Home / KIẾN TRÚC DI SẢN / Quy hoạch môi trường ở bền vững trong phát triển du lịch văn hóa cho dân tộc vùng cao Tây Giang, Quảng Nam

Quy hoạch môi trường ở bền vững trong phát triển du lịch văn hóa cho dân tộc vùng cao Tây Giang, Quảng Nam

Đặt vấn đề

Tổ chức Du lịch thế giới (World Tourism Organization – WTO) từng thống kê, du lịch văn hóa đóng góp khoảng 37% du lịch toàn cầu và tăng 15% mỗi năm. Do vậy việc bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc vùng miền để phát triển du lịch văn hóa là đồng nghĩa với việc phát triển kinh tế và làm gia tăng giá trị di sản cũng như bản sắc vùng miền.

Trong cộng đồng dân tộc thiểu số tại Tây Giang – Quảng Nam, dân tộc Cơ Tu là dân tộc điển hình và còn duy trì nguyên vẹn nét văn hóa bản địa. Dân tộc Cơ Tu ở Tây Giang có 15.272 người, chiếm 95% so với dân số các dân tộc khác.

Tây Giang được ví như Đà Lạt của tỉnh Quảng Nam. Nơi đây có khí hậu mát mẻ , nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, có rừng nguyên sinh, cây di sản với diện tích che phủ rừng lớn nhất miền Trung. Vị trí đại lý của Tây Giang đóng vai trò chiến lược, trong phát triển kinh tế – xã hội – du lịch của khu vực Tây Giang. Tây Giang có đường giao thông thuận lợi đến Hội An, Đà Nẵng, Huế, theo các tuyến QL12G, 14D và cửa khẩu phụ Tây Giang – Kạlừm (5).Images1569838_Images

Việc khai thác các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc ở Tây Giang trong phát triển du lịch đã và đang trở thành mối quan tâm chung của cả xã hội và các cấp, các ngành ở địa phương, nhằm mang lại điều kiện vật chất và cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số ở đây.

Tuy nhiên, việc phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa các vùng nông thôn và vùng cao Việt Nam, đã có những ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân tộc, cũng như làm mai một bản sắc văn hóa địa phương. Việc không phát triển theo định hướng quy hoạch bền vững sẽ dẫn đến các hệ lụy trong sự phát triển chung của đất nước (1,2,3,4).

Vì vậy, từ thực trạng nêu trên, giá trị văn hóa dân tộc tối thiểu tại vùng miền Việt Nam nói chung và Tây Giang nói riêng, cần được bảo tồn và định hướng phát triển theo xu hướng  sinh thái bền vững. Việc này đòi hỏi phải sớm có những cơ chế, chính sách và định hướng quy hoạch phát triển du lịch văn hóa bền vững cho dân tộc vùng cao tại Tây Giang – Quảng Nam.

Tổng quan về điều kiện tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa truyển thống của Tây Giang.

Điều kiện tự nhiên của Tây Giang

Vị trí địa lí: Huyện Tây Giang có tọa độ địa lý từ 15045’ đến 16005’ vĩ độ Bắc. Từ 107005’ đến 107035 kinh độ Đông. Phía Đông giáp huyện Đông Giang . Phía Tây giáp huyện Kạlừm và huyện Đắc Chưng, tỉnh Sêkông, nước  CHDCND Lào. Phía Nam giáp huyện Nam Giang. Phía Bắc giáp huyện A Lưới và huyện Nam Đông tỉnh Thừa Thiên Huế.

Địa hình: Tây Giang có ba loại địa hình chính. Địa hình gò đồi ở các xã Anông, Avương, Dang, với diện tích 29.070,35 ha, chiếm 32,19% diện tích tự nhiên của huyện. Đây là khu vực có khả năng sản xuất nông nghiệp của huyện.

Địa hình núi cao nằm ở các xã Gari. Ch’ơm, Axan và Tr’hy, diện tích 25.324,47 ha chiếm 28,05% diện tích tự nhiên. Đặc điểm địa hình này phức tạp, chia cắt mạnh làm giảm khả năng giữ nước và cung cấp nước mặt, nước đến nước ngầm.

Địa hình núi thấp: Địa hình thấp dần từ Tây sang Đông và từ Bắc sang Nam, diện tích 35.901,74 ha, chiếm 39,76% diện tích tự nhiên.

Khí hậu: Nhiệt độ trung bình năm 220C, cao nhất 3800C, thấp nhất 80C, trung bình lên cao +100m, nhiệt độ giản xuống khoảng 10C. Tháng 6,7 có nhiệt độ cao nhất và nhiệt độ thấp nhất vào tháng 12. Mùa hè vùng có nhiệt độ xuống thấp và mát mẻ so với các huyện trong tỉnh, phổ biến từ 2.000-2.500mm, có khi lên đến 4.000mm-5.000mm, vào tháng 4,5 lượng mưa <100mm. Lượng mưa ít nhất vào tháng 6 và nhiều nhất tập trung vào tháng 10,11 dương lịch.

 Đánh giá về tài nguyên phát triển du lịch văn hóa ở Tây Giang

  1. Tài nguyễn thiên nhiên ở Tây Giang

Tài nguyên rừng

Huyện Tây Giang có diện tích rừng chiếm 57,92% so với diện tích tự nhiên. Các khu rừng có giá trị như: Rừng nguyên sinh dọc sông M’roong, thuộc xã Avương; rừng sinh thái Tr’lêê, thuộc xã  Atiêng, đặc hữu Lim xanh; rừng Pơmu đỉnh núi Zi’liêng +1.500m với quần thể 725 cây Pơmu trải dài trên diện tích 240ha thuộc xã Axan và Tr’hy. Toàn bộ khu rừng có 1.366 cây Pơ mu nằm ở độ cao khoảng 1.500m so với mực nước biển và 2 cây Đa sộp tuổi từ 200 -1.328 năm được công nhận là cây Di sản Việt Nam.

Tài nguyên nước

Trên địa bàn huyện có mật độ sông, suối dày và có 4 sông chính ;là Sông Avương, Lăng, M’roong, K’ool. Sông bắt nguồn từ biên giới Việt – Lào chảy qua địa phận các xã Axan, Tr’hy, Lăng, Atiêng, Bhalêê, Avương huyện Tây Giang, đổ vào địa phận huyện Đông Giang.

Chuỗi tham quan du lịch sinh thái, nghỉ mát: rừng Pơ mu ( xã Axan và Tr’hy) và thác Tr’lêê (xã Bhalêê và Tà Vàng, xã Atiêng), thác R’cung

2.Tài nguyên văn hóa của Tây Giang – Văn hóa phi vật thể

a. Lễ hội, nghi thức thờ cúng

– Lễ hội của người Cơ Tu rất đa dạng và phong phú, xét về tính mục đích có thể phân thành 3 hình thức chín: Lễ hội mừng thắng lợi, lễ hội ngoại giao với các làng khác và tế lễ.

– Lễ hội mừng thắng lợi: được thực hiện ở phạm vi làng, trong các dịp mừng lúa mới, đạt kết quả săn bắn, hoàn thành cung trình chung của làng.

– Lễ hội ngoại giao giữa các làng: mục đích giản hòa thương lượng về lợi ích kinh tế, giải quyết vấn đề chính của các làng.

– Tế lễ, nghi thức thờ cúng: người Cơ Tu tôn thờ rất nhiều vị thần như thần tốt, thần chết, thần ác, trong đó vị trí hàng đầu là thần chết. Lễ tế thường kéo dài tư hai ngày trở lên với nhiều hình thức cúng tế như tế trâu, múa cống chiêng, hát lý, văn nghệ,…Hoạt động này được diễn ra ở nhà sinh hoạt làng (nhà Gươl).(5,6)

Văn hóa lễ hội người Cơ Tu

12

b. Văn hóa làng xã:

Mỗi làng Cơ tu có tên riêng để tự khu biệt với các làng khác. Làng là đơn vị xã hội cơ sở duy nhất của người Cơ tu xưa được lưu giữ đến ngày nay. Làng tổ chức gồm nhiều ngôi  nhà sàn, mái kiểu mai rùa, đứng kề nhau thành đường vòng tròn hoặc ê-líp , vây quanh sân chung. Tại vị trí trung tâm của các cụm nhà sàn là nhà sinh hoạt cộng đồng (Gươl) cao lớn và nổi bật. Cách bố trí cụm nhà ở thể hiện đặc điểm cổ truyền của người Cơ tu, nhăm mục đích phòng thủ, chống lại mọi vũ lực đe dọa từ bên ngoài, đồng thời thể hiện tính cố kết, tính tương trợ rất cao giữa các thành viên trong cùng một cộng đồng. (5,6)

c. Ngôn ngữ:

Ngôn ngữ là chữ viết của người Cơ tu nằm trong ngữ hệ Môn- Khơmer, có phân nhánh ngữ hệ là “Cơtu-ít” (bao gồm cả dân tộc Tà ôi, Bra- Vân Kiều), được minh chứng bằng dãy chữ cổ khắc trên mảng đá ở X’mớ (Achia). Kho tàng văn học của người Cơtu chủ yếu là truyền miệng, tuy vậy văn học nghệ thuật của người Cơtu vẫn gìn giữ được giá trị mang tính bản sắc, phong phú thông qua những dị bản gồm: truyện cổ, trường ca, thần thoại, truyền thuyết, ca dao-tục ngữ-dân ca, nghệ thuật cồng chiêng, múa dân gian Cơtu…

det hoi quan (1)tải xuống

Làng dệt Talang – Điểm du lịch văn hóa làng dệt thổ cẩm truyền thống Cơtu

d. Trang phục dân tộc Cơtu:

Làng dệt Talang – Điểm du lịch văn hóa làng dệt thổ cẩm truyền thống Cơtu. Tuy nghề dệt có muộn nhưng phục sức dân tộc Cơtu vẫn có đặc điểm riêng như kỹ thuật dệt, tư duy thẩm mỹ hàm chứa nhiều đặc trưng về văn hóa xã hội. Trang sức chủ yếu của người Cơtu là cà răng, xâu tai, xâu khắc ở vùng mặt, vùng ngực, cổ chân, cổ tay với nhiều hình tượng khác nhau. (5,6)

3. Văn hóa tập thể

a. Nhà sàn Vêêl :

Nhà ở truyền thống của người Cơtu là nhà sàn Vêêl, có cấu trúc hình trong hoặc hình bầu dục, được xây dựng theo hướng cửa chính quay mặt vào nhà Gươl, khoảng cách từ các nhà từ 5 đến 8 mét nhưng không có lối đi riêng giữa các nhà, khoảng sân của các Vêêl vừa là lối đi, vừa là nơi vui chơi, quần tụ khi có việc chung của cộng đồng. Nhà ở Vêêl là dạng nhà khác phổ biến ở các xã vùng cao, vùng biên giới Việt- Lào. Tuy nhiên, ở các xã vùng thấp, định canh định cư, cấu trúc nhà Vêêl  truyền thống đã bị phá vỡ về cơ bản. (7)

nhà Gươl

Nhà Gươl là nơi sinh hoạt cộng đồng truyền thống đặc trưng của người Cơ Tu

b. Kiến trúc nhà Gươl:

Nhà Gươl là nhà sinh hoạt cộng đồng truyền thống đặc trưng của người Cơtu, là nơi tổ chức các hoạt động sinh hoạt chung về văn hóa, tín ngưỡng. Nhà Gươl được dựng lên ở chính giữa làng hoạt cùng chiều với nhà Vêêl, điểm độc đáo về cấu trúc nhà Gươl khác với nhà cộng đồng của các dân tộc khác là nhà Gươl không có vách kín, ngăn xung quanh  nhà, chính giữa nhà có một cột lớn dựng từ mặt đất lên đến nóc nhà, cột này đỡ lấy  các lực từ các bộ phần sườn nhà hoặc liên kết, gián tiếp liên kết với các bộ phận cấu tạo thành ngôi nhà. Bên ngoài, ở hai đầu hồi nhà được điêu khắc, chạm trổ, hội họa các chi tiết truyền thống.(7)

Di tích lịch sử:

Tây Giang từng là vùng căn cứ cách mạng, nơi có các di tích lịch sử có giá trị: có đoạn đường nguyên sơ Trường Sơn, khu căn cứ Pơr’ning, xã Lăng, đường muối lịch sử, lưu giữ nhiều chứng tích cổ xưa độc đáo, địa đạo Axoò, cột mốc T2 (678) và cột cờ Trường Sơn. (7)

– Chuỗi du lịch cộng đồng: Thôn Pơr’ning, xã Lăng, Arầng I và các di tích lịch sử.

Quy hoạch phát triển du lịch văn hóa tại Tây Giang

Thực trạng du lịch tại Tây Giang.

 Huyện Tây Giang có 10 xã trực thuộc gồm: Anông, Atiêng, Avương, Axan, Bhalêê, Tr’hy, Ch’ ơm, GaRi, Lăng, chỉ có xã Dang có đường biên giới với CHDCND Lào. Theo nguồn tài liệu Trung tâm xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch huyện thống kê từ năm 2011 đến 2019, lượng khách tăng 12,5% vào năm 2012, giảm 40% vào năm 2013, sau đó tăng mạnh vào 2014(66%) và tăng nhẹ từ 2015(6%) đến 2019(8%). Nguồn thu nhập từ khách du lịch quốc tế còn thấp do dịch vụ lưu trú, địa điểm du lịch, văn hóa bản địa chưa đáp ứng lưu trú dài ngày.(8)

Tây Giang vẫn chưa thu hút  được sự quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp du lịch, cũng như thiếu trầm trọng sự quản lý khai thác, tôn tạo tài nguyên du lịch văn hóa của các sở, ban ngành. Năm Trong giai đoạn từ 2010-2015, Huyện triển khai, phê duyệt, thành lập 5 dự án quy hoạch nhằm thu hút và kêu gọi nguồn ngân sách đầu tư phát triển du lịch văn hóa vùng cao Tây Giang – Quảng Nam như:

  1. Quy hoạch khu trung tâm hành chính, văn hóa, du lịch, tại xã Ch’ơm, với diện tích 185ha.
  2. Quy hoạch chi tiết khu Du lịch đường Trường Sơn 559 tại Anông với diện tích 432,27ha.
  3. Quy hoạch chi tiết khu dân cư sinh thái Tr’lêê tại xã Atiêng với diện tích 81ha.
  4. Điều chỉnh quy hoạch điểm du lịch văn hóa cộng đồng thôn Pơ’ning.
  5. Quy hoạch phân khu chức năng “Vương quốc Pơ mu” để mở đường lâm sinh và đầu tư khu các khu nhà dịch vụ trong rừng.

Cơ cở pháp lý về quy hoạch định hướng phát triển du lịch văn hóa tại Tây Giang

 Trên cơ sở căn cứ pháp lý về xác lập quy hoạch phát triển du lịch văn hóa: Luật Du lịch được Quốc hội khóa XI tại kỳ họp thứ VII (5/5/2005 đến 14/6/2005) và có hiệu lực từ 01/01/2006; Luật di sản văn hóa số 28/2001/QH10 ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa số 32/2009/QH12 ngày 18/06/2009; Luật Bảo vệ Môi trường số 55/2014/QH13 ngày 23/6/2014; Nghị định 92/2007/NĐ-CP ngày 01/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch.(8)

– Về truyền thống văn hóa bản địa: phát triển du lịch trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Cơtu hướng đến mục tiêu Tây Giang phát triển bền vững.

– Về môi trường: sử dụng hợp lý, khai thác tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ tốt môi trường sinh thái tự nhiên, các khu rừng đặc chủng, đảm bảo quốc phòng – an ninh.

– Về thẫm mỹ, công trình kiến trúc: Các cụm nhà ở phải được gắn kết với phong cảnh tự nhiên. Các công trình nhà văn hóa, nhà truyền thống Gươl, nhà sàn Vêêl, nhà trưng bày sản phẩm văn hóa dân tộc Cơtu là điểm nhấn trong thiên nhiên, có thể hài hòa hoặc có thể là hình ảnh tương phản với cảnh quan thiên nhiên.

– Về giao thông: lựa chọn hệ thống giao thông vệ tinh, với công trình công cộng đặt gần trung tâm buôn làng, phù hợp với địa hình đồi núi, thuận lợi và hiệu quả kinh tế cho việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng tại địa phương.

– Về hình thức du lịch: đa dạng hóa các loại hình du lịch phù hợp với thực trạng phát triển du lịch văn hóa của Huyện.(9,10)

Các giải pháp cơ cấu quy hoạch

4b5389fa4a4dbe13e75c

 

 Quy hoạch dạng tập trung

Quy hoạch tập trung có ưu điểm là phù hợp với truyền thống xây dựng buôn làng có địa hình đồi núi cao, phức tạp. Dạng này cũng thuận lợi cho việc phát triển mở rộng cụm nhà ở. Cơ sở hạ tầng, hệ thống kỹ thuật được phân bổ xây dựng dễ dàng, thuận lợi hoạt động kinh doanh du lịch tập trung.

– Nhược điểm: khoảng cách với các cụm nhà ở xa so với trung tâm. Các công trình truyền thống văn hóa đặc trưng của người Cơtu, chỉ phù hợp khi phân bổ len lỏi giữa các địa hình đồi núi (11,12).

Quy hoạch tuyến đồng mức

Ưu điểm: phù hợp với buôn làng có địa hình đồi núi cao, phức tạp, hạn chế được tình trạng xói mòn vào mùa mưa lũ, sử dụng hiệu quả các công trình để tạo cảnh quan.

Nhược điểm: Khó khăn trong việc liên kết giữa các hệ thống kỹ thuật, cơ sở hạ tầng các cụm nhà ở và trung tâm sinh hoạt cộng đồng (11,12).

d66f78c2bb754f2b1664Quy hoạch dạng ô cờ

Ưu điểm: Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật thuận lợi , giải quyết được vấn đề ô nhiễm cho các khu sản xuất phụ phục vụ du lịch, dễ dàng tổ chức và phân chia cụm nhà ở.

Nhược điểm: quá trình san lấp ảnh hưởng đến chất đất và môi trường tự nhiên vùng cao.(11,12)

b8b3d71114a6e0f8b9b7

Kết quả nghiên cứu – phương án chọn

Dựa trên các yếu tố tiềm năng về tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa Cơtu, cũng như các ưu – nhược điểm của các dạng quy hoạch và cơ sở pháp lý về du lịch văn hóa, người viết lựa chọn giải pháp cơ cấu quy hoạch cho Tây Giang như sau:

– Sử dụng quy hoạch tập trung cho khu vực trung tâm chính của huyện Tây Giang, nhằm thuận lợi chô việc phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng các cụm du lịch công cộng trung tâm.s

– Sử dụng quy hoạch dạng tuyến cho các cụm ở theo mô hình truyền thống của người Cơtu (nhà Vêêl, nhà Gươl) tại các buôn làng xã, được phân bố theo các đường đồng mức phù hợp với địa hình đồi núi.

– Sử dụng quy hoạch dạng ô cờ cho các cụm ở liên kết, tại các buôn làng, xã, nhưng không phân chia các tuyến đường chính-phụ cà hệ thống hạ tầng như các đơn vị ở trong đô thị.

Đề xuất các giải pháp chi tiết về cụm nhà ở truyền thống dân tộc Cơ Tu tại Tây Giang.

Điểm độc đáo của cụm nhà sàn Vêêl, không có lối đi giữa các nhà và được bố trí bao quanh nhà sinh hoạt cộng đồng Gươl nên phân chia các cụm  nhà theo dạng ô cờ với các tuyến đường uốn lượn, đường mòn bám theo quan cảnh tự nhiên.

– Ngoài đặc tính bố trí các nhà sàn Vêêl cận kề nhau (có khoảng cách giảm xuống từ 5 đến 8m, đối với khu đất có diện tích hẹp, khoảng cách giảm xuống từ 2m đến 3m), người viết đề xuất nên bố trí các nhà Vêêl so le nhau L1=0.8L, nhằm giảm diện tích giao thông giữa các nhà, hạn chế che khuất giữa các nhà, tạo sự thông gió giữa các hộ, định hướng được các luồn gió tốt, tránh gió xấu ở vùng cao miền núi.

– Xây dựng các cụm nhà ở xen lẫn ruộng bật thang, nhằm thuận lợi cho hoạt động kinh doanh du lịch (dịch vụ homestay)đồng thời canh tác sản xuất nông sản hiệu quả. Lấy cụm nhà ở truyền thống người Cơ Tu làm điểm nhấn tạo cảnh quan vùng cao.

