Home / QUY HOẠCH / Quỹ nhà ở cho người lao động: Bức xúc của đô thị

Quỹ nhà ở cho người lao động: Bức xúc của đô thị

Những ngày qua, dư luận xã hội không ngừng băn khoăn với câu hỏi tại sao ngay khi đại dịch đang lắng xuống, nhiều lao động không tiếp tục bám trụ ở TP.HCM nữa. Phải chăng không thể có được cơ hội “an cư”, là lý do khiến họ phải quyết định kết thúc cảnh sống ngụ cư giữa lòng đô thị?

 nha-o-cho-nguoi-thu-nhap-thap-2-1569459282454

Theo đề xuất doanh nghiệp hỗ trợ thanh toán bằng nhiều hình thức như đóng trước 20% đến 30%,phần còn lại

trừ vào lương theo tiến độ nhiều năm để người lao động có đủ tiền vừa trả tiền nhà vừa trang trải cuộc sống.

Vấn đề này, được Bộ Xây dựng cùng một số tỉnh thành và ngành hữu quan đặt ra, tại một tọa đàm mới đây, nhấn mạnh vấn đề làm sao có được những quỹ nhà ở thực sự bền vững và thực tế cho người lao động nơi đô thị. Theo Tổng hội Xây dựng Việt Nam, đã đến lúc câu chuyện nhà ở cho người lao động phải được xem xét nghiêm túc, để những đô thị lớn tránh khỏi nghịch cảnh trớ trêu khi những người lao động rời đi.

Không thể lạc nghiệp vì khó an cư?

Một số liệu “ngoài luồng” cho biết, hơn 2,5 triệu lao động, trong số hơn 3,5 triệu lao động tại Bình Dương, đang muốn rời khỏi tỉnh thành đầu mối sản xuất lớn ở phía nam này, để về quê sau đại dịch Covid-19.

Phần lớn những người này cho biết, họ đã chấp nhận cảnh sống nhà trọ tạm bợ trong nhiều năm qua, với hy vọng sẽ tìm được cơ hội ổn định cuộc sống khi công việc tốt hơn, đi cùng các dự án đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, đại dịch diễn ra đã khiến viễn cảnh này tan vỡ.

Các nhà máy ngưng hoạt động nhiều tháng, đã đẩy người lao động vào thế cùng kiệt, mà chi phí duy trì sinh hoạt là gánh nặng lớn nhất với họ. Không ít người suy tính, một gia đình ở trọ trong khu lao động nghèo, ít nhất cũng mất 3 triệu đồng thuê nhà và điện nước/tháng. Nếu về quê, họ sẽ giảm được khoản chi phí này.

Nếu có căn hộ, ổn định chỗ ở, chúng tôi sẽ quyết nán lại. Nhưng cảnh nhà thuê, bao nhiêu chi phí dồn đến trong khi không có khoản thu nhập nào, đã khiến chúng tôi phải tính đường về”. Chi Linh P., một nữ công nhân ở ngay khu nhà trọ giá rẻ khu công nghiệp Mỹ Phước (Bình Dương) giải thích.

Người phụ nữ trẻ gốc miền Tây này cùng gia đình, cũng như rất nhiều gia đình công nhân khác tại Bình Dương, buộc phải thay đổi quyết định cuộc sống, dù đã gần chục năm trời rời quê lên đô thị làm công nhân, chỉ cơ bản mãi không đủ khả năng mua nhà ở. Thiên tai càng khiến nỗi day dứt làm sao an cư lạc nghiệp, trở thành nỗi ám ảnh và triệt tiêu mọi hy vọng đổi đời ly nông của những số phận lao động này.

Đối chiếu với hàng triệu lao động khác ở TP.HCM và các vùng phụ cận, có thể thấy, câu chuyện nhà ở cho người lao động chính là nền tảng phải nghĩ đến, khi các đô thị vượt qua đại dịch, đối mặt vấn đề sẽ thiếu hụt nhân lực khi lao động rời đi. Cho dù đã nhiều năm qua, mục tiêu xây dựng nhà ở cho người lao động đã được nhiều tỉnh thành đặt ra, nhưng tất cả chưa thực sự đúng căn cơ bền vững và hợp lý, ngày càng kéo người lao động xa với giấc mơ có được một chỗ ở cho mình.

Thách thức của đô thị lớn!

Trao đổi mới đây giữa bộ Xây dựng với các địa phương cho thấy, nhu cầu nhà ở cho người lao động đô thị, gồm cả đội ngũ công nhân và người lao động kinh doanh tự do, là vấn đề nan giải đã bàn nhiều nhưng chưa làm tốt. Thực trạng khai thác đất ở đô thị theo hướng giá trị gia tăng, nhắm vào các nhu cầu nhà ở cao cấp, các khu đô thị hạng sang đã biến quỹ đất các đô thị ngày càng giảm diện tích và tăng giá. Hàng trăm hecta đất ở đang được các dự án đô thị 5 sao, đô thị sinh thái nghỉ dưỡng… chiếm hữu, hoạt động thị trường môi giới tăng tiến không ngừng, mà không hề có cơ hội nào cho quỹ nhà ở của người lao động.

Dĩ nhiên theo quy hoạch, luôn có 20% quỹ đất ở này được bộ Xây dựng đề nghị bố trí cho người thu nhập thấp, nhưng phản ảnh từ các dự án cho thấy, các chủ đầu tư luôn nghĩ đến lợi nhuận sẽ luôn muốn biến tỷ lệ đất ở ấy tiếp tục thành những “mảnh đất vàng”. Giá nhà ở tại các khu đô thị cao cấp luôn tăng, vượt quá sức người lao động; mà nếu hạ thấp xuống, thì lại đi ngược quyền lợi các nhà đầu tư, vì họ muốn nhắm đến phân khúc giá trị cao. Mâu thuẫn ấy vẫn đang diễn ra, chưa có lời giải đáp, thì với diễn biến dịch bệnh hiện nay, lại càng cam go khó xử lý.

Theo kiến nghị của Tổng hội Xây dựng Việt Nam, đã đến lúc phải xét lại các tiêu chí và cách xây dựng quỹ nhà ở cho người lao động tại các đô thị. Có thể sử dụng giải pháp dùng giá trị 20% quỹ đất quy hoạch cho người có thu nhập thấp ở các dự án quy hoạch chất lượng, chuyển đổi thành các dự án khu nhà ở cho người lao động, tại vị trí hợp lý hơn, diện tích tăng lên và giá thành hài hòa hơn. Ở đây, không phải là sự phân biệt giàu nghèo, mà cần một đánh giá cơ hội công bằng cho người lao động có nhà ở thực sự.

Với những đô thị đang phát triển, bài toán cân nhắc đó càng cần thiết. Nhận thức quy hoạch kiểu “đất vàng” tại trung tâm đô thị là chỉ dành cho những dự án 5 sao, đẳng cấp… thực sự được xem xét lại. Vai trò cuộc sống và nhu cầu của người lao động, chỉ với ước mơ có được nhà ở sở hữu, phải được giải quyết nghiêm túc. Điều này cũng khác với lối tư duy bố trí nhà ở chính sách, nhà ở xã hội lâu nay, vừa có chất lượng kém hơn vừa liên quan các vụ việc ồn ào mà nhiều thành phố đang bị khúc mắc.

Cần thật sự tạo được quỹ nhà ở bền vững, chất lượng cho người lao động, một cách công bằng và hợp lý, là câu chuyện phải được đặt ra, giữa thực trạng dịch bệnh hiện nay cũng như trong tương lai.

Nguyên Đức.

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …