Xã hội đang thay đổi gốc rễ. Cái làng ngày xưa, phương thức sản xuất ngày xưa, không còn phù hợp nữa. Đời sống người nông dân đang khấm khá lên. Nông thôn còn ít nhà lá và nhà đất. Cái làng Việt ngàn năm đứng trước nguy cơ tan biến. Nói lên điều này không phải chỉ từ căn bệnh hoài cổ, mối lo bảo tồn. Lâu nay chúng ta hầu như im lặng, quên nói đến kiến trúc nông thôn – nơi 75% dân số đang sống. Xây dựng nông thôn đang đặt ra nhiều vấn đề lớn và gay gắt không kém gì đô thị.
Công cuộc đô thị hóa như một dòng nước đang tự chảy về nông thôn. Không một cơ quan và tổ chức nào, một tài liệu nào hướng dẫn người nông dân xây nhà phù hợp với điều kiện ăn ở hiện nay, phù hợp với công nghệ và những điều kiện kinh tế mới, ít tốn kém mà lại đẹp. Chưa tổ chức nào, cá nhân nào giới thiệu những mô hình làng đẹp cho thôn quê, mà giả dụ có làm việc ấy đi chăng nữa, thì chưa chắc đã có ai làm theo, có ai nhân rộng ra. Ngay cả chương trình rất lý thú như “những sắc màu không gian” trên Đài truyền hình cũng chỉ nói về kiến trúc đô thị. Ở Bộ Xây dựng có hẳn một Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn. Song, quy hoạch nông thôn thế nào, đến bây giờ vẫn chưa hẳn đã rõ trên các đồ án và càng chưa rõ thực thi bằng cách nào. Có thể nói kiến trúc nông thôn hiện nay là một nền kiến trúc không được hướng dẫn về cả mặt quy hoạch lẫn thẩm mỹ. Một nền kiến trúc hầu như tự phát như ngày xưa. Song lại thiếu lệ làng.
Dân trí của nông dân chưa cao, họ chưa chủ động trước những biến đổi mau chóng về công nghệ và thẩm mỹ, do vậy họ đua đòi, bắt chước kiến trúc kiểu nhà mặt phố, xây dựng lên những chiếc công – ten – nơ. Bây giờ hễ làm nhà mới là dựng đứng nó lên như cái tủ. Chủ nhân mua hoa văn đúc sẵn bằng thạch cao và xi măng ở các đô thị, gắn vào trần vào tường, thế là đẹp sang. Những ngôi nhà na ná kiểu đô thị ấy thoát ly khỏi mặt đất, trong khi người nông dân vốn sống trên mặt đất và bám vào đất. Nền kiến trúc cổ Việt Nam sản sinh từ nền kinh tế eo hẹp. Do nghèo mà làm nhà đất hoặc nhà tranh. Những thứ vật liệu có sẵn. Không nhà ai nghèo như nhà người nông dân. Ngay cả ngôi nhà 5 gian 2 chái của địa chủ cũng chỉ là sản phẩm của sự chắt chiu. Nền kiến trúc nông thôn ở nước ta tuy có diện mạo khắc khổ, nhưng lại là một nền hợp lý. Hợp lý bởi tính toán kỹ càng, không có tiền và của thừa để xa hoa. Bây giờ người nông dân có điều kiện tài chính và vật chất nhiều hơn gấp bội, quan điểm về cái tiện và cái đẹp của họ thay đổi nhanh, chẳng khác nào từ ăn bún riêu chuyển sang fast food. Nông thôn giàu lên, về phương diện nào đó là tiến sát gần đô thị hơn, song kiến trúc nông thôn lại đang mất định hướng. Kiến trúc tổ ấm của hàng triệu đồng bào cấy lúa, trồng rau nuôi chúng ta đang bị các nhà hoạch định chính sách và các nhà kiến trúc bỏ rơi.
Chúng ta sống nơi đô thị, ứng xử có phần quan liêu với đồng bào ở quê. Các đô thị đang bung ra như con bạch tuộc, chiếm dụng đất đai một cách tham lam, làm biến đổi dữ dội cảnh quan nông thôn. Đã đến lúc các cơ quan quản lý Nhà nước cần quay mặt về nông thôn, tìm mọi con đường đến với xây dựng nông thôn. Các nhà khoa học, các kiến trúc sư cần quay mặt về phía nông thôn và kiến trúc tổ ấm của họ. Chúng ta cần chủ trương và đầu tư để làm sao 75% dân số ở nông thôn có những cái nhà, những cái làng đẹp và văn minh. Làm sao để có những sự chuyển đổi êm ái, ít gây xáo trộn và hợp lý về kiến trúc trong quá trình đô thị hóa nông thôn. Vấn đề nan giải nhất ở đây là tạo ra những mẫu nhà và mẫu quy hoạch làng phù hợp với thực tế, lấy cái được cái hay để thuyết phục người nông dân và chính quyền ở nông thôn, đồng thời tìm ra phương thức đưa chúng vào đời sống. Cái đáng tránh ở đây là cách làm áp đặt, duy ý chí. Lũy tre làng không chỉ ngăn gió bão và phòng kẻ gian. Nó còn ngăn chặn cả những cái mới, một khi những cái đó chưa được kiểm nghiệm, theo kiểu nông dân.
Vấn đề thực sự lớn lao là làm sao vừa phát triển kiến trúc xóm làng, vừa giữ cho chúng không bị thoái hóa về phương diện vật chất, tinh thần lẫn thẩm mỹ. Đó là điều quan trọng hơn việc chỉ lo bảo tồn mấy cái nhà cổ như chúng ta đang làm với sự giúp đỡ của nước ngoài.
Năm 1948, trong thư gửi kiến trúc sư kháng chiến, Bác Hồ đã nhắc họ vẽ cho bà con nông dân những kiểu nhà vừa cao ráo, vừa tiện lợi, ít tốn kém.
Đã đến lúc chúng ta phải chăm lo chẳng những đến việc sản xuất nhiều lúa gạo, tạo dựng những trang trại, chuyển đổi các phương thức canh tác, mà phải thật sự chăm lo đến điều kiện ăn ở sinh hoạt của 75% đồng bào nông dân, chăm lo đến những căn nhà và những xóm hàng của họ.
Kiến trúc nông thôn đang đứng trước những vấn đề mô hình, quy hoạch, thiết kế kiến trúc, tổ chức cuộc sống cộng đồng, duy trì môi trường cảnh quan, bảo vệ môi trường… Những vấn đề này gay gắt không kém gì việc xây dựng làng văn hóa, xây dựng các đô thị.
Đô thị có bao nhiêu cơ chế, có bao nhiêu lực lượng và tiền của để chăm lo. Còn kiến trúc nông thôn, quê hương và cội nguồn của mỗi chúng ta, ai chăm lo cho đây?
Hãy hướng tâm và ngoái mắt về nông thôn!
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính