Home / QUY HOẠCH / KIẾN TRÚC / Những ngôi nhà bị ruồng bỏ

Những ngôi nhà bị ruồng bỏ

Bạn có thể tưởng tượng ngày nào đó đi trên đường, nhìn thấy đứa con đẻ của mình mà nhẫn tâm ngoảnh mặt đi chỉ vì nó xấu xí. Thế mà chuyện đó xảy ra ngay giữa đất Hà Nội. Những người cha “nhẫn tâm” đó là những kiến trúc sư (KTS) thời mở cửa và những đứa con “không thừa nhận” chính là những ngôi nhà thiết kế theo đơn đặt hàng của “trọc phú” thời nay. Câu chuyện sau giúp chúng ta hiểu tại sao những KTS ấy không muốn nhận “con” mình.

    “Villa kiểu Pháp” 5 tầng trên mảnh đất 100m2
Tôi may mắn được ông bà nhạc tặng cho mảnh đất trên Hồ Tây khoảng 110 m2, mặt tiền 8m. Ông già là trí thức thời Pháp dặn tôi: “Anh nên xây nhà đẹp, không “trồng củ tỏi” trên nóc. Nhờ kiến trúc sư thiết kế cho cẩn thận”. Tôi nghĩ đơn giản, với mảnh đất như thế và ô tô tải vào được thì xây một ngôi nhà đẹp không khó.

    Lần đầu tiên trong đời xây nhà nên tôi chẳng biết bắt đầu như thế nào. Bác hàng xóm mới xây nhà xong, rỉ tai “nhớ phải ra thăm mấy anh đội qui tắc xây dựng với phong bì kha khá vào. Họ làm phiền cũng không xây nổi đâu”. Cô bạn thân dặn: “Nhớ động thổ cho đúng ngày giờ và cúng bái thành tâm, có kiêng có lành. Hai vợ chồng em suýt bỏ nhau khi xây nhà đấy”. Anh bạn du học Ba Lan về khuyên rất Tây “Villa kiểu Pháp như nhà 53 Trần Phú mới đẹp”.

    Tôi tìm được một kiến trúc sư tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội. Anh đến xem mảnh đất, quan sát rất kỹ hiện trạng và khu vực, đo đạc và ghi chép cẩn thận, không quên hỏi những nhà bên bao giờ xây nhà hoặc có bán đất hay không, rồi hỏi đùa: “Bác chủ nhà ra đầu bài đi”. Tôi chỉ nói đơn giản là nhà có bốn người, muốn villa Pháp 4-5 tầng, có vườn và gara. Tôi còn đưa anh tới nhà 53 Trần Phú và nhân tiện tham khảo mấy villa bên cạnh. Anh nói “Villa kiểu Pháp chỉ có người Pháp mới xây được. Đất 53 Trần Phú rộng gần 1000m2, nhà mình có hơn 100m2, nếu xây villa 5 tầng, em sợ không thiết kế cho anh được”.

    Tôi nghĩ đến việc tự làm lấy vì các bạn tôi xây nhà hầu hết “tự biên tự diễn” cho tiết kiệm. Có người khuyên nên xem mấy cái nhà do anh KTS ấy đã hoàn chỉnh và chủ đang ở rồi sẽ biết tài người ta. Hẹn đi xem nhưng anh có vẻ buồn buồn không muốn đi. Tuy nhiên, anh vẫn muốn phác thảo cái nhà xinh xinh cho tôi vì anh bảo “mảnh đất khá mỹ mãn nên phải cẩn thận, cần một tháng có thời gian để suy nghĩ”, không quên hỏi kinh phí có bao nhiêu. Không hiểu sao khi tiếp xúc, tôi rất tin anh nên phó mặc số phận, một phần vì mệt mỏi đi lại, nghe lắm lời khuyên nên rối trí. Tôi nói số tiền xây nhà và nhờ anh giúp cho hợp túi tiền, không hỏi kỹ công thiết kế và giám sát. Cô vợ cằn nhằn “không mặc cả trước lại lộ tiền xây nhà dễ bị chém”.

