Thế núi thế sông và tạo vật đã tạo cho Đà Nẵng có sức hấp dẫn lạ thường. Không chỉ hiện tại mà ở những thập niên đầu 1800, những danh thắng nổi tiếng như Hải Vân Sơn, Ngũ Hành Sơn… đã đi vào thơ văn nhạc họa của một vùng nom nước kỳ thú và hữu tình.
Xin được giới thiệu đến bạn đọc những bài ký: Nam du đến Ngũ Hành Sơn (5.1933) của nhà văn Nguyễn Trọng Thuật và Bà Nà du ký (6.1931) của nữ sĩ Huỳnh Bảo Hòa – như một tư liệu quý và cần thiết để chúng ta có cái nhìn nhận từ quá khứ đến hiện tại của sự phát triển xã hội…
Đi bộ thì sợ Hải Vân…
… Đèo Vân là một ngàn núi phân chi với Tràng Sơn mà chạy thẳng đến tận bờ bể, chặn ngang lấy con đường Huế vào Quảng Nam.
Ngàn núi này to, hiểm mà cao, chân núi là mặt bể, ngang lưng các ngọn núi trở lên, mây ám mù mịt suốt ngày, cho nên mới gọi là Hải Vân Sơn. Chỗ gần bể có một quả núi thấp hơn và làn làn, mở làm lối đi, nên lại gọi là đèo Vân. Đời Minh Mệnh lập cửa ải ở trên đèo nên gọi là Ải Vân. Toàn thể núi là đá hỏa thành thạch với cát mà ít có chất đất, nên không có rừng.
Hải Vân Sơn bây giờ có hai đường đi qua là đường bộ cũ với đường xe lửa mới. Đường bộ đi thẳng lên đèo, đường xe lửa phải đi lượn vòng chân núi ra bờ bể. Đường bộ đi lên thì ngược, đi xuống thì dốc. Tuy nói đèo ấy thấp hơn các ngọn, nhưng cũng đã cao đến tầm mây phủ rồi. Cho nên ban ngày thường bị mây phong kín mít. Khi xấu trời, xe ô tô mở bốn đèn pha mà không nhận rõ được đường. Xe ô tô bất cẩn một tí là sa xuống khe núi. Lại hùm beo có khi ra đuổi người, đuổi cả ô tô.
… Huế là thủ đô mà không mở được hải cảng là vì cửa Thuận An nông. Thế mà vận tải hàng hóa, quân nhu ở cửa Hàn vào, thì bị đường đèo Vân hiểm trở như kia. Nên ngay từ hồi đầu, Bảo hộ phải đặt ngay lấy đoạn đường sắt này, đã vừa phải đi vòng cho dài đường ra lại vừa khó làm lắm. Một bên đường là núi cao, một bên là bể mông mênh. Khe chũng thì đổ cao lên, đá chắn ngang thì đục làm toại đạo, tunnel cái dài nhất xe lửa chạy đến sáu phút ở trong.
Ngồi trên xe trông ra bể, xa thì mây mù nước biếc mênh mang, gần thì sóng đập vào đá, mỗi trận ào ào lại bọt tung lên trắng xóa. Đó là cái cảnh vui mắt của khách vô sự ngồi trên xe trông ra, mà chính lại các cảnh gian hiểm của bạn nhà nghề vượt thuyền qua vùng bể đó. Đó tức là nơi Hang Giơi. Ngạn đã có câu: “Đi bộ thì sợ đèo Vân, đi thuyền thì sợ sóng thần Hang Giơi”. Vậy một chỗ mà hai cái đường đi đều nguy hiểm cả. Ấy thế mà các cụ ta xưa, bộ thì cái đòn đôi quang, thủy thì cái buồm cái chèo, mà thắng được với cái nguy hiểm. Mở từ mé nam Hải Vân vào tới Nam kỳ, để sản nghiệp cho con cháu, há không kiên nhẫn mạo hiểm mà được thế dư?
Xe lượn vòng bờ bể Hang Giơi rồi tiến lên mé nam Hải Vân, trông với lên đỉnh đèo thấy một cái cửa ải cao lớn đen trũi còn trơ trơ đứng giữa trời. Hỏi ra mới biết cửa ải ấy mới xây từ đời Minh Mệnh dùng để phòng ngoại. Phàm tàu ngoại quốc vào cửa Hàn, trước phải lên đó trình và xin phép. Ý giả, nếu hữu sự thì giữ đó mà chống với ngoại quốc. Đó là tin ở câu: “Một người đứng trước cửa quan, một vạn quân địch không phá ra được”, là cái thuyết cậy hiểm về đời cổ sơ…
Nam Du Ngũ Hành Sơn
… Ngũ Hành Sơn là một chòm núi bằng đá hoa lô nhô ở xã Du Xuyến, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, tỉnh Quảng Nam. Chòm núi ấy có năm quả lớn gần nhau, người ta lấy tên năm vị sao kinh tinh là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa và Thổ mà đặt tên cho từng quả một mà tóm gọi là Ngũ Hành Sơn. Quả núi có thắng cảnh cho khách đến xem là Thủy Tinh Sơn, tên nhà chùa gọi là Phổ Đà Sơn. Núi ở liền chân bãi bể, lên một đường, xuống một đường. Cũng không cao lắm. Núi có hai cảnh chùa, cũng gọi là chùa Non Nước hay là chùa Linh Ứng.
… Vào nhà tổ chào vị tăng cang rồi, vị ấy cho tiểu đưa chúng tôi lên xem các động. Động to nhất là cái động thờ Phật, trong có một pho tượng để thờ trên ban liền vách động. Bên ban có cái bia trùng tu về đời Chúa Nguyễn tạc vào thân núi. Bia chỉ đề “Nước Đại Việt, Kim thượng Hoàng đế, năm Canh Ngọ” chứ không đề niên hiệu, nên không biết đời vua nào. Dưới tên ghi những tín chủ cúng tiền. Có nhiều người Nhật Bản, người Đại Minh cúng tiền. Đó là hồi các chúa Nguyễn mở phố Quảng Nam cho ngoại quốc buôn bán mà có thông thương với Nhật Bản vậy. Rồi sang động Thiên Long Cốc, động Tàng Chân, động Huyền Không. Động này thờ bát tiên, có tám tượng nhỏ.
Hai chú tiểu với mấy người làng vừa ông già, vừa trẻ con lại đưa chúng tôi đi xem lần lượt hết hang nọ đến hốc kia, mà cứ theo khe trong hang đá mà đi chứ không trở lại. Có chỗ trên đầu thủng bằng cái nong tròn trông thấy trời. Có chỗ đang đi trong hang kín hơi bức sực thì ngay trong cửa hang có gió thổi vào mát mẻ, gọi là hang gió. Những hang hốc đó đều là sự ngẫu nhiên từ lúc đá mới kết đông lại. Người ta khắc đá đặt ra những tên, nào là Thiên Căn, Nguyệt Quật, có kẻ tín niệm thì lấy làm bởi ý thần diệu của thợ trời. Chúng tôi thì yêu nhất là hai cái cảnh Vọng Hải Đài với Vọng Giang Đài. Đi trèo lên đỉnh núi về phía bể thì tới Vọng Hải Đài. Đấy không có đài chỉ có cái bia thích ba chữ Vọng Hải Đài, gần bên bia tạc hòn đá liền ở đó làm cái ghế bành, đều là vật từ đời Minh Mệnh. Vua đi nam tuần lên đây ngoạn cảnh mà đặt cho tên ấy. Xung quanh bia chỉ đứng lọt được độ mươi lăm người. Đứng đấy trông ra bể Thái Bình Dương một trời một nước bao khắp ba mặt núi, mây mờ sóng bạc, thật là một cảnh kỳ quan của vũ trụ. Một nơi xem bể thú nhất của nước ta, vì chỗ đứng cao tron von liền với bể nên trông được rộng xa… Đoạn rồi đi xuống sang Vọng Giang Đài. Chỗ này cũng có một cái bia thích ba chữ tên. Cũng là vật từ đời Minh Mệnh, tạc lúc vua ra chơi. Đứng chỗ này thì trông thấy sông Đà Nẵng khuất khúc trước mặt, thôn trang đồng điền san sát liền nhau.
… Núi này sản đá trắng và đá hoa vân đen, nên người làng này tạc đồ chơi bằng hai thứ đá ấy kể cũng đã khéo. Lọ hoa, con giống, chặn giấy cùng khay chén ấm đủ cả. Dáng thì cũng khá mà nét còn thô, chưa được linh hoạt. Nếu một nhà mỹ thuật mới dạy cho thì có thể sản xuất được một thứ hàng có giá trị. Thấy có khách đến chơi chùa thì các người trong làng mới đem đồ ra bán. Chúng tôi mỗi người mua một cái về làm kỷ niệm.
NGUYỄN TRỌNG THUẬT
(Nam du đến Ngũ Hành Sơn)
Bà Nà du ký
Vào giữa tháng Juin 1931, gần ngày hạ chí ở Tourane dậy sớm, 4 giờ rưỡi sáng đã lên xe ô tô, đi khỏi thành phố một lúc vừng đông vừa rạng, sương móc chưa tan, đi qua mấy cánh đồng, mục tử đuổi trâu còn ngái ngủ, nông phu gieo mạ hãy còn vươn vai. Xe cứ ngắm chân núi mà lên quanh mấy làng Tùng Sơn, Phú Thượng, đã thấy núp con lúp xúp, dẫy bái miên man, phút chốc đã đến chân núi, dừng xe lại thôn cư An Lợi, coi đồng hồ mới ngót một giờ, tính đường đất có hơn 20 cây số nếu đi ô tô nhà thì lên quá chân núi được 3 cây số nữa, còn xe camion chỉ đến đây mà thôi. Bên đường đã thấy có phu có kiệu, chực sẵn đón khách du sơn.
Núi thì cao (hơn 1.000 thước tây, trông lên muôn trùng vòi vọi, lá thắm cây xanh, cảnh tượng ở dưới chân núi, đối với con mắt người thành thị quen ngắm những chòm ngói đỏ tường vôi, thoạt tiên bước chân đến chỗ thâm sơn này lần thứ nhất, ắt sao cho khỏi ngạc nhiên; nhưng muốn tắm mát lên ngọn sông đào, nếu không có gan mạo hiểm thì làm sao khám phá được hết cảnh trí thiên nhiên của thợ Tạo. Đường đi lên núi thì xa thăm thẳm, trong chốn rừng già, quanh co hàng mười mấy cây số, trèo non lặn suối khó khăn, phải ngồi kiệu mới lên được, nên đã có phu kiệu đợi sẵn ở chân núi vì đã dặn trước, giá tiền thì có lệ nhất định, mỗi kiệu dùng sáu người phu, tôi cùng nhà tôi và các trẻ ngồi hai kiệu, cả khách lẫn phu bắt đầu lên núi. Đường đi lên coi cũng tuyệt diệu, có chỗ xoáy tròn như trôn ốc, có chỗ thì trèo hình chữ chi nên phải từ từ mà lần bước, tuy khó nhưng nhờ có đường cũng rộng rãi khang trang, qua suối có cầu, lên dốc có bậc, vì mỗi năm đến mùa nghỉ mát khởi sự từ tháng Mars, Avril, Chánh phủ đã cho người lên sửa sang đường sá, dinh thự, cho nên cũng tiện lắm.
… Cái thú đăng sơn hết trông hoa ngắm cảnh, lại nói chuyện cổ tích truyền kỳ, truyện rằng xưa vua Gia Long chiến tranh với Tây Sơn thua trận, chạy trốn trên núi này, rồi sai quân lính phá núi trồng tỉa các thứ hoa quả lúa má, tạm trú trên trót núi. Ở dưới làng gần đấy có ông phú hộ nghe tiếng vua, bèn đem lúa gạo thực vật đến dâng. Được ít lâu vua về phục quốc, nên đỉnh núi đến nay hãy còn di tích, người ta gọi là núi Gia Long.
