Thả bộ dọc theo con đường lát gạch cũ kỹ, tôi dừng chân trước một quán café lâu đời trên bờ sông Malacca đầy hoa râm bụt. Cuộc sống ở nơi đây dường như chậm lại, yên bình với những ngôi nhà gỗ cổ kính, trầm mặc, nhuốm màu thời gian như Hội An. Một vài cặp tình nhân người ngoại quốc lặng lẽ, nhấm nháp ly cà phê thơm nồng, nhả khói thuốc, mắt mơ màng, nhìn về phía bên kia sông. Nắng chiều vàng vọt, chập chờn trên từng cơn sóng nhỏ, thấp thoáng vài con thuyền lướt nhẹ trên dòng nước trong xanh.
Bảo tàng “sống” Malaysia
Cách thủ đô Kuala Lumpur 150 km (khoảng 2 tiếng đồng hồ xe bus), Malacca là thành phố cổ xưa nhất của Malaysia, có diện tích 1.658 km2, nơi tụ họp sầm uất của các thương nhân đến từ nhiều quốc gia. Với hướng gió thuận lợi, nguồn nước ngọt dồi dào, vịnh Malacca có thể đón nhận nhiều tàu thuyền lớn neo đậu. Đây là thương cảng lớn quan trọng của khu vực Đông Nam Á trong nhiều thế kỷ. Tháng 7/2008, phố cổ Malacca được Tổ chức Văn hóa – Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là “Di sản văn hóa thế giới”.
Cuối thế kỷ 14, cuộc chiến tranh giữa hai vương quốc Srivijaya (đảo Sumatra) và vương quốc Majapahit (đảo Java) trên Thái Bình dương khiến triều đình Srivijaya suy yếu. Để lánh nạn, năm 1402, hoàng tử Parameswara vượt eo biển sang bán đảo Malaysia, thành lập xứ Malacca ngay trên bờ biển của vùng đất này. Lúc bấy giờ, được sự ủng hộ của nhà Minh (Trung hoa), vương quốc Malacca có lại vị thế cân bằng với hai nước láng giềng là Ayutthaya (phía bắc) và Majapahit (phía đông nam). Người Hoa nhanh chóng đến định cư ,trở thành nét đặc trưng cơ bản, một phần lịch sử của Malaysia. Tháng 8/1511, Bồ Đào Nha tấn công, vương quốc Malcaca sụp đổ, trở thành thuộc địa của Bồ Đào Nha trong suốt 130 năm. Năm 1641, Malcaca bị Hà Lan đô hộ khoảng 154 năm. Sau đó, thực hiện Hiệp ước Anh – Hà Lan, Malacca trở thành thuộc địa của Anh vào năm 1824. Mãi đến tháng 8/1957, Malaysia mới chính thức giành độc lập và thành lập liên bang vào năm 1963. Kể từ ngày ấy, Malacca trở thành một thành phố trực thuộc Malaysia.
Sự giao thương quốc tế, quá trình xâm chiếm của nhiều cường quốc khiến Malacca tồn tại nhiều màu sắc dân tộc cùng những đạo giáo hiện diện trong đời sống, kiến trúc và tôn giáo. Đến nơi đây, chúng ta dễ dàng nhận ra sự hòa hợp giữa các nền văn hóa Trung Hoa, Anh, Hà Lan và Bồ Đào Nha cùng với hình ảnh đạo Hồi trong trang phục kín đáo của các thiếu nữ. Trải qua hơn 600 năm lịch sử, Malacca được coi như là một bảo tàng “sống”, lưu giữ nhiều chứng tích lịch sử của đất nước Malaysia.
Bởi thế, Malacca tập trung khá nhiều bảo tàng quan trọng như bảo tàng “Tưởng niệm độc lập” lưu giữ các tài liệu liên quan đến thời kỳ Malaysia thoát khỏi nước thuộc địa trở thành một quốc gia độc lập, bảo tàng “Hàng hải” được xây theo mô hình chiếc thuyền buồm khổng lồ Flora de la Mar của Bồ Đào Nha bị đắm ngoài khơi Malacca, trưng bày các hiện vật liên quan đến lịch sử ngành hàng hải của Malacca qua các thời kỳ, bảo tàng “Di sản Baba Nyonya” trưng bày các loại đồ gỗ, đồ sứ và vải dệt truyền thống được bố trí trang trọng trong một tòa nhà cổ, bảo tàng “Tuổi trẻ Melaka” gồm có bảo tàng lịch sử, bảo tàng dân tộc học và bảo tàng văn học, trong đó bảo tàng dân tộc học được đặt tại nơi nguyên là công thự của các Thống đốc Hà Lan.
Malacca cổ kính càng thâm thúy hơn với khu di tích lịch sử Stadhuys, nơi có khu nhà cổ nhất khu vực Đông Nam Á. Len lỏi từng ngóc ngách, tôi thấy nơi đây còn nhiều ngôi nhà gỗ của giới quý tộc xưa, có tuổi đời trên 350 năm. Nhà có nhiều mái, cột đá chạm trỗ cầu kỳ, nằm êm đềm giữa những vườn cây xanh mát. Để dạo chơi, tôi phải đi trên những chiếc xe xích lô ba bánh Trishaw (một loại xe đạp có gắn thêm thùng xe) trang trí như một giàn hoa di động với mức giá chừng 20 ringghit (tương đương 120.000 đồng) trong 30 phút. Có nhiều du khách thích thăm quan thành phố bằng đường thủy, ngồi trên chiếc thuyền nhỏ xuôi nhẹ, ngắm phố xá 2 bên cũng là một trải nghiệm thú vị, đặc biệt khi hoàng hôn buông xuống, ánh đèn vàng hai bên bờ sông hắt xuống làn nước lung linh, huyền ảo.
Chụp vội với một người Malaysia phủ đầy sơn (giả làm tượng) với giá 20 ringgit, tôi lang thang đến một ngọn đồi lộng gió. Đồi St Paul với tên gọi ban đầu là Malacca Hill. Khi Bồ Đào Nha chiếm giữ, khu vực này đổi tên thành Ali Maria (hoặc Mary’s Hill). Nằm trên đỉnh đồi, giữa bãi cỏ xanh mướt cỏ, xen lẫn những bụi hoa vàng, thánh đường Pauls chỉ còn là phế tích. Những bức tường đá hoang lạnh, loang lổ dấu vết thời gian bên cạnh tượng Saphia cụt tay, đứng cô đơn giữa vòm trời hiu quạnh. Cách đó không xa, pháo đài A’Famosa của quân đội Bồ Đồ Nha với những bức tường đá ong xám đen cùng vài khẩu súng thần công nằm im ắng hơn 500 năm. Từ đồi St Paul, du khách có thể ngắm toàn cảnh thành phố Malacca xinh đẹp, xa hơn là vịnh Malacca xanh thẳm bên bờ Ấn Độ Dương.
“Thánh địa” cướp biển
Đứng trên đỉnh đồi xanh ngát, người hướng dẫn viên Malaysia chỉ về vịnh Malacca, nói với tôi rằng, có lẽ đấng sáng tạo đã mắc sai lầm khi tạo ra eo biển Malacca. Trong nhiều thập kỷ, nơi đây đã trở thành “thiên đường” cho những tên cướp biển hoành hành. Một vùng duyên hải lầy lội cùng những mê cung cây cối, rừng rậm là địa điểm lý tưởng cho cướp biển ẩn nấp, rình rập những “con mồi” tàu chở dầu to lớn, chậm chạp.
Trong cuốn sách “Eo biển Malacca: Cánh cửa hay nắm đấm” xuất bản năm 2003, sử gia Donald B. Freeman cho biết, nạn cướp bóc trên biển xuất phát từ những người dân bản địa vốn sinh ra trong nghèo khó, có cuộc sống ngư dân ảm đạm. Cướp biển như là chìa khóa để họ đến với những cuộc phiêu lưu, giàu có và danh vọng. Kể từ đó, mê cung Malacca trở thành nỗi ám ảnh với những người đi biển, họ run sợ mỗi khi đưa tàu di chuyển qua “nút thắt” này.
Với chiều dài 805 km (nơi hẹp nhất 1,2 km), “nút thắt” eo biển Malacca nằm trên tuyến giao thông đường thủy cực kỳ quan trọng, tiếp nhận 1/3 số lượng vận tải biển trên toàn thế giới. Hàng năm, có khoảng 50.000 tàu di chuyển qua nơi đây, chở từ hàng điện tử, đến quần áo, giày dép và một nửa lượng dầu thô xuất khẩu cả thế giới. Hầu như toàn bộ lượng dầu thô vận chuyển từ vịnh Persia vào các nền kinh tế châu Á lớn như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều phải đi qua tuyến hàng hải này. Riêng tại Singapore, mỗi năm có đến 130.000 tàu cập cảng, trung bình 4 phút có một tàu ra vào cảng. Lượng giao thương quốc tế qua eo biển này đang có xu hướng gia tăng.
Theo IMB (Cục hàng hải quốc tế), cướp biển eo Malacca bắt đầu hoạt động từ thế kỷ 14. Đến khi thực dân châu Âu đến Đông Nam Á (thế kỷ 18 và 19) để thúc đẩy giao thương trên biển, chúng hoạt động mạnh và dữ dội hơn. Năm 2004, các vụ tấn công cướp biển ở Malacca chiếm 40% tổng số thế giới. Indonesia là khu vực có nhiều cướp biển nhất với 93 vụ tấn công vào năm 2007. Do vậy, kể từ năm 2004, hải quân ba nước Indonesia, Malaysia và Singapore đã phối hợp tuần tra trên eo biển Malacca và Singapore nhằm đối phó với nạn cướp biển ngày càng dày đặc. Đến năm 2006, hải quân Ấn Độ bắt đầu tham gia tuần tra. Nhờ sư phối hợp chặt chẽ của hải quân các nước, các vụ cướp biển ở Malacca giảm dần. Tuy nhiên đến năm 2012, cướp biển Malacca lại trỗi dậy, lợi hại hơn xưa.
“Venice” của Châu Á
Như Đà Nẵng, dòng sông Malacca chia đôi thành phố thành hai bờ Đông – Tây.
Phía Đông là trung tâm đô thị với những khu phố có dáng dấp Châu Âu, ẩn mình dưới tượng thánh Paul. Du khách tụ tập quanh nhà thờ Malacca, bên những thảm hoa khoe sắc rực rỡ. Khi được hỏi, vì sao những ngôi nhà tại đây đều sơn màu đỏ, người chủ quán nói với tôi rằng, vào thế kỷ 16, những nhà truyền giáo Bồ Đồ Nha đã xây dựng nhiều nhà thờ bằng gạch đỏ. Sau đó, người Hà Lan chiếm đóng, tu bổ bằng sơn trắng. Đến khi người Anh đô hộ, màu sơn trắng của những bức tường loang lỗ do màu đỏ của những viên gạch lộ ra ngoài. Để làm mới những khu phố, họ quyết định sơn sơn đỏ tất cả. “Nhà đỏ” có tên từ ngày ấy. Không phải ngẫu nhiên, người ta so sánh Malacca với Venice của Ý. Malacca rất xứng với danh hiệu trên bởi nơi đây hiện hữu một lối thiết kế cổ xưa có niên đại hàng trăm năm. Điểm nổi bật của thành phố là các con kênh, những cây cầu chạm trổ tinh xảo, một không gian tĩnh lặng hiền hòa với màu xanh của cây cỏ. Người Melacca có lối sinh hoạt cổ xưa, dung dị và hiếu khách.
Từ trung tâm thành phố, ngược về phía Tây, băng qua cầu Malacca nối hai bờ sông là khu phố người Hoa với những chiếc đèn lồng đỏ trên cao. Đây là một thị trấn cổ xưa, xinh xắn với những con đường nhỏ quanh co, nhà thấp san sát. Những câu đối xanh đỏ, dán đầy ngoài cửa khiến tôi có cảm giác như lạc vào nơi nào đó như trong một bộ phim kiếm hiệp của Trung Hoa. Nhiều cụ già râu tóc bạc phơ chơi mạt chược ngay trên đường phố. Một vài ngôi chùa nhỏ mái cong tuyệt đẹp, những ngôi đền cổ với lối kiến trúc thuần chất Á Đông. Phố Tàu tập trung cộng đồng cư dân Baba – Nyonya (còn gọi là người Peranakan), hậu duệ của những người Trung Hoa đến Malaysia định cư phối ngẫu với người Malaysia bản xứ từ thế kỷ 15. Trong quá trình hội nhập, người Hoa đã biết kết hợp các kiểu nấu ăn của cố hương với các gia vị truyền thống của Malaysia để hình thành nên nghệ thuật ẩm thực Nyonya được cộng đồng hoan hỉ đón nhận.
Phố đêm tại Malacca tập trung trên đường Jonker, nơi cấm tất cả các loại xe lưu thông để dành không gian cho người đi bộ. Đường Tun Tan Cheng Lock gồm những căn nhà ống đặc trưng với cổng vòm trát vữa, lợp ngói, luôn tràn ngập ánh sáng bởi những sân nhỏ và giếng trời. Cạnh đó, phố buôn bán chính Jalan Hang Jebat san sát hàng trăm kiốt nhỏ dựng cạnh nhau bán hương thơm, trầm, đồ cổ và những món quà lưu niệm xinh xắn và độc đáo. Tôi thích thú lội bộ giữa khu chợ trời vào ngày cuối tuần, thưởng thức món ăn trong tiếng mời chào lanh lảnh của những cô gái người Hoa. Rất đông nghệ sĩ đàn hát trên đường phố. Một cặp vợ chồng già đẩy chiếc xe cũ kỹ, chở đầy các món đồ ra chợ khiến tôi chạnh nhớ đến một chợ đêm Hà Nội xưa. Phiên chợ náo nhiệt kéo dài tận đến 2 giờ sáng hôm sau.
Ngày ở Malacca dài. Đến 6 giờ chiều, ánh nắng vẫn còn gay gắt. Nơi đây, chúng ta có thể ngắm mặt trời lặn vào lúc 7 giờ, thậm chí đến 8 giờ tối, ráng chiều vẫn còn rõ nét ở đường chân trời. Có lẽ vì thế, Malacca thường sôi động về đêm. Thành phố dậy muộn, đến 10 – 11 giờ trưa, người dân nơi đây mới thực sự tỉnh giấc.
Tạm biệt Malacca, chia tay những thiếu nữ đạo Hồi xinh đẹp, quyến rũ trong chiếc khăn choàng bí ẩn, tôi rong ruổi qua những miền đất xa lạ, ngút ngàn những rừng cọ và ca cao. Hoàng hôn tĩnh lặng, đầy gió nhẹ. Xe lao vun vút hướng về biên giới Singapore, để lại đằng sau một thành phố yên bình và cổ kính.
Văn Khoa
ĐTPT số 71 – 72/2018