- Quảng Nam vừa đi qua một chặng đường chắc rồi cũng sẽ được ghi lại một dấu mốc đáng nhớ trong đời sống với những ai đã đi qua trong suốt chặng đường 20 năm qua.
Ngày 01/01/1997, Quảng Nam – Đà Nẵng đã trở thành hai đơn vị hành chính, tuy đã xác định rất rõ đây chỉ là chia tách hành chính. Song về lịch sử, truyền thống văn hóa, tinh thần xã hội và mọi quan hệ khác vẫn luôn gắn bó là một, và sự chia tách trên không ngoài mục đích là tạo điều kiện để cùng phát triển trong thời kỳ mới…
Nhìn lại cái phần đất phía nam này đã trở thành phần đất Việt, tính đến nay ấy thế đã 710 năm rồi, vẫn đứng trước những vô vàn khó khăn, đến tưởng không khéo sẽ còng lưng khó mà đứng thẳng lên được để mà đi tới cùng anh em. Cái ngày chia tách ấy cả khối cơ quan của tỉnh dồn hết vào hơn nữa diện tích cái nhà máy mượn tạm để ở nhờ và rồi đến chiều thứ sáu thì tất cả lại ùn kéo ra khỏi cái nơi lưu trú nườm nượp xe lớn xe nhỏ để về Đà Nẵng, trả lại cái thị xã Tam Kỳ vốn là một huyện lỵ heo hút chìm vào cái heo hút quê mùa của nó để đến sáng thứ hai tuần sau lại tấp nập người từ Đà Nẵng vào. “Phố” bắt đầu gieo mầm sinh khí…
Một vùng nông thôn trải dài theo quốc lộ, cằn cổi, phía tây là sỏi đá, phía đông là cát trắng xương rồng, phi lao. Và cả một miền núi mênh mông với những con đường ngoằn nghèo heo hút. Nhắc lại cái ngày hôm qua để mà có thể tự hào một cách chính đáng của một chặng đường đã đi qua, thật sự là một sự trở mình vươn vai đứng dậy của mảnh đất này, không ồn ào, không hào nhoáng, mà chín chắn, mà sâu, đi qua khó khăn một cách bình tĩnh, cố gắng tạo được chiều sâu cho từng bước đi. Cố gắng nhanh mà không vội, táo bạo khi cần mà không phiêu lưu, đi những bước ngắn trước mắt và cụ thể mà cũng chừng nào đó đã nằm trong một cái nhìn chiến lược lâu dài và toàn diện, có liệu tính đến cả vị trí và vai trò của mảnh đất này trong thế trận dài hạn của đất nước. Một vị trí trong quá khứ lịch sử đã từng có thời hết sức đặc biệt, thậm chí có lúc từng là trung tâm của sự phát triển dân tộc…
Những tưởng những ngày mới chia tách đầy gian nan đến mức quá dễ bi quan ấy, thế mà hôm nay Quảng Nam thật sự thay đổi, thay đổi thậm chí đến mức khó ngờ. Bởi cái tỉnh gần như hoàn toàn thuần nông mà thuần nông ở cái hậu xứ nào còn có cái thóc, cái gạo để bán tiêu xài, đổi chát chứ mà thuần nông ở cái đất Miền Trung “ chó ăn đá, gà ăn muối” hè thì khô hạn, mưa thì lũ lụt chỉ có nghèo suốt đời. Thế mà đến nay trong cơ cấu kinh tế công nghiệp và dịch vụ đã chiếm đến trên 70% và chắc chắn sắp tới cũng sẽ tăng rất nhanh. Nhìn chung công việc phát triển kinh tế – xã hội và quá trình đô thị hóa của Quảng Nam trên con đường tới rất rõ ràng và đang có đà và có lẻ chính điều này mới là điều quan trọng.
Tạo nên được một cái đà như vậy chắc rằng không dễ chút nào, bởi cũng có những nơi phát triển khá rộn rã, hào nhoáng nhưng lại có cảm giác dường như đang đuối đà dần đi, đang mất sức…
Nhìn lại để tự hào, và tự hào để tin tưởng hơn. Nhưng chắc hẳn điều cần thiết và thiết thực hơn nữa lúc này là nhận ra được ở chặng đường vừa đi qua đó những nguyên do nào đã đưa đến những thành tựu, để mà giữ gìn lấy nó và biết tận dụng, phát huy nó cho những bước đi tiếp đang đến.