Động Tiên
Lại truyện “động tiên” nữa – Có nhiều người vào rừng rồi đi lạc đến động tiên về thuật truyện rằng “Động ấy bằng đá, ngó như cái miếu con, trong có bàn thạch vừa cho một người nằm ngồi, ngoài có suối nước trong xanh, vườn có hoa quả ngon ngọt, như của ai trồng sẵn, ai lạc đến đấy, đói khát có thể ăn uống no nê, nghỉ ngơi mát mẻ rồi về, được vô sự. Duy một điều lạ: hễ ra khỏi động rồi trở lại thì quên mất lối, không tài nào tái ngộ lại nữa, có người lạc đến đấy thấy cảnh lạ lùng, sẵn sàng quý báu như như vậy thì tiềm tâm đánh dấu đường đi, nhưng sau trở lại thì cũng lạc mất, có người ham mộ đem cơm gạo theo ăn năm bảy ngày, tìm kiếm khắp rừng cùng núi, cũng không thấy động, duy có kẻ lỡ đường, lạc lối tình cờ mới gặp mà thôi”.
Đá Ông “Phơi”
Ghé lại xem đá ông “Phơi”. Đá này đứng riêng một góc núi trái về bên đường, nếu không để ý, dẫu có đi qua cũng không biết; dừng kiệu lại xem thấy tảng đá này cao lớn dị thường, rộng ước mấy mẫu, mặt trong thì úp vào núi, mặt ngoài thì giăng giữa trời, trơ trọi không có cây cối gì mọc trên mình được, hình thế đứng dựng như lấp nửa quả núi, thổ dân lấy làm linh dị, tặng là ông “Phơi”. Người ta kể truyện rằng: hễ khi nào ông Phơi mốc (nghĩa là khi nào hòn đá ấy gỉ ra một thứ nước nhờn như dầu, rồi toàn thân trắng ra như mốc) ấy là điềm sắp mưa to, còn khi nào mình hòn đá ấy nổi mốc như hoa vàng, ấy là điềm nắng hạn hán. Những điều thôn dân tin đó, suy ra chưa chắc là ngoa.
“Trải mật phơi gan cùng nhật nguyệt
Bền chân đứng vững với sơn khê”
Ông “Cụt” và Ông “Hang”
Lại có truyện ông “Cụt” và ông “Hang” nữa. Truyền rằng: trong núi có một cặp rắn to lắm, một con ngắn và một con dài, mỗi lần nó đi, nổi dông gió ào ào, nên gọi là ông “Cụt” ông “Dài” vậy. Còn ông “Hang” là một hòn đá kỳ dị nằm dưới trũng núi, tôi có ghé lại xem thì thấy hòn đá mình tròn mà đen, thân dài ước 30 thước tây, nằm ngang dưới trũng, đầu ngẩng lên núi, hình cao hơn đường đi, trên lưng đá mọc đầy những cây tóc tiên, lá nhỏ mượt như lông xanh, đầu thì lơ thơ, đuôi thì rậm rịt mà xòe ra như đuôi lân, trông rất đẹp, phía đầu hòn đá ấy lõm sâu xuống thành hang, những người đi làm đường trải chiếu xuống đó làm chỗ tạm trú, vì dưới hang có nhiều đá bằng phẳng, trên thì cây cối che rợp, không lọt ánh mặt trời, thật là thanh u tao nhã, đứng trên sườn núi ngắm kỹ hình tích đá ấy nghiễm nhiên như lân quy rồng phục vậy, ấy là:
“Chờ mưa ao cạn rồng thu móng
Đợi gió hang sâu cá xếp vi”
Đi ngót một buổi, xa xa đã thấy lâu đài nhà mát, mái kẽm tường xanh, lấp ló trên đỉnh núi cao, trước hết thấy đồn lính sơn đá, lần lần đến biệt thự của các sở, có nhiều chỗ đường đi ở dưới, nhà đứng ở trên, mà đi quanh quất mãi mới lên đến cổng, vào tới nhà quen vừa đúng 11 giờ, trả tiền thuê mỗi kiệu ba đồng xong.
