Home / QUY HOẠCH / KIẾN TRÚC / Di sản đô thị Hội An bảo tồn trong đô thị phát triển

Di sản đô thị Hội An bảo tồn trong đô thị phát triển

Chúng tôi có diễm phúc lớn là một trong những người khởi xướng nghiên cứu bảo tồn di sản đô thị Hội An từ năm 1982. Ngót bốn thập kỷ qua, chúng tôi trực tiếp tham gia hoặc theo dõi không gián đoạn sự nghiệp này. Thiết nghĩ, chúng tôi phần nào có quyền và có trách nhiệm bày tỏ sự nhìn nhận những gì đã làm được và đưa ra gợi ý về những gì cần lầm tiếp.

Ong hoang dao kinh

1. Những việc đã làm có kết quả

Hội An là di sản đô thị đầu tiên ở Việt Nam được gọi đúng tên, được nghiên cứu từ nhiều phương diện, bởi nhiều lực lượng chuyên môn khác nhau, trên cơ sở phương pháp luận và bài bản kỹ thuật tương ứng.

Năm 1982, tiểu ban Ba Lan – Việt Nam về trùng tu di tích kiến trúc Chăm (gồm các chuyên gia Ba Lan do kiến trúc sư K.K.wiatkowski – Kazik, các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Bảo quản và tu bổ di tích trung ương do TS.KTS Hoàng Đạo Kính, chỉ đạo) bắt đầu nghiên cứu phố cổ Hội An với tư cách là một di sản đô thị. Trong bốn mùa, chúng tôi thực hiện đầy đủ quy trình và bài bản khảo cứu di sản đô thị, khác biệt với cách làm đối với di tích riêng lẻ: sưu tầm tư liệu, nghiên cứu sự hình thành và tiến hóa đô thị – cảng; khảo sát và nhận biết đặc điểm hình thái và kiến trúc bằng cách tiếp cận chuyên ngành; kiểm kê và điều tra từng căn nhà theo phương pháp thống kê học và theo hệ tiêu chí; đo vẽ những ngôi nhà tiêu biểu; thực hiện việc phân loại theo thể loại, theo niên đại, theo giá trị, theo tình trạng kỹ thuật; lập sơ đồ khu phố cổ thể hiện bằng sự đúc kết các dữ liệu. Đây chính là những thành quả hữu ích, bởi chúng là xuất phát điểm cho những bước tiếp theo về bảo tồn di sản Hội An. Chúng là cái mà trong nghiên cứu di sản đô thị ở ta thời ấy hầu như mới mẻ. Những tích lũy từ sự khởi xướng ấy là cơ sở tin cậy cho hội thảo khoa học đầu tiên về di sản văn hóa Hội An năm 1985, mà ở thời điểm đó còn ít người biết tới, hoặc biết mà chưa nhận ra.

Thời kỳ thứ hai nghiên cứu và bảo tồn Hội An bắt đầu từ những năm 1990 bởi sự tham gia của các chuyên gia Nhật Bản từ trường Đại học nữ Chiêu Hòa, dưới sự điều hành của TS.KTS H.Tomoda, với nhiều kiến trúc sư và nhà khảo cổ không riêng từ cơ sở đào tạo này. Các nhà chuyên môn Nhật Bản thăm dò và khai quật khảo cổ học; điều tra và đánh giá hiện trạng các di tích; hướng dẫn xây dựng và thực thi các dự án trùng tu; đầu tư một phần kinh phí cho các dự án này. Đóng góp nổi trội của họ là sự khảo cứu kỹ lưỡng cấu trúc gỗ; là việc đem so sánh chúng với kiến trúc gỗ Nhật; là việc hướng dẫn bài bản về kỹ thuật tu sửa nhà cổ, từ khâu xây dựng hồ sơ hiện trạng, phân tích nguyên nhân hư hại đến giải pháp chi tiết về gia cố và thay thế khi bắt buộc. Đóng góp nổi trội nữa của họ chính là việc in ấn mau lẹ các kết quả nghiên cứu, tuyên truyền trên phạm vi rộng – điều mà chúng ta yếu kém.

Trong những năm qua, nhiều cơ quan tổ chức khoa học khác từ Trung ương đến địa phương đã dành nhiều công sức cho công cuộc nghiên cứu Hội An. Cùng với sự quan tâm đặc biệt đến khảo cổ học và di sản kiến trúc đô thị, và nhiều lĩnh vực khác nữa, góp phần làm cho Hội An đến nay là tài nguyên lịch sử – văn hóa và kiến trúc được thâm canh hơn cả về phương diện nghiên cứu và bảo tồn.

Những sự vận dụng phương pháp luận khoa học lịch sử, sự tiếp cận bản chất văn hóa của vạn vật, sự thâm nhập vào tế bào của di sản bằng công cụ của nhà khảo cổ học và nhà nghiên cứu kiến trúc, – chính là sự đảm bảo cho việc thiết lập các cơ sở khoa học nhất thiết trong nhận thức di sản, với mọi biểu hiện mà thời gian để lại, trong hoạch định chiến lược ứng xử, duy nhất không làm tổn thương, duy nhất có khả năng duy trì sự trường tồn cho di sản.

Di sản Hội An ngay từ ngày đầu và ngày càng được nhận thức toàn diện hơn, đầy đủ hơn với tư cách là một phức hợp di sản lịch sử, văn hóa, nhân văn, kiến trúc đô thị. Phức hợp có một không hai này là sự hiện hữu của cấu trúc cộng dư dạng phố thị thời Trung đại, là thị – cảng cận biển duy nhất của ta thời ấy. Hội An hàm chứa những dấu ấn của sự tiến hóa đô thị và thương cảng qua các thời kỳ, với những di chỉ khảo cổ học và những vết tích còn nhận biết được trên mặt đất; có sự hiện thân của di sản phố thị hiếm hoi là khu phố cổ, lưu giữ đồng bộ các thiết chế kiến trúc đặc trưng, ra đời vào các thế kỷ XVII – XVIII – XIX và sau này. Hội An là sự cộng sinh văn hóa nhiều dân tộc và nhiều thời; nó là tàn dư của lối sống thị dân tại chốn thị – cảng xưa kia và chốn tỉnh lỵ thời cận đại, đặc sắc thái văn hóa xứ Quảng, chưa phai nhạt đến tận nay.

Cần nhấn mạnh, phức hợp di sản ấy gắn chặt đến tận tế bào với nền cảnh thiên nhiên và môi trường sinh thái – nhân văn. Địa bàn cộng cư trở thành sản phẩm lịch sử, một dạng di sản thiên nhiên và nhân tạo không tách lìa, phức hợp di sản nhân tạo kia sẽ lạ lẫm với chính mình.

Cũng cần nói tới điều kỳ diệu của sự tồn tại cho đến nay phức hợp di sản vô song này: Nó giữ được mình qua những biến động mà hầu như mọi đô thị không thoát khỏi. Đó là sự biến đổi lớn của đô thị Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX. Đó là cuộc chiến tranh kết thúc hơn 40 năm trước, mà Quảng Nam – Đà Nẵng là bãi chiến địa thuộc loại hủy diệt nhất.

Đó là những biến đổi khó tránh khỏi do chủ nhân các ngôi nhà, giàu có lên và thay đổi thị hiếu,… Trải qua ngần ấy cửa ải, Hội An vẫn còn đấy. Nay bước vào công nghiệp hóa và hiện đại hóa, bước vào cuộc làm giàu từ chính vốn liếng di sản, liệu Hội An sẽ giữ được mình không?

Đã có những cơ sở để tin điều ấy là có thể.

Chúng ta đã chọn và xác định chiến lược và giải pháp ứng xử toàn cục và từng phần phù hợp với di sản đô thị đặc trưng, với nhu cầu phát triển Hội An hiện nay, do đó mang tính khả thi cao.

Ở đầu những năm 1980, trong những điều kiện rất khác biệt với thời nay, kiến trúc sư K.K.wiatkowski đã vững tin mà nói rằng Hội An sẽ “giàu lên từ di sản của mình”. Ông đưa ra quan điểm cơ bản trong ứng xử với di sản này là “trả lại các giá trị lịch sử bên cạnh cuộc sống hiện đại, bảo đảm cho người dân các điều kiện phù hợp với các nhu cầu sống ngày nay, trên cơ sở đó xây dựng các chương trình cho sự phát triển của thành phố tương lai”.

hoiantrungthu (10)

Trong “Dự án tổng thể đầu tư bảo tồn và khai thác di tích khu phố cổ Hội An” do Trung tâm Thiết kế và tu bổ di tích Trung ương xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 240/TTg ngày 14/4/1997, cũng như trong quá trình bảo tồn di sản Hội An, chúng ta nhất quán theo đuổi những định hướng cơ bản sau đây:

– Bảo tồn địa bàn tự nhiên – sinh thái lịch sử – nhân văn của Hội An;

– Bảo tồn các di chỉ , trùng tu các di tích đơn lẻ trên địa bàn lịch sử của Hội An;

– Giữ nguyên vẹn khu phố cổ như là một di tích phố thị, với các thể loại kiến trúc cấu thành như nhà ở, đình, chùa, hội quán, nhà thờ tộc, cầu, chợ,… Duy trì những đặc trưng hình thái học đô thị, diện mạo kiến trúc các con phố;

– Gắn liền bảo tồn di sản với quyền lợi của người dân, đảm bảo cho họ có điều kiện sống ngày càng cải thiện, để họ được hưởng thành quả từ khai thác du lịch;

– Bảo tồn di sản văn hóa vật thể đi liền với bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm lối sống, mô hình kinh doanh, ngành nghề thủ công, truyền thống quan hệ xã hội và gia đình, học hành, lễ hội,…

– Coi di sản văn hóa là tài nguyên đặc trưng, là động lực phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.

Đánh giá trên thực tế, chúng ta có thể nhận định: Di sản đô thị Hội An được bảo tồn và phát huy tác dụng hiệu quả hơn cả so với các di sản đô thị khác ở nước ta.

Điều đó chỉ có thể, khi tổng chiến lược các giải pháp ứng xử được vạch ra thực sự phù hợp và thực sự khả thi, khi Hội An tranh thủ được sự hỗ trợ có chất lượng và có hệ thống từ các phía, khi di sản đứng dưới sự quản lý và thực hiện bởi các cấp chính quyền địa phương và, đặc biệt hơn cả, khi người dân hiểu rõ: Giữ gìn di sản là quyền lợi của mình.

Những kết quả nêu trên có được do sự hợp lực của rất nhiều nhân tố:

– Dự án tổng thể bảo tồn và khai thác di tích khu phố cỏ năm 1997 xác định đúng hướng, giải pháp, đối tượng, trình tự ưu tiên, biện pháp,… về bảo tồn, trùng tu và tôn tạo di tích. Những kết quả sau chín năm thực hiện dự án chưa hẳn đã tương xứng với những gì đã được hoạch định, sông đây cũng dự án duy nhất về bảo tồn di sản đô thị được thực hiện về cơ bản.

– Quy chế quản lý, bảo tồn, sử dụng di tích khu phố cổ Hội An do Ủy ban nhân dân thành phố Hội An ban hành năm 2006 là một công cụ bảo tồn di sản đô thị thật sự hữu ích, đúng với cách ứng xử và do đó mang tính khả thi. Văn bản này không chủ trương biến khu phố cổ thành bảo tàng. Nó tính tới và mở đường cho sự sông tồn hai nhân tố cơ bản: Di sản kiến trúc và nhu cầu tiếp tục sống của dân cư, tiếp tục phá triển của đô thị. Nó khả thi bởi sự chấp nhận phần “mềm” và phần “cứng” trong bảo tồn. Chính tính khả thi quyết định năng lực và hiệu quả qianr lý. Khu phố cổ Hà Nội chưa thành công bởi quy chế từng áp đặt cho nó là một khu bảo tàng, khu di tích.

– Tương ứng với đặc thù của di sản Hội An, các nguồn đầu tư vào đây đa dạng: Ngân sách Trung ương; Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa; Ngân sách địa phương; Tài trợ của các tổ chức nước ngoài; Đầu tư từ cộng đồng,… Bên cạnh những di tích trọng điểm được tu bổ bởi ngân sách nhà nước và bởi sự hỗ trợ quốc tế, 1432 căn nhà do người dân bỏ tiền ra tu sửa với sự hướng dẫn nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn. Đó là một hội chứng gây niềm tin vào sự thành công của chủ trương bảo tồn di tích – nhà dân, di tích – nhà hàng phố.

– Hội An đã hội tụ các nhà bảo tồn và khảo cổ học từ các nước, các lực lượng chuyên môn quốc nội. Chính sự gặp gỡ của các cách ứng xử có phần khác nhau về bảo tồn đã nâng công tác bảo tồn di sản Hội An lên tầm và chuẩn mực quốc tế. Hội An trở thành dạng laboratory về bảo tồn và trùng tu di sản đô thị.

– Qua trùng tu các di tích kiến trúc gỗ, các nguyên tắc kỹ thuật đã được kiểm nghiệm và khẳng định: Lấy việc cải thiện tình trạng kỹ thuật làm ưu tiên số một, hạn chế tối đa mội sự thay thế, cho phép bổ sung bức thiết nhằm cải thiện điều kiện sống và làm việc cho người sở hữu. Từ việc tu sửa chùa Cầu và nhà số 100 đường Trần Phú do Trung tâm bảo quản và tu bổ di tích Trung ương thực hiện giữa những năm 80 đến các ngôi nhà cổ do các chuyên gia Nhật Bản chủ trì, nhận thấy sự đồng nhất về cách làm. Khác ở chỗ họ dành đến 1/3 chi phí cho việc xây dựng hồ sơ khoa học, điều mà ta không thể làm được, bởi thiết kế phí (có cả khảo sát và xây dựng hồ sơ) chỉ bằng thiết kế phí xây dựng thông thường.

– Một thành công lớn trong quá trình bảo tồn di sản Hội An chính là việc hình thành cơ chế quản lý và tác nghiệp, đội ngũ cán bộ chuyên môn tại chỗ, việc xây dựng quy chế quản ký rất có hiểu biết và sát thực tế, việc thực hành quản lý có hiệu quả; việc trùng tu di tích có sự làm chủ bài bản chuyên môn. Ngay việc lực lượng nghệ nhân và thợ địa phương đảm nhận việc thi công tu bổ cũng là một đảm bảo cho thành công của công tác bảo tồn.

40 năm trước, thị xã nhỏ bé và nghèo này bị rung chuyển đều đều bởi sự vận hành của ngót 700 cỗ máy dệt vải thô xuất khẩu. Phải là những nhà không tưởng của thế kỷ XVII – XVIII ở Âu châu mới bạo gan mơ tưởng về cái ngày dân Hội An giàu lên, mở mày mở mặt bởi di tích ấy. Ấy thế là lâu nay người Hội An, có phần nào “bảo thủ”, đã điềm nhiên chuyển sang nền kinh tế dịch vụ du lịch. Không ai mách bảo, tự nhiên mở ra hàng trăm cửa tiệm, mọc lên những dãy phố dày đặc tiệm may mặc, tiệm bán tranh, tiệm hàng lưu niệm, làm và bán đèn lồng,… Hơn 65% GDP của thành phố là từ dịch vụ – du lịch – thương mại. Tỷ trọng này xấp xỉ với các trung tâm du lịch lừng danh trên thế giới. Nay có thể nói Hội An bước sang giai đoạn III của sự tiến hóa lịch sử. Giai đoạn I – cảng thị; giai đoạn II – tỉnh lỵ; giai đoạn III – Trung tâm du lịch quốc tế thuộc loại sầm uất nhất nước.

