I. BỐI CẢNH VỀ KINH TẾ BIỂN ĐÀ NẴNG TRƯỚC KHI TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT 36-NQ/TW
Đà Nẵng là một trong những thành phố ven biển ở khu vực miền Trung có vị trí địa lý thuận lợi cho sự phát triển của kinh tế biển; có vai trò rất quan trọng trong chiến lược đảm bảo an ninh – quốc phòng trên biển, bảo vệ biên giới, hải đảo quốc gia. Nhận thức được tầm quan trọng này, trong thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng đã chủ động chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiều Qui hoạch, Đề án, dự án về phát triển kinh tế – xã hội, trong đó chú trọng qui hoạch đô thị, phát triển kinh tế biển. Bộ mặt thành phố đã có nhiều đổi thay theo hướng văn minh, hiện đại; đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân dân, trong đó có ngư dân đã được nâng lên rõ rệt.
– Trước khi có Nghị quyết 36-NQ/TW của Trung ương, Thành ủy Đà Nẵng đã ban bành Chương trình hành động số 34-CTr/TU, ngày 01/7/2014 về phát triển nông nghiệp, nông thôn và kinh tế biển của thành phố đến năm 2020.
– Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các Quyết định số 47/QĐ-UBND ngày 12/12/2014 qui định về cơ chế, chính sách hỗ trợ đóng mới tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ khai thác hải sản cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Đà Nẵng; Quyết định số 3922/QĐ-UBND ngày 17/6/2014 về thành lập và qui định quản lý, sử dụng Quĩ hỗ trợ ngư dân của thành phố; Quyết định số 1089/QĐ-UBND (ngày 29/2/2016) phê duyệt Đề cương và dự toán kinh phí xây dựng Đề án “Phát triển kinh tế biển thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đén năm 2025; Quyết định số 5245/QĐ-UBND ngày 18/9/2017 Phê duyệt Đề án phát triển kinh tế biển đến năm 2025, tầm nhìn đén năm 2030; Quyết định số 4991/QĐ-UBND (ngày 26/7/2016) về Đề án giảm số lượng tàu có công suất <20 cv và thuyền thúng nhỏ giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 5629 ngày 18/8/2016 về Phê duỵet quản lý môi trường tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang…
– Trên cơ sở các chủ trương chung của Trung ương và thành phố, Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tập trung các nguồn lực để đầu tư phát triển (thuê chuyên gia, huy động nguồn vốn từ trung ương và địa phương, kêu gọi các dự án hợp tác quốc tế, nguồn vốn của tư nhân…) đối với tất cả các lĩnh vực, như tăng cường năng lực quản trị biển và hải đảo; thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về kinh tế biển; tập trung phát triển các ngành kinh tế biển (du lịch và dịch vụ biển, phát triển kinh tế hàng hải, nghiên cứu phát triển khai thác hải sản theo hướng bền vững…); bảo vệ môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học biển; đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền của biển đảo quốc gia.
Biển Đà Nẵng
II. QUÁ TRÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 36-NQ/TW, THỰC TRẠNG KINH TẾ BIỂN THÀNH PHỐ ĐÀ NĂNG
- Quá trình triển khai, thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết số 36NQ/TW
Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, các hướng dẫn của Trung ương, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, thành phố đã cụ thể hóa các nội dung để thực hiện Nghị quyết 36.
– Hội đồng nhân dân thành phố có Nghị quyết số 255/2019/NQ-HĐND ngày 11/7/2019 qui định chính sách hỗ trợ, phát triển khai thác hải sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2019-2025;
– Thành ủy Đà Nẵng có Chương trình hành động số 28-CTr/TU, ngày 18/02/2019 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2045;
– Ủy ban nhân dân thành phố có Quyết định số 688/QĐ-UBND, ngày 28/02/2020 về ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 28-CTr/TU của Thành ủy;
– Chương trình số 42-CTr/TU (ngày 05/02/2020) của Thành ủy Đà Nẵng về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp (trong đó có ngành thủy sản) theo hướng ứng dụng công nghệ cao;
– Chương trình số 43-CTr/TU ngày 18/02/2020 của Thành ủy về tổ chức không gian đô thị theo xu thế hiện đại hóa, văn minh, bảo tồn và phát triển bản sắc đô thị theo hướng biển – sông – núi;
– Ngoài ra thành phố đã chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản, Đề án, dự án liên quan đến các sở ngành như Đề án xây dựng “Đà Nẵng – Thành phối môi trường”; Đề án Qui hoạch, phát triển du lịch; Qui hoạch, phát triển rừng bền vững; Đề án về Đa dạng sinh học; các đề tài nghiên cứu khoa học về biển, đa dạng sinh học biển; ngành Du lịch đã có các Chương trình, Đề án phát triển du lịch, kể cả du lịch về đêm; các dự án tổng thể, qui hoạch ngành, qui hoạch phân khu, các khu công nhiệp tập trung mở rộng; qui hoạch nguồn nước sử dụng cho thành phố; quan tâm đến các hoạt động liên quan đến huyện đảo Hoàng Sa….
Ngư thuyền Đà Nẵng
2.Thực trạng kinh tế biển Đà Nẵng
Đối với kinh tế biển, thành phố Đà Nẵng đã và đang tập trung triển khai các chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước và ưu tiên các nguồn lực cho phát triển kinh tế biển, ven bờ. Phát triển kinh tế biển bền vững tại thành phố Đà Nẵng dựa trên các nguyên tắc: phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội chung của thành phố; phát triển kinh tế biển phải gắn với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia và các lợi ích hợp pháp trên biển, bảo đảm quốc phòng, an ninh biên giới, hải đảo quốc gia. Trên cơ sở lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, thành phố Đà Nẵng tập trung phát triển kinh tế biển trong các lĩnh vực chủ yếu: kinh tế hàng hải (cảng biển, dịch vụ cảng biển và logistics); đánh bắt, khai thác, chế biến thủy, hải sản; du lịch biển và dịch vụ biển, ven biển và một số lĩnh vực quan trọng khác.
Kinh tế hàng hải được xác định là một trong 4 lĩnh vực chính của kinh tế biển. Thành phố chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển gắn với phát triển đa dạng các dịch vụ cảng biển, xây dựng cảng Đà Nẵng thành cảng trung chuyển hàng hóa quốc tế. Từ năm 2010, thành phố tập trung đầu tư phát triển hạ tầng cảng biển, nâng cấp cảng Tiên Sa (mở rộng bến, bãi tăng năng suất khai thác, xây dựng bến số 7, đầu tư trang thiết bị hiện đại, đồng bộ để phát triển trở thành cảng container, cảng trung chuyển của khu vực).Trên địa bàn thành phố nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ vận tải biển, trong đó có các công ty hàng đầu về dịch vụ hàng hải của Việt Nam mở chi nhánh tại Đà Nẵng như: Vosa, Viconship, Gemadept, Vietfracht… với đầy đủ các loại hình dịch vụ (đại lý tàu biển, đại lý giao nhận, thủ tục hải quan, dịch vụ xếp dỡ, lưu kho – bãi) và đã bước đầu cung cấp dịch vụ logistics…
Phát huy thế mạnh của địa phương, thành phố Đà Nẵng chủ trương phát triển đồng bộ ngành thủy sản trên ba lĩnh vực: khai thác, nuôi trồng và chế biến, xuất khẩu. Phát triển xuất khẩu thủy sản gắn với nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ; đẩy mạnh CNH, HĐH ngành thủy sản. Các chương trình đóng mới tàu thuyền, đánh bắt hải sản xa bờ, nuôi trồng thủy sản được triển khai có kết quả. Từ năm 2013 đến nay, Liên đoàn lao động thành phố đã thành lập 4 nghiệp đoàn nghề cá với 510 thành viên là chủ tàu, người lao động tham gia.
Tính đến tháng 6 năm 2021, thành phố có 1.327 tàu cá (không kể 452 chiếc thúng máy), 112 tổ đoàn kết sản xuất trên biển với 734 tàu. Thành phố tập trung các nguồn vốn để đầu tư phát triển, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nghề cá. Khu Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang đã đáp ứng cơ bản cho nhu cầu dịch vụ hậu cần nghề cá của ngư dân Đà Nẵng và các tỉnh lân cận.
