Một góc đô thị Ecopark – khu đô thị xanh thân thiện môi trường
Hiện nay biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến các vùng đô thị và nông thôn Việt Nam. Thêm vào đó là dịch Covid-19, một đại dịch chưa từng có đang làm ảnh hưởng mạnh mẽ tới cuộc sống của con người trên toàn cầu. Trong bối cảnh đó, cùng với sự phát triển của công nghệ thông minh, kiến trúc Việt Nam cần phải có định hướng và cách tiếp cận mới. Sự phát triển của công nghệ tiên tiến trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho giới kiến trúc tạo ra những công trình và thành phố tương lai an toàn, bền vững và thích ứng được với hoàn cảnh sống thay đổi.
1/ Đặt vấn đề
Luật Kiến trúc được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 13/6/2019, được Chủ tịch nước ký Lệnh công bố số 04/2019/L-CTN ngày 27/6/2019 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020.
Luật Kiến trúc được ban hành là hành lang pháp lý để điều chỉnh quá trình phát triển, các hoạt động kiến trúc, xây dựng nền kiến trúc Việt Nam và đội ngũ kiến trúc sư đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước; Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kiến trúc, hành nghề kiến trúc và xây dựng đội ngũ kiến trúc sư; Phát huy đầy đủ vai trò của kiến trúc sư, các tổ chức cá nhân và xã hội trong hoạt động kiến trúc; Đảm bảo lợi ích của nhà nước, nhân dân và xã hội.
Những năm gần đây, giao lưu quốc tế được mở rộng, các kiến trúc Việt Nam đã có nhiều cơ hội đưa những tác phẩm kiến trúc ra ngoài thế giới, bước đầu đã dành được các giải thưởng có giá trị. Các tác phẩm kiến trúc đạt giải đều là những công trình có ý tưởng phù hợp với các xu hướng của thời đại như kiến trúc xanh, phát triển bền vững, kiến trúc vì hạnh phúc, kiến trúc vì cộng đồng…
Tuy nhiên, trong cuộc cách mạng kỹ thuật số, cách mạng 4.0 đã và đang làm thay đổi nếp suy nghĩ, ý tưởng sáng tác, quy trình thiết kế, phương pháp tiếp cận và nội dung thiết kế kiến trúc. Cách mạng kỹ thuật số thông qua chính quyền điện tử, internet kết nối vạn vật sẽ làm cho những hoạt động giao dịch, hành chính vốn rất tấp nập, đông đúc trong các trung tâm hành chính hiện đại, sẽ trở nên bình lặng, giản tiện hơn nhiều. Đặc biệt tròn mùa đại dịch COVID-19, nhiều công trình công cộng thiết yếu như bệnh viện, trường học, trung tâm thương mạo với đa chức năng hoạt động, đã trở thành các điểm nóng về dịch bệnh bởi là những nơi tập trung đông người. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đã và đang có ảnh hưởng rất lớn đến cac địa danh trên bản đồ hình chữ S Việt Nam chúng ta. Trong tháng 10/2020, các tỉnh miền Trung đã chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lũ, “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ” gây ngập lụt và sạt lở nghiêm trọng tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng… Do đó, việc xây dựng những ngôi nhà an toàn ở vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, lũ được xem là giải pháp thiết thực giúp người dân ứng phó với thiên tai.
Với yêu cầu công trình phải An toàn – Thích nghi – Tiện ích-Bền vững, trước những tác động của dịch bệnh và thiên tai ngày càng khắc nghiệt và lan rộng, đòi hỏi nền kiến trúc Việt Nam nói chung và các yêu cầu về kiến trúc công trình nói riêng cần phải có định hướng và cách tiếp cận mới , để giảm thiểu những thiệt hại về con người, tài sản và tác động đến môi trường. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ mô phỏng, trí tuệ nhân tạo…đang trở thành một phần không thể thiếu trong thiết kế, quy hoạch và thi công các công trình xây dựng. Điều này cũng đã tạo ra cho những nhà quy hoạch và các kiến trúc sư phải có sự thay đổi trong xây dựng ý tưởng và lựa chọn giải pháp phù hợp, nhằm có được công trình đạt được những tiêu chí hoàn hảo về chất lượng, hoàn mỹ về thiết kế, thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người.
Yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước cũng đặt ra cho kiến trúc Việt Nam những yêu cầu mới, như: giữ gìn bản sắc văn hóa, kế thừa, phát huy những giá trị kiến trúc truyền thống; làm rõ và khẳng định những đặc trưng của kiến trúc Việt Nam; hấp thụ và tiếp thu tinh hoa kiến trúc thế giới để bảo đảm sự thống nhất trong đa dạng của sáng tác kiến trúc; đáp ứng các yêu cầu về tiết kiệm năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu , bảo vệ và hòa nhập môi trường sinh thái trong xây dựng. Ngay từ Đại hội lần thứ IX của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã chỉ rõ “Tăng cường công tác quy hoạch và quản lý đô thị, nâng cao thẫm mỹ kiến trúc” và “Ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng và hiệu quả quy hoạch, năng lực thiết kế xây dựng và thẫm mỹ xây dựng. Tăng cường quản lý nhà nước về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng”, đồng thời “Chú trọng thể hiện bản sắc văn hóa Việt Nam trong các công trình cây dựng, kiến trúc mới”. Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2020 (theo Quyết định số 112/2002/ QĐ-TTg, ngày 03/9/2002) là mong muốn của Đảng và Chính phủ về một nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến – đậm đà bản sắc dân tộc và là tiền đề quan trọng để xây dựng định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam trong bối cảnh mới.
Công trình của KTS Võ Trọng Nghĩa đạt giải thưởng kiến trúc xanh 2019
2/ Nhận diện một số vấn đề trong định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam phù hợp với bối cảnh mới
Trong tiến trình phát triển của nhân loại và các quốc gia, kiến trúc được coi là một loại hình nghệ thuật – kỹ thuật có vai trò rất quan trọng, có tính đặc thù cao và gắn bó hữu cơ với sự phát triển của lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kinh tế- xã hội và tổ chức không gian sống của con người và xã hội. Kiến trúc vừa mang tính khoa học vừa mang tính nghệ thuật, sáng tạo ra các sản phẩm phục vụ cho con người. Các công trình kiến trúc góp phần thể hiện sắc thái văn hóa riêng của mỗi quốc gia, dân tộc.
Với chức năng của ngành kỹ thuật, xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động của con người, kiến trúc đang đứng trước sự đòi hỏi phải nhanh chóng thay đổi tư duy, phương pháp tiếp cận, nội dung, mục tiêu và yêu cầu thiết yếu phù hợp với các thành tựu của công nghệ thông tin, quá trình tự động hóa thiết kế, sử dụng trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật, trong thiết kế trong triển khai đồ án…
Ở Việt Nam, quá trình xây dựng và phát triển nền kiến trúc Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo để phát triển nền kiến trúc nước nhà có bản sắc, hiện đại, hội nhập quốc tế và xây dựng đội ngũ kiến trúc sư có đủ năng lực và điều kiện hành nghề tốt. Mặc dù đến tháng 6 năm 2019, Luật Kiến trúc mới được ban hành nhưng trước đó, liên quan đến lĩnh vực cũng đã có một số văn bản quy phạm pháp luật quy định về vấn đề này như: Luật Xây dựng năm 2003/2014, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Luật Nhà ở và các Nghị định, Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành…Tuy nhiên các quy định này còn chưa đầy đủ, thiếu tính hệ thống. Các quy định về quản lý chất lượng đội ngũ kiến trúc sư và quản lý công tác hành nghề kiến trúc sư chưa được đề cập.
Trong những năm gần đây, những công trình kiến trúc quan trọng, trọng điểm quốc gia đều mang dấu ấn bàn tay, khối óc của những kiến trúc sư tài ba trong và ngoài nước. Những công trình, tác phẩm kiến trúc có giá trị này đã tạo dấu ấn cho nền kiến trúc nước nhà. Bộ mặt đô thị, nông thôn ngày càng được khang trang hơn, to đẹp hơn cũng nhờ một phần đóng góp quan trọng của giới kiến trúc sư và ngành xây dựng Việt Nam. Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng chúng ta chưa có nhiều công trình kiến trúc, khu đô thị có giá trị thẩm mỹ và giá trị văn hóa cao. Kiến trúc đô thị của nước ta còn phát triển thiếu đồng bộ, thiếu bản sắc. Kiến trúc nhà ở nông thôn chưa được quan tâm.
KTS. Trần Ngọc Chính
Chủ tịch Hội QHPTĐT Việt Nam