Home / QUY HOẠCH / KIẾN TRÚC / KIẾN TRÚC VỚI KHÔNG GIAN VEN BIỂN ĐÀ NẴNG

KIẾN TRÚC VỚI KHÔNG GIAN VEN BIỂN ĐÀ NẴNG

Trên cơ sở các định hướng phát triển của Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt bởi Quyết định số 465/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp chính quyền, của người dân, Đà Nẵng đã thực sự bứt phá, vượt lên dẫn đầu như là một mô hình mẫu về tốc độ phát triển và quản lý đô thị. Cấu trúc đô thị, Khung hạ tầng đô thị, những dự án/cơ sở tạo động lực phát triển đô thị, quản lí trật tự và an toàn đô thị, ….đặc biệt được chính quyền đô thị quan tâm. Nhiều nhóm giải pháp được triển khai đồng bộ, quyết liệt để thúc đẩy ý chí, mục tiêu hướng tới đô thị loại I – cực phát triển của miền Trung trở thành hiện thực.

Diện mạo đô thị được lột xác, từ đô thị vừa được tách ra khỏi Quảng Nam Đà Nẵng năm 1997 (với cơ sở hạ tầng hạn chế, tốc độ phát triển chậm, các tiềm năng lợi thế tạo lập cá tính đô thị tiếp cận mặt nước theo dòng chảy sông Hàn, dải bờ biển từ Hải Vân – Bán đảo Sơn Trà, qua các bãi tắm Mỹ Khê, Mỹ An, Non Nước… đến Ngũ hành Sơn chưa được khai thác): Cho đến nay, Đà Nẵng đã từng bước vươn mình ra biển Đông, thực sự trở thành cực thu hút đầu tư, cực phát triển kinh tế của khu vực miền Trung và Tây Nguyên, cùng với nhiều lĩnh vực và bài học trở thành mẫu mực, điểm sáng để các đô thị trong cả nước hướng đến.

Phát triển nóng, phát triển nhanh – mạnh, không thể tránh khỏi những khiếm nhược, cần được rà soát, đánh giá, nhìn nhận điều chỉnh trong các định hướng phát triển. Bài viết tập trung, đề cập đến khía cạnh tổ chức và khai thác phát triển các không gian ven biển. Không gian đặc biệt hấp dẫn, ưu thế và lợi thế phát triển đối với các đô thị tiếp cận biển.

XÁC LẬP, TẠO LẬP, TÁI THIẾT KHÔNG GIAN CÔNG CỘNG VEN BIỂN

Đường bờ biển với chiều dài khoảng 74km (Theo địa chí Quảng Nam Đà Nẵng), với Vịnh Đà Nẵng căng nét hình cánh cung, ẩn hiện quanh co qua bán đảo Sơn Trà, rồi buông xuôi đến các bãi tắm tuyệt mỹ nối tiếp nhau, dường như được định dạng cho Đà Nẵng trở thành một đô thị phát triển hướng mặt nước biển Đông. Vị trí địa lý và lợi thế thiên tạo đã đem đến cho Đà Nẵng những cơ hội điều kiện phát triển an ninh quốc phòng, cảng, logistic, du lịch, dịch vụ… Sức hấp dẫn mạnh mẽ của Đà Nẵng trong 20 năm qua cũng dẫn đến sự chuyển dịch rất nhanh về gia tăng dân số (từ khoảng 80 vạn trước năm 2000, được dự báo 1,2 triệu người năm 2020, rồi 2,5 triệu người vào năm 2030…). Song, với diện tích tự nhiên 1.285 km2, quỹ đất phát triển đô thị hạn chế so với các đô thị khác trong cả nước, Đà Nẵng không thể tránh khỏi xu hướng gia tăng mật độ xây dựng, gia tăng tầng cao trong đô thị; Cảnh báo các tác động áp đặt và lấn át môi trường cảnh quan tự nhiên, môi trường phát triển du lịch và thương hiệu cần hướng tới đô thị đẳng cấp châu Á của Đà Nẵng.

Ý tưởng phát triển đô thị trên cơ sở khai thác trục cảnh quan dọc sông Hàn và đô thị hướng biển được xác lập rất rõ ràng trong định hướng quy hoạch Đà Nẵng được Thủ tướng phê duyệt tại QĐ 465. Theo đó, các giải pháp tổ chức khoảng đệm giữa mặt nước ven biển với đường đô thị và không gian phát triển đô thị, các trục không gian kết nối đô thị với biển; các quảng trường tiếp cận biển… đảm bảo các khả năng kiểm soát không gian ven biển cho TP Đà Nẵng.

Quá trình phát triển Đà Nẵng với nhiều nguyên do, các định hướng phát triển này bị biến dạng, thay đổi. Không gian – nơi phải thuộc về khu vực công cộng, đã hầu như được lấp đầy bởi các dự án phát triển dịch vụ du lịch (nhà hàng, khách sạn, resort) – thuộc khu vực tư nhân sở hữu; theo đó tạo thành những ngăn cách chuyên biệt mặt nước ven biển với không gian đô thị làm cho Đà Nẵng mất đi các điểm/trục kết nối giao thoa giữa biển và đô thị mất đi không gian sử dụng chung mặt nước và dải ven biển của cộng đồng, mất đi khả năng kiểm soát sự cân bằng giữa lợi ích cộng đồng và lợi ích tư nhân, không gian công cộng từng ngày bị biến dạng và thu hẹp, tư nhân hóa…

Không phủ nhận, những giá trị mà một số dự án tiếp cận không gian ven biển Đà Nẵng đã mang lại sức hấp dẫn về phát triển thị trường du lịch; những giá trị nhất định về thẩm mỹ kiến trúc; những giá trị mang lại mô hình nghỉ dưỡng có đẳng cấp Quốc tế, có cá tính và tạo những động lực điểm nhấn cho Đà Nẵng, khu vực miền Trung và Việt Nam. Đặc biệt, gần đây chính quyền thành phố đã có những chuyển dịch tích cực nhằm tạo lập, tái thiết, giành lại một số không gian cho cộng đồng như “Mở lối xuống biển”“thu hồi một số bãi cát ven biển”, “đầu tư xây dựng tuyến đi bộ ven biển”; Thúc đẩy tái thiết một số làng chài mang tính lịch sử truyền thống, một số điểm quảng trường cây xanh ven biển… Đó là những động thái tích cực đem lại những giá trị nhân văn của đô thị – ưu thế mang tính cạnh tranh bền vững của các đô thị phát triển.

Xác lập, tạo lập, tái thiết các không gian công cộng là một quá trình từ quy hoạch, thiết kế đô thị, thiết kế kiến trúc cảnh quan, các quy định quản lý… nhằm kiểm soát những khu vực cần bảo tồn gìn giữ cảnh quan độc đáo; kiểm soát sự lạm dụng khai thác tối đa vì lợi ích đầu tư dẫn đến xâm lấn/thu hẹp các không gian vui chơi giải trí thuộc về cộng đồng/ bỏ qua những giá trị lâu dài, giá trị lịch sử, giá trị cảnh quan, giá trị nhân văn của đô thị; Kiểm soát đối với khu vực công cộng và khu vực tư nhân; Kiểm soát môi trường và phát triển hài hòa các lợi ích. Không thiếu những bài học thành công như Barcelona (Tây ban Nha); Hawai; Boracay (Philippines)… Vấn đề đặt ra là: Quan điểm, nhận thức và quyết tâm thực hiện của chính quyền đô thị có đặt lợi ích cộng đồng là mục tiêu ưu tiên lâu dài hay không?

KIẾN TRÚC KHÔNG GIAN VEN BIỂN

Đà Nẵng đã rất thành công trong phát triển cơ sở hạ tầng đô thị (từ hạ tầng kỹ thuật đến hạ tầng xã hội); phát triển dịch vụ du lịch, bất động sản (không chỉ nhà ở thương mại mà nhà ở cho người thu nhập thấp, tái định cư, nhà ở cho người vô gia cư được đặc biệt quan tâm)…, Diện mạo đô thị được hoàn thiện với cơ chế và mô hình quản lý năng động, đồng thời tốc độ phát triển với ưu thế vượt trội so với các đô thị khác trong cả nước.

Công trình Kiến trúc đô thị theo đó được nối dài, hiện hữu trong từng ô phố, khu vực, tuyến phố của đô thị. Trật tự đô thị được quản lý rất hiệu quả. Quyết tâm xây dựng hình ảnh thương hiệu đô thị đáng sống với khao khát có được những công trình kiến trúc ấn tượng, độc đáo đang là nỗ lực của chính quyền và người dân Đà Nẵng. Trung tâm hành chính tập trung được kỳ vọng là biểu tượng đô thị bên sông Hàn, tuy còn có những khía cạnh chưa hiệu quả; Novotel và một số công trình cao tầng khác đã, đang và sẽ từng ngày được hiện diện bên trục cảnh quan chủ đạo sông Hàn. Ở góc độ nào đó, đã có sự cạnh tranh về khối tích và chiều cao làm cho tòa Tháp hành chính và Novotel mất đi vị trí độc tôn của cả hai? Ấy là câu chuyện công trình điểm nhấn bên sông Hàn. Cũng cần cảnh báo đối với tuyến cảnh quan quan trọng khác của Đà Nẵng là không gian ven biển Đà Nẵng.