– Độ dốc 10-15% là con số lý tưởng để bố trí các cụm nhà ở  theo đường đồng mức, nhằm giảm áp lực nước mưa, chống xói mòn đất vào mùa lũ, thuận lợi cho việc xây dựng các trạm dừng, hệ thống kỹ thuật hạ tầng, hạn chế tối đa việc san lấp mặt bằng gây ảnh hưởng đến cảnh quan tự nhiên.

Đề xuất Quy hoạch định hướng phát triển không gian vùng Tây Giang – Quảng Nam giai đoạn 2030, tầm nhìn 2045.

Xây dựng cơ sở hạ tầng theo hình thức cuốn chiếu cho các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng,…đang hoạt động trên địa bàn huyện và những khu đang được triển khai, lập dự án xây dựng, ưu tiên cho các tuyến giao thông, công trình cấp điện, cấp thoát nước, bãi đỗ, bến xe, khu xử lý rác thải, hệ thống mạng truyền thông.

– Đầu tư các trạm dừng du lịch, các dịch vụ cư trú cùng với người dân, tại khu di lịch núi L’ gôm, K’lang, khu dịch vụ du lịch Vương quốc Pơmu, thác Nal, thác Ra-ai, thác R’cung, vọng cảnh săn mây Đỉnh Quế và ruộng bật thang Chuôr.

– Xây dựng nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn, các cơ sở lưu trú tập trung theo tỷ lệ như sau: Atiêng 63%, Axan28%,Azứt 9%.

– Xây dựng khu nghỉ dưỡng, căn hộ, biệt thự theo kiểu nhà truyền thống, với diện tích khoảng 5ha tại trung tâm huyệ, 3ha tại xã Lăng và 1,5 ha xã Atiêng.

– Tại vị trí trung tâm huyện, xây dựng các công trình công cộng, dịch vụ du lịch, các trung tâm hỗ trợ, trạm y tế, bệnh viện cấp huyện, trường học, trung tâm đào tạo, công viên vui chơi trẻ em, …mang dáng dấp kiến trúc đặc trưng người Cơ Tu.

670f56aa951d6143380c

Đề xuất hình thức du lịch văn hóa tại Tây Giang

Hình thức di lịch văn hóa gồm:

– Tham quan thắng cảnh, khám phá thiên nhiên, với các địa điểm như: thăm vương quốc rừng Pơmu, với đặc chủng lim xanh; Dừng chân điểm vọng cảnh Đinh Quế, núi L’gôm, K’lang…suối, sông, hồ, ruộng bậc thang Chuôr và K’noonh; Trải nghiệm 30km đường muối và đôi cây Đa Sộp.

– Phát triển loại hình du lịch văn hóa vật thể- phi vật thể: tham quan các công trình kiến trúc, di tích lịch sử, sản phẩm thủ công truyền thống và tham gia các lễ hội văn hóa người Cơ Tu;

– Tổ chức các hoạt động thể thao có quy mô lớn: Marathon quốc tế, leo núi, thám hiểm, đua xe đạp, moto, oto địa hình, đi bộ, trượt thác,…

Kết luận và kiến nghị

 Quy hoạch du lịch văn hóa tại Tây Giang giai đoạn từ 2020 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là tiền đề hết sức quan trọng trong phát triển du lịch văn hóa theo xu hướng bền vững, đồng thời đây là cơ sở vững chắc cho sự khai thác hiệu quả tiền năng và tài nguyên du lịch văn hóa tại Tây Giang. Để thực hiện tốt các chủ trương, trong quy hoạch phát triển du lịch văn hóa bền vững tại Tây Giang, người viết có các kiến nghị sau:

– Cần quan tâm đầu tư xây dựng nâng cấp tuyến đường quốc lộ 14G theo quyết định sô 356/QĐ-TTg ngày 25/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ V/v phê duyệt điều chỉnh quy hoạch GTVT đường bộ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

– Xây dựng Chương trình phát triển Nông thôn mới đối với các huyện nghèo tại Tây Giang.

– Các cấp chính quyền cần sớm xác lập. phê duyệt và triển khai các dự án Quy hoạch phát triển du lịch văn hóa tại Tây Giang, Quy hoạch phát triển không gian vùng cho huyện Tây Giang.

