Từ một vùng đất hoang vu, nằm hai bên bờ con sông Hàn, sát bờ biển những năm đầu thế kỷ thứ XIV, đến hôm nay Đà Nẵng đã trở thành một trong những đô thị hiện đại của cả nước và khu vực, là điểm đến của đông đảo du khách quốc tế.
Quá trình phát triển của đô thị Đà Nẵng gắn liền với các quy hoạch đô thị. Từ bản quy hoạch đầu tiên do người Pháp thực hiện cách đây 133 năm, Đà Nẵng được định hình theo mô hình đô thị công nghiệp, với hệ thông giao thông bàn cờ, các phân khu chức năng như khu ở, khu làm việc, khu buôn bánđược minh định mạch lạc, cho đến nay Đà Nẵng đã thực hiện nhiều quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, trong đó tập trung nhiều nhất trong vòng 28 năm gần đây khi Đà Nẵng chính thức trở thành đơn vị hành chính trực thuộc trung ương. Các bản quy hoạch đô thị không chỉ là căn cứ pháp lý giúp cho chính quyền thành phố làm cơ sở để xây dựng kế hoạch phát triển đô thị, mà còn là sản phẩm khoa học, kết tinh trí tuệ tập thể xã hội. Sau mỗi lần quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch,hình hài đô thị Đà Nẵng trở nên rõ nét, sinh động và liên tục phát triển về quy mô, từ dân số đô thị, đất xây dựng đô thị đến chất lượng hạ tầng đô thị. Rất khó để có thể phân chia một cách cụ thể các giai đoạn phát triển của đô thị Đà Nẵng do ảnh hưởng của nhiều biến cố lịch sử. Tuy nhiên, xét về khía cạnh quy hoạch, có thể tạm chia các thời kỳ đô thị hóa của Đà Nẵng thành 4 giai đoạn : Giai đoạn đô thị thực dân (1888-1945), Giai đoạn đô thị phục vụ chiến tranh (1945-1975), Giai đoạn đô thị thuộc tỉnh (1975-1997), Giai đoạn đô thị trực thuộc Trung ương ( 1997 – Nay).
1. Giai đoạn đô thị thực dân (1888-1945):
Cho đến nay chúng ta không xác định được thời điểm cũng như nội dung của bản quy hoạch mà Toàn quyền Đông Dương đã sử dụng để xây dựng Đà Nẵng thời kỳ đầu của quá trình đô thị hóa. Nhưng bộ mặt đô thị Đà Nẵng hình thành trong giai đoạn 1888- 1945 cho thấy, lần đầu tiên thành phố Đà Nẵng được xây dựng theo một bản qui hoạch đô thị có tầm nhìn lâu dài, khoa học, có chủ đích, hướng đến một mô hình đô thị công nghiệp, làm nền tảng quan trọng để phát triển Đà Nẵng những năm sau.
Trong giai đoạn phát triển này, hệ thống hạ tầng và không gian đô thị được ưu tiên phát triển. Dựa trên bản quy hoạch được phê duyệt, hệ thống hạ tầng bao gồm đường đô thị kết nối thông suốt, hệ thống thoát nước, cây xanh, chiếu sáng được đẩu tư xây dựng khang trang, bền vững. Hệ thống đường nội thị, đường phố có mạng lưới hình bàn cờ, ô phố, mặt đường được trải nhựa, có vỉa hè là cấu trúc giao thông điển hình của đô thị công nghiệp hình thành nên khung xương sống cho đô thị.Từ 13 con đường cuối thể kỷ thứ XIX đến năm 1945 Đà Nẵng có 45 con đường có tên. Thành phố được chiếu sáng ban đầu bằng dầu lửa, đèn khí đá, sau này là năng lượng điện. Việc thu gom rác được thực hiện bằng xe bò [1].
Không gian đô thị mở rộng hướng từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, từ hai phía biển vào phía trong nội địa, dọc theo tả ngạn sông Hàn. Qui mô đô thị được xây dựng trong phần nhượng địa có diện tích là 10.000 ha năm 1889 gồm có 5 xã , năm 1901 tăng lên 19 xã. Qui mô dân số đô thị tăng khá nhanh, từ 9.892 ngườinăm 1888 lên đến 50.900 người năm 1943. Tốc độ bình quân giai đoạn 1921-1936 là 3,5%/năm[2].
Tuy diện tích đô thị khá nhỏ nhưng các phân khu chức năng đô thị khá rõ ràng từ tổng thể đến chi tiết, bao gồm các khu vực ở cho người Việt, khu ở cho người nước ngoài, khu thương mại, khu hành chính, khu văn hóa, khu công nghiệp… được thiết lập. Các khu hành chính, thương mại được quy hoạch trở thành trung tâm của đô thị, các khu công nghiệp được xây dựng khá xa khu trung tâm được kết nối bằng hệ thống đường sắt. Các công trình giao thông đầu mối như sân bay, ga đường sắt được lựa chọn địa điểm bố trí kỹ lưỡng. Trên cơ sở các phân khu được thiết lập, nhiều công trình kiến trúc hiện đại, mang đậm phong cách châu Âu, là công sở, văn phòng công ty và các công trình công cộng được xây dựng.
Mặc dầu được quy hoạch theo mô hình đô thị công nghiệp, nhưng trong giai đoạn này, Đà Nẵng được xây dựng và quản lý theo mô hình đô thị thực dân. Đô thị Đà Nẵng phát triển thiếu cân đối cả về không gian đô thị lẫn hạ tầng đô thị, thực chất chỉ được hình thành chủ yếu phía bên tả ngạn sông Hàn, tập trung vào ranh giới 5 xã theo đạo dụ 1888, nơi được xem là trung tâm thành phố, chỉ dành cho người Pháp. Hệ thống hạ tầng phát triển không đồng bộ, chỉ chú trọng đầu tư các công trình có thể khai thác thuộc địa nhanh nhất, sớm nhất là các công trình hạ tầng giao thông như hệ thống đường sắt, đường bộ. Khu vực tả ngạn sông Hàn, khu vực người Việt sinh sống hầu không được đầu tư các điều kiện về hạ tầng thiết yếu vì vậy đời sống, sinh hoạt của người dân vẫn là khu vực nông thôn. Đô thị chưa hình thành bản sắc, phần lớn các công trình kiến trúc được xây dựng theo nguyên mẫu châu Âu. Được xem là đô thị loại II và là một trong 5 đô thị lớn của cả nước thời bấy giờ nhưng cho đến khi kết thúc thời gian là nhượng địa (1945), sau gần 60 năm phát triển Đà Nẵng cơ bản vẫn là một đô thị nhỏ, cả về không gian đô thị, dân số và qui mô kinh tế, không tương xứng với vị thế, tầm quan trọng của một đô thị được quy hoạch trở thành đô thị hàng đầu của khu vực Miền Trung.
Đà Nẵng xưa (ảnh tư liệu)
2. Giai đoạn đô thị phục vụ chiến tranh (1945 -1975):
Phần lớn thời gian phát triển của Đà Nẵng trong giai đoạn này chịu ảnh hưởng của chiến tranh. Nằm ở vị trí hết sức quan trọng về quốc phòng, có hệ thống giao thông thuận lợi, kế thừa kết quả phát triển đô thị giai đoạn 1888- 1945, Đà Nẵng được xác định là đô thị lớn thứ hai ở miền Nam Việt Nam, cấp đô thị là thị xã với quy mô đô thị năm 1971 là 8.300 ha,quy mô dân số đô thị tăng rất nhanh từ 50.000 người năm 1956 lên là 440.058 ngườinăm 1972, khoảng gần 1 triệu người năm 1975 với tốc độ tăng trung bình giai đoạn 1960 -1970 là 15,08%, cá biệt có hai năm 1966, 1969 tốc độ tăng dân số đột biến lần lượt là 38,8% và 26,7%.[3]
Thị xã Đà Nẵng có 4 cấp hành chính gồm cấp thị xã, 3 quận : I, II, III, 28 khu phố và 138 khóm, do một sĩ quan quân đội đứng đầu. Quy mô dân số trung bình mỗi khu phố là 20.000 đến 40.000 người. Với tính chất là đô thị phục vụ cho chiến tranh, phần lớn các công trình hạ tầng được ưu tiên đầu tư là các công trình quân sự như kho tàng ở khu vực Thọ Quang (Sơn Trà), Cảng Tiên sa (1973), cầu Nguyễn Hoàng sau này là cầu Nguyễn Văn Trỗi (1965), mở rộng sân bay Đà Nẵng, xây mới sân bay Nước Mặn. Chỉ có một số lượng không nhiều các công trình dân sinh được quan tâm đầu tư như thư viện Đà Nẵng (1972), cải tạo trường trung học, chợ và cảng cá, trung tâm y tế, công viên Quốc tế, cải tạo và nâng cấp một số tuyến đường đô thị (1971). Toàn thị xã có từ 52.222 nóc nhà (1971) tăng lên 53.602 nóc nhà (1972), hầu hết là nhà tạm và bán kiên cố, thấp tầng, trong đó có trên 13 ngàn “ nhà chồ” được xây dựng ở mép nước nằm chủ yếu ở bờ Đông sông Hàn. Các công trình xây dựng quy mô nhỏ, hoàn toàn không có dấu ấn kiến trúc. Mật độ xây dựng tại quận I cao hơn các quận còn lại.
Không gian đô thị Đà Nẵng trong giai đoạn này được mở rộng về phía Đông, hữu ngạn sông Hàn và về phía Tây Bắc, tả ngạn sông Hàn. Đồng thời việc đầu tư xây dựng các căn cứ quân sự bên ngoài đô thị Đà Nẵng đã vô tình kéo theo sự phát triển của quy mô đô thị không chính thức làm cho không gian đô thị thực tế của Đà Nẵng lớn hơn ranh giới quản lý hành chính. Tuy nhiên, do không phục vụ cho mục đích dân sinh nên hệ thống hạ tầng đô thị của các khu vực mở rộng yếu kém, thiếu đồng bộ. Sự gia tăng đột biến của dân cư đô thị do di cư ào ạt làm cho hệ thống hạ tầng càng trở nên quá tải, hình thành các khu ổ chuột đô thị ven sông, ven khu vực đầu mối giao thông, các khu dân cư tự phát làm phá vỡ quy hoạch và cấu trúc không gian đô thị.
Như vậy trong vòng 30 năm tiếp theo, đô thị Đà Nẵng đã có sự phát triển về quy mô đô thị, bao gồm không gian, diện tích đô thị và đặc biệt là việc gia tăng mạnh mẽ dân số đô thị. Đà Nẵng cũng đã kế thừa được kết quả phát triển đô thị và bản vẽ quy hoạch đô thị của giai đoạn trước, tập trung phát triển hệ thống giao thông nội đô, giao thông đầu mối, hạ tầng kỹ thuật đô thị, các công trình dân sinh phục vụ đô thị. Tuy nhiên do ảnh hưởng của chiến tranh, Đà Nẵng đã không được phát triển theo đúng vị trí, vai trò của một đô thị là trung tâm kinh tế, văn hóa của khu vực, mà được đầu tư xây dựng trở thành căn cứ quân sự khổng lồ, là đô thị phục vụ chiến tranh.Hệ thống hạ tầng đô thị thiếu đồng bộ, quá tải không đảm bảo phục vụ điều kiện sống của người dân. Bộ mặt kiến trúc đô thị nghèo nàn, thiếu bản sắc. Các công trình đô thị, công trình nhà ở thiếu bền vững, tạm bợ.
Đà Nẵng sau ngày giải phóng (ảnh tư liệu)
3. Giai đoạn đô thị trực thuộc tỉnh (1975 -1997):
Trong giai đoạn này đô thị Đà Nẵng có thể được chia thành nhiều thời kỳ phát triển.
Thời kỳ 1975-1978, Đà Nẵng tồn tại dưới hình thức là 3 đơn vị hành chính cấp quận trực thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng với nhiệm vụ chính là khôi phục lại các hoạt động kinh tế xã hội thông qua việc củng cố chính quyền, cải tạo tư bản, thúc đẩy phát triển công nghiệp, sửa chữa các công trình hạ tầng bị chiến tranh phá hủy.
Thời kỳ 1978-1985 Đà Nẵng được hình thành là thành phố trực thuộc tỉnh dựa trên việc sát nhập 3 quận với hai cấp hành chính gồm:cấp thành phố và 28 phường, được xác định là thành phố cảng, tỉnh lỵ và là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Diện tích đất tự nhiên (1986) là 9.515 ha, trong đó diện tích đất đô thị là 4.238 ha. Dân số tăng từ 319.100 người (1979) lên 353.100 người (1984), tốc độ tăng trung bình là 2,1%. Không gian đô thị chật hẹp gói gọn trong phạm vi 3 quận của đô thị cũ. Các khu chức năng đan xen, các cụm công nghiệp, nhà máy, kho tàng bố trí xen lẫn khu dân cư. Nhiều khu chức năng mặc dầu thuộc cơ cấu quy hoạch của đô thị Đà Nẵng nhưng lại hình thành và phát triển phía ngoài ranh giới hành chính như khu công nghiệp đô thị Hòa Khánh. Các công trình hạ tầng hầu hết đã được xây dựng trong giai đoạn trước, bị tàn phá nặng nề. Chỉ có một số ít công trình giao thông nội thị được đầu tư nâng cấp, mở rộng đồng bộ với hệ thống thoát nước, cây xanh và chiếu sáng. Hai công trình có ý nghĩa nhất thời kỳ này là Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng và tượng đài Mẹ Dũng sĩ Thanh Khê (1985).
Thời kỳ 1986-1997, thành phố Đà Nẵng được công nhận là đô thị loại II (1990) trực thuộc tỉnh và là đô thị lớn thứ 3 của cả nước về quy mô dân số sau Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên một quy hoạch chung ( quy hoạch chuyên ngành đô thị ) riêng cho đô thị Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 607/QĐ-TTg (1993). Đà Nẵng được xác định là đô thị công nghiệp tổng hợp, trung tâm kinh tế của tỉnh và của khu vực Nam Trung Bộ, là thành phố Cảng, đầu mối giao thông quốc gia và quốc tế. Diện tích đất tự nhiên (1990) là 9.515 ha, kể cả vùng phụ cận là 22.372,7 ha (1995), trong đó diện tích đất xây dựng đô thị là 5.146,2 ha. Dân số Đà Nẵng tăng khá nhanh từ 318.398 người (1985) lên 519.384 người (1996), trung bình khoảng 20.000 người/năm.[4] Không gian đô thị tuy chưa được mở rộng nhưng được định hướng phát triển theo hai hướng chính, hướng Tây Bắc lấy vịnh Đà Nẵng làm hạt nhân, hướng Nam lấy cụm núi Ngũ Hành Sơn làm hạt nhân. Cơ cấu tổ chức không gian được định hình tương đối rõ ràng lấy sông Hàn là trục thiên nhiên cảnh quan, gồm 3 cụm trung tâm tạo nên hệ trung tâm thành phố, khu vực dân cư, khu vực cơ quan công sở, khu vực phát triển công nghiệp và khu vực phát triển du lịch, dịch vụ. Các công trình hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ vào thời kỳ 1990-1997 nhờ Đề án quản lý và phát triển đô thị Đà Nẵng đến năm 2000 và bản quy hoạch chung 607. Bên cạnh việc mở mang kiệt hẻm theo chủ trương lấy “đất nuôi đường”, nhiều tuyến đường mới như đường Đông – Tây…được đầu tư xây dựng. Bộ mặt đô thị có những thay đổi đáng kể, một số công trình kiến trúc tiêu biểu hình thành trong giai đoạn này như Tổng lãnh sự quan Nga…
Sau ngày giải phóng, vừa phải khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh và khôi phục sản xuất, vừa phải tham gia chống xâm lược biên giới phía Tây Nam, biên giới phía Bắc, Đà Nẵng đã từng bước khẳng định vị thế vốn có là một đô thị lớn của cả nước, là hạt nhân quan trọng của khu vực. Quy mô và không gian đô thị đã phát triển vượt qua ranh giới hành chính, dân số đô thị tăng lên nhanh chóng. Phân khu chức năng trong đô thị được định hình, hệ thống hạ tầng từng bước được đầu tư có trọng tâm mở đường cho kinh tế đô thị phát triển. Một số khu dân cư mới được đầu tư, chất lượng nhà ở được cải thiện. Tuy nhiên, là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng, đơn vị hành chính tương đương với cấp huyện, Đà Nẵng đã gặp trở ngại về cơ chế quản lý, không gian và quỹ đất để phát triển tương xứng với tiềm năng, vị thế và lịch sử đô thị vốn có. Không gian và quỹ đất hạn hẹp khiến cho nhiều phân khu chức năng đô thị buộc phải đặt ra ngoài phạm vi hành chính thành phố, nhu cầu về đất ở, đất dành cho sản xuất công nghiệp, cho giao thông đầu mối thiếu nghiêm trọng. Cơ chế quản lý nông thôn đã hạn chế khả năng tiếp nhận nguồn đầu tư từ bên ngoài cũng như khả năng tự chủ của chính quyền trong đầu tư phát triển và quản lý đô thị.
