Tóm tắt: Đô thị Việt Nam đang có tốc độ phát triển rất nhanh cả về quy mô, số lượng và chất lượng (tính đến tháng 6/2017 Việt Nam có 805 đô thị). Sự phát triển này gây áp lực lên cơ sở hạ tầng đô thị. Tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.. quỹ đất xây dựng đô thị gần như cạn kiệt, không gian công cộng, không gian xanh ngày càng bị thu hẹp. Đứng trước vấn đề này xu hướng mới ở Việt Nam và không mới đối với thế giới là tận dụng, khai thác và quản lý phát triển không gian theo chiều cao và chiều sâu của đô thị…. Bài viết đề cập tổng quát về vấn đề này và có đề xuất cụ thể cho Đà Nẵng.
- Không gian ngầm là phần không gian dưới mặt đất được khai thác sử dụng để phục vụ xây dựng và phát triển đô thị. Kinh nghiệm nhiều đô thị trên thế giới như: Matxcova, Berlin, Paris, Tokyo, London, Seoul… đã xây dựng và khai thác có hiệu quả nhiều dự án xây dựng ngầm đô thị. Thực tế việc khai thác sử dụng không gian ngầm qua nhiều thế kỷ đã góp phần giải quyết cơ bản vấn đề của đô thị: Tiết kiệm quỹ đất – khai thác có hiệu quả quỹ đất đô thị; hoàn thiện hệ thống giao thông đô thị; xây dựng các trung tâm công cộng, thương mại dịch vụ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng…. Không gian ngầm là một tài nguyên quý báu cần được nghiên cứu quản lý và khai thác có hiệu quả đặc biệt các đô thị lớn của Việt Nam hiện nay.
- Thực tế trong phát triển đô thị vừa qua có nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm đã được xây dựng như các công trình cấp nước, thoát nước, cáp điện, viễn thông, chiếu sáng, các tuyến hào kỹ thuật, tuy nen … các công trình giao thông đô thị ngầm như hầm cho đường ô tô, hầm cho người đi bộ, bãi đỗ xe ngầm…..nhiều quần thể nhà cao tầng mọc lên tại các khu phát triển đô thị có tầng hầm, tuy nhiên hầu hết chỉ sử dụng để xe, ít sử dụng cho mục đích dịch vụ công cộng; Ở một số khu vực của Hà Nội, các trung tâm dịch vụ, thương mại kết hợp nhà ở cao cấp như: Royal City, Time City….. đã xây dựng một không gian ngầm tương đối đồng bộ và đã đưa vào sử dụng. Song nhìn tổng thể hầu hết các công trình ngầm…..đều mang tính cục bộ, chỉ khai thác cho một mục đích riêng chứ chưa có sự liên kết tổng thể cho cả khu vực hay một đô thị.
- Thành phố Đà Nẵng chưa có một nghiên cứu nào về quy hoạch phát triển không gian ngầm. Cũng tương tự như các đô thị Việt Nam, Đà Nẵng đã có xây dựng nhiều công trình ngầm như hạ ngầm đường dây cáp đi nổi, xây dựng hệ thống thoát nước mưa, nước thải, cấp nước, thông tin, cấp điện. Trên đường Nguyễn Văn Linh kéo dài, thành phố đã đầu tư xây dựng hệ thống hào kỹ thuật hai bên hè phố để bố trí ngầm toàn bộ đường dây, cáp thông tin, cáp điện và đường ống cấp nước. Nhiều khách sạn, nhà cao tầng, trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng đã xây dựng tầng hầm như: JW Marriott (4 tầng hầm), Tòa nhà văn phòng Trung tâm thành phố (1 tầng hầm), Đà Nẵng Plaza (1 tầng hầm), Mường Thanh Đà Nẵng (2 tầng hầm), F Home Đà Nẵng (1 tầng hầm)…và hầm cho đường ô tô cũng đã được xây dựng (ngày 30/04/2017, thành phố Đà Nẵng đã khánh thành tuyến hầm giao thông cơ giới phía Tây cầu sông Hàn nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông, giảm tải cho tuyến đường Trần Phú và Lê Duẩn, công trình có chiều dài 255m với phần hầm kín dài 40m). Mặc dù thành phố Đà Nẵng đã quan tâm đến việc xây dựng nhiều công trình ngầm xong vẫn mang tính cục bộ, đơn lẻ, chưa xây dựng được 1 quy hoạch tổng thể có tính đến sự liên thông, liên kết giữa các công trình ngầm với nhau. Quỹ đất xây dựng đô thị hạn hẹp theo số liệu thống kê điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 thì dân số toàn thành phố đến năm 2030 là 2,5 triệu dân; diện tích đất đô thị khoảng 37.500 ha. Năm 2010 thì diện tích đất đô thị là 12.500 ha và dân số khoảng 1 triệu dân. Như vậy, trong vòng 20 năm, thành phố Đà Nẵng cần gấp 3 lần diện tích xây dựng đô thị để phát triển. Việc nghiên cứu xem xét sử dụng hợp lý không gian ngầm sẽ góp phần không nhỏ cho việc phát triển thành phố này.
-
H1: Hầm cho xe cơ giới tại TP. Đà Nẵng
-
4. Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 có một số điều quy định về quản lý không gian ngầm đô thị (Điều 66) và Quản lý xây dựng công trình ngầm (Điều 67). Nghị định số 39/2010 về Quản lý không gian ngầm đô thị đã chỉ rõ một số nội dung sau:
– Không gian xây dựng ngầm đô thị phải được quy hoạch, xây dựng, quản lý và sử dụng. Quy hoạch, phát triển không gian đô thị trên mặt đất phải kết hợp chặt chẽ với việc sử dụng an toàn và hiệu quả không gian ngầm. Việc sử dụng không gian ngầm để xây dựng công trình ngầm phải bảo đảm sử dụng tiết kiệm đất, bảo vệ môi trường và các yêu cầu về an ninh, quốc phòng. Chủ đầu tư các khu đô thị mới, khu nhà ở mới và các tuyến đường phố mới xây dựng hoặc cải tạo, mở rộng có trách nhiệm đầu tư xây dựng các công trình cống, bể kỹ thuật hoặc hào, tuy nen kỹ thuật để bố trí, lắp đặt các đường dây và đường ống kỹ thuật theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với các đô thị cũ, đô thị cải tạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải có kế hoạch đầu tư xây dựng cống, bể kỹ thuật hoặc hào, tuy nen kỹ thuật để từng bước hạ ngầm đường dây, cáp nổi. (Điều 3)
– Quy hoạch không gian xây dựng ngầm phải bảo đảm sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả; kết nối tương thích và đồng bộ các công trình ngầm và giữa công trình ngầm với các công trình trên mặt đất; bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường và nguồn nước ngầm, an toàn các công trình ngầm và phần ngầm của các công trình trên mặt đất (Điều 11).
– Quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị là một nội dung của đồ án quy hoạch đô thị. Nội dung quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị trong đồ án quy hoạch đô thị tuân thủ theo các quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị. Đối với các đô thị đã có quy hoạch đô thị được phê duyệt hoặc trong trường hợp có nhu cầu đầu tư xây dựng công trình ngầm nhưng chưa được xác định trong đồ án quy hoạch được duyệt, việc tiến hành lập quy hoạch chung hoặc quy hoạch chi tiết không gian xây dựng ngầm do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định. Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm được lập cho đô thị; quy hoạch chi tiết không gian xây dựng ngầm được lập cho khu vực đô thị hoặc được lập để làm cơ sở lập dự án đầu tư xây dựng công trình ngầm. (Điều 10)
Như vậy về cơ sở pháp lý cũng đã có song trong thực tế nhiều đô thị khi lập Quy hoạch chung hay điều chỉnh quy hoạch chung đều chưa lồng ghép quy hoạch không gian ngầm đô thị, ngay cả Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Đà nẵng đến năm 2030 tầm nhìn 2050 – QĐ số 2357/QĐ-TTg ngày 4/12/2013 cũng vậy.
Có nhiều nguyên nhân đã chỉ ra cho việc chậm trễ của việc lập quy hoạch này song cũng có thể một vài nguyên nhân chính sau: (1) Thiếu kinh nghiệm trong việc lập quy hoạch không gian ngầm; (2) Thiếu hướng dẫn về phương pháp lập quy hoạch, nội dung quy hoạch không gian ngầm còn chung chung, hàn lâm; (3) Chưa lập được bản đồ hiện trạng xây dựng công trình ngầm đô thị; (4) Thiếu các số liệu điều tra tổng thể về địa hình, điều kiện địa chất công trình, địa chất thủy văn của đô thị;(5) Chưa có cơ quan đầu mối quản lý không gian ngầm, các tiêu chuẩn thiết kế, quy chuẩn quy hoạch còn thiếu; (6) Nguồn lực cho việc điều tra khảo sát, lập bản đồ hiện trạng xây dựng công trình ngầm và lập quy hoạch… còn nhiều hạn chế; (7) Sự quyết tâm chính trị của các nhà quản lý.
5. Quy hoạch tổng thể không gian 3 chiều – một hướng tiếp cận mới trong quy hoạch đô thị:
Với sự phát triển của đô thị cùng với tiến bộ của khoa học công nghệ, không gian dưới lòng đất có thể sử dụng với nhiều chức năng và mục đích khác nhau như (thương mại, dịch vụ, công cộng, hạ tầng kỹ thuật…), và các công trình này được liên kết chặt chẽ với nhau và với công trình, cơ sở vật chất bên trên bề mặt đất. Vì vậy, không gian ngầm, không gian trên mặt đất cần được phát triển hài hòa trong tổng thể không gian đô thị ba chiều nhằm tạo ra một không gian đô thị thống nhất, đồng bộ, hiện đại, tiện nghi… Theo các giai đoạn phát triển khác nhau của đô thị, quy hoạch tổng thể không gian đô thị ba chiều có thể thực hiện theo các bước sau:
a) Tích hợp phát triển và sử dụng không gian bề mặt và không gian ngầm nông.
Không gian ngầm nông (từ 0 ~ -10m) gần với mặt đất nên khả năng liên kết với không gian bên trên bề mặt là thuận lợi và dễ dàng, và tạo cảm giác thoải mái cho con người cả về tâm lý lẫn tinh thần. Vì vậy, không gian ngầm nông phải được coi là khu vực tiềm năng nhất để sử dụng cho các hoạt động của con người, tương tự như không gian trên mặt đất. Tích hợp không gian trên mặt đất và không gian ngầm thông qua kết hợp các chức năng sử dụng đất ở Bảng 1 nhằm đáp ứng nhu cầu của cuộc sống đô thị, góp phần bảo vệ môi trường.
Bảng 1. Các chức năng trong không gian đô thị.
Không gian/đất | Đất công trình công cộng, đất ở | Đất giao thông | Đất cây xanh |
Bên trên mặt đất | Văn phòng, trung tâm thương mại, dịch vụ nhà ở | Giao thông trên cao | Không gian xanh, công viên cây xanh, quảng trường, mặt nước, |
Mặt đất | Văn phòng, trung tâm thương mại, dịch vụ, nhà ở | Giao thông trên mặt đất | |
Không gian ngầm nông (0 – 10m) | Văn phòng, trung tâm thương mại, dịch vụ… | Giao Giao thông ngầm nông (hầm cho người đi bộ, hầm đường ô tô, bãi đỗ xe công cộng); tuy nen, hào, cống cáp kỹ thuật. | Văn phòng, trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, bãi đỗ xe |
Không gian ngầm sâu (11-30m) | Các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật; các cơ sở trú ẩn | Giao thông ngầm sâu (tuyến, ga tàu điện ngầm, hầm cho đường ô tô….) |
b) Tích hợp không gian ngầm sâu trong phát triển và sử dụng không gian đô thị ba chiều.
Trên cơ sở của sự tích hợp phát triển và sử dụng không gian bề mặt và không gian ngầm nông, không gian ngầm sâu dưới lòng đất cũng nên được đưa vào hệ thống tích hợp phát triển không gian ba chiều. Đây là khu vực đặc trưng bởi không tồn tại hoạt động của con người. Các chức năng sử dụng đất ở khu vực này chủ yếu được tự động hóa, đảm bảo an toàn đô thị. Không gian này có thể cung cấp diện tích lớn để xây dựng các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật đô thị. Hơn nữa, việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trong không gian này sẽ làm giảm áp lực vận tải trên mặt đất từ đó giảm thiểu đáng kể khả năng gây ô nhiễm môi trường đô thị.
6. Một số ý tưởng về Quy hoạch và Quản lý không gian ngầm TP. Đà Nẵng
Quy hoạch không gian ngầm là tổ chức không gian xây dựng dưới mặt đất để xây dựng các công trình bao gồm: Công trình công cộng ngầm, công trình giao thông ngầm, các công trình đầu mối kỹ thuật ngầm và phần ngầm của các công trình xây dựng trên mặt đất, công trình đường dây, cáp, đường ống kỹ thuật ngầm, hào và tuy nen kỹ thuật.
Để có cơ sở triển khai lập quy hoạch không gian ngầm TP. Đà Nẵng một số nhiệm vụ cần phải thực hiện bao gồm: (1) Đánh giá tổng hợp về hiện trạng về xây dựng công trình trên mặt đất và các công trình đã xây dựng dưới mặt đất trong đó các công trình trên mặt đất lưu ý đối với các công trình có tầng hầm (vị trí, địa điểm, quy mô, số tầng hầm, chiếu sâu tối đa..), đối với các công trình theo tuyến (các tuyến giao thông, cấp nước, thoát nước, điện, thông tin, hào , tuy nen, cống cáp…) dưới mặt đất cần xác định rõ vị trí, độ sâu, điểm đầu, cuối, các điểm giao cắt, cao độ và mối quan hệ xung quanh và cuối cùng lập bản đồ hiện trạng công trình ngầm; (2) Đánh giá tổng hợp điều kiện tự nhiên, địa chất công trình, thủy văn để làm cơ sở xác định các khu vực thuận lợi, hạn chế hay cấm xây dựng công trình ngầm. Đây là thách thức lớn cần điều tra, nghiên cứu với phương pháp khoa học đòi hỏi kinh phí lớn cần phối hợp từ nhiều cấp, ngành, của các chủ đầu tư, chủ sở hữu.
Trong quy hoạch đô thị hay điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng: Định hướng phát triển không gian thành phố, phân vùng chức năng cần gắn với phân vùng chức năng sử dụng không gian ngầm theo hướng quy hoạch tích hợp như đã trình bày ở điểm 5 của bài viết này; các khu vực dự kiến xây dựng các công trình công cộng ngầm, công trình đầu mối kỹ thuật và hệ thống giao thông trên mặt đất, giao thông dưới mặt đất….đặc biệt sự phát triển đô thị dựa trên định hướng phát triển của hệ thống giao thông tại đây sẽ hình thành các TOD với các tổ hợp công trình ngầm đa năng bao gồm: trung tâm thương mại, nhà hàng, siêu thị, các công trình văn hóa, vui chơi, giải trí… Khi quy hoạch ưu tiên xem xét tại khu vực trung tâm chính của đô thị, các khu vực tập trung các tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng lớn (có tầng hầm), dọc các trục đường chính đô thị (Nguyễn Văn Linh; Phạm Văn Đồng, Bạch Đằng…), tại các nhà ga tàu điện ngầm (lựa chọn nhà ga trên 3 tuyến tàu điện ngầm theo quy hoạch). Cần có các giải pháp kết nối giữa các công trình ngầm tạo ra sự liên kết không gian ngầm cùng với kết nối các công trình trên mặt đất tạo ra tính hệ thống. Mặt khác việc xây dựng nhiều cầu qua sông Hàn trong thời gian vừa qua đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, song đến 2030 dân số dự báo phát triển gấp 2,5 lần hiện tại vì vậy cũng cần có một số giải pháp xây dựng hầm qua sông Hàn. Vị trí, quy mô cần có khảo sát kỹ cũng như tương thích với tổ chức không gian ngầm 2 bên sông tạo cho được mối liên kết thống nhất và đồng bộ giữa hầm và các công trình ngầm (kết nối hầm của tòa nhà cao tầng, trung tâm dịch vụ thương mại ngầm và các đầu mối giao thông bãi đỗ xe, ga tàu điện ngầm, …)
Kết luận
Không gian ngầm là tài nguyên quý báu cần được nghiên cứu và khai thác có hiệu quả. Không gian ngầm đã và sẽ là một phần của đời sống đô thị hiện đại. Việc quy hoạch, quản lý và khai thác không gian ngầm nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất đô thị, năng lực cơ sở hạ tầng, góp phần giữ gìn cảnh quan lịch sử văn hóa, tăng diện tích xanh, cải thiện sinh thái đô thị… góp phần phát triển đô thị bền vững và Đà Nẵng không phải trường hợp ngoại lêj.
Tài liệu tham khảo
- Sở Xây dựng Đà Nẵng (2013), Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.
- Nguyễn Hồng Tiến (2011), Quy hoạch xây dựng Công trình ngầm đô thị – Nhà xuất bản Xây dựng (2011)
- Vũ Hoài Đức, Khai thác không gian ngầm – hướng phát triển của đô thị văn minh, hiện đại. Báo Hà Nội mới cuối tuần số 19 ngày 13/5/2017.
- Nguyên Văn Minh (2017), Quản lý quy hoạch xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm tại các đô thị vùng kinh tế trọng điểm miền Trung – Luận án TS.
- Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 4/12/2013 về Phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến
Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật, Bộ Xây dựng
TS. Nguyễn Văn Minh
Viện Quy hoạch Đô thị – Nông thôn Quốc gia (VIUP)