Home / ĐÔ THỊ - MÔI TRƯỜNG / Singapore – Đô thị hóa và vấn đề xử lý rác thải

Singapore – Đô thị hóa và vấn đề xử lý rác thải

         Singapore là một đảo quốc nhỏ, đất không rộng, người không đông. Diện tích khoảng 718 km2, theo thống kê năm 2014 dân số khoảng 5,5 triệu người, tài nguyên thiên nhiên hầu như không có, nhưng có một vị trí địa lý thuận lợi cho việc giao thông đường biển và đường không trong khu vực.

        Từ khi được thành lập, Singapore là một nước nghèo, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nhưng sau gần bốn thập kỷ đã trở thành con rồng Châu Á. Tính GDP năm 2014 gần 307,1 tỷ USD (đứng thứ 40 toàn cầu), thu nhập bình quân đầu người khoảng 81.300 USD/năm (đứng thứ 7 toàn cầu), tăng trưởng GDP ở mức 3% (đứng thứ 114 toàn cầu), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2014 đạt 824,6 tỷ USD, lực lượng lao động 3,557 triệu, trong đó nông nghiệp 1% ; công nghiệp 19%; dịch vụ 80%. Những thập kỷ trước Singapore chủ yếu mở cửa cho nước ngoài đầu tư, ngày nay Singapore là nước đầu tư vào nước khác, trong đó có Việt Nam (Khoảng 38 tỷ USD với gần 1600dự án, đứng thứ ba).

          Môi trường của Singapore được coi sạch và xanh nhất thế giới, mặc dầu đất nước đã được đô thị hóa 100%. Singapore có thị trường tài chính với hơn 200 ngân hàng lớn của thế giới hoạt động với số lượng tiền tệ giao lưu hơn 100 tỷ USD/ngày. Trở thành một trong những trung tâm tài chính lớn của thế giới. Là trung tâm thương mại với gần 8.000 công ty của các nước trên thế giới đang hoạt động. Ngành du lịch phát triển, hàng năm tiếp nhận hơn 14,8 triệu lượt khách (hơn 2 lần dân số) với hệ thống khách sạn dịch vụ rất tốt. Mỗi năm có hơn 9 triệu container được vận chuyển qua Cảng. Mỗi ngày có gần 200 chuyến bay đáp xuống sân bay quốc tế.

          Hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông đường bộ của Singapore hầu hết được xây dựng kiểu đường cao tốc. Phương tiện vận chuyển công cộng gồm tàu điện ngầm, ô tô buýt và đặc biệt là đội quân xe taxi có trên 14.000 chiếc. Tuy nhiên, vấn đề nước uống Singapore phải mua của Malaysia.

             Hiện nay Singapore có chiến lược xây dựng đất nước trở thành thành phố cho toàn cầu không những về mặt kinh tế mà còn về mặt môi trường – trở thành một thành phố xanh (THE GREEN CITY).

singapore_river_c             Việc quản lý kinh tế và môi trường của Singapore đáng được các nước trong khu vực nghiên cứu học tập. Trong phạm vi bài này chúng tôi xin giới thiệu việc tổ chức thu gom và xử lý rác thải ở Singapore mà chúng tôi thu nhận được sau một thời gian ngắn tham gia đoàn hội Xây dựng TP. Đà Nẵng tham quan nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin tìm các giải pháp thực hiện trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với quá trình đô thị hóa ở nước ta, một vấn đề cần được quan tâm là việc tổ chức thu gom và xử lý rác đô thị.

  1. Việc quy hoạch lãnh thổ đã giúp cho Singapore tuy đất nước nhỏ nhưng bố trí rất hài hòa.

              Là một nước đô thị hóa 100% nên về hành chính, lãnh thổ Singapore chia ra thành các thành phố nhỏ (TOWN) – có trên 10 thành phố. Khu dân cư, thương mại được bố trí ở phía Đông, phía Nam, khu Công nghiệp được bố trí ở phía Bắc, Tây Bắc. (rất tương xứng với thành phố Đà Nẵng).

            Vì đất không rộng nên về xây dựng chủ yếu xây nhà cao tầng. Các khu dân cư chủ yếu nhà cao 25 tầng. Xen giữa các nhà là vườn cây, công viên. Vì vậy, về mật độ nhà thì diện tích đất xây dựng của Singapore còn rất nhiều.

            Về quản lý môi trường cũng chia thành 7 khu vực để tổ chức quản lý, nhất là tổ chức thu gom rác gồm các khu vực: Trung tâm, Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Bắc, Đông Nam.

