Home / QUY HOẠCH / Từ những điểm tương đồng giữa vật lý hiện đại và triết học phương Đông đến quy tắc ứng xử giữa con người với môi trường tự nhiên

Từ những điểm tương đồng giữa vật lý hiện đại và triết học phương Đông đến quy tắc ứng xử giữa con người với môi trường tự nhiên

Từ những điểm tương đồng giữa vật lý hiện đại và triết học phương Đông đến quy tắc ứng xử giữa con người với môi trường tự nhiên

Thế kỷ 20 cho đến nay là khoảng thời gian chứng kiến nhiều thành tựu vượt bậc của khoa học kỹ thuật và những tiến bộ trong việc nâng cao, cải thiện đời sống vật chất của con người. Nhưng thực tế cũng cho thấy rằng, nếu khoa học kỹ thuật cứ mãi phát triển chỉ nhằm phục vụ đời sống vật chất và giáo dục không đi đúng hướng trong việc nâng cao đời sống tinh thần, nhận thức, ứng xử thì sẽ gây ra tình trạng thiếu cân đối trong đời sống con người, mà chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy tình trạng mâu thuẫn giữa các sắc tộc, quyền lợi… có nguy cơ dễ dẫn đến chiến tranh hận thù với quy mô lớn, khốc liệt và dai dẵng hơn. Kèm theo, môi trường sống ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng, tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt. Hậu quả là những thiên tai, bệnh tật,… gia tăng và trở nên khó kiểm soát.

SONY DSC

Do đó, xây dựng một sự nhận thức, một thái độ ứng xử đúng đắn giữa con người với môi trường tự nhiên, môi trường xung quanh là một việc làm hết sức cần thiết khi nó góp phần chuyển hóa nội tâm, định hướng phát triển nhân loại và qua đó có thể điều hòa sự quá khích. Đồng thời hướng con người theo hướng tích cực bằng những hành động thực tế và cụ thể để không sa vào các vấn đề trừu tượng, siêu hình và mê tín lạc hậu.

Nền vật lý hiện đại cũng đã cho thấy một số điểm tương đồng trong các quan điểm triết học phương Đông, đặc biệt là Phật giáo. Trong đó, “Sự liên hệ – phụ thuộc lẫn nhau giữa tất cả các hiện tượng” là yếu tố then chốt trong những phát hiện của khoa học hiện đại và là quy tắc ứng xử chủ đạo trong nền triết học phương Đông. Sự nhận thức tương đồng này đem lại một ý nghĩa quan trọng đối với khoa học hiện đại khi nó không chỉ có thể góp phần định hướng cho khoa học phát triển một cách nhân văn hơn mà nó còn có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống cũng như quy tắc ứng xử giữa con người với môi trường, góp phần làm thay đổi từ trong gốc rễ những vấn đề xã hội, hướng con người đến “Chân – Thiện – Mỹ” một cách vẹn toàn hơn.

Với các nghành khoa học, vật lý trước đây (Cơ học Newton,…) người ta tin rằng có thể thống nhất và tính toán nhằm tiên đoán mọi sự vận hành xảy ra trong tương lai của các hiện tượng tự nhiên nếu biết các điều kiện ban đầu. Nhưng theo Thuyết lượng tử trong vật lý hiện đại – trong bình diện hạ nguyên tử – người ta lại nhận thấy rằng vật chất hiện hữu với lưỡng tính sóng-hạt và chúng không hiện hữu một cách chắc chắn tại một vị trí nhất định, mà chỉ có khuynh hướng hiện hữu. Đồng thời, những biến cố của nguyên tử không nhất thiết phải xảy ra tại một thời điểm nhất định, theo một cách thế nhất định. Chúng chỉ có khuynh hướng xảy ra, tức là nó mang tính xác suất. Xác suất này được đặt trong những mối liên hệ. Mối liên hệ này thể hiện thiên nhiên xuất hiện như tấm lưới phức tạp chứa toàn những mối liên hệ của những phần tử trong lòng một tổng thể. Những mối liên hệ này bao gồm luôn cả người quan sát, thiết bị quan sát, và cả suy nghĩ của người quan sát đối với các sự vật, hiện tượng!

