TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG
THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM
TS.KTS. TRƯƠNG VĂN QUẢNG
Quảng Nam là một trong nhiều tỉnh của Việt Nam thường xuyên chịu tác động khốc liệt của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Để phát triển khu vực đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam thích ứng với BĐKH và bền vững, thì một trong những giải pháp cần thiết là việc xây dựng tiêu chí lựa chọn địa điểm quy hoạch xây dựng cho đô thị và các điểm dân cư nông thôn. Công tác chuẩn bị đất đai xây dựng không những cần đảm bảo tính khoa học, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu vực, mà còn phải đảm bảo yếu tố thuận thiên và phát triển bền vững.
1.Một số vấn đề chung.
Thế giới đang phải đối mặt với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) và sự tăng cao mực nước biển (NBD). BĐKH đang làm gia tăng lụt, bão, thiên tai ở hầu hết các nước trên phạm vi toàn cầu. Trong thế kỷ 21, nhiều thành phố của các quốc gia ven biển đang đứng trước nguy cơ bị nước biển nhấn chìm, hàng trăm triệu người ở các nước đang phát triển sẽ phải di chuyển do tác động của nước biển dâng cao. Điều này sẽ gây tác động nặng nề đến phát triển kinh tế và sinh thái đối với tất cả các khu vực, trong đó, Đông Á sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng nhất, tiếp sau đó là Trung Đông và Bắc Phi. Nếu mực nước biển tăng từ 1 mét lên 5 mét thì phần trăm dân số chịu ảnh hưởng sẽ tăng từ 2% lên 8,6%; tác động đến GDP tăng từ 2,1% lên tới 10,2%; còn phần trăm diện tích đất đô thị bị ảnh hưởng sẽ tăng từ 1,7% lên đến gần 9%. Mức độ rủi ro cao về lãnh thổ bị thu hẹp do nước biển dâng lên theo thứ tự là Trung Quốc, ấn Độ, Bangladesh, Việt Nam, Indonesia, Nhật Bản, Ai Cập, Hoa Kỳ, Thái Lan và Philippines.
Theo công bố các chuyên gia tại Copenhaghen, Việt Nam là một trong 11 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của hiện tượng nóng lên toàn cầu và những hệ quả của nó. Điều này được thể hiện rõ khi thời tiết bất thường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với nước ta những năm gần đây như: lũ lụt ở các tỉnh miền Trung và Tây nguyên, hạn hán ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng. Biến đổi khí hậu đang từng ngày tác động lên Việt Nam với lượng những trận lũ lụt, hạn hán và bão mạnh hàng năm tăng nhanh. Mỗi năm thiên tại do biến đổi khí hậu khiến Việt Nam tổn thất hàng trăm nhân mạng và hàng trăm triệu USD.
Trong “Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phú với biến đổi khí hậu”, QĐ số 158/2008/QĐ -TTg ngày 02/12/2008 của Chính phủ Việt Nam khẳng định, ứng phó với BĐKH được tiến hành trên nguyên tắc phát triển bền vững, bảo đảm tính hệ thống, tổng hợp, ngành, liên ngành, liên vùng. Các nhiệm vụ ứng phó với BĐKH, NBD phải được tích hợp trong các chiến lược, chương trình, qui hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành, các địa phương.
Tại QĐ số 2139/QĐ-TTg ngày 05/12/2012 của Chính phủ Việt Nam phê duyệt “Chiến lược quốc gia về BĐKH”, khẳng định cần phải tiến hành đồng thời các giải pháp thích ứng với tác động của BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo đảm an toàn tính mạng người dân và tài sản, nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Các giải pháp ứng phó với BĐKH phải có tính hệ thống, đồng bộ, liên ngành, liên vùng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng giai đoạn và các qui định quốc tế; dựa trên cơ sở khoa học kết hợp với kinh nghiệm truyền thống và kiến thức của địa phương; tính đến hiệu quả kinh tế – xã hội và các yếu tố rủi ro, bất định của BĐKH.
Việc xây dựng các kịch bản tác động của biến đổi khí hậu cho thế kỷ 21 là nhiệm vụ trọng tâm. Các kịch bản này là cơ sở cho việc đánh giá những tác động của biến đổi khí hậu đến các đối tượng khác nhau của tự nhiên, đời sống KT-XH và con người. Các kịch bản biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cho Việt Nam được xây dựng theo các kịch bản phát thải khí nhà kính khác nhau là: Thấp (B1), Trung bình (B2) và Cao (A1FI) và được khuyến nghị lựa chọn kịch bản Trung bình (B2). Với kịch bản này, các đô thị ven biển của Việt Nam phải đứng trước một thách thức lớn bên cạnh tầm nhìn chiến lược hướng ra biển và phát triển bền vững hệ thống đô thị quốc gia. Tính đến tháng 1/2014, Việt Nam có khoảng 770 đô thị, trong đó vùng ven biển có 345 đô thị. Tuy số lượng các đô thị thấp hơn các vùng nội địa, nhưng quy mô các đô thị lại lớn hơn… và khả năng ảnh hưởng NBD, triều cường, xâm mặm… là rất lớn.
Thực tế đã chứng minh, thời gian qua việc lồng ghép các yếu tố BĐKH, NBD vào công tác lập, quản lý phát triển đô thị ở Việt Nam còn nhiều bất cập. Hệ thống văn bản pháp qui, phương pháp lập quy hoạch, quản lý phát triển đô thị chưa đồng bộ, hoàn chỉnh, chậm đổi mới. Do đó chất lượng đồ án, chất lượng đô thị bị ảnh hưởng nghiêm trọng, kéo theo nhiều hệ lụy lâu dài, khó lường, nhất là trong bối cảnh BĐKH, NBD như hiện nay. Sự phát triển đô thị thái quá trên nền đất yếu, trong vùng thoát lũ, triều cường. Việc lấn biển hay thu hẹp các không gian tự nhiên đã làm thay đổi dòng chảy, lưu vực thoát chính và điều kiện vi khí hậu của một khu vực… đang là những nguy cơ tiềm ẩn, tác động xấu đến sự phát triển bền vững đô thị.
Quảng Nam cũng là một trong nhiều tỉnh của Việt Nam thường xuyên chịu tác động của BĐKH, NBD, thiên tai… Những hiện tượng đó diễn ra ngày càng khốc liệt, bất thường kể cả về số lượng, cường độ, phạm vi và tập trung trong một thời gian ngắn với lượng mưa lớn, nên lũ tập trung nhanh, gây ra lũ quét, sạt lở đất. Chỉ riêng năm 2020, tỉnh Quảng Nam đã phải chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản ước tính lên đến trên 11.000 tỷ đồng do mưa, bão, lũ, sạt lở đất gây ra…
Để phát triển đô thị, điểm dân cư nông thôn bền vững, thích ứng với BĐKH, NBD đòi hỏi phải có nhiều giải pháp, trong đó có việc xây dựng tiêu chí lựa chọn địa điểm, công tác chuẩn bị đất đai xây dựng vừa phải đảm bảo tính khoa học, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, từng khu vực mà còn phải đảm bảo yếu tố phát triển bền vững, thuận thiên.
2.Thực trạng cao độ nền phục vụ công tác lựa chọn địa điểm khu vực đồng bằng ven biển (vùng Đông) tỉnh Quảng Nam
a/ Khái quát chung.
Quảng Nam nằm ở miền Trung của Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội 860 km về phía Bắc, cách Thành phố Hồ ChíMinh 865 km về phía Nam. Phía Bắc giáp tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng; phía Nam giáp tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum, phía Tây giáp các tỉnh Sekong (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào); phía Đông giáp biển Đông. Tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh khoảng trên 1.000.000 ha. Địa hình đa dạng thấp dần từ Tây sang Đông chia làm 3 vùng rõ rệt: vùng núi – trung du, vùng đồng bằng và ven biển.
Quảng Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Hệ thống sông ngòi tự nhiên dài khoảng 900 km, phân bố khá đều trong toàn tỉnh với 2 hệ thống sông chính là sông Thu Bồn và sông Tam Kỳ. Ngoài ra, tỉnh còn có nhiều hồ lớn, như: Phú Ninh, Khe Tân, Việt An, Thạch Bàn,… Đường bờ biển dài 125 km, ven biển có nhiều bãi tắm đẹp, nổi tiếng như: Hà My (Điện Bàn), Cửa Đại (Hội An), Bình Minh (Thăng Hoa), Tam Thanh (Tam Kỳ), Bãi Rạng (Núi Thành)… Nhìn chung điều kiện tự nhiên của Quảng Nam (thời tiết – khí hậu, địa hình, tài nguyên nước, biển) có nhiều tiềm năng thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội, giao thương kinh tế, văn hóa với các địa phương trong nước và quốc tế. Đặc biệt giá trị cảnh quan rừng, biển, sông, hồ, nằm trong cấu trúc đô thị đã tạo nên những nét đặc trưng riêng, có thương hiệu như Hội An…
b/ Hệ thống thủy văn.
Riêng khu vực đồng bằng ven biển của tỉnh Quảng Nam (thường gọi là vùng Đông), có: Hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn; Sông Trường Giang: Sông Tam Kỳ và một số sông, suối nhỏ khác. Hệ thống các sông trong vùng đều bắt nguồn từ vùng núi cao ở sườn phía Đông dãy Trường Sơn. Do đó, sông ngắn và dốc, lòng sông lớn; ở vùng núi lòng sông hẹp, bờ sông dốc đứng. sông có nhiều ghềnh thác, độ uốn khúc lớn. Phần giáp ranh giữa trung du và hạ lưu, lòng sông thường thay đổi, bờ sông thấp nên vào mùa lũ hàng năm nước tràn vào đồng ruộng, làng mạc gây ngập lụt.
c/ Cao độ ngập lụt.
Theo QĐ số 05/2020/QĐ-TTg ngày 31/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ, mức nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên các sông tỉnh Quảng Nam, được quy định cụ thể:
TT | Tên sông | Trạm thủy văn | Mực nước tương ứng với các cấp báo động (m) | ||
I |
II |
III |
|||
1 | Vu Gia | Hội Khách |
14,5 |
15,5 |
16,5 |
Ái Nghĩa |
6,5 |
8,0 |
9,0 |
||
2 | Thu Bồn | Câu Lâu |
2,0 |
3,0 |
4,0 |
Hội An |
1,0 |
1,5 |
2,0 |
||
Hiệp Đức |
26,0 |
280, |
30,0 |
||
Giao Thủy |
6,5 |
7,5 |
8,8 |
||
Nông Sơn |
11,0 |
13,0 |
15,0 |
||
3 | Cái | Thành Mỹ |
15,0 |
19,0 |
22,0 |
4 | Tam Kỳ | Tam Kỳ |
1,7 |
2,2 |
2,7 |
(Viện QHĐTNT QN)
d/ Cao độ nền xây dựng.
Vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam có địa hình đa dạng, phong phú, được chia thành 04 phân vùng, cụ thể:
Địa hình đồng bằng: Có tổng diện tích khoảng 44,70 ha, chiếm 40.79%, độ cao thay đổi khoảng từ +3 – +20m, kéo dài thành một dải Tây Bắc – Đông Nam qua các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình và Núi Thành.
Địa hình vùng cồn cát ven biển: Có tổng diện tích khoảng 25,49 ha, chiếm 23.26 % tổng diện tích tự nhiên, độ cao thay đổi từ 8-18 m, kéo dài thành một dải Tây Bắc – Đông Nam gần song song với đường bờ biển.
Địa hình đầm phá, sông suối vùng trũng:
Có tổng diện tích khoảng 20,71 ha, chiếm 21.00 % tổng diện tích tự nhiên, thấp trũng và thường xuyên bị ngập mặn. Dạng địa hình này được phân bố chủ yếu ở các khu vực gần bờ biển, kéo dài từ Điện Bản đến Núi Thành, bao gồm các máng trũng sông Cổ Cò, cửa sông Thu Bồn, mảng trũng sông Trường Giang, hạ du sông Tam Kỳ và Vũng An Hòa.
Địa hình trung du, vùng gò đồi: Có tổng diện tích khoảng 18,40 ha, chiếm 16,79% tổng diện tích tự nhiên, là vùng đất tương đối thuận lợi cho xây dựng và phát triển các ngành kinh tế, không bị ngập lũ. Dạng địa hình này được phân bố chủ yếu phía Tây Quốc lộ 1A, chủ yếu tại các xã thuộc huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình và thành phố Tam Kỳ.
Vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam có thể xem xét ở 02 khu vực chủ đạo sau:
Khu vực thành phố Tam Kỳ – Núi Thành.
Nằm trên vùng đồng bằng có độ dốc nhỏ, nằm cách bờ biển khoảng 5km. Địa hình nghiêng theo hướng Tây Nam và Đông Bắc, trong đó, khu vực phát triển đô thị có địa hình tương đối bằng phẳng ở Phía Bắc, phía Đông, phía Nam và có nhiều đồi núi ở phía Tây. Độ dốc trung bình của khu vực nội thị từ 2% – 4%. Cao độ trung bình của các khu vực ven sông và khu trung tâm thay đổi từ +2,0m ~ +4,0m. Phía Tây thành phố có cao độ >46,0m và có các ngọn đồi nằm tách biệt với độ cao lên tới 40m.
Khu vực Điện Bàn – Duy Nghĩa.
Là vùng đồng bằng ven biển có địa hình trũng thấp và bị chia cắt bởi các nhánh của Sông Thu Bồn, Sông Vu Gia, Sông Yên, Sông Vĩnh Điện…Vùng chịu ảnh hưởng của 3 chế độ thủy văn, 1 phần lưu vực phía Bắc chịu ảnh hưởng thủy văn sông Vu Gia, 1 phần lưu vực phía Đông chịu ảnh hưởng của triều, đa phần diện tích của vùng chịu ảnh hưởng thủy văn sông Thu Bồn. Trong những năm qua do chịu ảnh hưởng của nhiều đợt bão lũ, khu vực này đã bị thiệt hại đáng kể, cả vềtính mạng và tài sản của nhà nước và nhân dân.
3.Tiêu chí lựa chọn địa điểm và giải pháp chuẩn bị cốt nền xây dựng đô thị, điểm dân cư nông thôn vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam.
Trước tình hình biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng bất thường và cực đoan gây lũ quét, sạt lở đất, triều cường xâm thực…tại tỉnh Quảng Nam nói chung. vùng ven biển của tỉnh nói riêng… Để phát triển đô thị, điểm dân cư nông thôn bền vững, thích ứng với BĐKH, NBD đòi hỏi phải có nhiều giải pháp, trong đó có việc xây dựng tiêu chí lựa chọn địa điểm, công tác chuẩn bị cốt nền xây dựng….là đặc biệt quan trọng và cần thiết
(1)Về tiêu chí lựa chọn địa điểm
a/ Nguyên tắc. Theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng (QCVN 01:2019/BXD), khu vực được chọn để xây dựng phải đáp ứng các yêu cầu sau:
– Có các lợi thế về kinh tế, xã hội, hạ tầng môi trường và cảnh quan; Có điều kiện tự nhiên đảm bảo cho các hoạt động xây dựng và đảm bảo an toàn cho cộng đồng: Không thuộc phạm vi khu vực cấm các hoạt động xây dựng;
– Đối với khu vực dự báo chịu tác độngtừ nước biển dâng, việc lựa chọn đất xây dựng phải tính toán đến tác động từ mực nước biển dâng theo các kịch bản của quốc gia;
– Trong trường hợp bắt buộc phải xây dựng tại các khu vực có nguy cơ xuất hiện hoặc bị ảnh hưởng từ các tai biến thiên nhiên (trượt lở, ngập lụt, lũ…), quy hoạch phải đề xuất giải pháp giảm thiểu, khắc phục và đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
– Phải đánh giá, xác định được các loại đất theo điều kiện tự nhiên thuận lợi, ít thuận lợi, không thuận lợi, cấm hoặc hạn chế xây dựng: Phải đánh giá, xác định được các nguy cơ rủi ro do thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong đó có xét đến các khu vực lân cận; – Phải phù hợp với quy hoạch chuyên ngành thuỷ lợi; Phải tận dụng địa hình và điều kiện tự nhiên, hạn chế khối lượng đào, đắp; Phải có giải pháp để cao độ nền khu quy hoạch mới không ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát nước của các khu vực hiện hữu;
– Quy hoạch cao độ nền phải được thiết kế với chu kỳ lặp lại mực nước ngập tính toán được xác định theo loại đô thị và phân khu chức năng đô thị
– Cao độ nền khống chế tối thiểu khu vực xây dựng công trình phải cao hơn mực nước ngập tính toán 0,3 m đối với đất dân dụng và 0,5 m đối với đất công nghiệp.
b/ Đề xuất bộ tiêu chí lựa chọn địa điểm xây dựng đô thị, điểm dân cư nông thôn.
TT | Nhóm tiêu chí | Yêu cầu | Điểm
(%) |
|
Yêu cầu chung đối với QHXD | Yêu cầu cụ thể đối với vùng ĐBVB QN | |||
1 | Điều kiện tự nhiên | – Có quỹ đất thuận lợi ít bị ảnh hưởng bởi BĐKH, NBD, thiên tai, dịch bệnh;
– Đảm bảo điều kiện cho các hoạt động xây dựng; – Không thuộc phạm vi khu vực cấm các hoạt động xây dựng. |
– Các khu thuộc lưu vực sông Bàn Thạch và sông Tam kỳ: Hmin = 2,9 + 0,3=3,2m
– Các khu thuộc lưu vực sông Trường Giang: Hmin=2,0 +0,3= 2,3m – Các khu thuộc lưu vực sông Thu Bồn: Hmin> +3,0m. |
30 |
2 | Môi trường
Cảnh quan |
– Đa dạng, phong phú;
– Có khả năng cải tạo, phát triển. |
Xét từng vị trí cụ thể | 15 |
3 | Kinh tế – Xã hội | – Có lợi thế so sánh về vị trí, mối quan hệ vùng;
– Có tiềm năng phát triển KT – XH. |
Xét từng vị trí cụ thể | 25 |
4 | Hạ tầng kỹ thuật | – Có khả năng kết nối thuận tiện với khu vực xung quanh. | Xét từng vị trí cụ thể | 20 |
5 | Văn hóa, lịch sử | – Có tiềm năng văn hóa, lịch sử. | Xét từng vị trí cụ thể | 10 |
Nhóm tiêu chí 1: Điều kiện tự nhiên
TT | Yếu tố | Điểm | Thuận lợi | Ít thuận lợi | Không thuận lợi | Tổng điểm |
1 | Vị trí/Mối liên hệ | 20 | ||||
2 | Địa hình | 20 | ||||
3 | Khí hậu | 20 | ||||
4 | Địa chất | 20 | ||||
5 | Thủy văn | 20 |
Thuận lợi: 20 điểm; Ít thuận lợi: 10 điểm; Không thuận lợi: 0 điểm
Nhóm tiêu chí 2:Môi trường – Cảnh quan
TT | Yếu tố | Điểm | Đa dạng, phong phú | Trung bình | Nghèo | Tổng điểm |
1 | Hệ sinh thái nông nghiệp | 25 | ||||
2 | Hệ sinh thái lâm nghiệp | 25 | ||||
3 | Cảnh quan tự nhiên | 25 | ||||
4 | Cảnh quan nhân tạo | 25 |
Đa dạng, phong phú: 25 điểm; Trung bình: 12,5 điểm; Nghèo: 0 điểm
Nhóm tiêu chí 3:Kinh tế – Xã hội
TT | Yếu tố | Điểm | Phát triển | Phát triển trung bình | Chậm phát triển | Tổng điểm |
1 | Nông – Lâm – Ngư nghiệp | 25 | ||||
2 | Công nghiệp – Xây dựng | 25 | ||||
3 | Thương mại – Dịch vụ | 25 | ||||
4 | Xã hội/Chất lượng dân cư | 25 |
Phát triển: 25 điểm; Phát triển trung bình: 12,5 điểm; Chậm phát triển: 0 điểm
Nhóm tiêu chí 4:Hạ tầng kỹ thuật (khung)
TT | Yếu tố | Điểm | Kết nối tốt | Kết nối trung bình | Kết nối kém | Tổng điểm |
1 | Đã hoàn thiện | 50 | ||||
2 | Đang xây dựng | 30 | ||||
3 | Chưa xây dựng/có quy hoạch | 20 |
Kết nối tốt: 50 điểm; Kết nối trung bình: 30 điểm; Kết nối kém: 20 điểm
Nhóm tiêu chí 5:Văn hóa, lịch sử
TT | Yếu tố | Điểm | Giàu tiềm năng | Trung bình | Nghèo | Tổng điểm |
1 | Truyền thống/văn hóa | 50 | ||||
2 | Lịch sử | 50 |
Giàu tiềm năng: 50 điểm; Trung bình: 30 điểm; Nghèo: 20 điểm
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc lựa chọn địa điểm xây dựng đô thị, điểm dân cư nông thôn, cần căn cứ vào bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn theo Quyết định 705/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, số liệu điều tra cốt nền tự nhiên, điều kiện thủy văn của các sông trên địa bàn lập quy hoạch, trong đó có căn cứ vào số liệu “Mục nước lớn nhất năm” và mực nước báo động các cấp của sông để dự báo, tính toán cốt nền an toàn cho quá trình lựa chọn địa điểm, chuẩn bị cốt nền/đất đai xây dựng.
(2) Đánh giá đất xây dựng khu vực lựa chọn địa điểm.
Việc đánh giá đất xây dựng khu vực lựa chọn địa điểm xây dựng sẽ ủy thuộc vào mục đích sử dụng đất như xây dựng nhà ở trường học, bệnh viện, công trình trú ẩn (phòng chống thiên tai), cơ quan, văn hóa, thể dục thể thao, thương mại, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… Đất đai có thể phân theo “mức độ nhạy cảm” với thiên tai như, loại I: thuận lợi; loại II: ít thuận lợi; loại III: không thuận lợi. Đâylà căn cứ để lựa chọn bố trí xây dựng các loại hình công trình cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu vực.
(3) San nền thoát nước mưa.
Tùy thuộc vào từng loại địa hình cụ thể của khu vực lựa chọn địa điểm xây dựng mà đề xuất các giải pháp san nền, thoát nước phù hợp, đảm bảo tính khoa học và thực tiễn. Việc san nền, thoát nước phải đảm bảo các nguyên tắc:
– Không can thiệt quá thô bạo vào thiên nhiên;
– Không ảnh hưởng đến các lưu vực thoát nước tự nhiên vốn có;
– Khai thông các lưu vực thoát, chứa nước tự nhiên và nhân tạo (tăng khả năng thoát, chứa nước)…
4.Thay cho lời kết.
Khu vực đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, gồm khu vực Tam Kỳ – Núi Thành (TP Tam Kỳ, đô thị Núi Thành huyện Núi Thành), khu vực Điện Bàn – Duy Nghĩa (Thị xã Điện Bàn, các xã ven biển Duy Hải, Duy Nghĩa huyện Duy Xuyên, xã Bình Minh và thị trấn Hà Lam huyện Thăng Bình…). Khi chọn địa điểm xây dựng các địa bàn này sẽ được đồng thờinghiên cứu chuẩn bị đất xây dựng theo hướng quy hoạch liên vùng liên huyện, có tính tích hợp các nguyên tắc và bộ tiêu chí lựa chọn địa điểm xây dựng. Như vậy sẽ đảm bảo các yếu tố tác động ngoại vùng được quan tâm một cách đầy đủ, nhằm ổn định, sắp xếp lại dân cư, phòng tránh thiên tai và dịch bệnh hiệu quả. Đây là những bước đi cụ thể trong quá trình lựa chọn địa điểm, chuẩn bị đất đai xây dựng thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, hướng tới phát triển bền vững./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1) Quyết định số 2441/QĐ-BTNMT, ngày 23 tháng 9 năm 2019, ban hành thực hiện Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cánh báo thiên tai đặc biệt là các thiên tại liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn của Bộ Tài Nguồn và môi trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường
2) Vùng Duyên hải miền Trung ứng phó với biến đổi khí hậu: Thực trạng và giải pháp/TS. Trần Văn Minh – Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng;
3) Đề tài “Hướng dẫn quy hoạch đô thị, điểm dân cư nông thôn trong khu vực ảnh hưởng lũ ống, lũ quét và trượt lỗ đất/Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia.
4) Quy hoạch xây dựng vùng Đông/vùng đồng bằng ven biển, tỉnh Quảng Nam (Viện Quy hoạch ĐTNT QN)