  1. Tổ chức quản lý thu gom và vận chuyển rác thải hợp lý:

            Số lượng rác thu gom được mỗi ngày năm 1970: 1.280 tấn, năm 1980: 2.570 tấn, năm 1990: 5.700 tấn, năm 1992: 6.200 tấn, năm 1994: 6.610 tấn. Dự báo năm 1996: 7.090 tấn, năm 1999: 7.600 tấn, năm 2000 là 8.120 tấn và đến năm 2015, mỗi ngày Singapore thải ra khoảng 21.023 tấn rác các loại, 38% trong số này (7.886 tấn) đốt được, 2% trong số này (khoảng 516 tấn) không đốt được, mang ra Semakau chôn. 60% còn lại được tái chế. Trong đó, các tổ chức thuộc Bộ Môi trường (ENV) thu gom 3300 tấn/ngày chủ yếu rác thải khu dân cư và các công ty. Singapore có hơn 300 công ty tư nhân thu gom được 2100 tấn/ngày chủ yếu chất thải công nghiệp và nơi thương mại. Các công ty tư nhân thu gom rác được cấp giấy phép hoạt động và chịu sự giám sát của Bộ Môi trường theo quy định về môi trường sức khỏe cộng đồng (The Environ – mental Public Health Regulation). Các cơ quan Nhà nước, công trường, nhà máy tự thu gom 800 tấn. Như vậy, việc thu gom rác được tổ chức với quy mô lớn, bao gồm Nhà nước và tư nhân hoạt động.

           Việc trả tiền cho thu gom rác do Bộ Môi trường được quy định:

           -Thu trực tiếp tại nhà phải trả 17S$ (Singapore Dollar) tháng.

           -Thu gián tiếp tại khu nhà ở phải trả 7S$/tháng .

          -Thu rác tại các công ty trả theo dung tích thùng đựng rác: 30S$/ngày cho thùng đến 170 lít, 70 S$/ngày cho thùng từ 170-350 lít, 175S$/ngày cho thùng từ 350 – 700 lít, 235S$/ ngày cho mỗi thùng 1000 lít.

          Việc trả tiền cho các công ty thu gom tư nhân được quy định: 1m3 phải trả 7 – 10S$, 8m3 phải trả 60 – 100S$, 12m3 phải trả 120 – 200S$.

Bãi chôn rác Semakau
Bãi chôn rác Semakau

            Việc thu gom, vận chuyển rác được trang bị xe hiện đại, nhập ngoại, hầu hết là xe ép rác trọng tải 5 tấn, 7 tấn. Các nhà máy xử lý rác được đặt ở phía Tây Bắc, rác thu gom được hầu hết tập trung ở khu dân cư và thương mại ở khu trung tâm, phía Đông và phía Nam, nên để tiết kiệm nhiên liệu vận chuyển rác đến nhà máy xử lý, Singapore xây dựng một Trạm trung chuyển. Rác thu gom được chở đến nhà máy xử lý.

  1. Xử lý rác ở Singapore là một ngành công nghiệp hiện đại. Công nghệ xử lý rác chủ yếu là đốt, dùng năng lượng để phát điện.

          Hiện nay ở Singapore có 3 tổ hợp đốt rác hiện đại. Tuy nhiên, mỗi ngày chỉ đốt được hơn 5000 tấn rác, còn lại gần 1000 tấn rác cộng với 1000 tấn tro đốt được phải đem chôn.

         Tổ hợp thứ nhất xây dựng 1979, đầu tư 130 triệu S$. Đốt 1100 tấn rác/ngày, cung cấp năng lượng chạy máy điện 01 tuýt bin có công suất 16MW. Tổ hợp thứ hai xây dựng năm 1986, đầu tư 200 triệu S$. Đốt 2000 tấn rác/ ngày, có 04 lò đốt cháy 02 tuýt bin với công suất 23MW. Tổ hợp thứ ba xây dựng năm 1992, đầu tư 560 triệu S$. Đốt 2400 tấn rác/ngày có 6 lò đốt cung cấp nhiệt cho 02 tuýt bin công suất 36 KW.

         Trong khi đốt, các chất thải như bụi, khói được xử lý bằng hệ thống lọc, trước khi ra ống khói, không khí đã được làm sạch. Tro có máy tách kim loại theo nguyên lý nam châm điện trước khi chở đem chôn.

  1. Chôn rác cũng phải đầu tư công nghệ hiện đại để tránh gây ô nhiễm cho nước ngầm và nguồn nước sinh hoạt, trong khi Singapore đang thiếu nước.

          Bãi chôn rác SEMAKAN rộng 350ha. Bao bọc khu vực này được trồng rất nhiều cây xoài, dừa… cao hơn 5-7m, những bụi hoa bông giấy đỏ rực và thảm cỏ xanh. Tổng số đầu tư 1,3 tỷ S$. Vấn đề công nghệ xử lý bãi chôn rác ở đây là làm thế nào khi trời mưa xuống nước ở bãi rác không được thấm ra làm ô nhiễm nguồn nước ngầm. Do đó, việc chọn địa điểm xây dựng là rất quan trọng, tốt nhất là nơi đây có tầng đất sét tự nhiên, nếu không phải xử lý nhân tạo để có tầng đất xét. Vành đai bao quanh bãi rác 2km được làm bằng chất tổng hợp sâu xuống tận đáy qua lớp đất sét với tổng diện tích 24.000m2 (Chi phí cho vành đai này tốn khoảng 2 triệu $).