Tính chất căn bản này là một trong những phát hiện quan trọng nhất bởi lý thuyết lượng tử của nền vật lý hiện đại và phát sinh ra nhiều suy luận triết học nhất, mà trước hết đó là sự phụ thuộc lẫn nhau giữa tất cả các hiện tượng. Và điều này nhất thiết phải dẫn chúng ta đến một cái nhìn tổng thể về thế giới xung quanh khi xem xét bản chất và cách thức tồn tại cuối cùng của nó. Đã có một sự so sánh như là một sự khái quát nhất các mối quan hệ từ cái vi mô đến cái vĩ mô trong lòng một tổng thể chung – như sự so sánh thú vị của nhà Bác học H.R Pagels (Group Theory) về tính tổng thể và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa tất cả các hiện tượng như sau:

   1) Các hạt tử như Quarks và dòng họ Hadoon, Lepton và Gluon là những mẫu tử.

   2) Những mẫu tử vá chắp lại thành chữ, tức là Nguyên tử.

   3) Nhiều chữ chắp lại thành câu, tức là những phân tử.

  4) Nhiều câu chắp lại thành cuốn sách, hay nhiều phân tử chắp lại thành phân căn của chúng ta hay muôn loài.

  5) Nhiều cuốn sách hay muôn loài đều nằm trong thư viện tức là vũ trụ.

Mối quan hệ này cũng gần như là một đặc điểm quan trọng nhất trong các quan niệm của triết học phương Đông, một sự tương đồng giữa hai nền văn hóa. Đó là ý thức về tính nhất thể và mối tương quan của mọi sự vật, mọi biến cố. Trong đó, nhận thức rằng mọi hiện tượng trong thế giới đều là biểu hiện của một thực thể cơ bản duy nhất, là những hiện thân khác nhau của một thực tại cuối cùng với tất cả mọi sự vật điều được xem như có liên quan với nhau và là một thành phần bất khả phân của một cái toàn thể trong vũ trụ. Các truyền thống phương Đông đều căn cứ trên thực tại cuối cùng này, một thực tại không thể phân chia mà trong Phật giáo gọi là Pháp thân, trong Ấn Độ giáo gọi là Brabman, trong Lão giáo gọi là Đạo…

Sự phụ thuộc, liên hệ lẫn nhau trong lòng một tổng thể giữa các hiện tượng cho ta thấy những hiện tượng diễn ra trên trái đất của chúng ta không chỉ có từ sự tương quan, ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh được coi như là trực tiếp bằng những quan sát và tương tác đơn thuần mà còn bởi từ những khoảng bao la xa xôi vô tận của vũ trụ mà ngành vật lý hiện đại cũng đã chứng minh qua các thực nghiệm khoa học (hiện tượng EPR, con lắc Foucault,…) đã cho thấy điều đó. Qua đó, sự phụ thuộc lẫn nhau có thể tạo ra những chuyển biến có tính chất “bất ngờ” với người quan sát trong quá trình vận động của thế giới hiện tượng. Đó là những tính chất nằm ngoài những nguyên nhân quan sát được của sự vật mà ta có thể cho là khách quan (nói một cách nôm na là “Hiệu ứng con Bướm”). Nhưng điều này không bao hàm một quyết định luận hay bởi một nguyên lý sáng thế nào cả mà nó phản ánh những tính chất trong lòng một tổng thể từ chính sự tự do của ý thức và hành vi của mỗi chúng ta. Trong đó, các sự kiện tưởng chừng như vô nghĩa hoặc gần như không có liên quan gì của chúng ta cũng có thể làm thay đổi một tiến trình từ thế giới hiện tượng. Nhưng thực ra cái sự kiện, tình huống được cho là “nhỏ”, là “không có liên quan gì” đó chỉ là quan niệm tương đối trong mối tương quan đã được cá thể hóa đối với chúng ta khi nó đã được quy giản. Xét về quan hệ tổng thể, nó còn biểu hiện của rất nhiều mối quan hệ mà ta cũng góp phần trong chuỗi mắc xích đó. Trong đó, chúng phản ánh lẫn nhau nhưng tùy theo mức độ tương quan với người quan sát mà có các mức độ biểu hiện khác nhau. Dù vậy, tính tổng thể và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa tất cả các hiện tượng có thể được xem là một quy tắc bất biến!. Và điều này cũng đem đến cho chúng ta một sự ý thức rằng, chúng ta không bao giờ nói về thế giới tự nhiên mà không đồng thời nói về chính chúng ta khi mà thế giới hiện ra như một mạng lưới gồm những tiến trình, trong đó hiện diện rất nhiều cách liên hệ cứ tạo ra nhau, chồng chéo lên nhau, tác động lẫn nhau. Và với cách đó, chúng quyết định cơ cấu của toàn bộ mạng lưới của thế giới hiện tượng mà chúng ta đang sống…

Nhưng thực tế từ thế giới chúng ta đang sống lại cho chúng ta thấy rằng, cách nhìn cũng như thái độ ứng xử của chúng ta với thế giới hiện tượng, môi trường xung quanh thường không theo cách mà với tất cả cần phải được đặt trong mối liên hệ lẫn nhau mà hay chẻ ra thành các sự vật và biến cố riêng lẽ. Sự phân chia này về cơ bản là không đúng với tính chất của hiện thực khi thế giới này không phải là một tập hợp các sự vật tách rời mà chúng kết hợp với nhau tạo thành một cỗ máy khổng lồ vận hành trong sự phụ thuộc lẫn nhau và chúng hiện diện không ngoài sự có mặt lẫn nhau. Như một chiếc Lá trên một cành Cây, ta nghĩ chiếc Lá ấy có mặt biệt lập với các chiếc Lá khác, biệt lập với cành cây, thân cây, rễ cây, biệt lập với mây, đất, trời… Thực tế chiếc Lá ấy không có mặt ngoài sự có mặt của những thứ mà ta xem là biệt lập với chiếc Lá. Chiếc Lá ấy thực ra có một sự quan hệ không thể tách rời với các chiếc Lá khác, với cành, thân, rễ cây, là một với đám mây, dòng nước, mặt đất, khí trời và ánh sáng. Thiếu một trong những thứ đó, chiếc Lá không thể nào có mặt. Nhìn sâu vào chiếc Lá, ta thấy sự có mặt của tất cả những thứ đó, chiếc Lá và những thứ đó cùng có mặt với nhau… Và điều này cũng còn có nghĩa là khi chúng ta tác động vào thế giới xung quanh là chúng ta cũng đang tác động vào chính chúng ta!. Cần phải có một sự hòa hợp, một sự hài hòa giữa con người với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội. Trong đó, sống hài hòa với môi trường tự nhiên, môi trường xung quanh cũng còn có nghĩa là chúng ta không hoàn toàn phải tuân thủ chúng mà với ý nghĩa là tất cả cùng tồn tại. Đây là một nguyên lý mà chúng ta cần phải nhận thức rõ và hết sức cần thiết để có một thái độ ứng xử đúng đắn giữa con người với môi trường tự nhiên, môi trường xung quanh nếu không muốn có những mục tiêu sai lạc trong phương hướng phát triển trong đời sống xã hội con người. Chiến tranh, mâu thuẫn giữa các sắc tộc, quyền lợi, tôn giáo, tàn phá tự nhiên… là kết quả của những sai lạc đó.

Do vậy, có thể nói, hướng về “Một” là cách và cũng là mục đích hướng tới không chỉ trong Đạo học, trong khoa học mà còn trong cách hành xử nhân văn của chúng ta với môi trường tự nhiên, môi trường xung quanh. Nhà khoa học và là người tu học Phật giáo Mathieus trong “Cái vô hạn trong lòng bàn tay” cũng đã nói: “… Sự gắn kết tất cả trong điểm khởi thủy của vũ trụ trong thuyết Big Bang (Tại thời điểm là 10-43s sau vụ nổ khởi thủy vũ trụ với kích thước vũ trụ lúc đó bằng là 10-33cm) cũng như giữa con người với nhau về mặt di truyền hay giữa con người với tự nhiên trong nguồn gốc của sự sống… đã cho thấy tính tổng thể mãi mãi là điều kiện tự nhiên của các hiện tượng”.

                                                                                                ThS.KTS Hồ Thế Vinh

                                                                                                   S 24 ĐT&PT

 

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *