Home / VẤN ĐỀ HÔM NAY / THEO DÒNG DOANH NGHIỆP / DOANH NGHIỆP LÀ ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ

DOANH NGHIỆP LÀ ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ

          Đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội gắn liền với đô thị hóa là một xu thế tất yếu tại mỗi vùng lãnh thổ, mỗi quốc gia và trên toàn thế giới. Là một trong những quốc gia đang phát triển và có tốc độ đô thị hóa nhanh ở khu vực Đông Nam Á, những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành công đáng kể trong việc phát triển đô thị gắn liền với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Hiện nay, GDP của đô thị chiếm trên 70% GDP cả nước. Hệ thống các đô thị đã có sự phát triển nhanh chóng về số lượng, chất lượng và quy mô.

1416556144sài gòn21. Về số lượng đô thị

Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước dân số đô thị nước ta tăng chậm.

Năm 1986 đổi mới KTXH: phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, tăng cường hợp tác và thu hút vốn đầu tư nước ngoài… Đô thị phát triển mạnh mẽ  cả về số lượng đô thị và dân số đô thị với đủ các loại hình: đô thị công nghiệp, đô thị cảng, đô thị hành chính, đô thị du lịch, đô thị tổng hợp, song quy mô còn nhỏ bé.

Hình thành nhiều loại đô thị:

+ Đô thị đặc biệt và đô thị loại I, loại II là những đô thị chức năng.

+ Các đô thị loại III, loại IV và V đa số là các đô thị trung tâm hành chính của một tỉnh hay một huyện và thường kèm chức năng công nghiệp.

Năm 1990 các đô thị Việt Nam bắt đầu phát triển, lúc đó cả nước mới có khoản 500 đô thị ( tỷ lệ đô thị hóa vào khoảng 17-18%).

Đến năm 2000 con số này lên 649 và năm 2003 là 656 đô thị.

Tính đến tháng 12/2015, cả nước có 787 đô thị, trong đó có 02 đô thị đặc biệt, 15 đô thị loại I, 25 đô thị loại II, 42 đô thị loại III, 75 đô thị loại IV và 628 đô thị loại V.

Nước ta đã hình thành các chuỗi đô thị trung tâm quốc gia:

+ Các đô thị trung tâm quốc gia gồm Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.

+ Các đô thị trung tâm vùng gồm các thành phố như: Cần Thơ, Biên Hòa, Vũng Tàu, Buôn Ma Thuột, Nam Định, Thái Nguyên, Việt Trì, Hạ Long, Hòa Bình…

Tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam vào năm 2002 dự báo sẽ đạt khoảng 40%, tương đương với số dân cư sinh sống tại đô thị trên 45 triệu dân. Với tốc độ phát triển và dân số đô thị như vậy, Việt Nam sẽ phải đối mặt với ngày càng nhiều vấn đề phức tạp phát sinh từ quá trình đô thị hóa. 

  1. Về chất lượng đô thị

          a/ Sự tiến bộ của công nghệ xây dựng và những điểm nhấn trong đô thị

Thập niên 1960-1970 ở các thành phố lớn của Việt Nam bắt đầu xuất hiện các khu nhà ở, các khu tập thể mà khái niệm nhà cao tầng ngày ấy chỉ cao 4-5 tầng.

Phát triển chung cư cao tầng từ lâu trở thành xu hướng tất yếu trên thế giới và ở Việt Nam không là ngoại lệ. Đánh dấu sự chuyển mình của Việt Nam khi bắt đầu xuất hiện những nhà cao tầng (15-30 tầng) hồi thập niên 1990-2000. Giai đoạn 2000-2015 bắt đầu xuất hiện những tòa tháp được coi là biểu tượng cho sự tăng trưởng kinh tế. Nếu nói về tòa nhà đã được hoàn thiện thì hiện kỷ lục tòa nhà cao nhất vẫn thuộc về tòa nhà Keagnam Ha Noi, Landmark Tower cao 336 m (72 tầng) tại thành phố Hà Nội. Tòa tháp cao thứ hai sau Kaengnam Hanoi, Landmark Tower là tòa Lotte Center Hà Nội cao 267 mét (65 tầng), sừng sững ven trung tâm thủ đô. Tiếp đó là tòa Bitexco Finacial cao 262 mét (68 tầng) tại thành phố Hồ Chí Minh – Biểu thị cho sự hiện đại, năng động và hội nhập của Sài Gòn. Với hình dáng đặc biệt như búp sen vươn cao và một kỷ lục kiến trúc khác tại đây là sự xuất hiện của một sân đỗ trực thăng ( cao 191m, dài 40 m) treo lơ lửng phần ngoài kết cấu chính của tòa nhà. Bitexco Finacial Tower, Lotte Center Hà Nội cùng Keangnam, Landmark Tower đã làm thay đổi diện mạo kiến trúc đô thị và tạo nên điểm nhấn đô thị ở thế kỷ XXI.

Song phát triển quá nhiều nhà chung cư trong khu vực nội thị trong khi chưa quan tâm đầy đủ đến hạ tầng kỹ thuật cho các khu nhà chung cư, gây ra quá tải hạ tầng chung cư ở các khu đô thị lớn. Vì vậy, chúng ta không nên quá nóng vội, lấy số lượng nhà cao tầng được xây làm thước đo cho tốc độ đô thị hóa, hiện đại hóa mà lấy chất lượng và khả năng thích ứng trong tương lai làm tiêu chuẩn. Cần thực hiện quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà cao tầng ngay từ khâu quy hoạch và thực thi quy hoạch trong khu vực nội đô và di dân cơ học nhằm hạn chế tăng mật độ dân cư nội đô.

Bên cạnh đó, những công trình kiến trúc độc đáo là biểu tượng cho sự phát triển của các thành phố và không thể không kể đến những cây cầu như Cầu Nhật Tân – Cầu dây văng lớn nhất Việt Nam là một trong số ít cầu dây văng liên tục, nhiều nhịp trên thế giới áp dụng công nghệ hộp neo bằng thép trên trụ tháp. Cầu Rồng Đà Nẵng – Cầu đạt nhiều giải thưởng Việt Nam, giải thưởng quốc tế FX Design Awards 2013 và Lighting Design Award 2014 bầu chọn vào danh sách các công trình thiết kế chiếu sáng xuất sắc trên thế giới. Tại lễ trao giải thưởng kỹ thuật xuất sắc (Engineering Excellence Award – EFA) diễn ra tại Mỹ, Cầu Rồng Việt Nam được xướng tên nhận giải thưởng lớn ( Grand Award) cùng 7 công trình và dự án nước Mỹ, hay cầu Phú Mỹ ở TP. Hồ Chí Minh – Cầu dây văng lớn nhất TP. Hồ Chí Minh. Cầu Phú Mỹ không chỉ là một công trình trọng điểm của Việt Nam mà còn là công trình cầu dây văng hiện đại nhất thế giới bởi phần kỹ thuật dây văng. 

b/ Nhà ở

Công tác phát triển nhà ở theo chiến lược phát triển nhà ở quốc gia tiếp tục được đẩy mạnh ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở của người dân, đặc biệt các đối tượng người có công, người nghèo ở khu vực thường xuyên bị bão, lũ, ngập lụt, người có thu nhập thấp.

Tính đến hết tháng 12/2015, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 22 m2 sàn/người ( tăng 1,1 m2 sàn/người so với năm 2014; tăng 4,5 m2 sàn/người so với năm 2010); trong đó, tại khu vực đô thị đạt khoảng 26 m2 sàn/người ( tăng 3 m2 sàn/người so với năm 2014; tăng 5,8 m2 sàn/người so với năm 2010).

c/ Giao thông đô thị

Giao thông liên vùng, liên đô thị và nội đô đã được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển của đô thị. Chất lượng phục vụ của giao thông công cộng tại các đô thị ngày càng tốt hơn. Hệ thống tàu điện ngầm và tuyến đường sắt trên cao đã bắt đầu triển khai thực hiện tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM. Tuy nhiên, tỷ lệ đất dành cho giao thông đô thị đạt khoảng 13% đất xây dựng đô thị ( còn thấp so với yêu cầu từ 20-25 %), tỷ lệ đất dành cho bãi đỗ xe đạt dưới 1% đất xây dựng đô thị ( yêu cầu từ 3-3,5%).

Hiện nay, các phương tiện giao thông gia tăng khá nhanh (12-15%), tập trung chủ yếu tại các đô thị, nhất là ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, dẫn đến ùn tắc giao thông có diễn biến phức tạp. Về vận tải hành khách công cộng, cả nước hiện có khoảng 10.000 phương tiện xe buýt, gần 500 tuyến xe buýt với lượng vận hành là 31.000 lượt người/ngày. Điều này góp phần tích cực giảm ùn tắc giao thông và tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tỷ lệ di dân ngoại thành vào đô thị cũng khá lớn. Việt Nam hiện có xấp xỉ 2,5 triệu ô tô và 43 triệu xe máy. Bình quân 507 người sở hữu một phương tiện trong khi đó năng lực kết cấu hạ tầng thấp. Trong giai đoạn 2011-2015, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều biến chuyển như số người chết do tai nạn giao thông đã giảm mạnh, tuy nhiên tình trạng tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp.

          Các dự án đầu tư xây dựng công trình đường sắt đô thị là các dự án mang tính chiến lược trong việc giải quyết cơ bản vấn đề ùn tắc giao thông mà hệ thống đường bộ không đáp ứng được tại các thành phố lớn.

          Dự kiến, Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị trong đó đến năm 2020 sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, Nhổn – Bác Cổ, Nam Thăng Long – Bác Cổ và Giáp Bát – Gia Lâm.

          Dự án đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh bao gồm tuyến số 1, Bến Thành – Suối Tiên; tuyến số 2, Bến Thành – Tham Lương… đang được triển khai thực hiện.

Cầu trong đô thị ngày nay bao gồm nhiều loại hình: Cầu vượt sông, nước, cầu vượt nút giao thông và cả cầu bộ hành, cầu cảnh quan trong công viên và trên các tuyến giao thông. Hiện nay chủ yếu được thiết kế theo 3 loại hình dáng riêng biệt là cầu bê tông cốt thép, cầu treo dây võng và câu treo dây văng. Gần đây, trong các đô thị cầu treo dây văng ngày càng được lựa chọn cho những công trình đặc biệt vì kiểu dáng thẩm mỹ hiện đại và có khả năng vượt nhịp lớn với kết cấu thanh mảnh, ý đồ tôn vinh sự phát triển và hiện đại. Ngày càng có nhiều mẫu thiết kế cầu độc đáo, với nhiều kiểu dáng hiện đại, đi kèm với công nghệ thi công tiên tiến.

          Tuy nhiên, các cây cầu hiện nay trong đô thị tại Việt Nam vẫn chưa được xem như một công trình kiến trúc, dẫn đến kiến trúc cầu vượt vẫn còn đơn điệu, nặng nề yếu tố công năng sử dụng, còn thiếu “ lựa chọn” công nghệ mới và vật liệu mới, thiếu hệ thống thiết bị đô thị hiện đại bởi vậy các cây cầu vượt hiện chưa được tạo cảnh quan cho đô thị. Điển hình là những cây cầu có chức năng nhỏ như các cây cầu vượt lắp ghép hay cầu bộ hành vẫn chưa được quan niệm như là một tác phẩm, mà nó mới đơn thuần bảo đảm công năng chứ chưa tính đến yếu tố thẩm mỹ cũng như không gian: không gian phía dưới gầm cầu, không gian các công trình xung quanh.

          Những yếu tố góp phần tạo nên “điểm nhấn” của cầu vượt là hệ thống chiếu sáng. Ngày càng nhiều công trình đã đầu tư nâng cao tính nghệ thuật chiếu sáng hiện đại tiên tiến với các kiểu dáng đèn đẹp đẽ, sang trọng, ánh sáng phù hợp đã góp phần tôn tạo các cây cầu trở thành một công trình kiến trúc tiêu biểu, góp phần tạo nên mỹ quan đô thị về đêm. Hiện nay, ở Việt Nam có rất nhiều cây cầu đẹp, như một tác phẩm, một biểu tượng nghệ thuật: Cầu Rồng, cầu Bãi Cháy, cầu Cần Thơ, cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù… đã góp phần tạo dựng cảnh quan đô thị.

          d/ Cấp nước

          Tổng công suất thiết kế cấp nước đô thị đạt khoảng 7,4 triệu m3/ngđ, tăng 0,4 triệu m3/ngđ so với cuối năm 2014, tăng 1,2 triệu m3/ngđ so với cuối năm 2010.