          Có được bãi rác như trên là hầu như đã được cách ly với môi trường chung quanh. Một hệ thống ống dẫn nước từ bãi rác được bố trí dưới đáy hố rác để dẫn nước tiết ra về nhà máy để xử lý. Tại đây, người ta đã nhập công nghệ của Đức xử lý tổng hợp bằng các phương pháp hóa – lý – cơ học với năng suất 700m3/h để có được nước sạch tuyệt đối trước khi thải ra môi trường tự nhiên. Hệ thống xử lý nước thải từ hố chôn rác này được đầu tư 9 triệu S$.

         Singapore là một nước công nghiệp mới phát triển. Việc phát triển công nghiệp phải gắn liền với bảo vệ môi trường nói chung, trong đó có vấn đề thu gom và xử lý rác thải của Singapore đã làm tốt, nhưng vẫn còn đang đứng trước thử thách lớn: Theo con số dự báo sẽ có 7000 – 8000 tấn rác thải được thu gom hàng ngày trong những năm đến. Singapore đã có kế hoạch đầu tư thêm nhà máy đốt rác thứ 4 và xây dựng thêm một bãi chôn rác mới ở khu vực đảo nhỏ ở ngoài biển với những kỹ thuật hiện đại hơn.

          Ý tưởng chuyển tro – rác ra chôn ở đảo, được Singapore “copy” từ Nhật Bản. Nhưng không giống Nhật Bản vốn chủ yếu mở rộng đất lấn biển để chôn rác thải đã xử lý, Singapore dọn hẳn một hòn đảo để làm việc này.

          Năm 1995, đảo quốc sư tử bắt đầu cho di dân từ hai hòn đảo nhỏ (khá ít dân, nước cạn, rất gần bờ) vào bên trong đất liền và nối chúng lại thành một đảo nhân tạo, biến Semakau thành đảo nhân tạo chôn tro – rác lớn nhất thế giới vào thời điểm đó.

         Những năm 1970, Singapore cũng chôn rác ở khu Lorong Halus nhưng lượng rác thải ngày càng nhiều, trong khi diện tích dành cho chôn rác không thể có thêm. Không thể chôn mãi vì không có đủ đất và ô nhiễm, ý tưởng đầu tư nhà máy xử lý rác và tái sử dụng nhiệt điện cho cuộc sống trong quá trình này được đưa ra.

         Tháng 7-1979, WTE đầu tiên được đưa vào hoạt động và đến năm 2009 thì chấm dứt. Đầu tư WTE để đốt rác là cả một khoản tiền lớn, chỉ riêng nhà máy WTE hiện có khả năng đốt 3.000 tấn rác (công suất lớn nhất hiện nay) ở phía nam Tuas đã phải đầu tư đến hơn 890 triệu SGD (hơn 648 triệu USD). Ngoài nhà máy này còn ba WTE khác, hai cái có công suất hơn 2.000 tấn rác/ngày và một có công suất 800 tấn rác/ngày. Hai trong số bốn WTE này là của các nhà đầu tư tư nhân.

          Mới đây, NEA đã ký hợp đồng xây dựng nhà máy WTE thứ sáu có công suất đốt 3.600 tấn rác/ngày với tổng đầu tư lên đến 653 triệu SGD (khoảng 473 triệu USD), dự kiến đưa vào hoạt động năm 2019 sẽ đóng góp thêm 120MW điện mỗi ngày cho Singapore.

           Hiện nay, Singapore đang tăng cường các biện pháp 3R là: Giảm thiểu (Reduce) – Tái chế (Recyle) và Tái sử dụng (Reuse) các loại rác thải để kéo dài thời gian sử dụng Semakau càng lâu càng tốt (dự kiến ngưng tiếp nhận vào năm 2035).

           Nước ta đang thực hiện công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Nhiều đề án phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa được phát họa và triển khai. Tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và nhiều thành phố lớn khác của nước ta rất nhanh, vì vậy lượng rác thải trong công nghiệp và trong sinh hoạt cũng tăng rất nhanh. Hiện nay riêng TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội bình quân cũng đã đạt con số trên 6000 tấn/ngày, nhưng việc xử lý đang đứng trước những khó khăn. Vì vậy đã đến lúc chúng ta phải nghĩ đến đầu tư cho việc thu gom và xử lý rác thải như là đầu tư cho một ngành công nghiệp mới phục vụ cho sự nghiệp phát triển bền vững.

Thùy Phương 

ĐTPT/Số 68-69

 

 

Check Also

brg-smarttown-15198048646601809363374 (1)

Xu hướng phát triển đô thị xanh trên thế giới

Mời bạn đọc xem ” Xu hướng phát triển đô thị xanh trên thế giới” …