầu hỏa hay thậm chí axit loãng vào gốc và rễ để cây chết dần chết mòn.

Cũng không thể bỏ qua nguyên nhân gây chết cây từ chính những người quản lý. Việc chọn lựa cây trồng không chuẩn, như cây ngoại lai gây hại, cay có độc tố sẽ đến việc bắt buộc phải “triệt hạ”. Hay như “phong trào” trồng hoa sữa dày đặc đã gây nên hệ lụy không lường tại nhiều đô thị từ Đà Nẵng, Nha Trang cho tới Đồng Hới, Tam Kỳ. Cứ mỗi mùa hoa nở, lãng mạn không thấy đâu, nhưng người dân trong khu vực bị hành hạ bởi mùi hoa nồng nặc, không ít trẻ em, người già bị dị ứng tới mức phải nhập viện. Điều này dẫn tới phản ứng tiêu cực, người dân lén lút, thậm chí ngang nhiên chặt hạ những hàng cây đã từng đi vào thi ca này. Ngoài ra, việc bảo dưỡng không đúng thời hạn, không phát hiện và ngăn ngừa sâu bệnh đúng lúc, không có các động thái bảo vệ cây một cách triệt để cũng dẫn đến việc làm lụi tàn các mảng xanh đô thị.

  1. Kết luận

Cây xanh đô thị là mọt yếu tố cảnh quan vô cùng quan trọng của đô thị về mặt chức năng, thẩm mỹ, văn hóa, môi trường và kinh tế. Để phát triển và gìn giữ quỹ cây xanh trong các đô thị Việt Nam, chúng ta cần phải hiểu được thực trạng và giá trị của cây xanh trong cảnh quan và môi trường đô thị, từ đó những biện pháp hiệu quả khai thác cây xanh trong quy hoạch và thiết kế không gian đô thị.

PGS.TS.KTS Đàm Thu Trang
Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan, Đại học Xây dựng, Công ty D&D

(Theo NGƯỜI XÂY DỰNG – SỐ THÁNG 3&4/2018)

Check Also

brg-smarttown-15198048646601809363374 (1)

Xu hướng phát triển đô thị xanh trên thế giới

Mời bạn đọc xem ” Xu hướng phát triển đô thị xanh trên thế giới” …