Home / VĂN HÓA-DU LỊCH / TOÀN CẦU HÓA LÀ CON ĐƯỜNG PHÍA TRƯỚC

TOÀN CẦU HÓA LÀ CON ĐƯỜNG PHÍA TRƯỚC

Toàn cầu hóa là con đường phía trước

yy-1609158513

1.Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã có nhận xét là người Việt giàu trực giác hơn lý luận, sáng tạo ít, nhưng bắt chước thì tài. Khi học tập cái mới của nền văn hóa khác hay thiên về bắt chước cái vỏ hình thức bên ngoài nhưng lại thiếu sự tìm hiểu chiều sâu bên trong. Khoa học và việc nghiên cứu khoa học là cái vốn chưa từng có trong văn hóa truyền thống. Nó được du nhập từ văn hóa phương Tây vào vì được xem là phương tiện cần có để thực hiện công nghiệp hóa, nhưng chưa được nghiên cứu tường tận.

Khoa học vốn có nguồn gốc từ nền văn minh Hy Lạp – La Mã. Các quốc gia Tây Âu hình thành từ những mảnh vụn của đế quốc La Mã được kết nối lại với nhau bởi Kitô giáo. Giáo hội là tổ chức độc nhất trông coi việc giáo dục suốt thời Trung Cổ. Các giáo sư trong các trường học của nhà thờ là tiền thân của các trường đại học – nghiên cứu cả sách vở ngoại đạo và hoạt động học thuật của họ đã làm cho các thành tựu khoa học của văn minh Hy – La được tiếp nối. Thời trung cổ các thị dân có cùng nghề nghiệp đã liên kết với nhau thành các tổ chức phường hội với sự bình đẳng vị thế xã hội của các thành viên. Phường hội là trường học giáo dục lòng tự trọng và ý thức bảo vệ phẩm giá của thành viên trước sự trịch thượng của bọn quý tộc. Họ cùng nhau bảo vệ nhãn hiệu, uy tín cho phường hội bằng tài nghề và từ đó xây dựng nhân cách cũng như đạo đức nghề nghiệp. Người thợ làm ra vật phẩm kiệt tác khẳng định phẩm giá cá nhân, địa vị và tư cách của mình trong phường hội. Anh ta tìm thấy ở lao động không chỉ nguồn phúc lợi vật chất mà sự thỏa mãn thẩm mỹ trong nghề nghiệp. Các giáo sư thời trung cổ cũng đã thành lập phường hội với tinh thần đó và họ đã đặt cơ sở cho sự hình thành nên các tổ chức đại học và nghiên cứu khoa học hiện đại ở phương Tây ngày nay.

Với bề dày văn hóa như vậy các nhà khoa học ở các nước phát triển dù trải qua bao đổi thay vẫn ra sức gìn giữ đạo đức nghề nghiệp và nhân cách của mình để có được sự kính trọng của xã hội đối với giới khoa học. Nghiên cứu khoa học ngày nay được hiểu là một nghề nghiệp đặc biệt dành cho loại người có thiên hướng muốn hiểu biết, nhưng không phải chỉ là tích lũy một khối tri thức có sẵn mà còn luôn tra vấn đặt câu hỏi cho cả những gì tưởng chừng như đã được sáng tỏ. Đặc điểm này là phổ quát cho cả khoa học cơ bản lẫn ứng dụng đảm bảo tính sáng tạo vốn là thiết yếu cho nghề nghiệp khoa học. Để được tiếp nhận vào các tập thể hoạt động nghiên cứu chuyên nghiệp, họ phải trải qua một quá trình đào tạo và lọc lựa. Học vị tiến sĩ ở hầu hết các nước được hiểu là sự xác nhận khả năng nghiên cứu chuyên nghiệp để có thể bắt đầu sự nghiệp, chứ không hề có ý nghĩa xác nhận đỉnh cao khoa học như nhiều người lầm tưởng. Từ những kết quả khoa học đi đến những ứng dụng công nghệ là một quá trình đòi hỏi nhiều ngành nghề tham gia và thuật ngữ “khoa học kỹ thuật” thường được dùng để chỉ một phức hợp gồm nhiều ngành nghề liên quan với nhau. Khoa học thời hiện đại không còn là công việc của một vài cá nhân xuất chúng hoạt động đơn lẻ như thời đại của New- ton xưa kia. Nghiên cứu khoa học trở thành hoạt động mang tính công khai và liên thông toàn cầu.

Việt Nam ta là một nước nông nghiệp với truyền thống văn hóa Nho giáo lâu đời. Thương nghiệp bị khinh miệt. Nghề thủ công cũng bị áp chế không thể phát triển. Thợ giỏi thì bị bắt vào làm trong công xưởng suốt đời nên tài nghề của thợ không có lợi cho họ. Nghề nông cột chặt người nông dân với làng xã. Chỉ có kẻ sĩ là tầng lớp được xã hội trọng vọng nhất. Họ là những người được đào tạo qua trường lớp với nội dung là chữ Hán và văn chương bát cổ của Trung Hoa. Nếu vượt qua kỳ thi họ sẽ thành các tiến sĩ, trạng nguyên được ghi danh bia đá. Họ sẽ được ra làm quan hay mở trường dạy học. Trong xã hội Việt Nam xưa đó là con đường độc đạo để người dân thường thoát khỏi thân phận thấp hèn trong xã hội. Văn chương bát cổ Trung Hoa chỉ dùng để khảo thí chứ không có công dụng nào khác. Lỗ Tấn gọi nó là “hòn gạch gõ cửa” để vào chốn quan trường, cửa mở rồi thì có thể vứt gạch đi.

Với chúng ta hôm nay, khoa học kỹ thuật được tôn vinh như chìa khóa giúp đất nước mở cánh cửa công nghiệp hóa. Do hoàn cảnh lịch sử mà trong một thời gian dài xã hội ta chưa có sự giao lưu nhiều với các nước có nền khoa học kỹ thuật phát triển nên sự hiểu biết về khoa học kỹ thuật chưa được thấu đáo. Chúng ta chưa quan tâm tìm hiểu bản chất của nền khoa học kỹ thuật như một chỉnh thể được cấu thành từ nhiều yếu tố văn hóa phương Tây khác biệt với nền văn hóa truyền thống của ta. Vì vậy, đa số người Việt hiểu về khoa học kỹ thuật bằng trực giác theo những ý niệm văn hóa truyền thống xưa: người ta hiểu khoa học kỹ thuật như một tri thức cần học và học nó bằng cung cách như các nhà nho xưa học văn chương bát cổ, nghĩa là dùi mài kinh sử của thánh hiền. Người nào vượt qua kỳ thi trở thành tiến sĩ ắt sẽ có rất nhiều cơ hội để thăng tiến… Các vị có bằng cấp cao được coi là những người “tiên tri, tiên giác” có sẵn lời giải đáp cho mọi vấn đề chuyên môn. Cái khuôn mẫu trật tự của Nho giáo được phủ lên bởi những ngôn từ mới mẻ, nhưng tinh thần đẳng cấp địa vị chiếu trên chiếu dưới cũng chẳng khác xưa bao nhiêu. Chính vì cách nhìn như vậy mà nhiều người chẳng có chút ham muốn hiểu biết tìm tòi nào cũng xông vào các ngành khoa học để tìm kiếm “hòn gạch gõ cửa”, cửa mở rồi thì vứt bỏ gạch đi, cửa chưa mở thì còn loay hoay tìm kiếm – tức là nghiên cứu khoa học. Một tập thể khoa học mà có nhiều người lo tìm gạch gõ cửa thì khó mà có được đạo đức nghề nghiệp và sản phẩm làm ra không thể có chất lượng. Nếu những người thẩm định giá trị lại là những người đã vứt gạch đi rồi thì nền khoa học tù mù là một kết quả không đáng ngạc nhiên.

2.Ngày hôm nay, toàn cầu hóa là con đường phía trước. Mặc dù một số trong chúng ta có thể thích nhắm mắt làm ngơ về thời đại toàn cầu hóa, đây không phải là một lựa chọn song cũng một số các nhà khoa học, kinh tế… lại toàn tâm toàn ý nắm lấy cơ hội này. Nhận định khách quan như vậy để thấy rằng, chúng ta không thể bỏ qua ảnh hưởng của nó vì dù chúng ta có làm gì thì toàn cầu hóa vẫn luôn hiện diện. Để thu hẹp khoảng cách rất lớn giữa các quốc gia công nghiệp phát triển và chính chúng ta, chúng ta phải chấp nhận những khía cạnh tích cực của toàn cầu hóa, trong khi đánh giá và loại bỏ những tiêu cực. Vì đây là môi trường mà sự tương tác quốc tế sẽ diễn ra trong hiện tại cũng như tương lai và nó bắt rễ trong nền kinh tế, năng suất, truyền thông, công nghệ tiên tiến. Nếu chúng ta được soi sáng với một nền khoa học thực thụ cùng tiếp cận trên con đường toàn cầu hóa, chúng ta có thể được hưởng phần xứng đáng sự giàu có của thế giới. Từ chối nó thì chúng ta vẫn mãi loay hoay trong bóng tối của thời đại.

Khi xem xét lịch sử khoa học và kinh tế thế giới, chúng ta thấy các đặc điểm riêng biệt của hai thời đại mà xã hội ta đã trải qua, đó là: “thời đại nông nghiệp” và “thời đại công nghiệp”. Tuy nhiên những gì đã trải qua, thì hôm nay trong hơn hai thập niên của thế kỷ 21 chúng ta cũng đều chứng kiến sự xuất hiện của một thời đại kinh tế thứ ba, được một số người gọi là “nền kinh tế thông tin” hay “thời đại 4.0”.

Thời đại này bao gồm một nền kinh tế toàn cầu kết nối chặt chẽ trong hầu hết các lĩnh vực. Do thời đại này đòi hỏi phản ứng nhanh và phụ thuộc vào công nghệ rất tinh vi. Với một nền kinh tế vô hình phát triển mạnh về kiến thức và ý tưởng sáng tạo, vì vậy có thể được gọi bằng cái tên thứ tư là “thời đại của tư duy sáng tạo”. Chúng ta cũng hy vọng người ta không phát minh thêm tên gọi nào nữa gây phức tạp vấn đề hơn!

Dù gọi bằng tên gì, cũng giống như sản xuất công nghiệp không thay thế nông nghiệp, nền kinh tế thông tin sẽ không thay thế nền kinh tế công nghiệp. Thực tế, cách mạng công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, trong khi khoa học công nghệ mới đóng vai trò tương tự trong việc thúc đẩy công nghiệp.

Tầm quan trọng của nền kinh tế thông tin không giới hạn trong giá trị nội tại của nó như là một khu vực độc lập, mà bao gồm khả năng tiếp thêm năng lượng giúp tăng trưởng nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, cũng như tăng hiệu suất của các ngành này, giảm chi phí, mở ra tầm nhìn phát triển mới và tạo cơ hội mà các nền kinh tế trước đó không thể tự tạo ra. Nếu điều này được thực hiện bởi những quyết tâm bằng những nỗ lực với tư duy sáng tạo của các nhà khoa học chúng ta, chúng ta sẽ không còn nói về một nền kinh tế “mới” “cũ”…

3.Nhận định và tiếp cận giữa tư duy cũ – mới nói trên, chúng ta có thể nhận định rằng yếu tố tư duy sáng tạo của con người là then chốt cho sự phát triển. Vậy làm thế nào để nuôi dưỡng sự sáng tạo có đam mê, có cơ hội và động lực thúc đẩy. Câu hỏi được đặt ra, vai trò và tổ chức nào là người nuôi dưỡng và ai sẽ phải là nhạc trưởng truyền cảm hứng đến cho họ để tạo ra những ý tưởng tuyệt vời, giúp họ hay tổ chức của họ phát triển và biến những ý tưởng sáng tạo của họ thành những dự án lớn cũng như cơ hội việc làm. Không có gì giết chết sự sáng tạo, những người sáng tạo sẽ dẫn đầu trong công việc, hoàn thành nhiệm vụ của họ, nâng cao năng lực và năng suất.

Tiêu chuẩn và những cân nhắc hiện nay không còn giống như trong quá khứ và sự tiến bộ có thể được thực hiện bằng công nghệ cực kỳ nhanh chóng sẽ không diễn ra trong một hoặc hai giai đoạn tại một thời điểm, mà là bước nhảy vọt. Các nền khoa học, kinh tế mới bỏ qua ranh giới địa lý và chính trị, mở cửa cho tất cả những người tham gia vào nó. Các nhà khoa học, các nhà kinh doanh các nhà báo hay các hoạt động đơn lẻ đều có thể làm việc bất cứ nơi nào mà các phương tiện và dịch vụ thiết yếu của họ sẵn có.

Những kẻ tiên phong trong thời đại này sẽ hưởng lợi từ các cơ hội do nền kinh tế mới đem lại, đồng thời sẵn sàng làm chủ những thách thức, thay đổi và các vấn đề nảy sinh bằng những cố gắng thích nghi với nó cùng sức mạnh trên nền tản kiến thức – khoa học – thông tin và ý tưởng.

Nguyễn Cửu Loan
Chuyên đề Đô thị 

Check Also

THUNG LŨNG YARRA (1)

TRỞ LẠI AUSTRALIA

TRỞ LẠI AUSTRALIA Mùa lá đỏ ở thung lũng Yarra Australia cuối thu. Đúng 8 …