Home / VĂN HÓA-DU LỊCH / XÂY DỰNG NẾP SỐNG VĂN HÓA GIAO THÔNG

XÂY DỰNG NẾP SỐNG VĂN HÓA GIAO THÔNG

      Không hiểu sao khi bàn về xây dựng nếp sống văn hóa giao thông, tôi cứ hay nghĩ về Vũ Trọng Phụng. Đọc tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng viết vào những năm 30 của thế kỷ trước, độc giả có thể bắt gặp không ít chiếc ô tô phóng rất nhanh trên đường phố Hà Nội: “Thỉnh thoảng, một vài chiếc xe hơi, phần nhiều là hình cánh cam, mở hết tốc lực chạy trên con đường Bờ sông phăng phăng, đi trong thành phố mà như là trên những đường thiên lý của những nơi đồng quê vắng vẻ” (Lấy nhau vì tình, trang 29); phóng nhanh một cách có ý thức: “… nếu không để đi cho nhanh thì dùng xe hơi làm gì?” (lời một nhân vật trong Làm đĩ, trang 280); phóng nhanh đến mức gây tai nạn giao thông: “Phúc cho xe phóng nước đại. Qua phố Hàng Buồm ra đến bờ sông, anh mở đến tám chục chứ không phải sáu chục mà thôi! Chiếc xe khổng lồ văng đi như gió, đi tới đâu gieo rắc sự khủng bố cho người đi đường và bà con hàng phố tới đấy. Qua nhà nước đá, chợt sầm một cái! Anh chỉ còn kịp hãm phanh” (Trúng số độc đắc, trang 269)…

      Có lẽ Phúc là nhân vật đầu tiên của văn học Việt Nam gây tai nạn giao thông do chạy xe quá tốc độ, và cũng có lẽ Vũ Trọng Phụng là nhà văn Việt Nam đầu tiên đề cập về văn hóa giao thông trong tiểu thuyết. Từ một anh chàng nghèo khổ, thất nghiệp, ngày ngày ngồi đọc sách chờ thời ở vườn hoa Paul Bert, ngay sau khi trúng số độc đắc, nhân vật Phúc trở thành một con người khác hẳn. Qua đoạn văn trích trong tiểu thuyết Trúng số độc đắc, hẳn độc giả dễ dàng nhận ra cái anh Phúc triệu phú ngồi trên ghế ô tô sao khác với anh Phúc thuở hàn vi ngồi tĩnh lặng trên ghế đá công viên đến thế. Mà nào đã xa xăm gì, khoảng cách giữa hai hình ảnh ấy chỉ là thời gian trên dưới hai tháng. Lúc này Phúc-trúng-số-độc-đắc có rất nhiều tiền nhưng đồng thời lại thiếu rất nhiều thứ, trước hết là thiếu văn hóa giao thông… Bằng tất cả sự mẫn cảm nghệ sĩ, nhà văn Vũ Trọng Phụng đã sớm cảnh báo về một trong những khuyết tật của xã hội Việt Nam trên đường Âu hóa đương thời – và chắc không chỉ thời ông đương sống – là thiếu văn hóa giao thông…

     Có người nói rất đúng rằng văn hóa giao thông không gì khác là ý thức tôn trọng của người tham gia giao thông với những người đang cùng mình tham gia giao thông, thậm chí với cả những người không tham gia giao thông. Khi Vũ Trọng Phụng viết về Phúc-trúng-số-độc-đắc lái xe quá nhanh “đi tới đâu gieo rắc sự khủng bố cho người đi đường và bà con hàng phố tới đấy” thì người đi đường là những người đang cùng tham gia giao thông với anh ta, còn bà con hàng phố là những người không tham gia giao thông mà cũng bị anh ta khủng bố. Ở đây tôn trọng đi liền với nhường nhịn. Điều gì dẫn đến ý thức nhường nhịn? Đó chính là văn hóa xếp hàng. Khi một người biết kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt mình chứ không chen ngang lấn tới để giành lợi thế/ưu tiên thì mới có thể tự giác dừng ở giao lộ khi đèn vàng/đèn đỏ, mới có thể tự giác nhường đường cho xe cứu thương/cứu hỏa…, thậm chí khi cần mới có thể tự nguyện nhường nhịn ưu tiên/lợi thế cho người khác, chẳng hạn nhường cho xe chạy sau đang ra hiệu xin vượt…

        Xếp hàng chờ đến lượt mình là tuân thủ quy định trật tự trước – sau: ai đến sớm hơn thì được ưu tiên giải quyết trước, đương nhiên trừ những trường hợp đặc biệt như phụ nữ có thai, người khuyết tật… Nhường đường cho xe cứu thương/cứu hỏa… cũng là tuân thủ quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008 về quyền ưu tiên của một số loại xe (Điều 22). Nhường đường cho người đi bộ/xe lăn của người khuyết tật cũng là tuân thủ quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008: “Tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật. Những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường bảo đảm an toàn” (Điều 11)… Có thể khẳng định điều cốt lõi nhất của văn hóa giao thông là ý thức thượng tôn pháp luật.

IMG_5678_c        Trong năm 2016 có hai câu chuyện liên quan đến ý thức thượng tôn pháp luật của hai vị Thủ tướng. Một là câu chuyện của Thủ tướng Campuchia Hun Sen: Vé phạt đề ngày 18 tháng 6 do Trung úy Sun Nemm, cảnh sát giao thông ở thị trấn Sre Ambel thuộc tỉnh Koh Kong viết rằng một người đi xe máy tên Hun Sen đã vi phạm Điều 6 Luật Giao thông và bị phạt 15.000 riel (tương đương 82.000 đồng). Vụ việc trên diễn ra sau khi Thủ tướng Hun Sen đến tỉnh Koh Kong hôm 18 tháng 6 và thăm hỏi một tài xế xe ôm bên đường rồi “nổi hứng” đi xe máy cùng với chủ xe khoảng 250 mét mà không đội mũ bảo hiểm. Sau khi bị phạt, Thủ tướng Hun Sen chia sẻ trên trang Facebook cá nhân hôm 22 tháng 6 rằng quyền miễn trừ đối với thành viên Quốc hội mà Hiến pháp Campuchia quy định cũng như các luật khác đều không “cứu” được người phạm luật giao thông như lái xe máy không đội mũ bảo hiểm hoặc đi xe không có biển số, dù người đó là Nghị sĩ hay Thủ tướng; đồng thời đánh giá cao Trung úy Sun Nemm vì đã thực thi pháp luật mà không phân biệt đối xử và không sợ những người có quyền lực, kể cả Thủ tướng.

        Hai là câu chuyện của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc: Chiều ngày mồng 8 tháng 8, về thành phố Hội An dự Hội nghị toàn quốc về phát triển Du lịch, khi xe chạy đến ngã tư Lê Lợi – Nguyễn Thái Học, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã xuống xe đi bộ vào khu phố cổ – chỉ dành cho người đi bộ – cả cây số để thăm hỏi người dân và trò chuyện cùng du khách, không biết rằng đoàn xe công tháp tùng mình cũng đang rồng rắn chạy theo vào đường cấm ô tô. Thế nhưng vào sáng ngày 17 tháng 8, lúc kết luận Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn nghiêm khắc nhìn nhận: “Ở đây phải thấy rằng trách nhiệm của Thủ tướng trong việc quán xuyến đoàn công tác chưa tốt và Thủ tướng phải xin lỗi người dân, mong người dân thông cảm”. Thái độ thượng tôn pháp luật của Thủ tướng Việt Nam được người dân và mạng xã hội đồng tình. Chính thái độ cầu thị và tinh thần thượng tôn pháp luật này của Thủ tướng cũng đã buộc Công an tỉnh Quảng Nam phải nhận sai khi để đoàn xe công chạy vào phố đi bộ gây phản cảm.

        Qua câu chuyện của hai vị Thủ tướng, có thể thấy để hình thành văn hóa giao thông, rất cần sự gương mẫu thượng tôn pháp luật của người đứng đầu không chỉ trong việc chấp hành pháp luật mà còn trong việc ứng xử khi trực tiếp phạm luật – như trường hợp Thủ tướng Hun Sen, hoặc gián tiếp phạm luật – như trường hợp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; đồng thời cũng cần làm thế nào để mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Chính vì thế mà gần đây dư luận rất hoan nghênh đề xuất của một chuyên gia tại Hội nghị An toàn giao thông Việt Nam năm 2016 do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức sáng ngày 22 tháng 12 về việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ 2008 theo hướng luật cần quy định thống nhất một loại biển kiểm soát phương tiện giao thông trên toàn quốc, không nên như hiện nay vừa có xe biển trắng vừa có xe biển xanh, trong xe biển xanh lại chia ra xe địa phương và xe trung ương 80B, dẫn đến khả năng không bình đẳng trong xử lý vi phạm – nếu cần thì chỉ nên quy định xe con một loại biển, xe tải một loại biển như kinh nghiệm của ngành giao thông vận tải Trung Quốc./.

     Bùi Văn Tiếng

                                               Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng

ĐTPT số 67/ 2017

Check Also

THUNG LŨNG YARRA (1)

TRỞ LẠI AUSTRALIA

TRỞ LẠI AUSTRALIA Mùa lá đỏ ở thung lũng Yarra Australia cuối thu. Đúng 8 …