Trên cơ sở lợi thế về vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên đẹp, thành phố xác định du lịch biển, đảo là ngành kinh tế mũi nhọn, có tính đột phá trong phát triển kinh tế biển. Tài nguyên văn hóa biển Đà Nẵng là yếu tố quan trọng trong việc phát triển du lịch biển Đà Nẵng. Du lịch nghỉ dưỡng biển và các dịch vụ giải trí biển của Đà Nẵng đã tạo dựng hình ảnh của một thành phố nghỉ dưỡng cao cấp với các cụm du lịch nghỉ dưỡng được du khách trong nước, quốc tế biết đến. Thành phố chủ trương mở rộng cung ứng các dịch vụ vui chơi giải trí, các dịch vụ du lịch biển: dịch vụ lặn biển ngắm san hô, đua thuyền buồm, lướt ván, mô tô nước…
Mặc dù vậy, cùng với những kết quả đạt được, quá trình phát triển kinh tế biển ở Đà Nẵng vẫn còn một số bất cập, hạn chế. Lợi thế về kinh tế biển, vai trò thành phố cảng biển, đầu mối trung chuyển, quá cảnh, giao lưu hàng hóa ở khu vực chưa được tập trung khai thác và phát huy hiệu quả. Quy mô kinh tế biển còn nhỏ, các công trình hạ tầng chưa đồng bộ; sản lượng hàng hóa qua cảng và năng lực vận tải còn chưa như theo mong muốn. Khai thác thủy sản chưa thật sự vươn xa. Công tác điều tra, nghiên cứu nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học biển và ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, chế biến chưa được chú trọng, thiếu các khu bảo tồn biển. Điều kiện cơ sở vật chất để phát triển dịch vụ logistics còn hạn chế do khó khăn về nguồn vốn đầu tư phát triển, hệ thống thông tin logistic chưa đsp ứng được với yêu cầu đặt ra. Trong khai thác thủy, hải sản, ngư dân chưa mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ trong khai thác; công tác quản lý, bảo vệ nguồn lợi hải sản chưa được quan tâm đúng mức.
- Những kết quả đạt được
Trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế biển, phát huy tiềm năng, lợi thế, trong đó lấy công tác qui hoạch, chỉnh trang đô thị làm mũi đột phá, những năm qua tình hình phát triển kinh tế – xã hội nói chung, kinh tế biển nói riêng của thành phố Đà Nẵng đã đạt được những kết quả quan trọng.
– Thành phố đã có nhận thức đầy đủ, toàn diện về vai trò của kinh tế biển trong sự phát triển chung của kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng với quyết tâm hướng ra biển, làm giàu từ biển. Vì vậy kinh tế biển đã có sự chuyển biến tích cực và có tác động trở lại đối với sự phát triển chung của thành phố;
– Nhờ thực hiện khá tốt công tác qui hoạch, thành phố có cơ sở hạ thầng phát triển nhanh, có sân bay hiện đại, hệ thống đường ven biển kéo dài tạo ra động lực phát triển cho du lịch sinh thái, du lịch biển;
– Nhờ có cảng biển khá hiện đại, năng lực khai thác, dịch vụ, kinh doanh hàng hóa thuận lợi, sản lượng hàng hóa qua cảng ngày càng tăng, lợi nhuận kinh doanh luôn được đảm bảo;
– Do được đầu tư có bài bản, ưu tiên nguồn kinh phí cho phát triển nghề cá vì vậy trong những năm qua nghề cá của thành phố có sự chuyển biến tích cực, cơ sở hậu cần nghề cá, Âu thuyền, Cảng cá được đầu tư khá hiện đại, hàng trăm tàu đánh bắt xa bờ được hỗ trợ nguồn kinh phí lớn để vươn khơi, hỗ trợ hàng ngàn trang thiết bị, mạng lưới thông tin liên lạc cho các tàu để đảm bảo công tác thông tin liên lạc, an toàn cho ngư dân; đã đào tạo miễn phí cho 329 lượt thuyền viên (thuyền trưởng 176 lượt người, máy trưởng 48 và thợ máy tàu cá là 105 lượt người). Hoạt động của các công ty chế biến thủy sản luôn ổn định, xuất khẩu thủy sản đem lại lợi ích kinh tế cáo;
– Từ năm 2016 đến nay đã có 117 tàu cá hoạt động vùng khơi được đóng mới, trong đó có 110 tàu cá được đóng mới theo Quyết định số 47/2014/QĐ-UBND và 07 tàu cá (05 tàu vỏ thép và 02 tàu vỏ gỗ) đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP; thực hiện xả bản 130 phương tiện khai thác ở vùng biển ven bờ theo chính sách hỗ trợ tại Quyết định số 4991/QĐ-UBND; đã hỗ trợ lắp đặt 565 thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá khai thác ở vùng khơi, hỗ trợ 40% kinh phí bảo hiểm thân tàu cho 257 lượt tàu, hỗ trợ 50% kinh phí để trang bị máy, thiết bị dùng trong bảo quản sản phẩm; máy, thiết bị dùng trong khai thác thủy sản cho 02 tàu cá theo Nghị quyết số 255/2019/NQ-HĐND.
– Đã hình thành được các cụm công nghiệp, các công trình, dự án du lịch sinh thái có qui mô lớn ven bờ; diện mạo, cảnh quan ven biển, ven bờ có những đổi thay đáng kể;
– Thành phố, các ngành chức năng (sở Nông nghiệp và PTNT, Bộ đội Biên phòng…) các hội đoàn thể (Phụ nữ hội Nông dân…) phối hợp cùng các địa phương có biển thường xuyên tổ chức các hoạt động cộng đồng, xây dựng văn hóa biển, giáo dục cộng đồng bằng các dự án thân thiện với biển, với môi trường biển;
– Bước đầu đã nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đánh bắt hảo sản xa bờ, các công nghệ tiên tiến xử lý môi trường, sử dụng năng lượng mặt trời cho tàu cá ra khơi…
Ngư dân đánh bắt cá xa bờ – Đà Nẵng
III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN TRONG THỜI GIAN ĐẾN
- Định hướng chung
Từ thực tiễn sau 03 năm triển khai thực hiện Nghi quyết số 36-NQ/TW, thành phố tiếp tục hoàn thiện chiến lược phát triển kinh tế biển trong thời gian đến. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, thành phố cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức mới (toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh quốc gia trên biển…). Trong bối cảnh mới, thành phố sẽ bám sát các nội dung của Nghị quyết và xem đây như là kim chỉ nam để triển khai các hoạt động. Ngoài việc tranh thủ sự hỗ trợ, hướng dẫn từ trung ương, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36, bám sát tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Có chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng thành một trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistic tại miền Trung và vai trò trung tâm của Đà Nẵng và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025: Phát triển kinh tế thủy sản là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong đó cần tập trung phát triển kinh tế xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền của đất nước. Tổ chức lại sản xuất theo hướng hiện đại, bền vững gắn liền với bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản… từng bước hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá; xây dựng và phát triển các mô hình liên kết chuỗi giá trị thủy sản….Theo đó xác định ngành thủy sản được ưu tiên đầu tư ở vị trí thứ 3/6 ngành kinh tế biển của thành phố.
- Tiêp tục thực hiện các qui hoạch, Đề án, dự án trong thời gian đến
– Tăng cường năng lực quản lý biển, đảo, ven bờ, đới bờ với những Chương trình, Đề án, dự án cụ thể;
– Thành phố đã, đang triển khai nhiệm vụ qui hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Có thể nói đây qui hoạch được chuẩn bị chu đáo, tổ chức thực hiện ở qui mô lớn nhất từ trước đến nay; đây là cơ sở quan trọng để thành phố phát triển trong tương lai, trong đó có kinh tế biển;
– Đà Nẵng đã có kế hoạch phát triển cảng biển mới tại quận Liên Chiểu; đầu tư dự án logistis tại khu vực này với qui mô 35 ha và phát triển lên 69 ha vào năm 2030 (UBND thành phố cũng đã có công văn số 6927/UBND-SCT ngày 11/10/2019 về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistic)
– Đầu tư cảng hành khách du lịch Tiên Sa, kết nối với các nước (Lào, Thailand…) thông qua tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây;
– Đã phê duyệt và sẽ tập trung các nguồn lực để thực hiện Đề án “Đà Nẵng – Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030;
– Triển khai qui hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng nghề cá đồng bộ với khu neo đậu của tàu thuyền, khu công nghiệp chế biến thủy sản.;
– Ngành Du lịch trển khai Đề án phát triển du lịch gắn liền với các điểm đến, điểm dừng chân trên sông, trên biển để phục vụ du khách tham quan;
– Triển khai các liên kết kinh tế biển liên vùng (khai thác hải sản, hậu cần trên bờ, vận tải biển…), chủ yếu liên kết với 1 trong 4 vùng kinh tế biển theo chỉ đạo của Chính phủ (các tỉnh có biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận);
– Hợp tác, kêu gọi các dự án đầu tư trong nước và quốc tế về ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế biển, kêu gọi các dự án vè tái tạo năng lượng (điện gió, mặt trời…); các dự án về giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển, giảm thiểu chất nhựa Đại dương do sở Tài nuyên và Môi trường làm đầu mối, tiếp nhận dự án “Thành phố sạch – Đại dương xanh thong qua Chương trình CCBO tài trợ.
Triển khai thực hiện hiệu quả các quy hoạch, đề án, dự án nêu trên, thành phó sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo tinh thần Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, tạo tiển đề phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội của cả nước theo tinh thần Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn dến năm 2045./.
TS. Võ Công Trí
Chủ tịch Liên hiệp các Hội
Khoa học và Kỹ thuật TP. Đà Nẵng