Thời xưa tuy khoa học chưa phát triển những bằng linh cảm và trực giác, kết hợp với quan sát và chiêm nghiệm thực tế, người xưa cũng đã biết được tác động của thảo mộc đối với con người. Vì vậy, việc lựa chọn loài cây và vị trí trồng trong vườn nhà được tiến hành rất cẩn thận theo đúng những quy định của thuật phong thủy.
Thực vậy, trong phong thủy chia ra âm – dương và Ngũ hành.
Dương tính là những cây cần nhiều ánh sáng khi trồng ở những nơi ẩm thấp, thiếu ánh sáng sẽ phát triển yếu ớt, khó ra hoa kết trái và rất dễ chết. Chẳng hạn như hoa hồng, hoa cúc, thược dược, đỗ quyên, hoa mai,…
Âm tính là những cây có thể đặt trong nhà hay trong bóng râm. Trong thiết kế phong thủy, cây dương tính chỉ được trồng ở ngoài sân hay ở chung quanh nhà, còn khi đưa vào trong nhà với điều kiện thiếu ánh sáng, cây dương tính không thể phát triển được. Trái lại, những cây âm tính khi đưa vào trong nhà không những phát triển mà còn có thể cải thiện môi trường. Ví dụ: cây trúc Nhật và cây thiết mộc lan khi về đêm sẽ hấp thụ khí CO2 và thải khí O2, có tác dụng làm sạch không khí trong nhà.
Nói chung, sự tương tác giữa con người với thảo mộc trong không gian kiến trúc bị chi phối bởi thuộc tính Ngũ hành của các loài cây. Việc phân loại thảo mộc theo Ngủ hành chủ yếu căn cứ vào màu sắc của các loài cây.
Những cây thuộc hành Thủy phần lớn là những cây có màu lá xanh thẫm như tùng bách, bồ đào… Và những cây thuộc hành Thủy có tác dụng sinh tinh, bổ thận.
Những cây thuộc hành Hỏa bao gồm những cây có sắc đỏ như thạch lựu, mộc miên, hồng thảo, hồng thiết,… Đối với sức khỏe, những loài cây này có tác dụng bổ tâm và làm dịu thần kinh.
Những cây thuộc hành Kim, chủ yếu gồm những loài cây có lá, hoa hay thân màu trắng như bạch lan, bạch thủy tiên, cửu ly hương,… có tác dụng điều hòa chức năng tạng phế.
Những cây thuộc hành Mộc, gồm những loài cây có màu xanh lục, có chức năng điều hòa tạng can (gan).
Những cây thuộc hành Thổ, bao gồm các giống cây có sắc vàng, có lợi cho tạng tỳ.
Căn cứ vào quan hệ tương sanh tương khắc của Ngũ hành, người xưa còn đưa ra những quy định về vị trí trồng và bày trí trồng trong nhà. Tựu trung, mỗi loại cây nên trồng ở vị trí ngủ hành tương sinh. Ví dụ: cây thuộc hành Thủy nên trồng ở phía Tây của ngôi nhà (Tây thuộc hành Kim, hành Kim sanh hành Thủy), cây hành Hỏa thì ở phía đông (phía Đông, hành Mộc sanh hành Hỏa)… Cũng xuất phát từ quan hệ sinh khắc của Ngũ hành, đối với vị trí trồng của một số loài cây, các nhà phong thủy còn đưa ra một số lời khuyên cụ thể. Ví dụ: Cây đào nên trồng ở phía đông ngôi nhà, phía nam thì trồng mai và táo, phía bắc nên trồng hạnh và lê…
Bài trí cây cảnh trong nhà đã có từ lâu đời. Nó không chỉ làm đẹp khung cảnh nhà cửa mà còn làm cho cuộc sống dễ chịu, thoãi mái hơn. Ngoài ra, cây cảnh còn làm điều tiết nhiệt độ, có lợi cho sức khỏe. Ngày nay, việc bài trí cây cảnh trong nhà còn là một nghệ thuật đòi hỏi óc thẫm mỹ.
Căn cứ vào không gian trong phòng lớn hay nhỏ mà chúng ta có thể sắp xếp sao cho nó ngăn nắp. Nếu phòng hẹp, trần thấp mà bày cây cao, to là không hợp lý. Ngược lại, phòng ốc rộng lớn mà bày chậu cây nhỏ bé thì cũng gây được sự chú ý, mặc dù bản thân nó là loài cây đẹp, cây quý.
Thông thường, các màu đỏ, cam, tím và vàng là màu nấm, biểu hiện nhiệt tình ấm áp. Các màu xanh biển, xanh lục và màu trắng là màu lạnh, biểu thị sự yên tĩnh. Xanh hóa nội thất, chủ yếu là thực vật, có thể cân nhắc các mặt sau đây: Căn cứ vào màu sắc của phòng đó như màu tường, màu trần, các loại đồ vật… Nếu phòng đó có màu nóng thì cây cảnh nên có màu lạnh và ngược lại thì nên dùng cây cảnh có màu ấm nóng. Cũng tùy theo màu mà sự sắp xếp nên thay đổi, chẳng hạn mùa xuân thì màu sắc tươi tắn, màu hạ thì dùng màu xanh thanh, đạm; mùa thu thì dùng màu xanh lục; mùa đông thì dùng màu hồng.
Cây cảnh trưng bày trong nhà cần thống nhất với các đồ vật khác bày biện trong phòng để đạt được cái đẹp hoàn chỉnh. Nếu bài trí tốt càng tăng thêm thẫm mỹ. Đã có nhiều cây cảnh được đưa vào nội thất nhưng căn cứ theo cách chơi của nghệ nhân thì có chừng 10 loại cây, chia ra làm 3 bộ là thông dụng nhất:
Bộ tứ kinh thực vật gồm: đa, sung, si, sanh
Bộ tứ quý gồm: tùng, cúc, trúc, mai (ứng với tứ bình, tứ thời).
Bộ tam đa gồm: vạn tuế (tức thiên thuế), lộc vừng, sung đã ra quả (ứng với Phúc, Lộc, Thọ).
Bộ tứ quý bày trong nhà, mặt trước là nam quân tử: tùng, trúc; mặt sau là nữ khuê phòng: cúc, mai.
Ngoài ra còn có thể điểm xuyết loại cây thiết mộc lan, vạn niên thanh, trúc Nhật,…
Làm như vậy đã đưa thiên nhiên bao la thành “góc trời thu nhỏ” chứa đựng cây xanh, dáng thế, màu sắc, hương thơm vào trong nhà, tạo nên vẻ đẹp và sự ấm cúng cho môi trường sống của chủ nhân…
Nguyễn Nhân
Đô thị & Phát triển số 82/2021