Kể người Pháp lên ở đây khởi đầu từ sở Kiểm lâm lên làm trụ sở mới năm 1915, về sau các công sở mới làm nhà mát tiếp lên đông đúc như bây giờ, song những người ở đây duy có người Pháp, còn người Nam Phi chỉ phục dịch mà thôi. Đỉnh núi chia ra từng cụm, cụm nào cũng nhà cửa nguy nga lộng lẫy, đó là biệt thự của các quan chức Đại Pháp, ở các tòa sở như: Khâm sứ, Đốc lý, Thương chánh, Bưu điện, Y tế; lại còn đồn lính Lê dương, có nhà giam tù quốc phạm, vân vân. Mỗi năm đến mùa hè thì các quan chức người Pháp lần lượt lên nghỉ mát cho đến tháng Octobre mới thôi, sở nào cũng có nhà riêng, còn nhà tư gia thì ít lắm, duy có đôi nhà tư bản và thương mại Pháp, Trung Hoa thì có một sở của người Compradore Ngân hàng mà thôi. Còn về sự thương mại ở đây có hãng Morin frères là đắc thể hơn hết, nhà hotel hai tầng làm trên đỉnh núi cao chót vót, đứng trên trông được khắp mọi nơi. Trong hàng có cơm ăn, có phòng trọ, có chớp bóng, có thể thao, đủ các cuộc tiêu khiển, lại bao cả việc vận tải thơ từ hàng hóa, và kiêm việc mướn kiệu thuê xe nữa. Vì thế cho nên hễ ai muốn lên ngoạn cảnh cũng phải nhờ hãng Morin thuê mướn xe kiệu cho, còn giá tiền thuê phòng ở, cơm ăn rất đắt, mỗi ngày một người phải mất từ tám chín đồng trở lên mới đủ.
Trước cửa nhà hàng Morin có treo tấm bản đồ toàn phong cảnh Bà Nà, khách du có thể xem đó mà biết đường lối đi các chỗ, và chỗ này sắp đặt như một công viên nhỏ, có bản đồ, có ghế xanh, mé bên hữu có hang gió, lại gần xem gió hiu hiu thổi, tòng bá lay động, vạt áo phất phơ, như quạt máy tự nhiên không phải quay vậy.
… Một buổi chiều tôi cầm sách ra đồi núi, ngồi dưới gốc tùng xem cho tĩnh mịch, bên mình có lũ trẻ lên 7 lên 8 chạy nhung nhăng hái hoa bắt bướm… Mình ở non tiên, thương ai trần thế, cùng một buổi này lửa hạ nấu nung, lò cừ hun đúc, những ai ai còn miệt mài trong đám lợi danh, đắm đuối vào trường vinh nhục, thì giọt nước cam lộ cành dương sao tưới khắp!…
Tôi ở đây mấy hôm, tiếc rằng chưa gặp lúc trăng tròn, nhưng cái thú xem trăng trên đỉnh núi, dầu trăng non tôi cũng không để cho lỡ dịp. Cảnh sắc ban đêm trên đỉnh núi tịch mịch vô cùng, bóng trăng sáng lờ mờ hòa với non sông cây cỏ, càng thêm vắng vẻ thanh tao, một tiếng ngâm thơ cũng vang động cung Thiềm, tiếc rằng mình không hay thơ, không dám làm rác tai chị Hằng Nga, chỉ riêng bồi hồi cho thân thế, nên ứng khẩu ngâm mấy câu cho tiêu sầu giải muộn:
Đời đáng chán hay chưa đáng chán
Cuộc bể dâu ngao ngán mấy ông xanh!
Dở dang thay thẹn mặt tài danh,
Kìa vận hội đã bao phen thi thố,
Thế mới biết nhân tâm nhiều tật đố,
Mà hay cho con tạo cũng đa đoan!
… Gần nửa tháng trời du lịch trên khoảng không gian, tiếp xúc hết thiên nhiên phong cảnh, những ngỡ bụi trần nay dũ sạch, nào hay nợ thế vẫn chưa xong! Vì chỗ ở chật hẹp, mà mình không ưa bó buộc quen, nên vội vàng giã non giã cảnh.
Tôi nhân cuộc nghỉ mát được biết một chốn danh sơn, không quản ngòi bút vụng về, cứ thực sự mà chép ra bài du ký này, xin giới thiệu cùng anh em, chị em một cảnh Bồng lai ở dưới trần thế này là phong cảnh núi “Chúa” đó.
Tourane 12 Juilet 1931
HUỲNH BẢO HÒA
(1) Bài in trên tạp chí Nam Phong số 84 – 85/1933.
(2) Huỳnh Bảo Hòa tên thật là Huỳnh Thị Thái, phu nhân của Hàn lâm viện Đại học sĩ Vương Khả Lâm, bà sinh năm Bính Thân (1896) tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng trong một gia đình võ quan triều Nguyễn, thân phụ của bà là cụ Huỳnh Phúc Lợi từng tham gia Nghĩa hội Quảng Nam. Bà là một trong những phụ nữ tiên phong tham gia phong trào Duy Tân và là thành viên của “Nữ công học hội Đà Nẵng”. Bài viết trên in trong Nam Phong tạp chí số 163 (6.1931). Bà mất tại Đà Nẵng ngày 08.5.1982.
Bà Nà hôm nay
Năm 1997, UBND Đà Nẵng đã quyết định xây dựng lại Bà Nà thành khu du lịch sinh thái với hệ thống nhà nghỉ, nhà hàng, khu bảo tồn. Tuy nhiên, cột mốc đánh dấu sự trỗi dậy thực sự của “chốn bồng lai tiên cảnh” này phải kể đến năm 2007 khi thành phố quyết định chuyển giao toàn bộ khu du lịch Bà Nà cho Tập đoàn Sun Group – Việt Nam quản lý.
Bà Nà là tên gọi của một ngọn núi thuộc địa phận huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố khoảng 25km về phía tây nam. Bà nà nghĩa là gì? Nguồn gốc của tên gọi Bà Nà, có người thì cho rằng khi người Pháp đặt chân đến vùng này thấy có rất nhiều cây chuối nên gọi là núi Banane, lâu dần người Việt đọc chệch thành Bà Nà. Còn nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng chữ Bà Nà là tiếng Người Katu nghĩa là “núi của tui”. Một truyền thuyết khác cho rằng tên núi là tên viết tắt của Bà Ponagar hay bà Thiên Y A Na Thánh Mẫu.
Tháng 3/2009, tuyến cáo treo đầu tiên Bà Nà- Suối Mơ được hoàn thành, đưa vào khai thác. Tiếp đó, nhiều công trình mới được xây dựng, gia tăng trải nghiệm vui chơi tham quan cho du khách tới Bà Nà, nổi bật như khu vui chơi giải trí trong nhà rộng 21.000m2 Fantasy Park…
Tuyến cáp treo bốn kỷ lục thế giới L’Indochine – Thác Tóc Tiên; Tàu hỏa leo núi; Làng Pháp… nối tiếp được khánh thành. Đến năm 2017, thêm 2 tuyến cáp treo Hội An – Marseille và Bordeaux – Louvre tiếp tục được đưa vào hoạt động rút ngắn tối đa thời gian đến Bà Nà Hills.
Tròn 10 năm Sun Group tiếp quản, Bà Nà Hills hoàn toàn “thanh da đổi thịt” sau những thăng trầm, biến thiên lịch sử, chiến tranh… để trở thành9 khu du lịch đẳng cấp của Việt Nam, và là hình mẫu du lịch phát triển năng động, sáng tạo, đưa du lịch Việt Nam vươn tầm ra thế giới.
(ĐT&PT số 78-79/2019)