Home / QUY HOẠCH / KIẾN TRÚC / KIẾN TRÚC SƯ LÀ AI?

KIẾN TRÚC SƯ LÀ AI?

Đô thị hóa vừa là hệ quả, cũng lại vừa là điều kiện cần của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quy hoạch kiến trúc xây dựng là một trong những công cụ quản lý đô thị. Không thể quản lý quy hoạch – kiến trúc đô thị mà lại không có vai trò của những con người này ở mọi vị trí trong guồng máy.

86d5ffe920440d7c2bf100a7a5f4dd41Hình ảnh minh họạ

Đặt vấn đề vai trò của một ngành, một lĩnh vực, một nghề nghiệp ..v..v, cho một sự nghiệp, một công cuộc – mà ở đây, chúng ta đề cập đến danh vị kiến trúc sư – e rằng có phần “đại ngôn” chăng? Bởi, bất cứ một sự nghiệp nào, một công cuộc nào cũng đều là kết quả của sự tổng hợp của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều nghề nghiệp … Ngay cả một đồ án công trình (dân dụng hay công nghiệp), nếu theo quy chuẩn, bài bản, cũng không thể một mình cá nhân anh hoàn tất chỉn chu được, mà phải có các bộ môn: kết cấu, điện, nước, kinh tế; chưa kể, nếu  là đồ án quy hoạch xây dựng thì các bộ môn tham gia, còn nhiều thêm.

Tuy vậy, cũng không thể không nói đến vai trò của kiến trúc sư trong tác nghiệp để hình thành các sản phẩm, đúng hơn là các tác phẩm bằng các loại vật liệu. Nếu thiếu kiến trúc sư, hay chính xác hơn là thiếu tri thức về kiến trúc, thì “không gian nhân tạo” không thể nên thơ hay hoành tráng và những khối hình bằng vật liệu sẽ không thể là “bản nhạc – bài thơ” cho muôn đời được!

Lịch sử xây dựng đã “ phân công trách nhiệm” cho kiến trúc sư chức năng tổng thể, làm chủ nhiệm – chủ trì cho sự tác thành nên tác phẩm kiến trúc và quy hoạch. Lịch sử xây dựng đô thị, cũng chỉ có chức danh kiến trúc sư trưởng cho người chịu trách nhiệm về không gian cảnh quan, môi trường do xây dựng công trình mà có, không hề có chức danh nào khác (người ta chỉ ví von qua lại, kiến trúc sư trưởng giống như người nhạc trưởng!). Còn khi ví von cho một vị trí, một vai trò chính ở nhiều lĩnh vực, người ta thường mượn danh từ kiến trúc sư, như: “kiến trúc sư của chương trình phủ xanh đồi trọc”. “kiến trúc sư của chiến lược phát triển nhân lực”, thậm chí còn là “kiến trúc sư của chiến dịch” quân sự nào đó ..v..v..

Thế thì, kiến trúc sư là ai, vai trò thế nào mà “quan trọng” thế? Kiến trúc sư là người được đào tạo các kiến thức về nghệ thuật và kỹ thuật ở một mức độ cần thiết để có thể sáng tạo ra ý tưởng tổ chức không gian, hình khối với hình tượng nghệ thuật trên cơ sở kết cấu hạ tầng (cho quy hoạch) và kiến tạo vật liệu (cho công trình). Kiến trúc sư là chủ thể sáng tạo mà các kỹ sư chuyên ngành xây dựng khác là cộng sự, đồng tác giả. Kiến trúc sư chân chính phải vừa có phẩm chất của một nghệ sĩ (trí tưởng tượng, khả năng liên tưởng, tâm hồn lãng mạn, thụ cảm thẩm mỹ), lại vừa có tố chất của người kỹ thuật (khoa học, chính xác, thực nghiệm) và với bất kỳ thời đại nào của lịch sử, phẩm chất bao hàm của kiến trúc sư là khát vọng sáng tạo, khả năng khái quát, tổng hợp để đảm nhiệm vai trò sáng tạo ra tác phẩm quy hoạch – kiến trúc.

436f0a90b4d0dd004545f5708173436bHình ảnh minh họạ

Xã hội phát triển, khoa học kỹ thuật tiên tiến cũng như nảy sinh tính chuyên sâu, tính phân ngành cũng nảy sinh tính chuyên sâu, tính phân ngành cao, nên: có kiến trúc sư sáng tác, nhưng cũng có kiến trúc sư nghiên cứu lý luận, có kiến trúc sư làm sư phạm, có kiến trúc sư hành nghề thiết kế nhưng cũng có kiến trúc sư thi công; có kiến trúc sư hành nghề thì cũng có kiến trúc sư quản lý. Nói cho cùng, kiến trúc sư có chức năng tổ chức môi trường sống cho con người và cộng đồng bằng việc bố cục không gian vật thể. Với năng lực cao về tri thức như vây, nên thực tế, kiến trúc sư có khả năng tham gia hoạt động ở nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội:

– Kiến trúc sư hoạt động sáng tạo: đó là việc hành nghề sáng tác, thiết kế ở các tổ chức, doanh nghiệp tư vấn.

– Kiến trúc sư hoạt động và quản lý: đó là các nhà hoạt động chính trị – xã hội; các giảng viên, viên chức ở các sở đào tạo; các nhà thầu thi công, nhà môi giới kinh doanh bất động sản;…

Thực tiễn ở xã hội ta, ngoài các doanh nghiệp có chức năng tư vấn, một số ngành chức năng quản lý có chuyên môn cần đến tri thức kiến trúc, như: quản lý kiến trúc – quy hoạch – xây dựng, kế hoạch – đầu tư, tài nguyên – môi trường (chức năng địa chính), chính quyền đô thị các cấp, với tư cách có thẩm quyền hoặc tham mưu, trợ lý, cố vấn, …

cdea64e35fcb65eae9ccadbc54359ec5Hình ảnh minh họạ

Tuy nhiên, “học đi đôi với hành”, cái gốc của kiến trúc sư là phải thiết kế được và phải hành nghề chính – nghề thiết kế. Vậy thì, kiến trúc sư phải mất bao nhiêu lâu, kinh nghiệm đến mức nào thì mới nên rời tay bút vẽ, mới được tuyển dụng vào guồng máy quản lý, để ngồi thẩm duyệt? Kinh nghiệm cho thấy, khoảng 5 năm với kiến trúc sư công trình và lâu hơn nữa với kiến trúc sư quy hoạch …

Tính nhạy cảm của đất đai, bất động sản tác động đến sự an cư, phát đạt của dân cư, quan hệ đến đền bù giải tỏa, cộng với phương châm “Nhà nước và dân cùng làm” và “khai tác quỹ đất để có vốn đầu tư” lại cùng những sự “viễn vông” của nhiều dự án quy hoạch rồi còn thêm sự quan liêu, hách dịch của nền hành chính, đã dẫn đến yêu cầu bức xúc phải xã hội hóa công tác quy hoạch – kiến trúc kèm theo vấn đề đòi hỏi mỗi người liên quan phải được trang bị kiến thức nhất định. Vậy, xã hội hóa như thế nào, trình độ dân trí (và cả “quan trí”) về quy hoạch – kiến trúc phổ cập mức độ nào? Kiến trúc sư phải làm gì? Cần có một quy định cụ thể về quy cách, nội dung hồ sơ bản vẽ, một tình tự thủ tục hợp lý về việc trình bày, thông qua, thẩm định, thẩm duyệt … để ý tưởng thiết kế có thể được truyền bá, lĩnh hội trong cộng đồng để góp ý được cho đồ án. Bản thân kiến trúc sư phải am hiểu đời sống xã hội, phải có tư tưởng nhân văn thì ý tưởng đồ án mới hiện thực.

Việc tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc với những quy định rối rắm, phức tạp, nhiêu khê, thiếu minh bạch đã khiến “nó” không là phương thức tốt mà lại trở thành “biện pháp chế tài” các chủ đầu tư và tạo khó khăn, trở ngại cho vai trò và nguyện vọng chính đáng của các kiến trúc sư hành nghề sáng tác, tư vấn thiết kế, nhất là các kiến trúc sư trẻ không thực hiện!

Làm sao để kiến trúc sư trẻ, có thể hòa nhập ngay với đời sống đa dạng, phong phú, được thi thố tài năng, tham gia thiết kế mọi công trình? Cần phải điều chỉnh và cụ thể hóa quy định thi tuyển phương án kiến trúc để “nó” được khả thi và thuận lợi, công khai, minh bạch và thực chất.

Bản thân trong chính giới kiến trúc, cũng chưa nhận rõ hết vai trò chức năng nghề nghiệp của mình. Nhiều kiến trúc sư không thấy hết sứ mệnh lớn lao tạo dựng môi trường sống bền vững, cảnh quan mỹ cảm ngoài việc là bằng mọi cách để có các hợp đồng vụ lợi! Người thiết kế bố cục không gian sống mà thiếu hiểu biết xã hội, xa rời đời sống thường nhật của cộng đồng, thiếu sáng tạo cái mới, thì cũng chỉ là “thợ vẽ”. Thậm chí, có trường hợp năng lực là anh “thú y” nhưng lại dám “bốc thuốc cho người”.

Nhiều nơi đã có những công trình được tạo do “cơ chế” không minh bạch với những “thợ vẽ” như vậy, để lại những công trình với quy mô giá trị không nhỏ mà cộng đồng phải chịu hậu quả chiêm nghiệm không biết đến khi nào…

Một kiến trúc bậc thầy đã phải nhận định rằng, ở ta, còn rất thiếu các kiến trúc sư dám “xả thân” vì nền kiến trúc!? Hai chữ TÂM – ĐỨC chưa được soi rọi bởi “cái gương” vai trò sứ mệnh. Kiến trúc sư chúng ta hãy tự “soi gương” và chỉnh lại chính mình vì nghiệp kiến trúc.

Tôi muốn nói rằng, vai trò của kiến trúc sư, phải được xã hội và cấp thẩm quyền nhìn nhận, hành xử đúng; đó là mấu chốt! Chỉ tự kiến trúc sư nhận thức, thì cũng chỉ như một con én lẻ loi. Chúng ta, phải nhớ bài học “hiệu quả” của những việc ở thời đoạn “đêm trước” của Đổi mới (1976-1986): những cái gọi là cán bộ công nhân viên chức đi “tăng gia” trồng lúa, trồng mì hay “tiết kiệm” lấy than làm nhiên liệu thay xăng để chạy ôtô!!!

3a23eb580f4a9dd4531a17cea99a4513Hình ảnh minh họạ

Và cuối cùng, nếu cho dù là một con én lẻ loi, thì cũng phải thể hiện cho xứng đáng cốt cách, tầm vóc của người kiến trúc sư, người làm nên lịch sử bằng kết cấu, vật liệu.

Hoài Trân

 

Check Also

df4c8f78-8baa-4003-93de-f50193785257

Kiến trúc cầu Việt Nam dưới góc nhìn của nhà phê bình mỹ thuật

Sự kiện công bố phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo theo kiểu “xứ …