Mặc dù đã có chủ trương của Chính phủ, Bộ Xây dựng, lãnh đạo các tỉnh, đặc biệt có cả Nghị định 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính đối với cơ quan chủ quản, chủ đầu tư, nhà thiết kế, đơn vị thi công nhưng việc thực hiện vẫn không nghiêm túc trong việc đưa sản phẩm gạch không nung vào các công trình theo quy định của Chính phủ, Bộ Xây dựng và lãnh đạo các địa phương.
- Đặc điểm và tình hình chung
Khu vực Miền Trung Tây Nguyên trải đều bao gồm các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Ninh Thuận và các tỉnh Tây Nguyên là vùng có thiên nhiên khắc nghiệt, hạ tầng kinh tế kém phát triển nhưng lại là vùng đất có nhiều tiềm năng về nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng như đất sét, cát trắng, cao lanh sunfat, đá vôi, đá granite…
Với một thị trường đầy tiềm năng với ¼ dân số và diện tích của cả nước, tuy còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua, ngành sản xuất VLXD Miền Trung Tây Nguyên nói riêng đã có bước phát triển đáng khích lệ.
Sản lượng xi măng đạt 10 triệu tấn – trong đó có 4 dây chuyền xi măng lò quay là Sông Gianh, Văn Hóa, Đồng Lâm, Thành Mỹ công suất 7 triệu tấn/ năm, gạch ốp lát đạt 30 triệu viên/ năm, thép đạt 500 – 1000 tấn/ năm, gỗ MDF đạt 120.000 m³/ năm được sản xuất trên các dây chuyền công nghệ hiện đại của Châu Âu… nhiều thương hiệu lớn trong và ngoài nước đã có mặt trên thị trường.
Tuy nhiên để đáp ứng được nhu cầu thị trường và phát triển bền vững ngành VLXD ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên thực hiện theo Quyết định số 1496/QĐ-Ttg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ thì còn nhiều việc phải làm.
Đó là cần tập trung nghiên cứu đổi mới hiện đại hóa trong sản xuất vật liệu, trong lĩnh vực ốp lát cần đầu tư sản xuất các loại gạch ốp lát có kích thước lớn, đa dạng chủng loại sản phẩm, màu sắc, có khả năng chống mài mòn cao… đầu tư đổi mới công nghệ, khai thác đá khối tự nhiên phục vụ sản xuất đá xẻ ốp lát, tiêu dùng, xuất khẩu, tiếp tục đầu tư phát triển gỗ MDF là thế mạnh của khu vực miền Trung đặc biệt là gia công chế biến hậu MDF đủ sản xuất các loại gỗ ốp lát trang trí nội thất..v.v..
Một thị trường còn bỏ ngõ đó là vôi công nghiệp. Hiện miền Trung có nguồn đá vôi chất lượng cao lớn nhất nhì cả nước nhưng hiện nay việc đầu tư một dây chuyền sản xuất công nghiệp tiêu chuẩn cao chưa được đầu tư nghiêm túc, với giá bán cao hơn cả xi măng đầu ra nhu cầu lớn cho luyện thép, cao su, phân bón, dệt da nhưng vẫn chưa được triển khai thực hiện.
Trong thời gian tới, cạnh tranh trên thị trường VLXD sẽ quyết liệt hơn bởi kinh tế trong nước hội nhập sâu hơn với khu vực và thế giới. Đây cũng là thời gian Việt Nam cam kết cắt giảm 93% số dòng thuế có mức thuế suất 0% và 7% và hình thành khu vực thương mại tự do ASEAN ( AFTA ). Đáng chú ý, thời gian qua, ngành VLXD trong nước đầu tư ào ạt, dàn trải và thiếu định hướng chiến lược, dẫn đến cung vượt cầu, tranh mua tranh bán. Trong khi đó, ngày càng nhiều sản phẩm VLXD nội địa bị hàng ngoại chèn ép ngay trên sân nhà.