Hơn mọi nơi nào khác, dân Hội An hiểu: Di sản ông cha họ để lại chính là tài nguyên của họ. Không giữ được nó, lấy gì mà làm ra tiền, ra của, ra đời sống ấm no.

Ngay từ năm 2007, tổng số khách du lịch đến Hội An trên 1 triệu người. Nghĩa là 13 khách du lịch trên 1 người dân. Cả nước không đâu có số lượng khách như vậy. Điều đáng ghi nhận là khách đến Hội An thường lưu trú vài ngày, họ say mê khám phá những cái không phải kỳ quan, họ đôi khi còn trở lại. nay đã đến lúc giảm bớt số lượng khách du lịch chảy về Hội An.

Trên địa bàn thành phố đã nhanh chóng xây cất hàng chục các công trình phục vụ du lịch, các khu nghỉ mát, khách sạn thấp cấp và cao cấp. Hệ thống này đang trở thành yếu tố tạo thị, yếu tố tạo diện mạo đô thị.

Cùng với sức thu hút về du lịch và nghỉ mát, Hội An đang trở thành một địa điểm của những lễ hội, những hoạt động văn hóa và giải trí, quốc nội và quốc tế.

Đầu ra của di sản chính là từ bản chất văn hóa của nó. Hoạt động kinh tế ở đây phải lấy bản chất bảo tồn di sản làm thước đo.

at_pho-co-hoi-an-da-nang_a050800517632f2b1f385e864c2438ed

2. Những cảnh báo từ bảo tồn và phát triển Hội An

Di sản Hội An đứng trước nhiều mối nguy hiểm kinh niên, như tình trạng xuống cấp của những công trình cổ và cũ, bão và lụt ngày càng có sức tàn phá gấp bội; nạn biến đổi dòng sông và bãi bồi; nguy cơ hỏa hoạn; sự xâm thực của mối mọt; gia tăng ô nhiễm môi trường; sự quá tải của dân số nơi trung tâm và quá tải của những thiết chế du lịch- dịch vụ,… Chúng tôi xin tập trung vào việc đưa hai cảnh báo khác, có lẽ chứa đựng nhiều nguy cơ hơn cả đối với thành phố Hội An, đó là:

– Nguy cơ Hội An đánh mất sự cân bằng đô thị trong phát triển;

– Nguy cơ Hội An đánh mất mình từ trong ra.

Cảnh báo thứ nhất: Nguy cơ Hội An đánh mất sự cân bằng đô thị trong phát triển.

Trước tiên, đó là sự xuất hiện dấu hiệu mất cân đối giữa tài nguyên di sản và sự phát triển kinh tế du lịch – dịch vụ. Cho đến nay, yếu tố tài nguyên di sản chủ yếu khai thác tập trung ở khu phố cổ. Khu phố cổ là đối tượng của tham quan và nghiên cứu, của mua sắm, của dịch vụ ăn uống, của giao lưu,… Trong khi đó nó chỉ là một khu phố nhỏ. Đối tượng đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách lại không nhiều, mọi sự bổ sung hoặc xen cấy vào đó để tạo thêm sức hấp dẫn dễ bề trở thành thách thức. Lượng khách ngày càng ồ ạt, hệ thống công trình du lịch dịch vụ càng nhiều và càng lớn, lấn át hạt nhân di sản. Nó ngày càng trở nên nhỏ bé và càng không tương xứng. Tài nguyên di snar có nguy cơ bị vắt kiệt, y hệt quả chanh.

Cùng với đó là sự mất cân bằng về hình thái học đô thị trong phát triển. Hội An cho đến tận những năm gần đây, do đặc điểm lịch sử, vẫn còn là một đô thị hài hòa, cân bằng về không gian. Điều đó biểu hiện ở sự chuyển hóa mềm mại giữu thành phần đô thị, hình thành và phát triển ở những thời kỳ lịch sử khác nhau. Chuyển hóa từ khu phố cổ sang các con phố và các ô phố thời kỳ thực dân, thời kỳ trước năm 1975 và thậm chí cả thời kỳ trước. Đổi mới. Hội An về mặt hình thái học đô thị là một cơ thể hầu như thống nhất và chưa bị rạn nứt. Chính đó là một giá trị to lớn mà các đô thị lớn ở ta đã đánh mất từ khá lâu, là cái giá trị chưa tháy ai nhắc tới lâu nay.