– Thiết lập mối liên kết chặc chẽ giữa du lịch của Tây Giang với du lịch của các đia phương trong khu vực Tây Bắc của tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Hội An, Thừa Thiên-Huế nhằm hỗ trợ triệt để phát triển du lịch văn hóa vùng miền, phát triển cụm du lịch theo thứ tự ưu tiên.

– Du lịch văn hóa phát triển với tốc độ phù hợp và bền vững hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin viễn thông đủ đáp ứng yêu cầu vào mùa mưa.

– Chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống mang biểu tượng Tây Giang, thông qua việc đề xuất công nhận các di sản phi vật thể, di tích lịch sử, cách mạng.

– Bảo vệ môi trường tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên: tài nguyên rừng, cây di sản, hướng đến lập các khu bảo tồn các gen thực vật quý hiếm.

– Khuyến khích và đầu tư thích đáng các nghiên cứu khoa học ứng dụng công nghệ cho ngành du lịch, nhằm thu hút các nhà khoa học trong và ngoài ngành du lịch để phục vụ cho sự phát triển du lịch sinh thái bền vững huyện Tây Giang.

 ThS.KTS. Lê Thị Kim Anh

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1). Du lịch văn hóa (2015), Nguyễn Phạm Hùng, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

(2). Văn hóa du lịch Việt Nam (2016), Phan Huy Xu – Võ Văn Thành.

(3). Best in culture travel (2018), Lonely Planet.

(4). Nghị quyết 17-NQ/HU ngày 10/9 (2014) của Huyện ủy về kêu gọi thu hút đầu tư phát triển du lịch huyện Tây Giang giai đoạn 2014 -2020 và tầm nhìn đế năm 2030.

(5). Góp phần tìm hiểu văn hóa truyền thống dân tộc Katu (2006) (Contribution to learn Cơ-Tu Culture), NXB Khoa học xã hội.

(6). Traditional community house of the Cơ- Tu ethic group in central Viet Nam, Sansai Journal of GSGES (2012), Kyoto University No.6, pp.97-114, Izuka Akiko.

(7). Kiến trúc – Nghệ thuật tạo hình của người Cơ – Tu xưa và nay (2015), Nguyễn Thượng Hỷ.

(8). Quyết định số 629/QĐ-UBND ngày 07/05 (2015) của UBND huyện Tây Giang về phê duyệt đề cương nhiệm vụ và dự toán kinh phí lập quy hoạch phát triển du lịch huyện Tây Giang – Quảng Nam từ năm 2018 đến 2015, tầm nhìn đến 2035.

(9). Vấn đề phát huy giá trị văn hóa dân tộc Cơ Tu tỉnh Quảng Nam hiện nay (2010), Nguyễn Hoàng Phước Nguyên.

(10). Nghiên cứu giá trị đặc trưng và đề xuất hướng bảo tồn, phát huy di sản giá trị văn hóa truyền thống làng Việt Nam (2016), Báo cáo tổng kết đề tài Nghiên cứu khoa học cấp tỉnh Quảng Nam, Trần Đình Hằng, Nguyễn Phước Bảo Đàn, Lê Tuấn Anh, Võ Vĩnh Quang, Lê Tiến Công, Trần Đức Sáng, Lê Thọ Quốc, Nguyễn Thăng Long, Trần Thanh Hoàng,  Hoàng Thị Ái Hoa, Lê Đình Hùng, Lê Thị Như Khuê, Hà Thị Phước, Tôn Nữ Khánh Trang.

(11). Mô hình và giải pháp quy hoạch Kiến trúc vùng Tây Nguyên (2002), Báo cáo tổng kết đề tài  Nghiên cứu khoa học cấp Bộ Xây Dựng, Nguyễn Việt Châu, Lê Bích Thuận, Lê Anh Tuấn, Đinh Thu Hằng, Ngô Phương Lan, Đỗ Trúc Phương, Cao Việt Hưng.

(12). Quy hoạch đơn vị ở (2014), Phạm Hùng Cường, NXB Xây dựng.

*Nghiên cứu này được tài trợ kinh phí bởi Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng trong đề tài có mã số: T2019-06-126

Check Also

6

Đại hội Hội Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IV, nhiệm kỳ 2024 – 2029

          Ngày 03/ 8/2024, Hội Quy hoạch phát triển đô thị …