Home / KIẾN TRÚC DI SẢN / Độc đáo kiến trúc nhà thờ Phát Diệm

Độc đáo kiến trúc nhà thờ Phát Diệm

Nhà thờ Phát Diệm (có nghĩa là phát sinh ra cái đẹp. Tên Phát Diệm do Nguyễn Công Trứ đặt) thuộc địa phận thị trấn Phát Diệm huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình, cách Hà Nội khoảng 120km. Khu thánh đường được đánh giá là quần thể kiến trúc Thiên Chúa giáo đồ sộ nhất Việt Nam này được thiết kế và xây dựng trong gần 30 năm (từ 1875 – 1899) bởi Linh mục Phêrô Trần Lục (Linh mục giáo phận Phát Diệm từ năm 1865). Trước khi trở thành bầy tôi của chúa, Trần Lục là người theo đạo Phật. Vì vậy, nhà thờ Công giáo Phát Diệm được ông mô phỏng theo những nét kiến trúc đình chùa truyền thống của Việt Nam. Điều đó đã làm nhà thờ Phát Diệm trở thành công trình kiến trúc độc đáo và duy nhất không chỉ ở việt Nam mà cả trên thế giới.

Toạ lạc trên diện tích rộng hơn 20ha, quần thể nhà thờ Phát Diệm gồm 11 công trình được xây cất, bố trí hợp lý, tạo thành một cảnh quan cổ kính tuyệt đẹp. Trải qua hơn 100 năm, các hạng mục vẫn còn gần như nguyên vẹn. Ngay trước khuôn viên nhà thờ là hồ nước hình chữ nhật được bao quanh bởi kè đá. Giữa hồ có một hòn đảo nhỏ xanh mát bóng cây và bức tượng chúa Giêsu bằng đá trắng dang hai tay, mắt nhìn thẳng phía trước.

Điểm đến đầu tiên trong khoảng sân mát rượi là Phương đình, công trình kiến trúc 3 tầng cao 25m, rộng 17m, dài 24m, được ghép lại từ những phiến đá xám nguyên khối kích cỡ khác nhau. Ngay giữa tầng đầu đặt một sập đá xanh nguyên khối, bên trên là những bức điêu khắc chạm trổ hình ảnh chúa Jêsu và các vị thánh với những đường nét thanh thoát. Mỗi vòm cửa cũng là một công trình điêu khắc đá tinh xảo. Trên các bức tường, những phù điêu được sáng tác theo phong cách nghệ thuật dân gian Việt Nam mang tính gợi tả và cách điệu. Những chấn song cửa sổ có hình lá trúc và cây trúc mềm mại, uyển chuyển. Chóp của Phương đình không cao vút kiểu ngọn tháp như những nhà thờ khác mà được uốn cong theo phong cách mái đình Việt Nam. Dù trên đỉnh có gắn thánh giá, song, nhìn bao quát, Phương đình vẫn mang dáng dấp tam quan chùa hơn là nóc nhà thờ Thiên Chúa giáo. Ngay cả các đường nét, tư thế ngồi hay nếp áo của bốn pho tượng Thánh Sử trên bốn đỉnh tháp cũng khiến du khách liên tưởng đến những tượng Phật trong các ngôi chùa. Trong khoảng sân giữa Phương đình và nhà thờ chính đặt các đài sen, đặc trưng của kiến trúc nhà Phật.

Chiếc trống khá lớn treo trên tầng hai và quả chuông Nam (của nhà Phật, phân biệt với chuông Tây của Công giáo) nặng gần 2 tấn trên tầng 3 Phương đình cũng là những nét độc đáo. Mỗi khi gõ chuông bằng một cái chày lớn, tiếng chuông vang xa đến cả 3 tỉnh (Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa) cũng nghe thấy.

Nằm cách Phương đình một khoảng sân rộng lát đá là nhà thờ chính (nhà thờ lớn). Nhà thờ chính được xây dựng năm 1891 với tên chính thức là Nhà thờ Đức mẹ Mân Côi (nay là nhà thờ Chính tòa của vị Giám mục Phát Diệm). Nhà thờ chính dài 74m, rộng 21m, cao 15m, có bốn mái và năm lối vào dưới các vòm đá được chạm trổ cầu kỳ. Mặt tiền của nhà thờ chính được chạm khắc hình ảnh hoa sen, hoa đào, hoa cúc, cuốn thư, nậm rượu…được cách điệu hết sức tinh xảo. Một nét độc đáo nữa là bức phù điêu khổng lồ ở chính giữa nhà thờ với hình ảnh 17 vị thiên thần trong vườn hoa Mân Côi mang dáng dấp các nhân vật trong tranh dân gian Thất đồng (Thất đồng là bảy em bé bụ bẫm giống nhau đang vây quanh gốc đào tìm cách hái quả đào tiên trường thọ).

Khu thánh đường uy nghi được xây dựng công phu với 6 hàng cột gỗ lim (48 cột) nguyên khối, mỗi cột nặng khoảng 10 tấn. Trên gian thượng có một bàn thờ lớn làm bằng phiến đá tảng dài 3m, rộng 0,9m, cao 0,8m, nặng khoảng 20 tấn. Mặt trước và hai bên được chạm trổ hình các loài hoa đặc trưng của bốn mùa, trang nhã và thanh thoát. Ánh nắng chiếu qua các ô cửa, dát lên những hình chạm khắc một màu bạc lấp lánh, đẹp huyền ảo.

Nằm song song hai bên nhà thờ chính là 4 nhà thờ nhỏ đăng đối nhau: nhà thờ Thánh Rôcô, nhà nguyện Thánh Giuse, nhà thờ Trái tim Đức Mẹ và nhà nguyện Thánh Phêrô. Mỗi nhà thờ là một tác phẩm kiến trúc tuyệt mỹ. Tuy vậy, cả 4 ngôi nhà thờ đều mang dáng dấp những ngôi đền Việt Nam với những cánh cửa và cột chống bằng gỗ, mái ngói dài cùng các mái đao cong trên đỉnh. Hai bên gian cung thánh của nhà nguyện Thánh Giuse có 14 bức phù điêu diễn tả những điển tích của Thánh giá, được coi là những kiệt tác của nghệ thuật chạm khắc đá Việt Nam.

Riêng nhà thờ Trái tim Đức Mẹ (còn gọi là Nhà thờ đá) là một tuyệt tác điêu khắc đá do  được tạo nên hoàn toàn bằng đá cẩm thạch, từ nền, tường, cột, chấn song cửa… Những bức phù điêu đá bên trong nhà thờ (tranh tứ quý: tùng, mai, cúc, trúc, tượng sư tử, rồng, phượng…) cũng là những tác phẩm nghệ thuật vô song, không chỉ tuyệt đẹp mà còn rất sống động và hết sức tinh xảo.

Trong khuôn viên nhà thờ, phía cuối các hành lang lát đá tĩnh lặng nằm giữa các chậu cây thiên tuế trầm tư là những khu vườn yên tĩnh xanh ngắt bóng cây và 3 hang đá cổ kính rêu phong. Chắp tay trước tượng Đức mẹ và tượng Thánh, mỗi du khách đều cảm nhận được sự nhẹ nhõm và bình yên.

Trần Thị  Giao Thủy
(Đô thị & Phát triển số 743 / 2018)

Check Also

1

Ngôi Đền được cho là ‘tác phẩm của người ngoài Trái đất’

 Đền Kailasa ở Maharashtra, Ấn Độ là công trình kiến trúc nguyên khối lớn nhất …