Đối với di sản đô thị lịch sử đối với một thành phố nhỏ như Hội An, thời nay đã nảy sinh hai thách thức. Thách thức thứ nhất, sự phát triển tự nhiên và tăng tốc độ hiện đại hóa. Thách thức thứ hai, sự phát triển đột biến hệ thống kiến trúc và kỹ thuật hạ tầng của nền kinh tế du lịch – dịch vụ. Vế thứ hai, với tư cách là một yếu tố tạo thị nổi trội, đang tác động mạnh và rõ hơn cả đến sự trọn vẹn của đô thị về phương diện hình thái học. Hàng trăm công trình khách sạn, phục vụ du lịch và nghỉ mát đang áp sát các ô phố cũ, chiếm cứ ồ ạt các khoảng không có giá trị cảnh quan trên địa bàn thành phố. Nếu chúng ta trèo lên một vị trí cao, sẽ nhận ra sự bao vây của những xây dựng mới, khác lạ về công năng, về quy mô và hình khối, về hình thức kiến trúc, gây ra sự phá vỡ từng phần các không gian kiến trúc, vốn dĩ nhuần nhị. Sớm hoặc muộn, chúng ta sẽ chọc thủng và làm tan vỡ cảnh quan đô thị, sẽ dẫn tới sự đối kháng giữa cũ và mới, đến sự đánh mất bản sắc vĩ mô của chốn đô thị – di sản hiếm hoi này. Kế tiếp sự tan vỡ không gian đô thị là sự tan vỡ cảnh quan, sự ô nhiễm thị giác, không xa xôi gì lắm so với ô nhiễm môi trường.

Cảnh báo thứ hai, nguy cơ Hội An đánh mất mình từ trong ra. Đã đành là Hội An sở hữu nguồn “gen” bền và mạnh, tạo sức đề kháng lớn. Song không thể không đưa ra những quan ngại sau đây:

– Ở khu phố cổ đang diễn ra những biến động sâu lắng nội tại, chứa đựng những nguy cơ không kém những biến đổi về phương diện vật thể, đó là:  từ năm 1999 đến nay có hơn 83 trường hợp bán nhà, 181 trường hợp cho những người từ địa phương khác thuê nhà, 264 trường hợp chủ nhà di dời khỏi chổ ở cũ. Cùng với đó là sự hình thành, trong khoảng thời gian ngắn, những ngành kinh doanh mới lạ, như may đồ mặc kiểu tốc hành, như làm và bán tranh sao chép, như làm và bán đèn lồng, các đồ chạm khắc… Những hoạt động này xem ra khó trụ lại lâu do tính chát”làm nha, ăn nhanh”

Cả hai hiện tượng nêu trên có bản chất vừa sâu xa, vừa tức thời, đang là những hội chứng của sự biến hóa từ trong ra, rất khó ngăn chặn do chúng hầu như là tất yếu, song lại hàm chứa nguy cơ vè sự “rỗng ruột hóa” di sản văn hóa truyền thống và cốt lõi. Chúng tôi e ngại là, cứ đà này, kèm theo sự tác động bên ngoài và thời đại, di sản Hội An, chí ít là khu phố cổ, dần dà sẽ trở thành khối bất động sản được bảo tồn tươm tất, còn chủ nhân của nó thì đã là những người khác. Kiến trúc cũ sẽ trở thành những mô hình có niên đại, còn văn hóa phố cũ sẽ ra đi cũng những cư dân cũ.

Chúng ta phải đưa ra những chủ trương, những đối sách vĩ mô nào đấy để duy trì di sản – tài nguyên trong sự phát triển tiếp nối êm ả. Ứng xử ngược lại, ở thế kỷ XXI, Hội An chỉ còn cái tên.

22

3. Một vài gợi ý cho thời gian tới

– Cần tiếp tục công việc nghiên cứu Hội An toàn diện và chuyên sâu đúc kết thành dạng ngân hàng dữ liệu cơ bản dùng cho mọi quy hoạch, chương trình bảo tồn và phát triển thành phố.

– Mở rộng công tác trùng tu, tôn tạo và khai thác các di tích ngoài khu phố cổ. Phát lộ những giá trị tiềm ẩn của nội hàm các ô phố (các hẻm và kiệt) cho du khách.

– Khảo sát toàn diện dân cư khu phố cổ và cũ (điều kiện sống, kinh doanh, nhu cầu về cải tạo ngôi nhà, sự gắn bó với di sản, quyền lợi của họ trong bảo tồn di sản và phát triển du lịch, các nguyện vọng khác). Khi chúng ta cân bằng được quyền lợi người dân và quyền lợi của di sản, điều đó có nghĩa là công cuộc bảo tồn nắm chắc thành công.

– Điều tra và đánh giá toàn diện tình trạng phát triển kinh tế du lịch – dịch vụ và hệ thống các thiết chế phục vụ nó: tác dụng tích cực và toàn diện của quy hoạch và công trình phục vụ du lịch – dịch vụ tới khu phố di sản, tới đô thị và không gian sinh thái lịch sử của địa bàn.

– Sự phát triển thành phố Hội An phải được kế hoạch hóa bằng một quy hoạch tổng thể và chuyên biệt, phù hợp với đặc trưng của đô thị – di sản và dựa vào di sản như là một động lực, trong đó cần chú trọng đặc biệt việc duy trì cân bằng đô thị về phương diện hình thái học và môi trường sinh thái lịch sử – nhân văn.

– Cần ban hành quy chế đặc thù quản lý và điều tiết xây dựng trên toàn thành phố, với việc chế độ hóa quản lý xây dựng ở từng khu vực, tạo ra những vùng đệm, vùng chuyển tiếp đối với khu di sản, vùng bảo tồn cảnh quan,…

– Trong việc xây dựng dự án tiếp theo về đầu tu bảo tồn di sản Hội An, nhất thiết phải thực hiện công việc điều tra, khảo sát đặc biệt chuyên môn về hiện trạng khu phố cổ, các di tích và toàn bộ tình trạng xây dựng ở thành phố hôm nay.

12

– Cần có những chính sách và chế độ khuyến khích người dân trụ lại với phố cổ, giúp đỡ họ vay vốn hoặc giảm thuế để họ đầu tư kinh doanh, giảm bớt sự lấn lướt từ phía ngoài. Đồng thời chú trọng việc khơi nguồn và hồi sinh những giá trị, những truyền thống văn hóa đô thị đặc thù, tránh du nhập thiếu lựa chọn những hình thức hoạt động văn hóa xa lạ với một đô thị có tính cách riêng.

– Chú trọng tới thẩm mỹ đường phố, thẩm mỹ đô thị, như việc trồng hoa và trồng cây ở khắp mọi nơi có thể, lấp kín những khoảng trống rỗng mới nới ra bằng cây cỏ và hoa. Bên cạnh di sản được gìn giữ chu đáo phải là một đô thị được chăm sóc chu đáo, đô thị như thể nhà mình.

– Đã đến lúc phân tích lại cấu trúc, thành phần du khách, lợi nhuận họ mang lại và những tác hại cho ngày mai. Tính tới việc dần dà ưu tiên đầu tư phát triển du lịch cao cấp hơn, nhằm giảm bớt sức ép đối với di sản mà lại tăng thu nhập cho thành phố.

Trong công cuộc cạnh tranh giữa các đô thị, Hội An đã được lịch sử tạo cho lợi thế, chớ nên vội vã và phát triển mà quên đi cái cốt yếu ấy.

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính

(Đô thị & Phát triển số 80-81/2020)

Check Also

df4c8f78-8baa-4003-93de-f50193785257

Kiến trúc cầu Việt Nam dưới góc nhìn của nhà phê bình mỹ thuật

Sự kiện công bố phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo theo kiểu “xứ …