Home / QUY HOẠCH / Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP. Đà Nẵng: Góp ý dự thảo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP. Đà Nẵng: Góp ý dự thảo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Đà Nẵng kể từ ngày trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố đã có một sự chuyển biến lớn lao, diệu kỳ. Nổi lên như một “hiện tượng” về phát triển đô thị,  Đà Nẵng đang là một đô thị biển được kỳ vọng nhất và là đô thị kiểu mẫu trong chiến lược phát triển đô thị Việt Nam. Mảnh đất nhỏ bé nằm tại cửa biển của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ đã trở thành niềm tự hào của cả nước với những thành tựu rất đáng ghi nhận.

Nói đến Đà Nẵng trong phát triển hơn 20 năm qua là nói đến một công cuộc thay đổi diện mạo đô thị như một cuộc lột xác đầy ngoạn mục. Tốc độ phát triển nhanh trong lĩnh vực quy hoạch đô thị đã được xem là “thước đo” trình độ, tầm nhìn mang tính chiến lược của một đô thị trung tâm kinh tế – khoa học kỹ thuật – dịch vụ – tài chính. Và càng khẳng định vị thế của mình là một trong những đô thị trung tâm cấp quốc gia, là hạt nhân của vùng trọng điểm kinh tế miền Trung – Tây Nguyên.

Rõ ràng, một thực tế mà các chuyên gia quy hoạch, các nhà kinh tế đều thừa nhận là Đà Nẵng có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để trở thành một đô thị ngang tầm với các đô thị hiện đại tại châu Á.

Đà Nẵng là đô thị loại I trực thuộc Trung ương có vị trí và vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển hệ thống đô thị Việt Nam. Đà Nẵng còn là đô thị trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có ý nghĩa an ninh, quốc phòng quan trọng cho cả miền Trung và Tây Nguyên như Nghị quyết số 43-NQ-TW của Bộ Chính trị (khóa XII) đã khẳng định.

Tuy nhiên với tốc độ phát triển đô thị quá nhanh, thành phố cũng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức, đó là việc tổ chức giao thông đang đối mặt với nguy cơ ùn tắc giao thông, không gian cảnh quan đô thị chưa tạo điểm nhấn đô thị và tạo lập bản sắc của một đô thị biển. Ô nhiễm môi trường từ nước thải, rác thải, khói bụi đang ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Một số đồ án quy hoạch có nguy cơ đánh mất giá trị văn hóa đặc trưng, hủy hoại môi trường sinh thái và phá vỡ cấu trúc cảnh quan tự nhiên.

Vì vậy, việc lập Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, là yêu cầu quan trọng, phù hợp với sự phát triển của Thành phố và quá trình đô thị hóa của Đà Nẵng trong thời gian qua.

Sau đây là những nhận định và góp ý của Hội quy hoạch Phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng về Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

ĐN

I/ Những nội dung đạt được

1. Các cơ sở pháp lý – Căn cứ điều chỉnh quy hoạch

Với khối lượng hồ sơ khá đồ sộ bao gồm: thuyết minh tổng hợp 372 trang; Phụ lục thuyết minh: 70 trang; Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch chung:    72 trang; Tập hồ sơ bản vẽ gồm: 28 bản vẽ khổ A2 và dự thảo Quyết định phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Thủ tướng Chính phủ – 41 trang. Nội dung các tài liệu thể hiện đầy đủ cơ sở pháp lý cần có theo các Luật có liên quan và những tài liệu, cơ sở khoa học được tập hợp và phân tích đầy đủ.

2. Qua nghiên cứu hồ sơ cho thấy, nhóm tác giả đã tập trung thực hiện công việc nghiêm túc, công phu, có trách nhiệm cao với thành phố Đà Nẵng, đã lắng nghe ý kiến chuyên môn của các cấp, các ngành, các chuyên gia và đặc biệt là chỉ đạo của lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng. Nhóm tác giả đã bám sát nhiệm vụ thiết kế Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Nhóm tác giả (tư vấn) cũng đã có nghiên cứu và phân tích những nội dung của đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ. Tư vấn đã xem xét những nội dung tốt của đồ án để kế thừa (các dự án đã thực hiện) và những vấn đề cần xem xét và bổ sung lần này.

4. Cơ bản đồng ý với tính chất, chức năng đô thị, tầm nhìn và mục tiêu của đồ án. Tuy nhiên, phần mục tiêu cần đưa du lịch thành một nội dung riêng: vì thành phố Đà Nẵng là một trong những trung tâm du lịch quan trọng của vùng và cả nước (vì vậy không nên để cùng với nội dung về thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao…). Để từ đó làm nổi bật du lịch là một lợi thế rất mạnh và quan trọng trong phát triển kinh tế của thành phố Đà Nẵng.

5. Mô hình và cấu trúc phát triển không gian của Thành phố do tư vấn đề xuất là phù hợp với phát triển kinh tế, phù hợp với điều kiện tự nhiên, địa lý và sự phát triển năng động của Thành phố.

6. Đồng ý với đồ án, nên tổ chức thành 12 phân khu cho Thành phố. Đây là đề xuất có cơ sở, trong đó :

– Vùng sinh thải được tổ chức thành 2 phân khu;

– Ba vùng đô thị đặc trưng được tổ chức theo  « mô hình đô thị nhỏ », phân chia thành 10 phân khu là phù hợp với phân khu chức năng đô thị, tạo điều kiện để khai thác tốt và hợp lý tài nguyên và phát huy từng thế mạnh của đô thị.

Về cơ bản, nội dung các phân khu đã được tư vấn nêu khá rõ và phù hợp với hiện trạng đô thị và các chức năng chính, đã nêu được quy mô sử dụng đất và dân số cho các phân khu này.

7. Về định hướng hệ thống hạ tầng hành chính, kinh tế, xã hội bao gồm : Hành chính – Du lịch – Thương mại – Kho tàng – Công nghiệp Công nghệ cao – Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản – Đất sử dụng hỗn hợp – Y tế – Giáo dục đào tạo – Văn hóa, Thể thao – Công viên cây xanh, mặt nước – Nhà ở – An ninh quốc phòng. Với 14 nội dung này, tư vấn đã liên kết được các phân khu trên cơ sở hiện trạng và quy hoạch trước đây, cũng như phân tích lợi thế do yếu tố kết nối giao thông để phát triển.

8. Về thiết kế đô thị: Đây là thế mạnh của tư vấn. Do có hiểu biết và nắm rõ địa hình, cảnh quan và thực tiễn đô thị đã hình thành khá rõ rét của thành phố, nên tư vấn đã nghiên cứu phần này khá sâu và có định hướng rõ trong thiết kế đô thị, nêu bật được tổ chức không gian từ cửa ngõ đô thị, các trục không gian chính, các trục cảnh quan cũng như khu trung tâm thành phố, quảng trường và các điểm nhấn đô thị.

Thành phố Đà Nẵng có không gian cảnh quan rất phong phú, đa dạng: có biển, sông, núi, đảo và hồ nước… nên những cảnh quan hấp dẫn này đã được tư vấn đặc biệt lưu ý trong thiết kế đô thị.

9. Định hướng hệ thống hạ tầng kỹ thuật

Về cơ bản, đồng tình với khung kỹ thuật giao thông đô thị. Trên cơ sở hệ thống giao thông đã có, tư vấn đã phân tích khá kỹ trên cơ sở dự báo phát triển kinh tế và định hướng phát triển giao thông vùng và quốc gia để kết nối với giao thông thành phố.

– Đồng ý với yêu cầu phát triển sân bay Đà Nẵng. Đã có nhiều dự án so sánh về địa điểm, đến nay vẫn xác định sân bay Đà Nẵng là địa điểm duy nhất để phát triển đến giữa thế kỷ này (cần nghiên cứu sâu hơn về ý tưởng đô thị sân bay) trong tổng thể không gian của toàn thành phố.

– Cảng Tiên Sa: với đề xuất cải tạo, chỉnh trang và đầu tư cho tương lai là cảng du thuyền là phù hợp, bởi Đà Nẵng phải là trung tâm đô thị du lịch. Du thuyền là sản phẩm quan trọng trong du lịch biển của vịnh Đà Nẵng hướng đến Huế, Hội An, Cù Lao Chàm,  Quảng Ngãi, Lý Sơn… Tiên Sa còn là cảng hành khách chính của Vùng và Thành phố.

– Cảng Liên Chiểu được tư vấn đề xuất là cảng chính của Vùng và Thành phố, liên quan đến hành lang Đông Tây là phù hợp. Quy mô và tính chất cảng Liên Chiểu được tính toán phù hợp với yêu cầu phát triển và coi cảng Liên Chiểu là một khu chức năng rất quan trọng của Đà Nẵng, do ở vị trí thuận lợi trong việc kết nối đường bộ, đường cao tốc và đường sắt quốc gia.

– Đồng tình với đề xuất hệ thống giao thông công cộng của Thành phố, đảm bảo thị phần khu vực đô thị trung tâm đến năm 2030 đạt 15- 25% tổng nhu cầu đi lại, đến năm 2045 phấn đấu đạt trên 50%.

– Nhất trí việc bố trí các tuyến MRT, LRT kết nối với hệ thống BRT nhằm thu hút người dân sử dụng giao thông công cộng. Đặc biệt tư vấn đã nghiên cứu, đề xuất hệ thống giao thông ngầm đô thị kết nối với các trung tâm thương mại, dịch vụ và bến đỗ xe ngầm…

– Về cơ bản, đồng tình với đề xuất nội dung chuẩn bị kỹ thuật, thoát nước mưa, cấp điện, cấp nước, thoát nước bẩn, thông tin liên lạc.

II/ Những vấn đề cần nghiên cứu bổ sung

1. Về quy mô dân số- đất đai đô thị

 – Theo đồ án, dự báo dân số đến năm 2030 khoảng 1,79 triệu người và dự báo quy mô đất xây dựng đến năm 2030 khoảng 32,227ha. Là một đồ án quy hoạch đô thị lớn và quan trọng của Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhưng về phần quy mô dân số mới chỉ dừng ở năm 2030 mà không có dự báo dân số và đất đai đến năm 2045 là chưa phù hợp. Như vậy tư vấn sẽ chuẩn bị đất đai cho 15 năm tới (sau năm 2030) sẽ như thế nào ? Mặt khác, cần xem xét lại Quyết định phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (QĐ số 147/QĐ-TTg ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ). Theo văn bản này tại trang 2, mục a) Dân số- dự báo đến năm 2020 : dân số Thành phố Đà Nẵng là 1,6 triệu người (cả quy đổi) trong đó dân số chính thức đô thị khoảng 1,3 triệu người ; Đến năm 2030 dân số Thành phố Đà Nẵng là 2,5 triệu người (cả quy đổi) trong đó dân số chính thức đô thị khoảng 2,3 triệu người. Không hề có dự báo dân số đô thị đến năm 2045.

Mặt khác trong tính toán của tư vấn, dân số Thành phố năm 2019 là 1 triệu 134 nghìn người và dự báo năm 2020 (năm nay) là 1 triệu 169 nghìn người. Số liệu này cách quá xa với thực tiễn hiện tại của Đà Nẵng. Bởi vậy cần bổ sung    quy mô dân số và đất đai, tầm nhìn đến năm 2045, vì chúng ta đang tổ chức không gian đô thị cho tầm nhìn này theo tên gọi của đồ án quy hoạch.

2. Cần nghiên cứu chỉ tiêu hạ tầng để phù hợp với chức năng và tính chất của đô thị :

+ Đất cây xanh đô thị phải cao hơn 9,6m2/người; nên đưa ra chỉ tiêu là       12- 14m2/người (do đây là thành phố du lịch biển có hệ thực vật rất phong phú và đa dạng);

+ Tỷ lệ đất giao thông đô thị: 9% là không phù hợp với thành phố Đà Nẵng trong tương lai với bộ khung giao thông hiện đại (tỷ lệ giao thông tĩnh cho Đà Nẵng là rất lớn).

3. Về phân khu cảng biển Liên Chiểu

Do tính chất quan trọng của phân khu này, khả năng cảng Liên Chiểu sẽ phát triển nhanh và trở thành một cảng trọng yếu của Vùng và quốc gia nên diện tích phải lớn hơn 1.070ha và dân số dự kiến cần phải phù hợp với khu cảng lớn này, không thể dự kiến chỉ có 12.000 người. Phải khẳng định cảng biển Liên Chiểu là một chức năng quan trọng của thành phố, trở thành một thế mạnh về kinh tế biển, góp phần rất quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội và tăng sự hấp dẫn về giao thông và thương mại của thành phố.

4. Phân khu sinh thái phía Đông

Bao gồm huyện đảo Hoàng Sa với diện tích 30.500ha và bán đảo Sơn Trà có diện tích khoảng 4.199ha. Nếu không dự báo phân bố số người vào khu vực này là không phù hợp (điều này rất cần thiết để nói rõ chủ quyền của ta về Hoàng Sa. Cần phải phân bổ số người trong phân khu này vì có bán đảo Sơn Trà, và về mặt pháp lý chúng ta cần khẳng định chủ quyền như Trường Sa trên biển Đông).

5. Ngoài trung tâm chính trị được nghiên cứu sâu ở khu vực thành Điện Hải. Thành phố Đà Nẵng hiện còn rất thiếu các quảng trường bởi theo mô hình « đô thị nhỏ » thì cần phải tổ chức quảng trường thương mại, tài chính ở khu vực đường Hùng Vương (trung tâm hiện hữu) với không gian truyền thống gắn bó với chợ Hàn Đà Nẵng và các công trình kiến trúc biểu tượng và truyền thống của Thành phố.

6. Mặc dù tư vấn đã đưa ra nhiều ý tưởng về tổ chức các hạng mục công trình thể thao, văn hóa, lịch sử, tuy nhiên cần phải nghiên cứu sâu hơn về tính chất của đô thị trung tâm miền Trung- Tây Nguyên. Cần làm rõ hơn các chức năng của trung tâm Vùng với nhiều công trình có ý nghĩa là điểm nhấn đô thị và phải có quy mô phù hợp. Cần làm rõ quy mô của tổ hợp giáo dục và đào tạo miền Trung – Tây Nguyên; các công trình thể thao cấp vùng (công trình có quy mô tổ chức Asiad và quốc gia). Về hệ thống bảo tàng, ngoài bảo tàng Đà Nẵng và bảo tàng Chăm còn cần có nhiều loại bảo tàng khác như bảo tàng mỹ thuật đương đại, bảo tàng cổ vật, bảo tàng làng nghề truyền thống…để phục vụ yêu cầu phát triển văn hóa và khách du lịch; cần phát triển thêm trung tâm hội chợ triển lãm tầm quốc tế, các trung tâm vui chơi, giải trí lớn (công viên Đại dương, Khu du lịch tâm linh Ngũ Hành Sơn) các công viên chuyên đề…

7. Bán đảo Sơn Trà cần phải được nghiên cứu sâu hơn. Là khu vực bảo tồn đa dạng sinh học nên cần phải có sự khai thác phù hợp với phát triển du lịch. Có thể tạo dựng một phần sườn đồi phía Nam ở mức độ cho phép để xây dựng các công trình phục vụ du lịch- dịch vụ, làm tăng thêm giá trị sử dụng đất cũng như khai thác vẻ đẹp về cảnh quan của một đô thị phát triển, đặc biệt là vẻ đẹp về ban đêm nhìn từ Sơn Trà về Thành phố và từ Thành phố nhìn ra Sơn Trà.

8. Về hồ sơ bản vẽ: thể hiện còn chung chung. Không rõ về vấn đề sử dụng đất, nhất là hệ thống ký hiệu bản vẽ không nhất quán về màu sắc. Ký hiệu còn lộn xộn, khó theo dõi. Vì không có dự báo đến năm 2045 nên không rõ các loại đất cho các giai đoạn phát triển. Các ký hiệu quá bé, hoặc chưa có hướng dẫn về quy mô diện tích đất, mật độ xây dựng, quy mô dân số… Cần phải xem xét lại các bản vẽ không gian kiến trúc, cảnh quan, bản đồ sử dụng đất.

9. Dự thảo Quyết định phê duyệt dài 41 trang là quá dài và khá chung chung nên khó thực hiện. Nên đưa một số chi tiết vào trong điều lệ (quy định quản lý đô thị). Phần biểu bảng, tên chương trình, dự án nên làm thành phụ lục kèm theo Quyết định – cũng có giá trị pháp lý như Quyết định phê duyệt. Khi đó Quyết định phê duyệt chỉ còn là 1/2

Trên đây là một số nội dung đã được trưng cầu ý kiến đến với Trung ương Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam về đồ án quy hoạch Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hội Quy hoạch Phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng , xin trao đổi với các cấp để xem xét, nghiên cứu.

Check Also

6

Đại hội Hội Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IV, nhiệm kỳ 2024 – 2029

          Ngày 03/ 8/2024, Hội Quy hoạch phát triển đô thị …