          Cả nước có gần 100 doanh nghiệp cấp nước, quản lý trên 500 hệ thống cấp nước lớn nhỏ tại các đô thị trên toàn quốc.

          Tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung ước đạt 81,5% ( tăng 1,5% so với năm 2014, tăng 5,5% so với năm 2010); Mức sử dụng nước sinh hoạt bình quân đầu người khoảng 108 lít/người.ngđ.

          Tỷ lệ thất thoát thất thu nước khoảng 25% ( giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2014, giảm 5% so với năm 2010) và đạt chỉ tiêu đặt ra là 25%.

          Tuy nhiên, việc cấp nước còn gặp nhiều khó khăn và thách thức bởi tốc độ đô thị hóa nhanh cộng với sự gia tăng dân số nên việc đầu tư phát triển chưa đáp ứng yêu cầu. Phạm vi bao phủ còn thấp mới đạt 81,5%; chất lượng nước tại môt số trạm cấp nước quy mô nhỏ còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu theo quy định. Mạng lưới đường ống xuống cấp, gây thất thoát nước cao, ngoài ra còn bị xâm nhập bởi chất thải; Nguồn nước đã và đang suy giảm về chất lượng và số lượng do chất thải sinh hoạt và sản xuất, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, khô hạn…

          e/ Thoát nước mưa và thoát nước thải

          Năm 2015, cả nước đã triển khai hiệu quả chương trình chống thất thoát, thất thu nước sạch. Đồng thời, hoàn thành việc nghiên cứu đề án điều chỉnh định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

          Hiện nay, có trên 30 nhà máy thoát nước với tổng công suất vận hành đạt khoảng 809.000 m3/ngđ (tăng 494.150 m3/ngđ so với năm 2010) và khoảng 40 nhà máy đang trong quá trình đầu tư xây dựng với tổng công suất thiết kế khoảng 1,6 triệu m3/ngđ.

          Tỷ lệ thu gom và xử lý nước thải đạt khoảng 12% lượng nước thải sinh hoạt phát sinh ( tính theo công suất thiết kế) và khoảng gần 10% ( tính theo công suất vận hành thực tế).

          Trên các tỉnh thành của cả nước đã có các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, bước đầu phát huy có hiệu quả. Tuy nhiên, hệ thống thoát nước riêng và chung hiện nay chưa được tiến hành. Các hệ thống thoát nước đầu tư xây dựng qua nhiều thời kỳ khác nhau, không hoàn chỉnh, đồng bộ, nhiều tuyến cống xuống cấp nên khả năng tiêu thoát nước thấp. Nước thải hầu như chưa được xử lý và xả thẳng vào nguồn tiếp nhận, đặc biệt nước thải tại các KCN gây nên ô nhiễm nặng nề cho các dòng sông.

          Biến đổi khí hậu có tác động nghiêm trọng dẫn đến nước biển dâng, sự nóng lên của toàn cầu, khí hậu cực đoan và thiên tai trở lên ác liệt và có thể trở thành thảm họa, gây rủi ro lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội, ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước đô thị.

          g/ Quản lý chất thải rắn

          Tổng lượng chất thải rắn ở các đô thị của Việt Nam tăng gần gấp đôi từ 12,8 triệu tấn năm 2004 lên mức 20 triệu tấn vào năm 2015 trong đó khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị khoảng 38.000 tấn/ngày, khối lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh từ các khu công nghiệp khoảng 7 triệu tấn/năm;

          Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải đô thị đạt khoảng 85% ( tăng 0,5 % so với năm 2014, tăng 3% so với năm 2010), đạt mục tiêu của chiến lược quốc gia về quản lý chất thải rắn đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050.

          Hiện có 55/63 địa phương đã phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn, đây là cơ sở quan trọng để lập dự án và thu hút nguồn nhân lực đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý chất thải rắn.

          Lượng chất thải rắn thải ra môi trường hàng ngày rất lớn bởi từ các nguồn sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, y tế và rác thải sinh hoạt. Phương thức xử lý chất thải rắn còn lạc hậu. Hình thức xử lý chủ yếu vẫn là bãi rác lộ thiên, chôn lấp, hầu hết đều chưa đáp ứng tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường; hình thức đốt rác làm nhiên liệu cũng như tái chế còn rất ít.

          Công tác quản lý chất thải rắn còn gặp khó khăn trong việc phân loại chất thải rắn tại nguồn chưa hiệu quả, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật còn hạn chế, phần lớn phương tiện thu gom chất thải rắn không đạt quy chuẩn kỹ thuật và không đảm bảo vệ sinh môi trường.

          Có thể thấy, vấn đề quản lý chất thải rắn đang là vấn đề mà các địa phương cần quan tâm và cũng là bài toán khó trong việc lựa chọn địa điểm xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn, cũng như cần có những phương hướng chuyển giao công nghệ.

          h/ Chiếu sáng đô thị

          Các đô thị trên cả nước hiện nay đều có điện chiếu sáng. Tại các đô thị đặc biệt và loại I phải đạt 95-100% các tuyến đường chính được chiếu sáng, đô thị loại II,III tỷ lệ chiếm khoảng 90%, các đô thị loại IV,V tập trung chiếu sáng đường phố chính, các đoạn quốc lộ, tỉnh lộ đi qua đô thị. Tuy nhiên hiệu suất, cường độ, độ rọi chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật hiện hành.

          Tỷ lệ ngõ xóm được chiếu sáng còn thấp; Chiếu sáng cây xanh, mặt nước, công trình kiến trúc còn diễn ra tự phát. Các thiết bị chiếu sáng tại hầu hết các đô thị với hiệu suất, tuổi thọ còn thấp chưa áp dụng được khoa học tiên tiến cho nên việc tiêu hao điện năng tương đối lớn.

          Đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… đã triển khai áp dụng một số công nghệ mới như các tổ hợp đèn màu, màu Led trang trí không những tiết kiệm được điện năng mà còn tạo cảnh quan cho đô thị lung linh về đêm.

  1. Vai trò của doanh nghiệp đối với sự phát triển đô thị

          Trong giai đoạn 2011-2015 cả nước có hơn 380.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập mới, cao hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra ( 350.000 DN); đầu tư của khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp 45% vào GP quốc gia ( nhiều hơn đóng góp của cụm 5 đô thị trực thuộc Trung ương và tương đương với đóng góp của nhóm các đô thị loại I và loại đặc biệt); đóng góp 31% vào tổng thu ngân sách nhà nước và thu hút hơn 5 triệu việc làm.

Có thể thấy vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng đối với sự phát triển của đô thị không chỉ đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước mà đặc biệt còn tạo công ăn việc làm cho người lao động – bộ phận lòng cốt của quốc gia. Dù còn nhiều tồn tại, bất cập trong quá trình đô thị hóa ở nước ta, song với những kết quả đã đạt được sau 40 năm từ ngày thống nhất đất nước, sau 30 năm đổi mới và đặc biệt sau 15 năm của thế kỷ XXI đã cho thấy sự khởi sắc của diện mạo đô thị Việt Nam, sự đóng góp và nỗ lực không mệt mỏi của hàng triệu người lao động, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà đầu tư và đặc biệt là các doanh nghiệp… Có thể nói sự phát triển của đô thị ngày nay gắn liền với sự phát triển của doanh nghiệp và các doanh nghiệp chính là động lực phát triển của đô thị, bởi vậy cần có một cơ chế chính sách cởi mở nhằm thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp, và chuyển dần sang phương thức xã hội hóa đầu tư phát triển đô thị.

PGS.TS. LƯU ĐỨC HẢI

ĐT&PT SỐ 61/2016

Tài liệu tham khảo:

  1. Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2015 và phương hướng nhiệm vụ kế hoạch năm 2016 ngành xây dựng
  2. Sự hình thành và phát triển đô thị Việt Nam
  3. Danh sách tòa nhà cao nhất Việt Nam
  4. Hệ thống giao thông Việt Nam

 

Check Also

ggnn

Đô thị hóa và chênh lệch giàu nghèo đô thị

Sự phân hoá giàu nghèo có thể nhận thấy rõ nét giữa thành thị và …