Home / QUY HOẠCH / Thành phố của những chiếc cầu

Thành phố của những chiếc cầu

                                         Thành phố của những chiếc cầu

Trong quá trình xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thành phố Đà Nẵng thì những cây cầu đóng một vai trò quan trọng, góp phần thay đổi diện mạo đô thị, mở rộng không gian của thành phố ra nhiều hướng, nối nông thôn với thành thị…

SONY DSC

                                       Cầu Thuận Phước thành phố Đà Nẵng.

Từ cây cầu đầu tiên trước đây, do cách trở đò giang, cuộc sống của người dân đôi bờ sông Hàn có một khoảng cách rất lớn. Câu nói con gái quận ba không bằng bà già quận một đã phần nào thể hiện thực tế đáng buồn ấy. Từ khi cầu sông Hàn được khánh thành, bộ mặt của vùng đất phía Đông thay đổi hắn. Đường sá được mở rộng, những đại lộ và phố mới lồ lộ mọc lên trải dài từ Sơn Trà đến Ngũ Hành Sơn kéo theo sự trỗi dậy  mọi mặt của đời sống xã hội. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước thấy được tiềm năng của vùng đất ven biển đã kéo nhau về tìm cơ hội đầu tư. Các dự án về công nghiệp, du lịch, thuỷ sản, cảng biển được triển khai. Trên nhiều lĩnh vực kinh tế, giao thông, du lịch, an ninh trật tự, văn minh đô thị… đã bắt đầu khởi động, cả một bờ Đông sống dậy mãnh liệt. Khó thể nào quên, hình ảnh những xóm nhà chồ tồi tàn heo hút trên sông nước. Cuộc sống người dân dập dềnh theo con nước, điều kiện sống hết sức tệ hại, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, trẻ em thì thất học, lêu lõng… Thế rồi, từ khi có cầu sông Hàn cuộc sống của người dân xóm nhà chồ bỗng đổi đời thật sự, được tái định cư với nơi ở mới tiện nghi, thoáng đãng. Việc xoá bỏ những xóm nhà chồ mang một ý nghĩa nhân sinh rất lớn. Điều đó còn khẳng định một tư duy rất nhân văn: Phát triển đô thị gắn kết nâng cao đời sống của người dân. Thời điểm ấy, đầu tư dự án xây dựng cầu sông Hàn tương đối là quy mô mà Đà Nẵng chưa phải là đô thị phồn hoa, ngân sách còn eo hẹp. Thế mà bằng một quyết tâm lớn, người Đà Nẵng đã mở đường cho bước phát triển buổi đầu bằng việc xây dựng cầu sông Hàn với sự đóng góp công sức của người dân. Tiếp tục mở về phía biển. Việc xây dựng cầu sông Hàn đánh dấu một chặng đường và mở ra một chủ trương mới: Tiếp tục đầu tư xây dựng những chiếc cầu bắc qua sông Hàn với quy mô lớn hơn, đồng bộ hơn. Đầu tiên là cầu Tuyên Sơn, đã tạo điều kiện đi lại cho nhân dân vùng Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ; còn đảm nhận chức năng chính nối với cung đường Ngô Quyền làm phương tiện chuyên chở hàng container cho Cảng  biển Tiên Sa. Tiếp đến, năm 2009 cầu Thuận Phước với đầu tư hơn 1000 tỷ đồng, sau mấy năm thi công đã đưa vào sử dụng. Cầu Thuận Phước được thiết kế theo kiểu cầu dây võng với công nghệ kỹ thuật hiện đại bắc qua cửa sông Hàn tiếp giáp với biển Đông trông như một dải lụa mềm làm cho cảnh quan nơi sông về gặp biển thêm huyền mỵ, hùng vĩ. Cầu Thuận Phước không chỉ có chức năng nối đôi bờ nơi cửa sông, nâng cao đời sống người dân vùng Sơn Trà – Thuận Phước, còn là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch, an ninh quốc phòng… của một vùng đất bờ Đông. Từ khi có cầu thì tour du lịch sinh thái trên bán đảo Sơn Trà đã hấp dẫn du khách hơn. Cầu còn làm nhiệm vụ thông nối từ hầm Hải Vân nối thẳng với tuyến đường du lịch ven biển Nguyễn Tất Thành – Sơn Trà – Điện Ngọc… và Cáp treo Bà Nà với 2 kỷ lục thế giới. Đây là con đường du lịch ven biển với cảnh quan rất ấn tượng. Trong ý thức Xây dựng đô thị của người Đà Nẵng, bản đồ quy hoạch luôn hướng về phía biển – một tiềm năng cần được đánh thức và khai phá . Vì thế, thành phố tiếp tục đầu tư thêm nhiều cây cầu mới qua sông Hàn. Dự án cầu Rồng đã khởi công. Cầu Rồng với  thiết kế mang dáng vẻ hiện đại, được đầu tư lớn sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo thành phố. Cầu nối thẳng với đường Nguyễn Văn Linh và phi trường Đà Nẵng. Cầu Trần Thị Lý – cây cầu được xây dựng từ thời cũ đã xuống cấp, đã có kế hoạch thay thế bằng một cây cầu khác, hiện đại hơn và cũng đang bắt đầu khởi công vào tháng 4 này. Những chiếc cầu bắc qua sông Hàn là động lực cho sự phát triển toàn diện, đồng bộ trên nhiều lĩnh vực. Mặt khác, những cây cầu với những kiểu dáng và quy trình thiết kế khác nhau đã làm tăng thêm vẻ đẹp của một đô thị trong tư thế đối mặt với biển Đông, vẻ đẹp của bức tranh tổng thể, vẻ đẹp đến từng chi tiết… Nối gần hơn làng quê – thành phố… Có một câu chuyện được người dân ven sông Trường Định kể lại: Ngày ấy, trong một lần tiếp xúc người dân, một vị quan đầu thành phố đã hỏi mọi người là có nguyện vọng gì ? Mấy vị bô lão thì mong ước có thêm trạm xá để các cụ đi lại chữa bệnh cho dễ. Phụ nữ thì xin xây thêm trường học để con em đi học cho gần. Thanh niên thì đề nghị là có điện về thôn bản… Vị lãnh đạo nhìn quanh hội trường rồi mới trả lời: Tại sao bà con không mong mở một con đường liên xã trải nhựa. Vì có đường, có cầu là bà con sẽ có tất cả, nào điện, trạm xá, trường học, chợ… tất yếu sẽ mở ra thôi. Câu trả lời mới nghe tưởng như là chuyện của phép màu nhưng thật thế. Sau đó là con đường ven sông Trường Định phía Tây Bắc thành phố, lên tới hai thôn bản người Cơ Tu ( Tà Lang, Giàn Bí ) được thi công cùng những chiếc cầu qua sông Trường Định. Đường có, cầu có kéo theo sự xuất hiện của những công trình công cộng, y tế, giáo dục… Đời sống của nhân dân thay đổi hẳn, bộ mặt nông thôn khởi sắc. Khoảng cách giữa quê và phố dần dần thu hẹp. Không chỉ ở khu vực này, hệ thống giao thông cầu cống trải khắp toàn bộ vùng ven đô, nông thôn, làng bản. Cầu Cẩm Lệ mở ra tuyến mới hướng Đông Bắc – từ nội đô ra QL 1A. Cầu vượt Tuý Loan nối Cẩm Lệ với Hoà Vang, quốc lộ 14A … Xen kẽ là những chiếc cầu dây văng nối liền các thôn bản với đường liên xã, tỉnh lộ của Hoà Vang, Cẩm Lệ, Liên Chiểu đã tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người dân. Cứ vào mùa mưa, hai thôn Tà Lang, Giàn Bí ở Hòa Vang đều bị chia cắt, cô lập, thế nên mới đây một cây cầu bê tông cốt thép đã khánh thành và đưa vào sử dụng. Từ đây người dân CơTu như rũ bùn đứng dậy sáng lòa để hòa nhập với văn minh đô thị. Để cải tạo khu vực xã Hoà Xuân làm khu đô thị sinh thái rộng 410ha, chính quyền cũng đã xây cầu Hoà Xuân. Mai đây người dân tại địa bàn lại có thêm cơ hội tham gia vào những dịch vụ du lịch. Những cây cầu  đã nối liền làng quê và thành phố, đời sống văn minh của người dân đã được nâng lên rõ rệt, góp phần làm thay đổi. Xây cầu còn thể hiện một chủ trương lớn của Đà Nẵng: Gắn kết phát triển kinh tế, đô thị với an sinh xã hội.

                                                                                                                 Đông Nghi

                                                                                                               S 26/ĐT&PT

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *