Home / QUY HOẠCH / KIẾN TRÚC / VIẾT VỀ ĐÀ NẴNG

VIẾT VỀ ĐÀ NẴNG

  1. Đầu những năm 80 thế kỷ trước tôi hay vô Đà Nẵng. Dạo ấy, thành phố chìm đắm trong hậu quả chiến tranh, dậm chân tại chỗ bởi rào cản của nền kinh tế tập trung bao cấp, tụt lún trong vị thế một tỉnh lỵ. Đà Nẵng đành tự  bảo tồn mình.

    Sau Đổi mới, nhờ sự tái sắp xếp vị trí hành chính, thấm thoát chưa đầy 2 thập kỷ, Đà Nẵng đổi đời, biết vậy mà vẫn ngỡ ngàng.

   Quỹ kiến trúc đô thị và vật chất kỹ thuật đô thị tăng gấp bội. Hàng trăm đường phố và con phố mới. Thành phố mở toang về các hướng, quay hẳn mặt ra sông ra biển, vươn tay sát đến núi rừng, chiếm ngự không gian một cách đầy tham vọng. Những cái cầu mạnh mẽ vượt sông Hàn, gắn kết các phần tách lìa thành một thể, chắc và nén đầy lực. Những khu công nghiệp, khu đô thị mới bung ra, biểu lộ rõ tầm vóc mà thành phố đặt cho mình đạt tới. Đà Nẵng chẳng những rửa mặt, nó sắm cho mình cái diện mạo mới, khang trang, sạch sẽ, xanh tươi, tràn đầy nhuệ khí. Cùng với đó, đời sống dân thành phố no ấm hơn, phong phú hơn. Nơi đây đã hiện ra những dấu hiệu của một chốn thị thành, với những không gian ra dáng thành thị và lối sống cũng vậy.

    Đà Nẵng trở thành một ví dụ hiếm hoi về sự thành công trong công cuộc hiện đại hoá và xây dựng đô thị: Đó là sự giảm thiểu tối đa khoảng cách giữa chủ trương – quy hoạch và thực thi; hiệu quả trong chỉ đạo và điều hành những chương trình và dự án lớn có liên quan đến vốn và giải toả; ưu tiên thiết lập các hệ thống kỹ thuật hạ tầng; mở rộng mạnh mẽ các không gian đô thị; tạo lập hình ảnh và chất lượng mới cho thành phố; hạn chế phần nào những vấn đề nảy sinh và những căn bệnh khó trị trong phát triển về lâu về dài v.v ….

    Có thể ví rằng, ở giai đoạn hiện nay, thành phố giống như một tảng đá mà điêu khắc gia, mạnh tay và có con mắt nhìn xa, sau khi đục phá thô, bắt tay vào sự tạo dáng, tìm kiếm những nét riêng và lồng thổi tâm hồn.

    Đà Nẵng, có lẽ, đã đến lúc phải tính tới giai đoạn phát triển theo chiều sâu.

maxresdefault2. Phát triển theo chiều sâu nên được hiểu như là một giai đoạn hết sức quan trọng, nối tiếp giai đoạn phát triển bứt phá, khi đã giải quyết những ứ tồn lịch sử, khi đã tạo đà và mở hướng cho đô thị đi lên. Phát triển theo chiều sâu xử lý những tồn tại mà công cuộc phát triển thần tốc đi trước không thể không để lại, củng cố những thành quả đã đạt được, tạo dựng những cấu trúc và những nhân tố nhất thiết của một đô thị đích thực, hiểu theo kinh điển và theo khái niệm hiện đại.

Phát triển theo chiều sâu tức là phát triển bền vững. Phát triển theo chiều sâu tức là chuyển từ quảng canh sang thâm canh, sang giai đoạn tiến hoá ổn định lâu dài.

Theo chiều hướng ấy, chúng ta cần chủ trương và điều tiết những cục diện mang tính chất nền tảng sau đây:

– Cân bằng mối quan hệ sống còn giữa đất đô thị và đất tự nhiên; tổng rà soát việc chiếm dụng quỹ đất theo phương châm hữu hiệu hoá và giành dụm cho con cháu. Cân bằng giữa hiện đại hoá đô thị và việc lưu giữ lại tài nguyên thiên nhiên gấm vóc; nương nhẹ và tôn lên những dấu ấn đặc trưng của đất trời; đeo đuổi một cách văn hoá chiến lược xây dựng Đà Nẵng không chỉ Xanh, không chỉ sinh thái; mà bao trùm hơn cả, – đô thị tự nhiên, hữu cơ với khung cảnh duy nhất mà tạo hoá ban cho.

– Kết hợp trong một tiến trình phát triển những quá trình như đô thị hoá, hiện đại hoá, thành thị hoá, bản sắc hoá. Hai vế đầu, đô thị hoá và hiện đại hoá, đang diễn ra sôi nổi. Song, thành thị hoá và bản sắc hoá lại chưa hẳn đã diễn ra theo chiều hướng thuận với 2 vế trước. Đà Nẵng không chỉ nhắm tới mục đích thành phố cảng, trung tâm kinh tế, thành phố tối tân… Nó phải hướng tới mục đích cao hơn, lâu bền hơn – một thành thị đích thực. Gắn với khái niệm này là sự gây dựng và kiến tạo nền văn minh đô thị, thể hiện trên phương diện kiến trúc đô thị và lối sống thị dân, trên phương diện một trung tâm văn hoá toả sáng.

Để Đà Nẵng trở thành chốn thành thị như thế, nó cần được chăm lo và kiến tạo theo những hướng và giải pháp lớn sau đây:

*Duy trì sự cộng sinh của những sứ giả kiến trúc các thời. Bảo vệ tính đa dạng của các hình thái kiến trúc và các không gian cảnh quan đã nhập bộ nhớ đô thị. Phát triển các không gian đô thị mới kết hợp với cải tạo và hiện đại hoá khu trung tâm đa năng là bộ mặt đầu ra chính của đô thị.

*Duy trì hình ảnh một đô thị được chăm sóc, từ nhỏ đến to, đặc biệt tạo lập chất lượng kiến trúc và chất lượng thẩm mỹ cho các đường phố. Thiết lập những đoạn phố hoặc đại lộ tiêu biểu và có sức thu hút. Xây dựng các quần thể kiến trúc và côngtrình kiến trúc riêng lẻ có tác dụng định hình diện mạo chuẩn mực cho kiến trúc thành phố và là hình ảnh đi vào bộ nhớ. Mở ra những khoảng không gian dành cho sinh hoạt cộng đồng, các không gian chuyển tiếp…

Cùng với những nội hàm kiến trúc – đô thị trên là công cuộc phát triển văn hoá đô thị. Tạo lập quỹ vật chất thì nhanh, song văn hoá đô thị thì khó và lâu. Người đến cư trú đô thị là dân quê. Văn hoá thôn quê vốn là văn hoá ứng xử của những người hoặc chung huyết thống, hoặc là bà con xóm giềng. Văn hoá đô thị là sản phẩm cộng sinh của những người đến từ tứ phương, kết thành bởi những cái ước lệ lâu lâu trở thành thông lệ trong ứng xử cộng đồng, bởi những luật và lệ dùng làm công cụ điều tiết quan hệ cộng đồng. Đồng thời văn hoá đô thị là những sự tiếp thụ – đào luyện – tinh thể hoá và lan toả. Biểu hiện tự nhiên của văn hoá đô thị là sự đào luyện tầng lớp trí thức, cộng đồng văn nghệ sỹ, sự giai tầng hoá trí tuệ. Văn hoá đô thị còn có đầu ra khác, – sự tích luỹ dần dà những tính cách, những sắc thái và bản sắc, cùng những cái duy nhất mà chỉ thành thị này sở hữu.

Với tất cả những gì nêu trên, Đà Nẵng có thể trở thành trung tâm đích thị của cả vùng. Chỉ bằng văn bản, bằng quy mô và vị trí kinh tế, nó chưa hẳn đã là.

Đô thị là một cỗ máy – tổ người văn minh, cấu thành bởi cả phần cứng lẫn phần mềm. Chủ trương gì, ý tưởng nào, chớ quên sứ mệnh đó.

GS. TS. KTS.  HOÀNG ĐẠO KÍNH

ĐT&PT SỐ 65/2017

Check Also

df4c8f78-8baa-4003-93de-f50193785257

Kiến trúc cầu Việt Nam dưới góc nhìn của nhà phê bình mỹ thuật

Sự kiện công bố phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo theo kiểu “xứ …