Home / QUY HOẠCH / KIẾN TRÚC / KIẾN TRÚC CAO TẦNG VEN BIỂN TRONG CÁC ĐÔ THỊ LỚN

KIẾN TRÚC CAO TẦNG VEN BIỂN TRONG CÁC ĐÔ THỊ LỚN

Xây dựng nhà cao tầng là một lĩnh vực đặc biệt. Xu hướng nhà cao tầng phát triển trước tiên tại Mỹ, là sáng kiến của các đại diện ngành công nghiệp cán thép đang tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của mình. Xu hướng này được coi là “phong cách thương mại”. Giai đoạn đầu, các tòa nhà cao tầng thường trở thành các điểm nhấn trong đô thị, lấn át độ cao của các nhà thờ là những điểm nhấn trước đó. Sau đó là các tòa nhà chọc trời tại Mỹ đã ra đời trong bối cảnh như vậy.

Theo quy định của tiêu chuẩn TCXDVN 323:2004 “Nhà ở cao tầng – Tiêu chuẩn thiết kế” của Bộ Xây dựng ban hành năm 2004 thì nhà cao tầng là loại nhà có số tầng từ 9 đến 40. Trên số tầng đó người ta thường gọi là nhà siêu cao tầng và chưa thấy nói thiết kế theo tiêu chuẩn nào.

Theo hệ thống phân cấp hiện hành của CHLB Đức, nhà cao tầng chia ra làm 04 nhóm. Nhóm I gồm các tòa nhà có chiều cao từ 22 đến 30m; nhóm II – từ 30 đến 60m; nhóm III – những tòa nhà có chiều cao từ 60m; nhóm IV: từ 200m.

Căn cứ vào chiều cao và số tầng nhà, Uỷ ban Nhà cao tầng Quốc tế phân nhà cao tầng ra 4 loại như sau:

  • Nhà cao tầng loại 1: từ 9 đến 16 tầng (cao nhất 50m);
  • Nhà cao tầng loại 2: từ 17 đến 25 tầng (cao nhất 75m);
  • Nhà cao tầng loại 3: từ 26 đến 40 tầng (cao nhất 100m);
  • Nhà cao tầng loại 4: từ 40 tầng trở lên (gọi là nhà siêu cao tầng);

Hiện nay, chúng ta vẫn thường hiểu nhà cao tầng là loại hình công trình từ 15 đến 40 tầng. Tùy theo hình thái mỗi khu vực, có khu vực chỉ 9 tầng đã là cao, nhưng có khu vực phải từ 25 tầng mới cao….điều này cho thấy tính tương đối của nhà cao tầng

Như chúng ta thấy, nhà cao tầng có tính“thương mại” cao, do đó ở đâu quỹ đất hạn chế, giá trị đất đai cao, thì ở đó có xu hướng phát triển nhà cao tầng

Việt Nam có bờ biển dài, hàng năm đón một lượng du khách rất lớn trong và ngoài nước. Quỹ đất ven biển giá trị ngày càng cao, nhu cầu đầu tư xây dựng ngày càng lớn, do đó việc các nhà đầu tư mong muốn xây dựng các công trình kiến trúc phục vụ du lịch có chiều cao lớn là sự phù hợp về quy luật kinh tế trong đầu tư.

Tuy nhiên, để có cái nhìn tổng thể về vai trò của công trình kiến trúc cao tầng ven biển, chúng ta phải đánh giá được các điểm mạnh và yếu của nhà cao tầng.

Điểm mạnh: Công trình kiến trúc cao tầng có hình dáng vươn cao, nổi bật, dễ định hướng, tạo sức hút thị giác… trở thành điểm nhấn của một khu vực, do đó nó còn mang tính biểu tượng cho nhà đầu tư; công trình kiến trúc nhà cao tầng cho phép giảm mật độ xây dựng, tăng hệ số sử dụng đất, giải phóng đất đai cho cây xanh, thiên nhiên, tiết kiệm tài nguyên đất;

Điểm yếu: Kiến trúc cao tầng có chiều cao và khối tích lớn, dễ nổi bật, lấn át những công trình kiến trúc thấp tầng. Khi có nhiều công trình kiến trúc tập trung với mật độ cao sẽ hình thành một khối tích khổng lồ lấn át các công trình và cảnh quan thiên nhiên chung quanh; Kiến trúc cao tầng được cấu thành chủ yếu từ các vật liệu bê tông và thép, là các loại vật liệu dễ hấp thụ cũng như bức xa nhiệt, vì vậy khu vực nào càng tập trung nhiều nhà cao tầng khu vực đó sẽ có nhiệt độ bức xạ càng cao.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần nhìn nhận công trình kiến trúc cao tầng không chỉ là một công trình xây dựng thuần túy, mà là tổ hợp các vấn đề về thẩm mỹ, kỹ thuật hạ tầng, giao thông, môi trường…

Xét dưới góc độ đó, việc tập trung kiến trúc cao tầng sẽ dẫn đến tập trung đông người, tập trung giao thông, không gian công cộng và các dịch vụ xã hội khác… Đây là cơ hội tốt cho kinh doanh, phát triển kinh tế khu vực, nhưng khi thiếu kiểm soát sẽ dẫn đến quá tải, những ưu điểm sẽ nhanh chóng trở thành khuyết điểm không thể sửa chữa.

Từ những phân tích nêu trên, chúng ta quay lại với không gian ven biển để phân tích xem chúng ta nên có quan điểm thế nào với việc xây dựng các công trình kiến trúc cao tầng ven biển

Có thể nói, giá trị của không gian ven biển chính là tài nguyên biển nơi đó. Tuy nhiên những giá trị kinh tế này được các nhà đầu tư tạo ra thêm nhiều giá trị gia tăng thông qua việc tạo ra các mô hình kinh tế trên cơ sở sử dụng các tài nguyên đó như: Mô hình du lịch biển, mô hình du lịch nghỉ dưỡng, mô hình vui chơi, giải tri… từ đó hấp dẫn du khách từ khắp nơi tập trung về không gian ven biển, tạo tiền đề cho việc phát triển các công trình kiến trúc cao tầng.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần chú ý tới tính chất đặc trưng của không gian ven biển là mang tính cộng đồng rất cao, mọi người dân trên khắp đất nước đều có quyền tới đó, không kể người đó có thu nhập như thế nào. Chính vì vậy, sự xung đột về quyền lợi giữa cộng đồng và nhà đầu tư luôn là bài toán làm đau đầu nhà quản lý. Ngoài ra, các hoạt động đầu tư, xây dựng quá mức sẽ luôn dẫn đến sự quá tải không chỉ về môi trường sinh thái tự nhiên mà cả môi trường xã hội bởi sự đông đúc, bụi, tiếng ồn, dịch vụ thấp… ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững.

Những phân tích nêu trên cho thấy: Việc xây dựng các công trình kiến trúc cao tầng ven biển là cần thiết, tuy nhiên cần chú trọng tới tính cân bằng của nhiều yếu tố để có thể phát triển một cách hài hòa. Theo quan điểm riêng của tác giả, xây dựng các công trình kiến trúc cao tầng ven biển cần chú ý những vấn đề sau:

– Cần phải có những tính toán mang tính dự báo về khách du lịch, về dân cư để có quy hoạch đồng bộ hệ thống công trình cao tầng cùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Từ đó có các giải pháp quản lý phát triển, không cho phép vượt ngưỡng sức chứa của địa điểm. (điều này có thể thấy hiện nay tại nhiều khu vực tại các nước có du lịch phát triển thái quá đã phải đóng cửa để làm sạch môi trường, và điều chỉnh chính sách quản lý…);

– Cần có thiết kế đô thị cụ thể trên khu vực ven biển dự kiến phát triển;

– Cần phân loại chiều cao công trình kiến trúc cao tầng, có thể chia 3 loại: 15 tầng, 25-30 và >35 – 40 tầng, trong thiết kế đô thị của khu vực. Việc bố cục có chủ đích sẽ tạo tiền đề lựa chọn vị trí cho các loại hình nhà cao tầng. Tránh trường hợp toàn tuyến ven biển là các nhà cao tầng đua, chen nhau về chiều cao, tạo thành một bức tường kính, bê tông ngăn cách không gian biển và lấn át con người, thiên nhiên… tạo ra sự đè nén vô hình lên cảm xúc tạo ra những tác động tiêu cực lên du khách;

– Nếu trong mỗi lô đất chúng ta đã quy định mật độ xây dựng trong lô đất, hệ số sử dụng đất thì cũng nên sử dụng các chỉ tiêu quản lý đó cho toàn bộ khu vực cho phép xây dựng công trình cao tầng. Điều này cho phép đảm bảo tỷ lệ giữa không gian xây dựng và không gian mở, khống chế được số tầng cũng như đảm bảo mối quan hệ giữa chiều cao công trình với tổng diện tích lô đất.

– Hiện nay các giải pháp tổ chức xây dựng nhà cao tầng trên khu đất chủ yếu chỉ có một kiểu là sử dụng một mặt đứng chính chiếm hết diện tích mặt tiền của lô đất, khoảng cách giữa các khối công trình cao tầng chỉ còn rất nhỏ, thậm chí có thể dưới dạng một khe hẹp, dẫn đến khi các dự án nhà cao tầng được hoàn thành thì toàn bộ tuyến ven biển sẽ trở thành bức tường cao bằng bê tông – kính, ngăn cách không gian biển với tuyến sau của khu vực. Vì vậy, cần đa dạng hóa các giải pháp quy hoạch công trình cao tầng tùy theo quy mô của lô đất, sao cho có thể tạo ra khoảng cách đủ lớn thông thoáng với tuyến sau (tổ chức quy hoạch kiểu so le, răng lược… nhằm hạn chế việc hình thành các giải pháp kiến trúc mặt đứng trải dài hết lô đất)

– Đối với các lô đất được xây dựng công trình kiến trúc cao tầng ven biển, nhà quản lý cần có thiết kế đô thị cụ thể của khu vực, trong đó có chỉ dẫn cách bố trí các công trình cao tầng trên từng lô đất, tuân theo tổng thể chung của thiết kế đô thị;

– Các công trình cao tầng và thấp tầng phải được bố trí, sắp xếp theo thiết kế đô thị cụ thể của khu vực;

– Nên bố trí các không gian công cộng như công viên, quảng trường, phố đi bộ… làm các khoảng nghỉ nhằm phân đoạn các tuyến cao tầng;

– Để tránh việc làm mất tỷ lệ của không gian ven biển, các công trình kiến trúc càng cao tầng, cần có khoảng lùi càng lớn, vì vậy cần quản lý tỷ lệ giữa tổng diện tích sàn với diện tích khu đất. Hệ số sử dụng đất là một chỉ số quản lý liên quan tới số tầng và chiều cao công trình tại các lô đất, do đó để đảm bảo công bằng xã hội, các chủ đầu tư có phương án xây dựng khối cao tầng lùi vào trong so với chỉ giới xây dựng sẽ cần có các giải pháp khuyến khích , hỗ trợ để họ thực hiện (tương tự như những ưu đãi có thể nhận được khi công trình dán tem là công trình xanh). Như vậy, việc quản lý chiều cao công trình cao tầng sẽ thuận lợi hơn;

– Mặt cắt không gian ven biển có hình thái thấp ở phía biển và cao dần về phía sau, điều này giúp bảo vệ cảnh quan tự nhiên, cũng như giúp hình thành một không gian công cộng có tỷ lệ thân mật, phù hợp với các hoạt động giao tiếp sát tuyến đường và bãi cát là công viên hoặc giải cây xanh, tiếp theo là các công trình dịch vụ công cộng thấp tầng, sau đó mới là các công trình cao tầng, càng cao, càng cần xa bãi biển.

KẾT LUẬN

– Hiện nay không gian ven biển là một nguồn tài nguyên vừa có giá trị cao về vị trí, và vị thế. Nhiều loại hình công trình tính kinh tế không cao đã phải nhường chỗ cho các loại hình công trình có chức năng sử dụng mang lại lợi ích kinh tế nhiều hơn. Như vậy, không gian ven biển trong các đô thị là không gian có tiềm năng kinh tế cao;

– Nhu cầu xây dựng công trình kiến trúc cao tầng tại các không gian ven biển trong các đô thị lớn là tất yếu bởi vị thế cao của nó. Tại những nơi vị thế càng cao, diện tích đất hạn chế thì nhu càu xây dựng các công trình cao tầng càng lớn;

– Ngoài giá trị kinh tế, không gian ven biển trong các đô thị lớn còn là một không gian cộng đồng và là môi trường sinh thái tự nhiên rất giá trị. Nói cách khác tại đây hội tụ các giá trị cao của văn hóa (cộng đồng) – môi trường (biển và thiên nhiên xung quanh) – kinh tế (khai thác biển, du lịch nghỉ dưỡng…). Những yếu tố này cần được cân bằng, sự phát triển mới bền vững. Nếu thiên về kinh tế quá nhiều, môi trường và văn hóa xuống cấp, sẽ hạn chế sự phát triển chung của khu vực;

– Công cụ quan trọng để quản lý phát triển không gian biển là thiết kế đô thị. Khi chưa có những ý tưởng thiết kế đô thị cụ thể, chưa nên phát triển ồ ạt các công trình cao tầng vì làm có thể nhanh, nhưng sự sửa chữa gần như là không thể;

– Các công trình kiến trúc cao tầng luôn đem lại cho nhiều người những hình ảnh của sự giàu có, phồn vinh, vẻ đẹp mang tính biểu tượng hoành tráng. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên thận trọng vì cũng có rất nhiều góc khuất, bóng tối… dưới chân các công trình cao tầng đó. Vì vậy, phát triển vì cộng đồng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên sẽ là hướng đi trả lời cho vấn đề xây dựng công trình kiến trúc cao tầng ven biển với mục tiêu phát triển bền vững.

PGS.TS NGUYỄN NAM

Khoa Kiến trúc Đại học xây dựng

Check Also

df4c8f78-8baa-4003-93de-f50193785257

Kiến trúc cầu Việt Nam dưới góc nhìn của nhà phê bình mỹ thuật

Sự kiện công bố phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo theo kiểu “xứ …