     Sau tám tháng làm nhà, tôi mới hiểu để xây một ngôi nhà hoàn chỉnh phải mất rất nhiều công sức và trí tuệ. Người KTS vẽ từ phác thảo tổng thể của ngôi nhà đến chi tiết (hoa văn của cửa ra vào, thậm chí cái gương và bệ xí phải đặt ra sao), trang trí mặt đứng, nội thất, ánh sáng… Anh còn lo suy tính hàng xóm khi họ xây lên thì nhà mình sẽ như thế nào. Trong kiến trúc thì yếu tố hài hòa rất quan trọng. Để có hài hòa phải có cấu trúc tỷ lệ. Dân ta thường ước lượng tỷ lệ bằng mắt hay gang tay “xây cửa này rộng năm gang, còn cửa kia rộng ba bước chân cũng được”. Nhưng KTS phải dùng thước và máy để tính tỷ lệ chính xác kích cỡ cửa ra vào tầng trên, tầng dưới… để nếu nhìn từ xa tới, từ trong ra có thích hợp không.

    Gần như hàng ngày anh qua lại công trường để giám sát thi công. Anh dặn dò thợ xây dựng và tôi: “Nếu đọc bản vẽ không hiểu nên gọi điện, tôi sẽ tới ngay. Thay đổi gì nên báo trước”. Tuy nhiên, một lần tôi tự quyết định nên bây giờ đang hưởng thành quả của sự “sáng tạo” đó. Khi xây buồng tắm trên tầng hai, do trần cao nên phải làm thêm một trần “thừa” để cân đối chiều cao của phòng hẹp. Trong thiết kế chỉ định dùng trần giả để sau này có thể lắp bình nước nóng và thiết bị kỹ thuật phía trên vừa kín đáo vừa dễ sửa chữa sau này.

    Tuy là dân được học hành, cũng được đi nhiều nơi nhưng vốn hiểu biết về kiến trúc không hơn đám thợ quê, khi họ khuyên nên làm cái kho trên đó vì “nhiều nhà vẫn làm thế mà”, tôi đồng ý. KTS đến nơi thì sự đã rồi vì bê tông đông cứng nên đành chịu. Bây giờ nhìn cái cửa tò vò, tôi buồn cười vì vốn kiến trúc của anh nông dân trong tôi, muốn treo cái tranh đẹp trên tường đó cũng không xong vì cái cửa kho vừa chướng mắt vừa làm lệch tỷ lệ của mảng tường.

     Cuối cùng, ngôi nhà hai tầng rưỡi hoàn chỉnh hơn cả sự mong đợi trừ một vài chi tiết do đám thợ xây và tôi “sáng tạo” thêm. Anh thừa nhận mười năm trong nghề mới mới gặp một chủ nhà biết hợp tác với KTS. Anh dẫn các bạn kể cả KTS đến thăm, thấy ai cũng khen tôi mới phát hiện mình có ngôi nhà ưng ý.

     Tâm sự của “người cha bỏ con”

    Khi liên hoan nhà mới, uống vài ly rượu, anh KTS mới xả bầu tâm sự. Nhà văn có đứa con tinh thần là tiểu thuyết, nếu không hay độc giả vứt vào sọt rác. Dân IT làm ra những sản phẩm phần mềm không ai dùng chỉ cần xóa trên đĩa cứng sẽ hết mọi dấu vết. Người KTS thiết kế công trình thì khác hẳn. Cầu đã xây xong, nhà đã có người ở thì không dễ gì phá đi một sớm một chiều mà sẽ tồn tại với thời gian năm tháng. Công trình đẹp như Nhà hát Lớn hay Khách sạn Hilton bên cạnh hài hòa ai đi qua cũng nhìn và ngưỡng mộ. Nhìn những cái nhà kỳ dị củ hành trên đê Yên Phụ, building kiểu “dao bầu chọc tiết ông trời “ hay trên phố Thuỵ Khuê sẽ có người tự hỏi “Những KTS ấy có học hành đến nơi đến chốn không đây?”.

    Hầu hết KTS là những nghệ sỹ với tâm hồn yêu nghệ thuật, nếu không họ đã không vào ngành kiến trúc. Họ biết sản phẩm của họ ảnh hưởng trực tiếp đến xã hội như thế nào. Đôi lúc đi qua những mảnh đất đẹp nhưng trên đó là ngôi nhà “tân cổ giao duyên”, các anh rất đau xót vì biết rằng thế nào sau này cũng bị phá đi, phí hoài bao tiền của và công sức.

    Không đủ hiểu biết về kiến trúc và tầm văn hóa nhất định nên chủ nhà trọc phú thường bắt KTS chạy theo thị hiếu tầm thường. KTS đau đầu vì đồng tiền bát gạo nên dù yêu nghề đôi lúc vẫn phải “nhắm mắt đưa chân”. Và buồn rầu nhìn “đứa con” của mình bị thay đổi méo mó thành một khối hình vô văn hoá.

     Khi phác thảo, KTS chuyên nghiệp thường hỏi số tiền đầu tư để biết khả năng kinh tế của gia đình mà liệu cơm gắp mắm, thiết kế và khuyên dùng nguyên vật liệu cho hợp lý. Tuy nhiên, nhiều chủ nhà lại nhìn họ bằng con mắt nghi ngờ “ăn thêm gì đây”, làm cho người KTS có lòng tự trọng thấy đau tận đáy lòng.

     Nói chuyện thêm mới hiểu anh không muốn cho tôi xem một số ngôi nhà do anh thiết kế. Có bản vẽ đầy đủ và chi tiết nhưng gia chủ cứ xây nhà theo sáng tạo riêng, làm sai hết ý đồ của KTS vì “có tiền muốn làm gì mặc tôi”. Cuối cùng KTS không dám nhận mình là tác giả. Biết bao KTS khi đi qua những ngôi nhà do họ đau đớn “đẻ ra” mà không dám ngước nhìn và thầm gọi chúng là “những đứa con không cha “.

     Một suy tư khác của anh là ngôi nhà đẹp đứng trong môi trường xấu thì không còn đẹp nữa. Anh đi rất nhiều nơi có dịp so sánh và thấy dân ta tự làm cho ngôi nhà và khu vực đất ở của mình mất giá một cách thảm hại vì tư lợi cá nhân, “vài mét đất lấn ra đường hay cố nhô ban công để rồi không bao giờ bước chân ra”. Thấy nhà bên lấn chiếm tý vỉa hè, ông hàng xóm thế nào cũng cố ra vài bậc rộng hơn. “Nhà hắn xây cao 4 tầng thì đây cũng ít nhất phải 5 tầng”…

     Mới hiểu tại sao, ngay cả trên một số khu đất hoàn toàn mới, nhà xây thò ra thụt vào, cao thấp, nham nhở, xanh đỏ tím vàng, đường vào ngoằn ngoèo và chật hẹp. Ngày xưa, nhiều ngõ như Văn Chương hay Thịnh Hào đủ rộng để hai ôtô tải tránh nhau mà bây giờ chỉ còn đủ cho cái xích lô đi lọt. Giá đất trong khu đó so với khu “ôtô tải vào được” khác nhau như thế nào chắc ai cũng biết. Tôi nhớ khi nhà tôi đang hoàn thiện, biết nhà nhỏ liền kề chuẩn bị khởi công, anh KTS muốn thiết kế giúp để mặt tiền của hai nhà hài hòa nhưng được trả lời “rỗi hơi mà làm thế”. Bây giờ hai nhà cạnh nhau khập khiễng kiểu “Chí Phèo ôm hoa hậu báo Tiền Phong”.

    Khi máy bay giảm độ cao để hạ cánh xuống Paris, Washington DC hay Luân Đôn, qua cửa sổ nhìn cánh đồng lúa mỳ hay vườn cây trái được qui hoạch hàng lối cẩn thận ta cũng có thể tưởng tượng kiến trúc của những thành phố ấy đẹp thế nào. Nhưng khi bay từ Thái Bình dọc sông Hồng về Hà Nội, nhìn cánh đồng lúa ngoại thành, mảnh to mảnh bé, miếng méo miếng vuông, ngang dọc, không theo một thứ tự nào, quả thực có thể thấy nền “văn minh lúa nước” đã ăn sâu vào kiến trúc Hà Thành thời hiện đại ra sao.

     Cái đẹp không phải là vàng son, hoa văn cầu kỳ hay cao chót vót mà chính là sự hài hòa của cả khu phố. Chỗ nào được cộng đồng qui định chặt chẽ về chiều cao các tầng, độ rộng vỉa hè, nhà không cần đẹp nhưng hài hòa với nhau thì chắc chắn chỗ đó giá đất, giá nhà sẽ cao hơn nhiều so với khu đất mỗi nhà để riêng từng cái thì đẹp nhưng đứng cạnh nhau vô tổ chức kiểu “các cô người mẫu mặc bikini đứng lẫn với người đẹp mặc áo bà ba”.

   Ở nước ngoài, nếu là khu nhà chia lô thì tổ dân phố tự quy ước với nhau về nhà cửa và có quyền áp đặt, các hộ phải ký vào bản hợp tác cộng đồng. Về nội thất thì tuỳ ý gia chủ muốn làm gì cũng được. Nhưng bên ngoài, họ quy định rất chi tiết, mái lợp loại gì, kiểu cách cửa ra vào và độ cao ra sao. Trồng cây gì trước cửa cũng phải hỏi ý kiến. Về phương diện xây dựng thì phương tây không “dân chủ” như Việt Nam ta.

    Chủ nhà muốn thay đổi phải xin phép, làm tường rào nhất thiết phải đúng mẫu mã, chiều cao và vật tư theo qui định chung của cả khu. Thảm cỏ không cắt xén sẽ bị phê bình. Nếu cố tình không nghe, cộng đồng sẽ thuê dịch vụ và chủ nhà trả tiền cao hơn gấp bội. Nhà nước không cần can thiệp nhiều vì chính những cư dân ở đó lo cho ngôi nhà của mình. Một ngôi nhà nhếch nhác thì bất động sản cả khu bị mất giá theo.

    Viết những dòng này tôi muốn chia sẻ với những người đang xây nhà hay có ý định trong tương lai. “Ông” Chính phủ không giúp được bạn ngoài việc ra vài qui định chung, nhưng nhiều khi vô tình tạo kẽ hở cho đội qui tắc xây dựng kiếm ăn. Đất nước đang đi lên mà lẽ nào chúng ta xây nhà hôm nay để rồi mấy năm sau thấy xấu lại phá đi? Bạn muốn nhà mình sau mấy chục năm vẫn lên giá như nhà ở phố cổ Hội An sau vài trăm năm? Chẳng lẽ những người sống ở thời đại máy tính điện tử, đi lại bằng máy bay lại không biết xây nhà đẹp bằng mấy người lái buôn Hội An dùng bàn tính gẩy cổ lỗ và thuyền buồm cách đây vài thế kỷ?

    Các bạn hãy cùng KTS chuyên nghiệp xây những ngôi nhà xinh đẹp, hài hòa trong khu phố bạn ở. Điều đó giúp cho chính ngôi nhà của bạn thêm sang trọng, những người sống trong đó lấy làm hãnh diện, giá trị bất động sản được nâng cao, người kiến trúc sư được tự hào về tác phẩm của mình và các đô thị bớt đi “những đứa con không cha”.

Hiếu Minh
ĐTPT Số 27/2010
(ảnh sưu tầm)

Check Also

df4c8f78-8baa-4003-93de-f50193785257

Kiến trúc cầu Việt Nam dưới góc nhìn của nhà phê bình mỹ thuật

Sự kiện công bố phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo theo kiểu “xứ …