Kiến trúc điểm nhấn với tiêu chí tạo hình độc đáo và tầng cao – kiến trúc cao tầng với tiêu chí khai thác tối đa lợi thế view biển, giá trị sử dụng đất, sự lợi dụng và thiếu kiểm soát đối với xu hướng này… đang là những cảnh báo về tác hại đối với môi trường cảnh quan như một số dự án ở Nha Trang…

Đà Nẵng là một trong những đô thị có đủ lợi thế, cơ hội, điều kiện phát triển đô thị hướng tiếp cận biển. Và không gian ven biển Đà Nẵng như là không gian mặt tiền của đô thị -“Sảnh đô thị”. Nơi đón tiếp, thu hút các tinh hoa từ bên ngoài, nơi trình diễn các giá trị, các sáng tạo đô thị. Chính vì vậy, yêu cầu tổ chức không gian, sự tinh tế về nghệ thuật sắp đặt, thẩm mỹ được ưu tiên để tạo nên sức hấp dẫn. Không thể xây dựng tùy tiện, bất chấp mọi nguyên tắc.

Cần thiết phải lập Quy hoạch tổng thể “Không gian kiến trúc ven biển” và cụ thể hóa từng đoạn tuyến trên quy hoạch chi tiết 1/500, Thiết kế đô thị có mô hình được cấp thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản:

1. Các lợi thế từ biển là cảnh quan, tầm nhìn, hướng gió, bãi cát, mặt nước…cần được chia sẻ cho toàn đô thị. Ưu tiên các không gian dành cho cộng động và kiểm soát hạn chế sở hữu tư nhân/ Chiếm hữu không gian công cộng dành cho cộng đồng;

2. Giải phóng các tầm nhìn ra biển. Kết nối đô thị với biển qua các trục không gian hướng biển;

3. Kiến trúc nương tựa vào tự nhiên và không làm tổn hại đến các giá trị vốn có, các giá trị cảnh quan cần được bảo tồn. Và vì thế, các địa danh nổi tiếng như Hải Vân, Non nước, Ngũ hành Sơn, bán đảo Sơn Trà dành cho tự nhiên, các kiến trúc ở đây phải cân nhắc hết sức thận trọng, không lấn át và chỉ mang tính điểm tô. Kiến trúc cao tầng không nên xây dựng trong không gian này;

4. Không gian tiền sảnh – không gian đệm được giới hạn từ mép nước đến đường đô thị và không gian phát triển đô thị. Không gian này là không gian chuyển tiếp, thuộc về công cộng – mọi người tự do đi lại, ưu tiên các hoạt động gắn với đi bộ, cây xanh cách ly, cây xanh cảnh quan, kiến trúc nhỏ;

5. Không gian phát triển: Ưu tiên các chức năng phát triển du lịch, dịch vụ. Song, mật độ xây dựng được kiểm soát chặt chẽ đảm bảo độ thông thoáng ưu tiên cho các yếu tố tự nhiên, các giá trị cảnh quan phục vụ nghỉ dưỡng, thắng cảnh…

Tổ chức/phân bố có nhịp điệu công trình và tổ hợp công trình cao tầng theo từng đoạn tuyến đường đô thị ven biển, thay vì dàn trải bê tông hóa trên suốt dọc dài bờ biển.

Hạn chế tối đa việc xây dựng chung cư cao tầng bám sát không gian ven biển/đường đô thị ven biển. Cần tổ chức chung cư cao tầng theo hướng tập trung thành tổ hợp phát triển theo chiều sâu vào đô thị với không gian trục kết nối hướng biển.

THAY CHO LỜI KẾT

Phát triển đô thị hướng biển đã đang trở thành xu hường rất rõ ở nhiều đô thị trong cả nước. Những tăng trưởng nóng bởi phát triển du lịch, bất động sản trong giai đoạn vừa qua, đã cảnh báo những biến dạng và suy giảm phần nào giá trị cảnh quan tự nhiên độc đáo, tài nguyên ven biển như Hạ Long, Nha Trang… Theo đó, là những hiện tượng chiếm hữu không gian công cộng ven biển, xây dựng khu biệt, kém hiệu quả về sử dụng đất; không gian cảnh quan ven biển bị lấn át, chia cắt bởi các dự án đầu tư xây dựng.

Rất cần những trao đổi về quan điểm, nguyên tắc, giải pháp tổ chức không gian, thiết kế kiến trúc, kiến trúc cao tầng và kiến trúc điểm nhấn cho các không gian đô thị ven biển để hạn chế những tác động tiêu cực đối với cảnh quan, tạo lập đặc trưng đô thị biển, không chỉ ở Đà Nẵng mà còn nhiều những đô thị tiếp cận biển – khi mà môi trường đầu tư và nhu cầu phát triển du lịch đang rất hấp dẫn ở Việt Nam. Chủ đề của tọa đàm lần này thực sự cần thiết bổ ích cho các chính quyền đô thị, giới nghề và cộng đồng.

THS.KTS LÃ KIM NGÂN

Viện phó Viện Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam

Check Also

df4c8f78-8baa-4003-93de-f50193785257

Kiến trúc cầu Việt Nam dưới góc nhìn của nhà phê bình mỹ thuật

Sự kiện công bố phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo theo kiểu “xứ …