Home / VẤN ĐỀ HÔM NAY / THEO DÒNG DOANH NGHIỆP / Quá trình đô thị hóa với đóng góp của doanh nghiệp

Quá trình đô thị hóa với đóng góp của doanh nghiệp

 

Doanh nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng của nền kinh tế, là bộ phận chủ yếu tạo ra tổng sản phẩm trong nước (GDP). Những năm gần đây, hoạt dộng của doanh nghiệp đang từng bước phục hồi và có những phát triển tích cực, đóng góp vào việc phát triển kinh tế xã hội, góp phần quyết định phục hồi và tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách và tham gia giải quyết có hiều quả các vấn đề xã hội như: giảm nghèo, tạo việc làm, góp phần cải thiện bộ mặt và tăng tính cạnh tranh đô thị.

 0311_ban-may-cham-cong-o-tai-sai-gon-tp-ho-chi-minh

     Khái quát tình hình phát triển đô thị Việt Nam

Việt Nam là quốc gia có vị trí quan trọng ở Đông Nam Á và Châu Á. Trong gần 15 năm qua hệ thống đô thị quốc gia đã có sự chuyển biến tích cực cả về lượng cũng như về chất, số lượng đô thị tăng từ 629 đô thị (1999), đến nay đã tăng lên đến 787 đô thị (11/2015) trong đó có 2 đô thị đặc biệt, 15 đô thị loại I, 25 đô thị loại II, 42 đô thị loại III, 75 đô thị loại VI và 628 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa tăng đều qua các năm (khoảng 1,1%/năm), đến nay đạt khoảng 35,7%. Tốc độ đô thị hóa nhanh kéo theo nhu cầu về xây dựng cơ sở hạ tầng dự đoán sẽ phục hồi và tăng cao trong thời gian sắp tới.

Đô thị hóa đã phát triển mạnh ở khu vực các đô thị lớn, lan tỏa trên diện rộng và phân bố đồng đều hơn trên phạm vi cả nước. Nhiều đô thị cũ được cải tạo, nâng cấp, được phát triển mở rộng về qui mô đất đai, dân số, đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng kỹ thuật như đường xá, cầu cống, cấp điện, cấp nước, thoát nước bẩn, vệ sinh môi trường… Các đô thị Việt Nam đang được mở rộng và nâng tầm cao mới với nhiều công trình kiến trúc khang trang, bề thế.

Tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị trung bình đạt từ 12% đến 15%. Nguồn thu ngân sách từ khu vực đô thị, nhất là của các thành phố lớn chiếm tỷ lệ 70-75% trong cơ cấu thu ngân sách cả nước. Sự phát triển kinh tế đô thị đã và đang tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động, góp phần quan trọng trong việc duy trì sự ổn định và phát triển chung của xã hội. Là động lực phát triển kinh tế xã hội, hạt nhân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong mỗi địa phương, trên các vùng miền cả nước. Trong đó có vai trò to lớn của các doanh nghiệp.

    Khái quát nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2011-2015

Trong bối cảnh thế giới đang trên đà phục hồi, nền kinh tế Việt Nam luôn nằm trong số ít các quốc gia có tốc độ phục hồi ấn tượng. Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2015 ước đạt 6,68%. Như vậy, trong 4 năm liên tiếp Việt Nam đều có tốc độ tăng trưởng sau cao hơn năm trước. Điều này phản ánh xu hướng phục hồi vững chắc của nền kinh tế sau giai đoạn gặp nhiều khó khăn trong hệ thống ngân hàng, khu vực doanh nghiệp, thị trường Bất động sản và hoạt động đầu tư, xây dựng. Trong mức tăng 6,68% của toàn nền kinh tế, ngành xây dựng đạt mức tăng 10.82% so với năm trước, đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011. (Năm 2011 giảm 0,26% năm 2012 tăng 3,66%; năm 2013 tăng 5,84%; năm 2014 tăng 6,93%). Cơ cấu nền kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,25% ( Nguồn Báo cáo tình hình KT-XH năm 2015 Tổng Cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Giai đoạn 2011-2014, nhóm doanh nghiệp tư nhân luôn chiếm trên 80% trong cơ cấu sản xuất của ngành Xây dựng, đóng góp vai trò quan trọng thúc đẩy sự  tăng trưởng của ngành. Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2014, tỷ trọng các thành phần kinh tế trong ngành xây dựng như sau: Kinh tế Nhà nước chiếm 9,9%; Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 6,5%; Kinh tế ngoài Nhà nước chiếm 83,6%. Nguồn vốn tư nhân không chỉ đóng góp vào sự tăng trưởng của lĩnh vực xây dựng dân dụng, còn tham gia vào phát triển cơ sở hạ tầng thông qua các hợp đồng BT, BOT, BOO và PPP.

Giá trị sản xuất xây dựng năm 2015 theo giá hiện hành ước tính đạt 974,4 nghìn tỷ đồng, bao gồm: Khu vực Nhà nước đạt 82,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,4%; khu vực ngoài Nhà nước 830,5 nghìn tỷ dồng, chiếm 85,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 61,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 6.4%. (Nguồn: Báo cáo tình hình KT-XH năm 2015 Tổng Cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Tại thời điểm 01/01/2015; tổng số doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực của Ngành (xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, tư vấn xây dựng và kinh doanh bất động sản) ước khoảng 77.750 doanh nghiệp ( tăng khoảng 18.266 DN so với cùng thời điểm năm 2011). Năm 2015, các doanh nghiệp trong ngành đã tập trung thực hiện tái cơ cấu, chủ động khắc phục khó khăn, giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã tích cực đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Xác định đây là giải pháp đúng đắn và phù hợp, vừa mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người lao động, vừa góp phần tích cực đảm bảo an sinh xã hội, giúp người nghèo cải thiện chỗ ở.

Tình hình kinh tế chung trên thế giới còn nhiều khó khăn, tuy nhiên nền kinh tế các quốc gia có vốn đầu tư FDI lớn vào Việt Nam như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan và Mỹ vẫn đang tên đà phục hồi. Do đó, triển vọng thu hút FDI vào sản xuất vẫn còn rất khả quan khi các tổ chức như Samsung, LG và Intel vẫn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Trong năm 2016, World Bank và IMF dự báo lạm phát trung bình được giữ ở mức thấp, các quốc gia chịu ảnh hưởng lớn từ cuộc khủng hoảng kinh tế có thể tập trung vào việc phục hồi kinh tế và giảm tỷ lệ thất nghiệp. Điều này sẽ có tác động tích cực tới các khoản đầu tư vào xây dựng công nghiệp và dân dụng.

     Đóng góp của doanh nghiệp trong quá trình đô thị hóa  

Động lực phát triển đô thị

Theo Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2011-2015 cả nước có hơn 380.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập mới, cao hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra (350.000 DN); đầu tư của khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp 45% vào GDP quốc gia ( nhiều hơn đóng góp của cụm 5 đô thị trực thuộc Trung ương và tương đương với đóng góp của nhóm các đô thị loại I và loại đặc biệt); đóng góp 31% vào tổng thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu việc làm. Điều này cho thấy vai trò của các doanh nghiệp đối với nền kinh tế đô thị. Những tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế của khối doanh nghiệp không chỉ ở quy mô cấp đô thị mà còn cả ở quy mô cấp quốc gia và trên thế giới.

Trong sự phát triển của nền kinh tế hiện đại, vai trò của các doanh nghiệp ghi dấu ấn mạnh mẽ trong sự phát triển chung của các quốc gia. Giai đoạn trỗi dậy của nền kinh tế Châu Á ( sau thế chiến thứ 2 đến đầu những năm 90) đã chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ…đều gắn liền với tên tuổi các tập đoàn doanh nghiệp quy mô quốc tế ( Hàn Quốc với Posco, Samsung, Huyndai, Nhật Bản với Toyota, Honda, Sony…)

Tại Việt Nam, từ sau năm 1994 khi các tổng công ty 90, 91 ra đời đến năm 2006 khi 3 tập đoàn kinh doanh đầu tiên được thành lập, một giai đoạn mới trong sự phát triển của các doanh nghiệp được mở ra, khi cả quy mô, tính tổ chức, lĩnh vực kinh doanh, địa bàn hoạt động đều rất khác trước rất nhiều… Nhiều tập đoàn và doanh nghiệp đã từng bước ghi dấu ấn trên tầm quốc gia và quy mô quốc tế và đặc biệt là dấu ấn ở cấp tỉnh, thành phố rất rõ nét.

Nhiều doanh nghiệp địa phương đã đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển chung trên địa bàn như Becamex tại Bình Dương, Xuân Trường tại Ninh Bình, Bitexco tại Thái Bình, Hoàng Anh Gia Lai tại Kom Tum… Các doanh nghiệp này, bên cạnh việc đóng góp lớn cho nền kinh tế đô thị, còn giúp ổn định xã hội đô thị khi tạo thêm nhiều việc làm và cơ hội có thêm nhiều nguồn thu mới ( từ các hoạt động dịch vụ đi kèm). Có thể nói rằng, sự phát triển của các đô thị ngày nay gắn liền với sự phát triển của doanh nghiệp và các doanh nghiệp chính là động lực phát triển của đô thị.

Nâng cao tính cạnh tranh đô thị

Việc các doanh nghiệp là lực lượng chính trong sự phát triển đô thị đến từ chính các lợi thế mà đô thị tạo ra như: lợi thế về quy hoạch đồng bộ, lợi thế về chất lượng hạ tầng, lợi thế về nguồn lao động có kỹ năng, lợi thế về môi trường đầu tư an toàn, lợi thế về các chính sách hỗ trợ ưu đãi… Bên cạnh các lợi thế trên thì các đô thị khi càng phát triển lại càng tạo ra nhiều lợi thế “đặc thù” như; diện tích, quy mô khu văn phòng, các trung tâm thương mại, khách sạn và cả sân bay, cảng biển quốc tế… (5 thành phố trực thuộc Trung ương đều có sân bay hoặc cảng biển quốc tế). Tất cả các yếu tố này tạo nên sức cạnh tranh đô thị.

Quy mô diện tích văn phòng cũng là một nhân tố quan trọng thu hút các doanh nghiệp. Xu hướng dịch chuyển các hoạt động sản xuất ra ngoại vi đô thị còn các khu trung tâm trở thành khu tài chính, dịch vụ, thương mại, khách sạn, nhà hàng… khiến cho lợi thế về quy mô diện tích các khu văn phòng ở đô thị lớn cũng trở thành một lợi thế cạnh tranh. Năm 2012 mặc dù kinh tế vẫn trong thời kỳ khó khăn, thị trường Hà Nội vẫn cung cấp thêm khoảng 1,1 triệu m² sàn văn phòng, đây là nguồn cung dồi dào cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào Hà Nội. Việc tập trung các cơ sở vật chất dịch vụ tại khu trung tâm khiến giá thành bất động sản khu vực này tăng cao và đây cũng là một nguồn thu quan trọng cho đô thị.

          Kết luận

Quá trình vận động tăng trưởng của các doanh nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa và dưới nền kinh tế thị trường đã đem lại nhiều lợi thế cạnh tranh cho các đô thị khi tạo ra nguồn việc làm dồi dào, tăng thêm nguồn thu nhập… và là nhân tố chính của nên kinh tế  đô thị.

Doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp ngành công nghiệp, xây dựng tăng nhanh là nhân tố đảm bảo cho việc thực hiện các mục tiêu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao hiệu quả kinh tế, giữ vững ổn định và tạo thế mạnh hơn về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong quá trình hội nhập. Có thể nói vai trò của doanh nghiệp không chỉ quyết định sự phát triển bền vững về mặt kinh tế mà còn quyết định đến sự ổn định và lành mạnh hóa các vấn đề xã hội.

ĐỖ VIẾT CHIẾN

 ĐT&PT SỐ 61/2016

 

Check Also

ggnn

Đô thị hóa và chênh lệch giàu nghèo đô thị

Sự phân hoá giàu nghèo có thể nhận thấy rõ nét giữa thành thị và …