Đà Nẵng sau khi tách thành 2 đơn vị hành chính (ảnh tư liệu)
4.Giai đoạn đô thị trực thuộc Trung ương ( 1997 – Nay):
Sau một thời gian dài kiên trì đề xuất kiến nghị, bắt đầu từ năm 1983 với đề xuất mở rộng địa giới hành chính thành phố Đà Nẵng thông qua việc sát nhập 6 xã thuộc huyện Hòa Vang chưa được chấp nhận, đến năm 1992 Đà Nẵng mới được hưởng quy chế 344 về thực hiện nhiệm vụ như một cấp ngân sách và kế hoạch và cho đến ngày 1.1.1997, Đà Nẵng chính thức là đô thị trực thuộc Trung ương trên cơ sở sát nhập thành phố Đà Nẵng, huyện Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa vớidiện tích tự nhiên là 128.340 ha, gấp 13,4 lần về diện tích tự nhiên và dân số là 633.115 người, tăng hơn 113.731 người so với thành phố Đà Nẵng (cũ).Giai đoạn này của Đà Nẵng có thể chia thành hai thời kỳ phát triển.
Thời kỳ 1997-2003, Đà Nẵng là đô thị loại II trực thuộc Trung ương với 5 quận, 2 huyện, 33 phường, 14 xã, là đô thị lớn thứ 4 của cả nước. Đà Nẵng được xác định là đô thị hạt nhân, động lực thúc đẩy sự phát triển của khu vực miền Trung- Tây Nguyên. Thời kỳ này, Đà Nẵng được xây dựng và phát triển theo đô án quy hoạch chung năm 1993 với quan điểm lấy đầu tư hạ tầng là khâu đột phá và giao thông đi trước một bước. Các khu chức năng đô thịnhư các khu vực công nghiệp tập trung ở Liên Chiểu, Hòa Khánh, An Đồn, các khu dân cư mới bên bờ Đông sông Hàn, Nam Sân bay, khu vực Vĩnh Trung, các trung tâm hành chính mới của các quận hình thành rõ nét. Nhiều tuyến đường giao thông nội thị được nâng cấp, mở rộng, một số tuyến đường trục được mở mới nhằm thúc đẩy sự phát triển không gian đô thị theo quy hoạch. Một cuộc cách mạng về chỗ ở cho người dân khi khu “ nhà chồ” bên sông Hàn được giải tỏa nhường lại không gian để xây dựng tuyến đường Bạch Đằng Đông và hệ thống công viên. Cầu Sông Hàn được khánh thành năm 2000, thúc đẩy quá trình đô thị hóa bên bờ Đông, trở thành biểu tượng của một giai đoạn phát triển. Dân số đô thị tăng nhanh từ 690.044 người (1998) lên 760.724 người năm 2003, trung bình 15.000 người/năm. Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 465/2002/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung cho thành phố Đà Nẵng (mới) với việc xác định Đà Nẵng là đô thị loại I quốc gia, trung tâm kinh tế trọng điểm miền Trung có diện tích đất tự nhiên là 128.340 ha.
Thời kỳ 2003 – 2023, Đà Nẵng trở thành đô thị loại I quốc gia (2003) với 6 quận, 2 huyện, 56 phường, xã.Thời kỳ này, Đà Nẵng đã 2 lần điều chỉnh quy hoạch chung đô thị vào các năm 2013 và 2021. Quy mô đô thi đã có sự phát triển vượt bậc. Diện tích đất đô thị vào khoảng 7000 ha năm 2005 tăng lên 12.502 ha năm 2010 và 18.396 ha năm 2019, gấp gần 4 lần năm 1997. Dân số đô thị tăng từ 784.834 người (2004) lên 805.613 người (2010) và 1.134.310 người (2019),[5] gấp gần 2 lần năm 1997. Không gian đô thị được mở rộng không ngừng trên quan điểm quay mặt ra biển, tựa lưng vào núi, kéo dài dòng sông, kéo dài bờ biển. Bộ mặt đô thị thay đổi từng ngày với rất nhiều công trình kiến trúc cao tầng, công trình giao thông độc đáo. Đà Nẵng trở thành đô thịlớn, hiện đại của cả nước và khu vực.
Đà Nẵng ngày hôm nay
Thay lời kết
Với hành trình hơn 130 năm phát triển đô thị, Đà Nẵng đã trải qua nhiều thăng trầm mà một bài báo ngắn không thể có cơ hội lột tả một cách đầy đủ. Chỉ riêng trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, mặc dầu mới được thực hiện một cách bài bản trong những năm gần đây nhưng cũng rất cần nhiều thời gian, tài liệu và trang viết để có thể đánh giá một cách toàn diện nhất, khách quan nhất những ý tưởng đột phá, sáng tạo, có tầm nhìn trong quy hoạch đô thị Đà Nẵng, và kể cả những vấn đề hiện vẫn còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên chúng ta có thể tạm rút ra một số nhận xét như sau :
1. Quá trình hình thành và phát triển của đô thị Đà Nẵng, các yếu tố tự nhiên bao gồm sông, núi, biển, rừng luôn được coi trọng như là các bộ phận cấu thành cơ thể đô thị, trong đó sông Hàn luôn được các nhà quy hoạch, thiết kế phát triển đô thị xem là báu vật, là nền tảng để phát triển ý tưởng, là trục không gian chính để hình thành nên khung kiến trúc đô thị. Ngay từ bản quy hoạch đầu tiên, điểm khởi đầu để phát triển đô thị được xuất phát từ tả ngạn sông Hàn, dần phát triển qua hữu ngạn sông Hàn và mở rộng dần sang phía Tây, phía Đông, phía Nam để chúng ta có một quy mô đô thị như hôm nay.
2. Đô thị Đà Nẵng được xây dựng trên ý tưởng phát triển đô thị công nghiệp với việc đầu tư hạ tầng giao thông đi trước. Ở trong tất cả các giai đoạn quy hoạch, hệ thống giao thông đầu mối như cảng, sân bay, mạng lưới đường đối ngoại, hệ thống đường nội thị luôn được ưu tiên đầu tư, hình thành nên bộ khung phát triển.
3. Các bản quy hoạch, cẩm nang để phát triển đô thị, được nghiên cứu kỹ lưỡng, tính toán khoa học, có tính khả thi rất cao. Nguyên tắc quy hoạch được tuân thủ chặt chẽ, linh hoạt phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Đô thị Đà Nẵng được hình thành trên các bản đồ quy hoạch này đã trở thành một đô thị hiện đại, năng động, giàu bản sắc, khẳng định vị thế trong hệ thống đô thị cả nước và khu vực.
4. Sau hơn 25 trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, quy mô dân số của Đà Nẵng tăng gấp hơn 2,0 lần, quy mô đất xây dựng đô thị tăng gần 4,0 lần. Diện tích đất loại I ( đất thuận lợi cho xây dựng) chỉ còn 14.170 ha không đạt chỉ tiêu theo quy hoạch đất xây dựng vào năm 2030 [6] cho thấy để Đà Nẵng có thể trở thành một thành phố của Châu Á thì cần sớm cân nhắc việc mở rộng diện tích đô thị đảm bảo quỹ đất để phát triển./.
Đặng Việt Dũng,
nguyên PCTTT UBND thành phố Đà Nẵng,
Chủ tịch Tổng hội Xây dưng Việt Nam
TÀI LIỆU THAM KHẢO
———————————
[1]. Hội khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng (2007) “ Lịch sử Đà Nẵng (1858-1945)”, Nhà xuất bản Đà Nẵng.