Home / ĐÔ THỊ - MÔI TRƯỜNG / Ông cha ta lo cho cây đời mãi tươi xanh

Ông cha ta lo cho cây đời mãi tươi xanh

147 năm trước, cụ Nguyễn Trường Tộ đã viết: “Tất cả vạn vật mà thiên nhiên đã tạo ra, mỗi loài đều có công dụng riêng của nó. Chỉ có điều là con người đã biết hay chưa biết sử dụng chúng mà thôi!”

Từ xưa, ông cha ta đã nhận ra mối quan hệ hữu cơ giữa thiên nhiên và con người. Tuy nhiên, con người lại phát triển quá nhanh về dân số, hơn nữa cuộc sống đòi hỏi nhiều những nhu cầu cần được thỏa mãn dẫn đến tình trạng mất cân bằng sinh thái, điều dễ nhận thấy là hại nhiều hơn lợi. Và cái gì xảy ra phải xảy ra! Thiên tai liên miên trên khắp toàn cầu khiến cho con người phải suy nghĩ lại những việc mình đã làm và cần làm.

Cách đây 535 năm (1483) vua Lê Thánh Tông (1460-1497) đã đưa vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh thái, đa dạng sinh học vào pháp luật nhà nước, buộc các quan lại và nhân dân ta phải thi hành. (1)

Điều 556: Đặt cạm bẫy (điều 4 thuộc chương tạp luật): Đặt những bẫy máy, hố sập (để bắt thú vật) thì xử phạt 80 trượng (2). Nếu vì thế mà làm người bị thương hay chết, thì xử nhẹ hơn tội đánh bị thương, chết người một bậc. Nếu đã có cắm nêu làm phù hiệu thì được giảm tội hai bậc. Ở những nơi núi cao, đầm rộng và nơi có thú dữ làm hại thì cho phép đặt bẫy, làm hố, nhưng phải cắm nêu làm hiệu, nếu không thì cũng phải phạt 60 trượng. Nếu vì thế mà làm người bị thương hay chết thì xử nhẹ hơn tội đánh bị thương, chết người ba bậc.

Điều 610: Thấy đám cháy mà không đi báo hay không ứng cứu kịp thời (điều 58 thuộc chương tạp luật): Người thấy lửa bốc cháy, nên đi báo mà không đi báo, nên đến cứu mà không đến cứu thì xử nhẹ hơn tội đánh cháy hai bậc. Những quan quân canh giữ cung điện, kho tàng và viên giữ tù đều không được rời khỏi chỗ mà đi cứu lửa, trái luật thì xử phạt 80 trượng.

Điều 635: Ngòi rãnh trong kinh thành hay làng quê phải khai thông (điều 83 thuộc chương tạp luật): Những đường ngõ trong kinh thành (ở những thôn cũng vậy) nguyên có ngòi rãnh cho nước chảy, mà các quan chức và nhân dân sở tại cậy thế chiếm đất làm hồ ao của mình để cho mực nước không chảy thoát, tràn ra làm hại thì xử tội biếm (3) hay tội đồ (4), nếu làm tổn hại đến lúa má, hoa quả của quan hay của dân thì phải bồi thường số thiệt hại.

1529915459_dna-001

(Ảnh minh họa)

Cách đây 147 năm, cụ Nguyễn Trường Tộ trong bản điều trần bẩm trình lên vua Tự Đức (5) đã viết: “Tất cả vạn vật mà thiên nhiên đã tạo ra, mỗi loài đều có công dụng riêng của nó. Chỉ có điều là con người đã biết hay chưa biết sử dụng chúng mà thôi”. Phân tích một cách khoa học sự tồn tại đa dạng sinh học là khách quan do thiên nhiên tạo lập. Bất kỳ loại cây gì, kể cả loại cây cho con người hoa thơm quả ngọt, hay loại cỏ dại, thậm chí có loại cây là thuốc độc ăn phải sẽ chết người. Nhưng thiên nhiên không vì thế mà phân biệt đối xử bằng cách ban phát cho cây này nhiều mưa, sương hơn cây khác. Chỉ có điều là con người đã biết hay chưa biết sử dụng chúng mà thôi. Ngày xưa, khi con người chưa biết giá trị sử dụng của mạt cưa, mướp đắng đã có câu chuyện cổ tích với tựa đề “Mạt cưa mướp đắng”. Khi viết Truyện Kiều, Nguyễn Du đã đưa sự tích này vào (6) để chỉ trích Tú Bà gặp phải Mã Giám Sinh:

Tình cờ chẳng hẹn mà nên

Mạt cưa, mướp đắng đôi bên một phường. (7)

Ngày nay thì ai cũng thừa nhận mạt cưa có nhiều công dụng như làm ra rượu, vải giấy, đồ nhựa và rất nhiều đồ dùng phục vụ cho cuộc sống con người. Còn mướp đắng là món ăn cao cấp và có giá trị trong y học.

Hai chữ “sử dụng” mà Nguyễn trường Tộ nói mang ý nghĩa quan trọng. Bởi lẽ, ngay như hạt gạo nấu thành cơm nuôi sống nhân loại, nhưng khi sử dụng thái quá cũng gây nên chết người vì bội thực. Hoặc nhân sâm là vị thuốc quý để cứu sống con người lúc lâm nguy. Nhưng nếu không biết sử dụng đúng phương pháp, liều lượng cũng gây nêm chết người.

Còn những vị thuốc độc như nhân ngôn, hoàng nàn là loại thuốc độc bảng A dễ gây chết người, nếu biết sử dụng thì lại trị được bệnh cứu người, có khi cải tử hoàn sinh. Bất kỳ ở đâu, người nông dân hễ thấy cây cỏ gấu lên nhiều trên ruộng mình thì rất bực bội, muốn đào gốc, đốc rễ vứt bỏ đi ngay. Nhưng người thầy thuốc thì xem nó là thuốc quý dùng cho phái đẹp. Cho nên cỏ gấu được đặt cái tên mỹ miều và đáng yêu là: Hương phụ (người đàn bà thơm). Trong các đơn thuốc bổ và thuốc bệnh, nhất là thuốc dùng cho phụ nữ không mấy khi không có vị hương phụ, hoặc hương phụ tứ chế.

Đấy là các loài cây, còn các loài “con” cũng vậy. Thiên nhiên đã tạo ra muôn loài con, có nhiều loài sống trên rừng núi như voi, gấu , hổ, báo, vượn, khỉ, chồn, cáo… Có loài sống dưới biển cả, ao, hồ, khe, suối, đồng ruộng như các loài cá. Có loài có cánh bay được như các giống chim, lại có loài động vật hạ đẳng như sâu bọ…

Đến nay loài người đã biết thuần dưỡng nhiều loại động vật hoang dã thành súc vật nuôi trong nhà như trâu, bò, ngựa, voi, lợn, gà, mèo, chó… Con người từ lâu cũng đã biết sử dụng sâu ăn lá dâu, lá sắn thành con tằm cho tơ và cho nhộng làm thức ăn. Không thể kể hết các loài cây, loài con mà loài người đã sử dụng nó phục vụ cho cuộc sống của mình. Ngay như các loài vi trùng, vi khuẩn gây bệnh như: đậu mùa, bệnh sởi, bệnh bại liệt… thì ngày nay con người đã chế ngự được chúng bằng tiêm chủng phòng bệnh. Loài người cũng đã sử dụng nhiều loại vi sinh vật như nấm men để làm rượu, làm phân vi sinh, làm tương, làm nhút.

“Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn”.

Khi con người đã biết sử dụng thì đương nhiên phải biết bảo vệ, biết nuôi trồng để ngày càng phong phú, đa dạng sinh học và làm bền vững thêm môi trường sinh thái.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời cũng đã từng kêu gọi nhân dân ta trồng cây gây rừng, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững. Bác kêu gọi chăn nuôi, tăng gia sản xuất. Hàng ngày, sau giờ tập thể dục buổi sáng và giờ làm việc buổi chiều, Bác thường cho cá ăn và chăm sóc vườn cây. Những ai có dịp đi thăm những vườn cây, ao cá Bác Hồ ở nhiều địa phương như ở vườn cây phụ lão ở xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An chẳng hạn, thì chắc chắn tận mắt nhìn thấy tác dụng của lời kêu gọi trồng cây gây rừng nhằm bảo vệ môi trường sinh thái cho chúng ta và mai sau.

Năm 1992, tại Hội nghị Thượng đỉnh RIO-92 mới ra tuyên bố nhấn mạnh những quyền lợi và trách nhiệm của các quốc gia đối với môi trường.

Tóm lại vạn vật mà thiên nhiên đã tạo ra thì bất kỳ cây gì, con gì cũng đều có công dụng của nó. Mỗi con, mỗi cây đều có thiên tính riêng của nó. Nó vừa có tính thiên địch, đồng thời lại có tính cộng sinh, hội sinh. Chúng sống bên nhau theo quy luật đấu tranh sinh tồn của sinh vật. Con người khi nhận biết được thiên tính riêng của từng sinh vật, khám phá ra quy luật hoạt động của chúng thì sẽ biết chọn loại cây nào trồng chung, trồng xen với nhau, con gì có thể nuôi chung với nhau. Ông cha ta đã đặt vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học là quan trọng và đưa vào luật pháp của nhà nước. Ngày nay, có chương trình VAC được phổ biến ở nhiều nơi, đó cũng là vườn đa dạng sinh học, bảo vệ sinh thái ở mức độ cao.

Bước sang thế kỷ XXI, khi mà cuộc sống con người, mặt bằng dân trí được nâng cao thì việc thực hiện ý tưởng đẹp của ông cha ta, cũng như việc thực hiện công ước quốc tế về bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, đa dạng sinh học sẽ trở thành niềm vui của tất cả mọi thành viên trong cộng đồng nhân loại nhằm bảo vệ màu xanh cho hành tinh chúng ta đang sống.

img_1855_hbjg

(Ảnh minh họa)

Chú thích:

(1) Luật Hồng Đức (Quốc triều hình luật thuộc triều Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức 1460-1497 nên thường gọi là Luật Hồng Đức) ra đời năm 1483 gồm 13 chương 722 điều. Có một số nhà sử học cho rằng Lê triều hình luật có từ năm 1428 khi Lê Thái Tổ lên ngôi. Nhưng đến thời Lê Thánh Tông (Hồng Đức) được hoàn thiện nên gọi là Luật Hồng Đức – NXB Chính trị Quốc gia năm 1995.

(2) Trượng: dụng cụ để đánh kẻ có tội, to hơn cái roi, dài 3 thước 5 tấc (1,4m), đầu to 5 phân (2,5cm), đầu nhỏ 2 phân 5 ly (1,25cm) làm bằng cây song.

(3) Biếm: giáng chức.

(4) Đồ: tội giam, không phải làm việc khổ sai.

(5) Di thảo số 2 – Giáo môn luận – Ngày 11/2 năm Tự Đức thứ 16 tức 29/3/1863 – “Nguyễn Trường Tộ và di thảo” của Trương Bá Cần. NXB Tp. Hồ Chí Minh 1988, trang 115.

(6) Truyện Kiều của Nguyễn Du. NXB Giáo dục 1984, trang 87.

(7) Sự tích “Mạt cưa mướp đắng”có nội dung như sau: Có hai kẻ lừa đảo gặp nhau. Một anh chàng hái mướp đắng cho trời nhá nhem tối mới đi bán để lừa người mua là dưa chuột. Còn anh kia lấy mạt cưa cũng chờ trời xẩm tối mới đem đi bán để lừa người là cám gạo. Kết quả, anh chàng bán mướp đắng rồi mua cám đem về nhà mới biết là mạt cưa. Còn anh kia, bán xong mạt cưa mua dưa chuột đem về, khi cắt ra mới biết là mướp đắng. Thế mới biết lừa đảo gặp gian lận.

HỒ BÁ QUỲNH

(Đô thị & Phát triển số 76 – 77/2019)

Check Also

brg-smarttown-15198048646601809363374 (1)

Xu hướng phát triển đô thị xanh trên thế giới

Mời bạn đọc xem ” Xu hướng phát triển đô thị xanh trên thế giới” …