Để giải bài toán cung vượt cầu, giảm tồn kho trước sức ép cạnh tranh, doanh nghiệp trong ngành VLXD phải nâng sức cạnh tranh sản phẩm bằng nhiều chiến lược khác nhau, đồng thời chú trọng hơn vào nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu qua một số thị trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định, chủ động trước thời cơ và thách thức, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu. Các doanh nghiệp VLXD trong nước cần cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng sản phẩm giảm chi phí và giá thành sản xuất. Các DN cần chủ động tạo cầu nối liên kết với các Hiệp hội ngành hàng phát triển bền vững hơn. Ngoài ra, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho xuất khẩu VLXD. Cụ thể, quan tâm hơn đến hàng rào thuế quan, hàng rào kỹ thuật, chứng nhận xuất xứ hàng hóa, đặc biệt cần xây dựng thương hiệu, mạng lưới tiếp thị, phân phối sản phẩm thật tốt để giúp doanh nghiệp trong nước ứng phó trước sức ép cạnh tranh khi hội nhập. Mặt khác, các cơ quan quản lý nhà nước cần có chiến lược, tổ chức mạng lưới đồng bộ nhằm tạo cầu nối giúp các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận các thị trường mới hiệu quả nhất.
- Về thực hiện đầu tư phát triển gạch xây lát không nung theo chủ trương Chính Phủ và Ngành Xây dựng.
Đối với phát triển gạch xây lát không nung là điểm mạnh trong thời gian qua, thực hiện theo chủ trương của Chính phủ, Bộ Xây dựng và các tỉnh, đây là một chủ trương hết sức đúng đắn trong sản xuất vật liệu xây lát không nung, giảm thiểu được ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nguồn đất công nghiệp ngày càng cạn kiệt, tăng chất lượng, hạ giá thành trong các công trình xây dựng bền vững..
Sự nỗ lực của các doanh nghiệp, hiện nay trên khu vực đã có hơn 15 dây chuyền sản xuất gạch không nung có công suất hơn 700 triệu viên tiêu chuẩn/ năm ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Đắc Lắc… sản phẩm các nhà máy sản xuất được thị trường chấp nhận, bước đầu tiên tiêu thụ tốt, tất nhiên so với nhu cầu còn quá ít, cá biệt có địa phương chưa có nhà máy nào sản xuất gạch không nung.
Với địa bàn miền Trung – Tây Nguyên là nơi có điều kiện hết sức thuận lợi về nguyên liệu cho sản xuất này với chủ trương của Chính phủ, việc tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất sử dụng gạch không nung là xu hướng tất yếu lâu dài. Tuy nhiên việc triển khai thực hiện đầu tư sản xuất và đưa loại vật liệu này vào công trình bước đầu còn gặp nhiều khó khăn cụ thể như sau:
- Về đầu tư:
Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xin thuê đất để đầu tư, các tổ chức tín dụng chưa mặn mà với việc cho vay dự án vì chưa thật tin tưởng với sản phẩm đầu tư, các doanh nghiệp sản xuất chưa nắm bắt hết chủ trương, lợi ích của chủ đầu tư, chưa nắm chắc ưu điểm của gạch không nung cũng như các công nghệ sản xuất loại vật liệu này.
- Về tiêu thụ:
Mặc dù đã có chủ trương của Chính phủ, Bộ Xây dựng, lãnh đạo các tỉnh, đặc biệt có cả Nghị định 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính đối với cơ quan chủ quản, chủ đầu tư, nhà thiết kế, đơn vị thi công nhưng việc thực hiện vẫn không nghiêm túc trong việc đưa sản phẩm gạch không nung vào các công trình theo quy định của Chính phủ, Bộ Xây dựng và lãnh đạo các địa phương.
Bộ Xây dựng, Hội Vật liệu, lãnh đạo Sở Xây dựng các tỉnh cần phải tổ chức nhiều Hội thảo giới thiệu, tuyên truyền, quán triệt trong sử dụng và đầu tư sản xuất vật liệu không nung.
Kiến nghị Chính phủ, Ngành Xây dựng và các địa phương, tổ chức tín dụng Nhà nước cần có chính sách cụ thể trong khuyến khích các đơn vị đầu tư và sử dụng vật liệu gạch xây lát không nung.
Miền Trung – Tây Nguyên là vùng đất có nguồn tài nguyên phong phú và một thị trường đang trỗi dậy đầy niềm tin, chắc chắn rằng ngành sản xuất vật liệu xây dựng nói chung của các doanh nghiệp sẽ phát huy thế mạnh sẵn có, tiếp tục đầu tư, đổi mới công nghệ, chung sức chung lòng, hợp tác đoàn kết trong sản xuất và tiêu thụ, đưa ngành vật liệu xây dựng miền Trung – Tây nguyên trong hội nhập và đổi mới để phát triển một cách bền vững, góp phần xây dựng đất nước ngày càng thịnh vượng.
Trần Xuân Đính
ĐT&PT SỐ 61/2016