- Quảng Nam đang sở hữu một tài nguyên thiên nhiên, sinh thái nhân văn phong phú. Quảng Nam đang tọa lạc trên một vùng đất giang sơn gấm vóc với núi cao, núi thấp, đồi, rừng, hồ, suối, cù lao, vịnh, bãi biển, thềm biển, cánh đồng, bản làng người dân tộc, làng mộc, làng gốm, làng đồng, có khu du lịch núi, khu du lịch suối nóng, khu du lịch biển, có di sản đô thị cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, có cụm Công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc, có khu kinh tế mở Chu Lai, có sân bay Chu Lai trung chuyển hàng hóa nội địa, khu vực và quốc tế, có cảng Kỳ Hà đang từng bước khai phóng…Một phức hợp vừa tự nhiên ban tặng vừa thừa hưởng của tiền nhân để lại, vừa định hướng trong cái chuỗi với hệ kỳ diệu kia không nơi đâu sánh nỗi.
Phát triển nhanh và hiện đại lên, nhưng chớ để cho cái gia tài trời cho ấy suy suyển, chớ để cho một nhân tố nào đó trong cái chuỗi và hệ diệu kỳ kia bị triệt chủng. Hãy cố gắng cộng tồn, cộng sinh, tạo nên một đô thị duy nhất – đô thị sống chung với tự nhiên. Đi ngược lại cái triết lý bao trùm ấy, Quảng Nam sẽ chỉ còn là cái mà nó đã từng là, chiếm vị trí lọt thỏm trong hằng hà những đô thị khác. Vì vậy, cần xác lập và vịn vào mà phát triển theo dòng chảy, để hòa nhập đặng tạo nên một cơ thể đô thị lành mạnh và thống nhất để phát huy.
Hôm nay, Quảng Nam đang xây dựng, đang xác lập với diện mạo của mình trên nền tảng của 3 nhân tố chủ đạo và 3 xuất phát điểm chi phối nhất quán, đó là:
- Trục chuỗi đô thị trung tâm về kinh tế, văn hóa, giáo dục và du lịch vùng trọng điểm
- Đô thị sở hữu một vùng đất rộng lớn và đặc trưng bởi sự hiện hữu của những nhân tố con người, tài nguyên, thiên nhiên và cảnh quan sinh thái phong phú.
- Đô thị sở hữu một quỹ kiến trúc hàng trăm năm, phát triển khá lớn về giá trị vật chất, hàm chứa những giá trị kiến trúc và nhân văn.
Nếu nhân tố đầu nêu trên tác động và quyết định tầm cở, quy mô và tốc độ phát triển của tỉnh, thì 2 nhân tố nêu sau lại chi phối và quyết định tính chất của đô thị và chất lượng sống mà nó đem lại. Dĩ nhiên, chất lượng sống chỉ tạo ra khi cả hai nhân tố này được nhận ra thấu triệt và được đưa vào các bài tính xây dựng đô thị ở cả tầm vĩ mô lẫn vi mô.
3. Nhiều người nói rằng, hậu xứ Quảng Nam khó mà phát triển bởi núi đồi, sông ngòi chiếm một phần diện tích rất lớn, ngoài ra người bản địa nơi này thực chất cần cù thuần nông hơn là làm kinh tế – Nghĩ như vậy cũng có phần đúng.
Vì vậy trong 20 năm qua, trải qua nhiều thời kỳ lãnh đạo với tính chất thống nhất xuyên suốt Quảng Nam đã từng bước đặt nền móng phát triển dường như theo hướng “Ly nông bất ly hương” có chậm nhưng lại chắc, có sôi nổi nhưng không ồn ào. Từ đó tuy không nói ra nhưng chắc rằng với một ai có một tí tầm nhìn cũng điều nhận ra sự phát triển của Quảng Nam là sự phát triển mang hơi thở bền vững không phải cho hôm nay mà định hướng đón đầu cho cả mai sau: Ví như Hội An đang phát triển theo định hướng là thành phố sinh thái, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản đạt tiêu chuẩn đô thị loại 2, trung tâm du lịch quốc gia, là Thành phố văn hóa du lịch trọng điểm cả nước, ngoài ra còn có khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm rất thận trọng trong khai thác. Đô thị Điện Bàn
( thị trấn Vĩnh Điện mở rộng) không chỉ là một đô thị độc lập loại IV mà còn là trung tâm phía Bắc của tỉnh Quảng Nam có khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc, có cả hành lang biển với các khu Resort đẳng cấp quốc tế. Vì vậy, đối với đô thị Điện Bàn được nhìn nhận trong một chuỗi đô thị trung tâm vùng Đà Nẵng – Điện Bàn – Hội An và xa hơn là trung tâm kinh tế trọng điểm Miền Trung. Về phía Tây có Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang- Đắc Tà Oóc, đây là địa điểm nằm trên đường Xuyên Á, tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây nối tuyến đường bộ ngắn nhất từ khu vực Nam Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan qua cửa khẩu Nam Giang đến các khu kinh tế trọng điểm khu vực Miền Trung. Về Phía Nam là khu kinh tế mở Chu Lai (trừ sân bay Chu Lai) được bao gồm tiểu khu thuế quan và phí thuế quan (hay khu cảng tự do) gắn với cảng Kỳ Hà bao gồm các hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu và hàng phục vụ tại chỗ. Và cuối cùng là Thành Phố Tam Kỳ, thành phố vừa được công nhận Đô thị loại 2 và cũng là thành Phố trung tâm chính trị văn hóa khoa học của tỉnh Quảng Nam và đây cũng là Thành Phố nằm trong chuỗi đô thị ven biển của Miền Trung.
- Qua 20 năm đổi mới phát triển (1997-2016), Quảng Nam có sự tăng trưởng khá, quy mô kinh tế tăng lên đáng kể, nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị vệ tinh được hình thành phát triển, Tuy nhiên, trong quá trình phát triển lợi thế so sánh của Quảng Nam chưa được phát huy đầy đủ, thế mạnh kinh tế biển, tiềm năng phát triển du lịch và cửa ngõ ra biển, cùng hành lang kinh tế Đông – Tây chưa được khai thác tốt…dẫn đến tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh mà tỉnh Quảng Nam đang có. Vì vậy, việc đặt ra liên kết tăng cường phối hợp giữa các địa phương trong vùng bao gồm tỉnh, thành phố duyên hải Miền Trung là : Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa là yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và an ninh quốc phòng đối với tỉnh nhà.
- Các tỉnh Duyên hải miền Trung khá tương đồng với nhau cả về tiềm năng biển và ven biển, tiềm năng du lịch, tiềm năng phát triển cảng và các khu công nghiệp tập trung quy mô lớn. Nhưng hiện tại tính liên kết trong vùng để cùng phát huy lợi thế cạnh tranh thì còn rất hạn chế. Các khu công nghiệp, khu kinh tế còn tập trung về sản phẩm, về chức năng…vẫn diễn ra. Làm thế nào để tạo ra tính liên kết trong sản xuất và kinh doanh để có sức cạnh tranh quốc tế cho các sản phẩm trong vùng là một vấn đề quan trọng cần phải vượt qua. Vì vậy, trong quy hoạch của địa phương cần phải điều chỉnh được khớp nối, phân bổ chức năng với tầm nhìn được dự báo trong tương lai, hoàn thiện quy hoạch không gian lãnh thổ theo hướng tạo các đô thị gắn kết với nhau và với các khu vực nông thôn bằng bộ khung kết cấu hạ tầng đồng bộ theo xu hướng khai thác hiệu quả quỹ đất, hệ thống giao thông phải đảm bảo gắn kết các đô thị, điểm dân cư và các khu công nghiệp tập trung. Triển khai việc quy hoạch xây dựng hệ thống đô thị ở nông thôn theo quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của lãnh thổ và trên địa bàn khu vực nông thôn. Tạo ra một hệ thống đô thị nhằm cơ cấu lại nền kinh tế nông thôn theo hướng tăng vững chắc tỷ trọng công nghiệp nhỏ và các dịch vụ tổng hợp. Đẩy mạnh tốc độ đầu tư xây dựng các khu kinh tế để các khu kinh tế từng bước trở thành những hạt nhân, trung tâm phát triển của tỉnh nhà và của Vùng. Hoàn chỉnh cơ chế chính sách, nhất là các thủ tục hành chính và cơ chế quản lý các khu kinh tế để các khu này thực sự là nơi có môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
-
Quảng Nam đang sở hữu hai di sản văn hóa là đô thị cổ Hội An, Mỹ Sơn và khu sinh quyển Cù Lao Chàm và các làng nghề nổi tiếng. Vì vậy, cần phải nâng cao chất lượng ngành du lịch, phối hợp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, của Vùng với các sản phẩm tiêu biểu là du lịch văn hóa, du lịch biển, du lịch sinh thái, vui chơi giải trí kết hợp với du lịch tham quan di tích lịch sử, lễ hội truyền thống, làng nghề…Đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, có quy mô lớn. Tập trung phát triển dịch vụ chất lượng cao, đặc biệt là dịch vụ gắn với phát triển du lịch và hoạt động đầu tư tại các hệ thống đô thị của Vùng như dịch vụ tài chính ngân hàng, thương mại, dịch vụ công nghệ, pháp lý, môi trường, viễn thông, phát triển thị trường bất động sản…cần phát huy tối đa lợi thế vị trí đại lý và điều kiện tự nhiên của tỉnh, của Vùng để phát triển hợp lý, bền vững hệ thống giao thông vận tải nhằm tạo đột phá, tiền đề, động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội. Quảng Nam đang lợi thế bởi có đường Quốc Lộ 1 xuyên trục, có đường Hồ Chí Minh đi thẳng đến các tỉnh, thành Tây Nguyên, cửa khẩu Bờ Y và cửa khẩu Nam Giang (hành lang kinh tế Đông – Tây) con đường ven biển. Tập trung đầu tư đối với các công trình giao thông trọng điểm mang tính đột phá như cảng biển trung chuyển, cửa ngõ quốc tế, cảng hàng không, đường bộ cao tốc trên hành lang vận tải quan trọng…Phát triển bền vững mạng lưới giao thông quy hoạch phát triển đô thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi…Giải quyết tốt các vấn đề an toàn về môi trường ngay trong công tác quy hoạch và điều hành. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa cần chú trọng sự phát triển bền vững, không để xảy ra các sự cố môi trường sinh thái, môi trường đô thị, đồng thời bảo đảm cải thiện điều kiện môi trường ở các khu dân cư hiện đang ô nhiễm. Có giải pháp phòng chống ô nhiễm các khu vực sản xuất công nghiệp tập trung và các làng nghề…Biến đổi khí hậu có tác động nghiêm trọng dẫn đến nước biển dâng, sự nóng lên của toàn cầu, khí hậu cực đoan và thiên tai trở nên ác liệt và có thể trở thành thảm họa, gây rủi ro lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội do đó cần soát xét lại các đồ án quy hoạch để đánh giá, phòng bị, bảo đảm cho quá trình phát triển.
Về không gian kiến trúc đô thị, cũng đừng mạnh tay vung lên những cụm nhà cao vút chọc trời với những mảng khối sắc màu rực rỡ từ nền quy hoạch hiện đại sẽ dẫn tới những bất cập ở quy mô của các vấn đề mang tính xã hội vật chất trong thành phố hiện đại như: sự bất bình đẳng, chia rẽ, mâu thuẫn thể hiện rõ trong khung cảnh không gian và xã hội của thành phố và ở mức độ cao hơn là trả lời cho những câu hỏi: các thành phố hiện đại xây dựng nhằm mục đích gì? Ý nghĩa của vấn đề bẳn sắc? (các đô thị và quần thể đô thị mới dường như xa lạ với các khái niệm truyền thống về cuộc sống cũng như văn hóa đô thị), nên chăng chủ trương việc tái cơ cấu chính sách công và phát triển thực tiễn để hỗ trợ các nguyên tắc sau đây: khu dân cư nên đa dạng trong sử dụng, các khu cộng đồng nên được thiết kế cho người đi bộ và vận chuyển cũng như xe hơi, các thành phố và thị trấn nên được định hình bởi tự nhiên sẵn có của khu vực, các không gian công cộng và các tổ chức cộng đồng được kết nối tốt nhất có thể cho người dân sử dụng; các khu đô thị phải được tổ chức theo kiến trúc và thiết kế cảnh quan để tôn tạo và tôn vinh giá trị lịch sử địa phương, khí hậu, sinh thái, trên các quy chuẩn thực hành xây dựng.
Về phát triển đô thị, chúng ta không phủ nhận những thành công do công cuộc đô thị hóa mang lại, nhưng bên cạnh sự thành công thì hệ quả của nó để lại cũng không nhỏ và khó tính toán hết; người ta bắt đầu cảm thấy lo lắng về các khoản nợ và khả năng thanh toán của con cháu mai sau. Đô thị phát triển phải theo quy luật của nó; quy luật đó là tầm nhìn và nhu cầu của sự phát triển, là nguồn lực phát triển, là lộ trình phát triển trên những tiêu chí bảo đảm cho một đô thị hiện đại. Tất nhiên, những vấn đề nổi cộm trong thời gian qua chẳng phải là điều mới mẻ, bởi vì trên thực tế mọi người ai cũng thấy, ai cũng hiểu được. Thế nhưng, để đưa nó vào một trật tự thì không dễ. Vì vậy, trong công tác quy hoạch cần chú trọng một cách triệt để không thể xuê xoa trước mắt rồi điều chỉnh. Quy hoạch là tầm nhìn, là kịch bản phát triển đô thị. Để có tầm nhìn, cần thực hiện dân chủ hóa trong quá trình xây dựng quy hoạch, cần tôn trọng các nhà khoa học, các chuyên gia , các nhà văn hóa… phải thực sự lắng nghe ý kiến của họ và có khả năng tiêu hóa ý kiến của họ. Đối với người dân sở tại, quy hoạch phải trả lời cho được là người dân hăm hở đón nhận hay thờ ơ với quá trình đô thị hóa. Cao nhất là họ thấy được hưởng lợi do phát triển đô thị đem lại, cả vật chất lẫn tinh thần và điều kiện sống.
Về nhân lực, cần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Gắn giáo dục, đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật đáp ứng với thị trường lao động. Kết hợp việc đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến về giống cây trồng và vật nuôi, kỹ thuật bảo quản và chế biến sản phẩm với việc hình thành các nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong các ngành then chốt và các sản phẩm mũi nhọn. Có chính sách khuyến khích các Doanh nghiệp tập trung đầu tư cải tiến công nghệ sản xuất, thay thế dần các thiết bị lạc hậu, đồng bộ hóa công nghệ trong những ngành có lợi thế như chế biến nông – lâm – hải sản, chế biến thực phẩm. Cần có quy hoạch phát triển và bảo vệ rừng…
Thay cho lời kết, xin phép được ghi lại lời thơ của nhà báo Thuận Hữu: Niềm tin đất Quảng
Miền đất ấy suốt đời ta gắn bó/Từ rừng núi Trà My đến nắng gió Chu Lai/Từ sâu thẳm của hành trình di sản/Đến mộc mạc xóm làng, ruộng lúa, nương khoai/Đất Quảng Nam kiên cường, trung dũng/Người Quảng Nam thẳng thắn, nghĩa tình/Chưa hiểu nhau thì người thân cũng cãi/Đã thương nhau cách trở mấy cũng gần/Khi đã quyết thì không gì ngăn cản/Lấp bể dời non không phút nản lòng/Vùng quê nghèo đi vào công nghiệp hóa/Từ khối óc, bàn tay của hàng triệu tấm lòng/Một mai rồi Quảng Nam giàu có/Kinh tế mở Chu Lai sẽ sôi động, rộn ràng/Điện Ngọc-Điện Nam và bao vùng quê khác/Hết cảnh nghèo, bớt vất vả gian nan/Dẫu có đổi thay vạn lần đi nữa/Với Quảng Nam ta vẫn cứ tin rằng/Đây mảnh đất kiên cường, trung dũng/Đây con người tình nghĩa, thủy chung.
NGUYỄN CỬU LOAN (ĐT&PT SỐ 63/2016)
Tài liệu tham khảo:
-TS. Nguyễn Bá Ân, Lợi thế cạnh tranh của 7 tỉnh duyên hải miền Trung, tạp chí chuyên đề Đô thị & Phát triển số 39
-PGS.TS.KTS Ngô Thám, Sinh thái công nghiệp với quy hoạch xây dựng, tạp chí chuyên đề Đô thị & Phát triển số 23
-Lê Văn Lân, Tư duy mới về phát triển đô thị, tạp chí chuyên đề Đô thị & Phát triển số 55