Home / QUY HOẠCH / QUY HOẠCH / Tổ chức không gian Xanh đô thị Đà Nẵng

Tổ chức không gian Xanh đô thị Đà Nẵng

     Cùng với sự phát triển của nền kinh tế cả nước, Đà Nẵng đã có những bước phát triển liên tục ở nhiều lĩnh vực. Công nghiệp hóa cùng với đô thị hóa đã diễn ra khá đồng bộ và ngày càng mở rộng hơn khắp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, mức sống vật chất của xã hội cũng ngày một nâng cao, nhu cầu vui chơi giải trí của người dân cũng được đáp ứng. Cùng với sự phát triển kinh tế, nguy cơ về sự suy thoái môi trường, đặc biệt là không gian xanh đô thị ngày càng bị thu hẹp, tỷ lệ nghịch với sự phát triển không gian kiến trúc đô thị. Trước thực tế ấy, vấn đề phát triển bền vững đang là một vấn nạn đối với các nhà quản lý, các nhà quy hoạch Đô thị.
Trong sự phát triển chung của đô thị Đà Nẵng, không gian xanh được đánh giá là một trong những giá trị cần được quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mật độ cây xanh trong khu dân dụng lại rất thấp, môi trường sống chưa được cân bằng và phù hợp. Trên đà đô thị hóa, những khu dân cư, thương mại, công nghiệp sẽ tiếp tục hình thành, mở rộng kéo theo sự phát triển về cơ sở hạ tầng, giao thông. Chính vì vậy mà tầm quan trọng của Quy hoạch cảnh quan – cây xanh cần phải được nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá nhằm đáp ứng xu hướng thời đại vươn tới sự hài hòa trong mối quan hệ con người – xã hội – thiên nhiên. Bảo đảm cho sự ổn định về mặt cấu trúc không gian, chất lượng môi trường, không gian hoạt động nghỉ ngơi – giải trí – sinh hoạt của cộng đồng là tiến tới thiết lập môi trường bền vững cho cuộc sống con người.
Xin nêu ra một số kiến giải về “Tổ chức không gian xanh đô thị Đà Nẵng” như một tham khảo góp thêm cho hệ thống lý luận chung nhằm định hướng cho việc quy hoạch xây dựng phát triển không gian thích dụng, thẩm mỹ, bền vững, kinh tế cho Đà Nẵng.
Không gian xanh, được hiểu là hệ thống cây xanh đô thị Đà Nẵng có tính đến sự kết hợp các yếu tố sông nước, địa hình; chúng bao gồm cây xanh dân dụng (cây xanh nội đô) và cây xanh ngoài dân dụng (cây xanh ngoại vi đô thị), cụ thể là các loại hình cây xanh công viên, vườn hoa, cây xanh đường phố, cây xanh kỹ thuật, phòng hộ, cách ly, cây xanh bảo tồn, cây xanh các khu công nghiệp, quốc phòng…
Từ việc xác định như trên, nhìn vào thực trạng không gian xanh đô thị Đà Nẵng, ta thấy: Đối với cây xanh ngoài dân dụng, Đà Nẵng có tiềm năng rất phong phú. Những dãy núi vây quanh thành phố với cây xanh tươi tốt quanh năm, đó là: Cụm Hải Vân (Tây – Bắc), cụm Ngũ Hành Sơn (Đông – Nam), cụm Sơn Trà (Đông – Bắc), cụm Phước Tường, Bà Nà (Tây và Tây–Nam). Các cụm cây xanh tự nhiên này, đã trở thành cây xanh phòng hộ khá tốt cho đô thị Đà Nẵng. Bên cạnh địa hình núi non, biển Đông và dòng sông Hàn quanh co uốn lượn cùng với sông Cẩm Lệ, sông Cái chạy dài, đã tạo thành một lưu vực xanh trải dài khá thoáng đãng và phong phú cho đô thị Đà Nẵng.

    Đối với cây xanh dân dụng, bao gồm: Cây xanh công viên, vườn hoa, vườn dạo, cây xanh đường phố… lại khá “khiêm tốn”.
– Tại Đà Nẵng, cây xanh dành cho công viên rất ít, trước năm 2000 chủ yếu chỉ có công viên 29-3. Sau khi điều chỉnh quy hoạch trên diện rộng, nhiều mảng xanh cũng đã xuất hiện trên họa đồ quy hoạch tổng thể đô thị và quy hoạch chi tiết Đà Nẵng. Thực tế một số công viên mới cũng đã bắt đầu hình thành cụ thể như công viên trung tâm 2-9…, nhưng tất cả vẫn còn ở phía trước.
– Cây xanh vườn hoa cũng đang manh nha hình thành từ những dự án nhỏ của từng khu vực, số lượng và chất lượng đã khởi sắc và tốt hơn trước rất nhiều. Yếu tố nghệ thuật thường hướng về xu thế hiện đại.
– Cây xanh đường phố đang là vấn đề có nhiều bàn luận, từ chủng loại cây xanh đến không gian ảnh hưởng và đặc trưng nghệ thuật mà nó biểu hiện trong từng khu vực. Đặc biệt các chủng loại cây trồng trên đường phố tự phát, ít giá trị như trứng cá, bả đậu, gòn, bàng… đã dần dần được thay thế bằng các chủng loại cây lưu niên có giá trị cao.

     Tuy nhiên, ngược với chiều hướng phát triển của cây xanh phòng hộ bảo tồn, loại hình cây xanh kỹ thuật ngăn gió bão, cát… là mảng xanh ít thành công nhất đối với đô thị Đà Nẵng. Dù với nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng hiện trạng cây xanh kỹ thuật gần như bị xóa sạch trên bản đồ quy hoạch thành phố Đà Nẵng, đó là một thực tế cần nghiên cứu, xem xét.
Từ những thực tế trên, một câu hỏi được đặt ra đối với chúng ta là: Tổ chức không gian xanh đô thị Đà Nẵng phải như thế nào để có khả năng tái lập được môi trường bền vững cho cuộc sống cư dân tại đây?

    Phân tích thực trạng không gian xanh Đô thị Đà Nẵng cho thấy:
Mặt mạnh: Cây xanh ngoài dân dụng còn rất phong phú, đây là đặc trưng của Đô thị Đà Nẵng, nó là cơ sở phát huy và tái lập không gian xanh nội đô vốn tồn tại khá khiêm tốn và ít ỏi. Điều đáng mừng là hầu hết các quy hoạch chi tiết trong địa bàn thành phố Đà Nẵng đều đã chú trọng phát triển không gian xanh Đô thị, đó cũng là mặt mạnh cho định hướng phát triển Đô thị bền vững.
Mặt yếu: Trên thực tế, điều kiện khách quan thường xuyên tàn phá các không gian xanh Đô thị Đà Nẵng nhiều nhất chính là thiên tai, gió bão xảy ra gần như hàng năm. Bên cạnh yếu tố tự nhiên, yếu tố chủ quan của con người khi cố tình tàn phá, không thương tiếc các không gian xanh, vốn đã quá ít của Đà Nẵng qua các dự án phát triển kinh tế, du lịch, công nghiệp… cũng cần được xem xét chấn chỉnh.
Cơ hội: Chủ trương chung của chính quyền thành phố Đà Nẵng là phát triển một Đô thị xanh với môi trường bền vững, đây là cơ hội tốt cho những nhà khoa học xây dựng và quản lý đô thị. Cơ hội cho những dự án phát triển không gian xanh Đô thị Đà Nẵng là rất lớn và khá hiện thực.
Thách thức: Không gian xanh đối với bất kỳ một Đô thị nào cũng rất cần thiết và quan trọng, nhưng giá trị đích thực của nó được xác định từ khía cạnh phi vật chất qua các giá trị thẩm mỹ, văn hóa, môi sinh…, nó không mang giá trị kinh tế theo nghĩa vật chất. Chính vì lẽ đó, khi một xã hội đang hướng đến các giá trị kinh tế mang tính vật chất và xem đó là một cứu cánh như hiện nay thì các giá trị phi vật chất càng ít được chú trọng, điều đó có nghĩa là không gian xanh Đô thị, dù được xác định là cần thiết, sẽ dễ bị xem là thứ yếu. Cho đến khi đạt được các giá trị cần thiết, việc hướng đến các giá trị phi vật chất là quá muộn.

    Nhìn ra một vài quốc gia tiên tiến trên thế giới có thể nhận định khái quát một số kinh nghiệm về mảng xanh đô thị như sau:
Ở Berlin, hệ thống cây xanh được xem là một công thức, một thước đo cơ bản cho sự phát triển của một đô thị bền vững. Mật độ xây dựng cao và việc tạo ra một môi trường tốt luôn ảnh hưởng mạnh đến sự phát triển của trung tâm thành phố. Hệ thống cây xanh được xem là một công thức, một thước đo cơ bản cho sự phát triển của một đô thị bền vững. Ở Berlin, việc thiết lập hệ thống cây xanh, đảm bảo cho sự phát triển hài hòa đồng đều của một đô thị được xem như một sắc lệnh mang tính pháp lý cao.
Tại London, cây xanh hiện diện như một phần sống của Đô thị, dù rằng diện tích và mật độ của các tòa nhà cao ốc khá cao cũng không làm giảm bớt mảng xanh trong lòng đô thị.
Trở lại quy hoạch tổng thể Đô thị Đà Nẵng, định hướng hệ thống công viên cây xanh đến năm định hình 2020 chỉ là sự kết hợp quy hoạch cây xanh với TDTT… cụ thể như sau: “Nâng cấp sân vận động Chi Lăng 4,5ha, Xây dựng Trung tâm TDTT tại Hòa Minh gắn với Trung tâm TDTT Quốc gia 3, Xây dựng Trung tâm TDTT thành tích cao trong công viên 2-9, Xây dựng Trung tâm TDTT cấp quận kết hợp công viên cây xanh tại các quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà và thị trấn huyện lỵ Hòa Vang, quy mô 10 – 15ha cho một khu”.

     Theo định hướng quy hoạch tổng thể với quy mô cây xanh như trên, kết hợp với các mảng xanh hiện hữu tại Đà Nẵng, đến năm 2020 diện tích cây xanh công viên trên tính toán chỉ có thể đạt được khoảng 200ha (CV 29/3 xấp xỉ 20ha, CV 2/9 xấp xỉ  105 ha, các CV cấp quận 5×15= 75ha) và ước tính khoảng 70ha (1/3 diện tích cây xanh công viên) cho các loại hình cây xanh công cộng khác trong nội đô (Cây xanh đường phố, vườn hoa, vườn dạo…). Như vậy đến năm 2020, cây xanh nội đô trên tổng thể Đô thị Đà Nẵng diện tích chỉ khoảng 270ha.
Với quy mô dân số định hướng đến năm 2020 trung bình là 1.350.000 dân (1,2 – 1,5 triệu dân), chỉ tiêu cây xanh khu dân dụng cho đô thị loại I trung bình là 6,5m2/người thì diện tích cây xanh phải là 8.775.000m2 (877ha). Như vậy so với quy chuẩn quốc gia vừa nêu, thì chỉ tiêu cây xanh trên tổng thể nội đô (khu dân dụng) Đô thị Đà Nẵng theo quy hoạch chỉ đạt khoảng hơn  so với chỉ tiêu quy định. Kết quả này chưa hợp lý đối với đô thị loại I có chức năng du lịch như Đà Nẵng.

    Qua các nội dung nêu trên xin được nêu ra một số đề nghị mang tính khái quát về “Tổ chức không gian xanh đô thị Đà Nẵng”:

  1. Đối với cây xanh khu dân dụng:

– Nâng cao chỉ tiêu cây xanh công viên lên từ 3 đến 4 lần định hướng quy hoạch tổng thể cây xanh hiện nay đảm bảo môi trường sinh thái thật tốt cho một đô thị có chức năng du lịch như Đà Nẵng.
– Có kế hoạch, nâng cấp mở rộng lề đường nội đô từ 3m trở lên để tạo thuận lợi cho việc trồng cây xanh đường phố và không gian xanh cho người đi bộ. Kết hợp không gian xanh đường phố với các điểm nhìn cảnh quan và khoản lùi mặt đứng được xác định qua chỉ giới xây dựng.
– Chọn cây xanh trồng trên đường phố nên là cây lưu niên (niên hạn trên 50 năm), rễ trụ, tán gọn, ít tẻ cành, ít rụng lá, dẽo dai, dáng đẹp.

  1. Đối với cây xanh ngoài dân dụng:

    Có kế hoạch bảo tồn cụ thể đối với các rừng cây xanh phòng hộ tự nhiên trên các cụm núi Hải Vân, Sơn Trà, Bà Nà, Phước Tường. Không phát triển các khu du lịch lấn sâu vào các vùng bảo vệ của rừng phòng hộ và khu vực môi sinh có giá trị.
– Có kế hoạch phục hồi dãy cây xanh kỹ thuật chống gió, cát dọc bờ biển phía Bắc và phía Đông thành phố Đà Nẵng. Dãy đất này rất cần thiết cho một Đô thị tiếp cận trực tiếp với Biển Đông có tần suất bão khá cao trên toàn khu vực vùng biển Đông. Cây xanh kỹ thuật được đề nghị là cây lá kim, rễ trụ, dẽo dai, dáng đẹp, chịu mặn cụ thể là cây Dương truyền thống, không trồng độc lập mà trồng theo dãy với bề ngang trung bình từ 50m trở lên (20 hàng cây, mỗi hàng cách khoảng trung bình 2,5m theo dạng so le).
– Tùy theo cấp độ ô nhiễm của từng khu, cụm công nghiệp, cần bố trí các dãy cây xanh cách ly phù hợp theo quy chuẩn quốc gia hiện hành.
Vì một thành phố Đà Nẵng xanh, đẹp, năng động và sáng tạo; vượt qua các thách thức về kinh tế trước mắt, dù phải “hy sinh” một số diện tích “vàng” để phát triển không gian xanh vì lợi ích cộng đồng, vì giá trị môi sinh và môi trường cảnh quan; chúng ta vẫn phải thực thi.

TS. KTS  Phạm Anh Dũng
ĐTPT Số 23/2009
(ảnh sưu tầm)

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …