Home / VĂN HÓA-DU LỊCH / Nổi chìm cùng trào lưu “Ấn Tượng”

Nổi chìm cùng trào lưu “Ấn Tượng”

Mọi sự “phá cách”, bất kỳ trong lĩnh vực nào cũng vậy, ban đầu bao giờ cũng vấp phải sự chống đồi, chỉ trích của những thế lực bảo thủ, thậm chí còn bị “chửi bới” đủ điều… nhưng nếu biết chấp nhận “thị phi thành bại theo dòng nước”, bình tĩnh và kiên nhẫn tiếp tục phát triển những sang kiến, khi trời quang mây tạnh, những phá cách ấy sẽ tạo nên một trật tự mới và sẽ trở thành mốc son của lịch sử phát triển…
Nổi chìm cùng trào lưu “Ấn Tượng”Thời Phục Hưng, thế kỷ XV-XVI, các họa sĩ thiên tài như Leonardo Da Vinci (1452-1519), Raffaello Santi (1483-1520)… đã bỏ nhiều công phu tâm huyết tìm tòi các kỹ thuật để biểu hiện được nghệ thuật hội họa sao cho hình tượng nhân vật trong tranh giống như người thật ngoài đời; nên tranh thời đại này đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tả chân. Phong cách kinh viện này đã chi phối nghệ thuật hàng mấy trăm năm, mặc dù có sự thay đổi một số kỹ thuật song rất ít. Nhưng sau Cách mạng Pháp năm 1789, những trào lưu tư tưởng mới cũng như sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã ảnh hưởng không ít đến sự phát triển nghệ thuật, làm xuất hiện chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực.

Một trong những phát kiến về kỹ thuật đã cạnh tranh lam hội họa tả chân mất vị thế vốn có, đó là sự ra đời và phát triển của nghệ thuật nhiếp ảnh khi Nicéphore Niepce tạo được bức ảnh đầu tiên năm 1824, làm người ta không còn cần đến hội họa để vẽ các loại hình ảnh vừa mất công vừa tốn kém… Rồi một điều kiện khách quan khác tác động đến tư tưởng giới văn nghệ sĩ là, Hoàng đế Napoléon III giao toàn quyền cho Kiến trúc sư Baron Haussmann phá hủy kinh thành cổ kính để tái thiết Paris thành trung tâm châu Âu. Hậu quả sự quy hoạch độc tài này đã đẩy hơn 350 nghìn dân vào cảnh màn trời chiếu đất, tạo những tệ nạn xã hội, đĩ điếm tràn ngập khắp nơi… Còn về nghệ thuật, năm 1863, nhà vua lại ra pháp lệnh về thành lập ban giám khảo cũng như tiêu chuẩn để chấm điểm tranh nào được triển lãm trong salon nhà nước hay không.

Những cú đánh choáng váng trên làm các họa sĩ đương thời phải mày mò tìm kiếm các kỹ thuật hội họa mới, mà người tiên phong chống lại các giá trị hàn lâm là họa sĩ Edouard Manet (1832-1883), bướng bỉnh nhưng tự tin tuyên bố “tôi vẽ những gì tôi thấy!”. Mở màn cho tư tưởng mới này, là sự kiện năm 1863, Manet gởi triển lãm bức tranh “Bữa điểm tâm trên cỏ” nhưng bị giới nghệ thuật hàn lâm từ chối vì nghệ thuật diễn đạt của ông phá bỏ quy cách cổ điển… Do dư luận xã hội quá xôn xao về việc chọn tranh triển lãm, hơn 4000 bức tranh bị từ chối, nên vị vua này lại lập một điểm triển lãm “salon des Réfiees” dành riêng cho những bức tranh bị loại. Nhiều người đành rút tranh về, nhưng Manet chấp nhận trưng bày tại đây những bức tranh được đánh giá là “succes de scandale” (“thành côngvề sự tai tiếng) và thách thức sự đàm tiếu của xã hội. Tiếp đó, ông vẽ bức tranh “Nàng Olypia” và khi trưng bày thì “Những lời thóa mạ trút xuống tôi như mưa…”. Nhưng chẳng ai ngờ, dần dần đây lại là nơi tập trung tinh hoa nghệ thuật đương thời…

Thực ra trước đó, năm 1862, Manet đã từng vẽ bức tranh “Âm nhạc ở Tuileries”, là một trong những bức tranh thực sự “hiện đại” đầu tiên của thế kỷ XIX với chủ đề và kỹ thuật mới mẻ, một tác phẩm then chốt ảnh hưởng đến sự phát triển của giới họa sĩ trẻ, nhưng gây phản ứng dữ dội như ông đã kể với Nhà văn Emile Zola “Một vị khách quá khích đã dọa sẽ dùng bạo lực nếu bức tranh này được phép treo ở phòng trưng bày này!”.

Trước hết, Manet gạt bỏ lối vẽ “hoàn chỉnh” cũng như các đề tài cũ thường là tôn giáo, thần thoại, lịch sử… lại táo bạo biểu hiện cá tính chủ quan  mạnh mẽ bằng cách bắt đầu dùng màu tương phản, tương ứng với ánh nắng chói chang hiện thực của cuộc sống. “Bữa điểm tâm trên cỏ”, có lẽ nhái lại cấu trúc bức tranh “Ban nhạc đồng quê” của Titan năm 1576, cho thấy một sự thật trần truồng ở người phụ nữ trút bỏ hết mọi bề ngoài giả tạo của xã hôi, dám nhìn thẳng vào sự thật (tức người xem tranh) tương phản với sự mẫu mực thanh lịch của người bạn trai. Còn “Nàng Olympia”, khỏa thân của người mẫu Victorine Meurent như một kỹ nữ hiện đại, cũng nhìn thẳng vào người xem tranh “một cách trơ trẽn!”, thì lại là một “hóa thân” của bức tranh “Thần vệ nữ xứ Urbino” cũng do Titian vẽ năm 1538! Đây chính là những “nỗi loạn” chống lại salon của giới hàn lâm gây nhiều làn sóng dư luận rất lớn; nhưng những thông điệp này như một “phát ngôn” phản kháng truyền thống hư cấu trong nghệ thuật cổ điển, đã tạo ảnh hưởng tích cực đối với thế hệ Ấn Tượng đương thời…

Tiếp đến, rộ lên cái tên một họa sĩ mới với một “scandal” khác như thách thức Manet, là một dự định vẽ và triển lãm vào năm 1866 một bức tranh cũng chủ đề “Bữa ăn trên cỏ”, nhưng tham vọng quá lớn nên chưa hoàn tất, làm Manet thắc mắc “Anh chàng Monet này là ai mà cái tên có vẻ giống tên tôi thế nhỉ? Ai đang lợi dụng danh tiếng của tôi thế này?” Sự bực tức của Manet là nhầm lẫn, bởi đồng xuất hiện một cặp bài trùng, một Claude Monet (1840-1926), sau cũng trở thành nghệ sĩ điển hình cho trường phái hội họa của thời đại này, như nhà phê bình Félix Jaher đã cho biết: “Kể từ khi Manet được đưa ra ngoài một cách lịch sự thì Monet được chọn là thủ lĩnh của trường phái tài năng này”.

Đến từ cảng Le Havre, phong cảnh sóng nước long lanh đã ảnh hưởng tính cách phóng túng của Monet…Khi đến thăm họa sĩ nghèo mới nhập cư này trên chiếc thuyền làm việc, Manet đã bị thủ pháp mới của Monet chinh phục; và họ đã trở thành đôi bạn chí thiết như ta đã thấy năm 1874, Manet đã vẽ các bức “Gia đình Monet trong vườn” hoặc bức “Họa sĩ Monet đang làm việc ở xưởng vẽ của mình”… bằng chính những thủ pháp mới, như một cổ vũ để các họa sĩ trẻ phát triển nghệ thuật hội họa này hơn nữa…

Các anh tài của trào lưu hội họa mới này, gồm nhiều họa sĩ trẻ như Monet, Camile Pissarro (1830-1903), Auguste Renoir (1841-1919), Edgas Degas (1843-1917), Paul Cézanne (1839-1906), và nữ họa sĩ Bethe Morisot (1841-1895)… thường tụ tập tại quán café Guerbois ở quận Batignolles để cao đàm khoát luận, trong đó có cả Emile Zola, chuyên dùng cây bút của mình trên báo “L’Evénément (Sự kiện)” để bênh vực khuynh hướng hội họa mới, như năm 1868, ông viết: “Họ tạo thành một nhóm mỗi ngày một lớn mạnh. Họ dẫn đầu trào lưu hiện đại trong hội họa”. Còn Manet, dù chưa bao giờ liên danh triển lãm cùng nhóm này, nhưng Renoir vẫn cho rằng “Manet rất quan trọng đối với chúng tôi, giống như Cimabue và Giotto đối với nghệ thuật Phục Hưng vậy!”; tất cả cùng theo đuổi một ý đồ là đạt tới một nền hội họa tự nhiên và chống kinh viện. Theo họ, đối tượng chủ yếu trong hội họa là trạng thái thất thường của ánh sáng làm thay đổi cảm xúc người nghệ sĩ, do đó họ bỏ họa thất tối tăm, ra vẽ những cảnh “ngoài kia gió mây về ngàn, cỏ cây chợt lên màu nắng…” và vì dòng sông Seine thơ mộng chảy ngang qua đô thành Paris nên phần lớn loại tranh này hay có cảnh “long lanh đáy nước in trời”…

Mục đích của hội họa cổ điển là biểu hiện nghệ thuật của người xưa chứ không phải là nghệ thuật của người đang cầm bút, bị giáo điều từ chương giam hãm, do vậy ngắc ngoải trong trạng thái trầm tư thiếu sinh khí. Ngược lại, mục đích của phái Ấn Tượng là biểu hiện nghệ thuật tự do của người đang cầm bút, thả cho nghệ thuật trở về với vũ điệu thiên nhiên phóng khoáng, một tình trạng chuyển động, nên rất có sinh khí… Tính nhạc trong họa cũng được đặt ra: nếu ngữ điệu âm thanh là ngọn nguồn của âm nhạc thì chính sự lung linh biến ảo của màu sắc và ánh sáng lại là nguồn hòa gam màu sinh động trong hội họa; như Renoir đã nói “Tôi muốn màu đỏ của tôi nghe như tiếng chuông. Nếu tôi không làm được điều đó ngay từ đầu, tôi lại cho thêm đỏ và các màu khác nữa cho đến khi nào được mới thôi…”.

Quan niệm mới này đòi hỏi phải thay đổi kỹ thuật, thủ pháp vẽ và phải sử dụng ngôn ngữ hội họa nhạy cảm, giàu tính thẩm mỹ, dùng chất liệu màu lung linh… Mọi ranh giới của đường nét trên tranh, mảng khối… đều bị xóa nhòa, chỉ còn những vệt màu…; cho nên, sự hoàn thiện của thủ pháp hội họa này chính là ở chỗ mà người đương thời cho là “thiếu hoàn thiện”, nhưng thật ra lại gây ấn tượng và cảm xúc rất mạnh… Đó là do phương pháp vẽ thật nhanh, nét bút không liên tục, bỏ qua chi tiết nhỏ, đặt các màu cạnh nhau để tạo ra một hiệu ứng quang học mạnh… đúng như “Định luật tương phản đồng thời của màu sắc” do Eugène Chevreul đưa ra năm 1839, mô tả hiệu ứng ánh sáng lên các màu bị tương ánh rồi tách ra nhiều màu như trong quang phổ hoặc hiện tượng cầu vồng… Đây là cơ sở hình thành lý thuyết màu sắc của trường phái Ấn Tượng, khác hẳn với cách dùng màu theo truyền thống hàn lâm…

Bị giám khảo salon từ chối nhiều lần, cuối cùng, nhóm họa sĩ này đành tập trung lại và trưng bày tại xưởng của nhà nhiếp ảnh Nadar, từ 15/4/1874 đến 15/5/1874, trong đó có bức tranh “Ấn tượng: Bình Minh” của Monet với màu sắc tả thực “…ánh ban mai đang dâng tràn lan tới…” ở cảng Le Havre. Chính sự ghi lại những cảm xúc về không gian thiên nhiên đọng lại trong hồn người bằng điểm nhòe thị giác, là một thủ pháp mới lạ, phá cách, làm nhà phê bình Louis Leroy cảm thấy tức cười nên nhạo báng bằng cách gọi cả nhóm họa sĩ này bằng một cái tên rất mỉa mai “Impressionnistes(những nghệ sĩ ấn tượng!)”, lấy theo tên bức tranh bị nhiều chê bai của Monet. Báo chí xúm lại “chửi rủa”, như năm 1876, có đoạn viết: “Đường Peletier là con đường tai ương. Sau trận hỏa hoạn tại nhà hát Opera, nay lại xảy ra một thảm họa khác. Một cuộc triển lãm tranh ảnh vừa được Durand-Ruel mở ra. Tôi bước vào và hoảng hốt nhìn thấy một thứ chi đó thật khủng khiếp. Năm hay sáu kẻ điên, trong đó có một phụ nữ, đã tụ họp và trưng bày tác phẩm của họ. Thiên hạ cười ngặt ngoẽo trước những bức tranh đó, nhưng tim tôi lại ứa máu khi nhìn thấy chúng. Những họa sĩ mạo nhận này tự cho mình là những nhà cách mạng, những “Nghệ sĩ Ấn Tượng”. Họ lấy một mảnh vải bố, sơn và cọ, nguệch ngoạc vu vơ mấy mảng màu rồi ký tên vào. Đó là một ảo tưởng chẳng khác gì những kẻ điên ở bệnh viện tâm thần Bedlam nhặt lên những cục đá bên vệ đường và tưởng rằng mình đã tìm thấy kim cương”; họ còn vẽ những biếm họa cho rằng những tác phẩm Ấn Tượng rất đáng sợ đến mức làm kẻ thù thấy khiếp mà bủn rủn tay chân, bỏ chạy…

Nhà tài trợ Durand-Ruel, người tổ chức cuộc đấu giá tranh Ấn Tượng kể lại: “Những lời phỉ báng trút xuống chúng tôi, nhất là Monet và Renoir… Họ coi chúng tôi là một lũ ngốc… Tranh chỉ bán được giá 50 quan, chẳng qua là vì khung tranh…”; còn nhà bảo trợ nghệ thuật Ernest Hoschede với tòa lâu đài sang trọng ở ngoại ô Paris thì cuối cùng bị phá sản hoàn toàn làm gia đình tan nát…

Cho tới khoảng 1880, dù chưa có một lý thuyết rõ rệt, nhưng trào lưu này đã có phong cách riêng, mang tính nhân văn cao, và có thể coi một sự cách mạng trong hội họa. Mở ra chân trời Ánh Sáng như Manet từng khẳng định “Nhân vật chính trong họa phẩm là ánh sáng”, điều quan trọng không phải là vẽ gì mà đặc biệt chú trọng vào cách dùng sắc màu để diễn tả gam màu thiên nhiên, những không gian lung linh biến ảo từng phút từng giây, thoáng hiện thoáng mất, các nghệ sĩ đã tức thời nắm bắt, khai thác và vội vàng ghi lại cảm xúc của mình… Đây là nguyên nhân vì sao trường phái Ấn Tượng lại có nhiều họa pháp khác nhau, nhưng vẫn chung một mục đích, đó là diễn tả thiên nhiên một cách chân thật, bớt sự lý tưởng hóa hàn lâm, mà giàu cảm xúc, chỉ có “… dưới ánh nắng sương long lanh, triệu cánh hông khoe sắc thắm…” mới chính là linh hồn bức tranh… Cho nên, Chagall đã định nghĩa “Hội họa Ấn Tượng là tự do và ánh sáng”; và để biểu hiện ánh sáng tự nhiên, họ gạt bỏ màu đen và thêm trắng tối đa, tiến tới bảng màu ngày một phong phú, tươi sáng hơn…

Trước đây, các họa sĩ hàn lâm vẽ trong họa thất nên chưa thấy hiệu ứng của ánh sáng ngoài trời tràn ngập mọi phía làm mọi vật hầu như không còn định hình một cách rõ ràng, mà chỉ là một mảng màu…Phải mất một thời gian lâu, người ta mới khám phá ra rằng để xem và hiểu được tranh Ấn Tượng, phải lùi lại vài bước để thấy tổng thể bức tranh, lúc đó mắt người xem tùy từng điểm nhìn mà sẽ thấy những mảng mù màu được sắp xếp một cách yên vị nhưng rất sống động… Đó chính là sự chuyển giao khám phá thị giác của các họa sĩ Ấn Tượng vào tranh và truyền lại cho người xem tranh…Do vậy, dần rồi cái tên “Ấn Tượng” đầy mỉa mai này, đã trở thành một thuật ngữ mới và có chỗ đứng trong lịch sử thế giới hội họa…

Tuy nhiên, sự thành công này khó đạt được đỉnh cao, nếu không có một chiến hữu khác hỗ trợ… Đó là các hình ảnh của thế giới nổi, loại tranh khắc gỗ ukiyo-e của Nhật Bản đã lan tràn ở Pháp từ những năm 1850. Các nhà Ấn Tượng đã tìm thấy cảm hứng từ loại tranh này, và từ đó họ mạnh dạn khẳng định các ý tưởng của mình… Cảm tạ sự động viên tinh thần của Emile Zola, năm 1867, Manet vẽ chân dung nhà văn này theo phong cách Nhật Bản, một lối nghệ thuật mà Emile Zola cũng rất thích….

Cuối đời, nỗi đam mê nghệ thuật của Manet cũng không hề già cỗi, ông lại phá bỏ những quy ước về không gian, để năm 1882, cho ra đời kiệt tác cuối cùng là bức “Quầy rượu ở hý viện Folies Bergere”, mà giới phê bình nghệ thuật cho rằng ông rất “ngốc nghếch”, chẳng biết gì về phối cảnh cả! Đó là ông vẽ cảnh hư ảo hỗn độn, khiến người ta không định vị được chỗ đứng của một người đàn ông bên phải bức tranh là ai?, trước mặt cô gái bán rượu thì không có, nhưng được phản chiếu qua tấm gương thì lại có? Thật là thú vị khi được câu trả lời rằng: người đàn ông ấy, chính là chúng ta, những người đang xem tranh!

Đầu thế kỷ XX, tranh Ấn Tượng bắt đầu được đánh giá đúng mức, nhà phê bình Christian Brinton cho biết, mặc dù Paris là “nơi mà từ đó lan truyền nguyên tắc mới này, song nó đã xuất hiện khắp châu Ân và cà châu Mỹ, không thể đếm hết… những đồ đệ của Ánh Sáng, những người ngay lập tức đã thay đổi bộ mặt của hội họa hiện đại từ màu đen và nâu sang màu vàng và tím…”. Monet và Renoir đã may mắn hơn Manet… đã chứng kiến được sự chiến thắng của đồng đội mình, khi tranh của mình xâm nhập vào các sưu tập và luôn được giới giàu có ước ao trở thành tài sản riêng của mình. Tuy bị phân tán khắp thế giới vì bán lẻ, nhưng cuối cùng, vào những thập niên 90 của thế kỷ XX, người ta vẫ thấy tranh của Monet dần được tập hợp trưng bày tại Boston, Chicago, London… tại sao?

Cho rằng “Ấn Tượng” là một trường phái hội họa cũng được, bởi sự thật đó là cả một xu hướng chuyển biến của nghệ thuật, thể nghiệm để mở đường cho những phát triển mới. Trào lưu này đã giải phóng tâm hồn người nghệ sĩ, họ chỉ chịu trách nhiệm với chính khả năng cảm nhận của mình về điều mình vẽ và cách vẽ… Và bằng “phát ngôn” của mình, bằng thái độ dấn thân trong nghệ thuật, dám đón nhận cũng như chấp nhận nổi chìm cùng các luồng tư tưởng đương thời, các họa sĩ Ấn Tượng, với xu hướng tự nhiên chủ nghĩa, đã chống lại xu thế “kinh viện hóa” làm đông cứng sự phát triển của nghệ thuật, và đã mở trang sử mới cảu nghệ thuật đồng thời đưa trang sử thời Phục Hưng vào dĩ vãng…Kể từ phái Ấn Tượng, lịch sử hội họa không bao giờ đi ngược về tình trạng của nghệ thuật cổ điển là phải phụ thuộc vào ngoại vật khách quan, mà bài học lớn được đưa ra là: nghệ thuật phải biểu hiện chính cá tính chủ quan của người nghệ sĩ mới là điều quan trọng!

Về lý luận nghệ thuật, tuy người ta không đánh giá cao lắm kết quả mỹ thuật đạt được cảu trào lưu này vì chỉ là một giai đoạn bản lề, khởi đầu để dẫn đến bùng nổ các khuynh hướng khác của nghệ thuật hiện đại. Nhưng về ý nghĩa lịch sử, thất bại chua cay của họ cũng quan trọng chẳng kém gì chiến thắng nổi tiếng cuối cùng… bởi cuộc chiến của họ trở thành truyền thống quý báo, có thể viện dẫn để làm minh chứng cho những người có ý tưởng cách tân cũng như tìm tòi cái mới. Còn về kỹ thuật, đây là một phá cách lớn cũng như một khám phá tinh vi bằng mặt thịt của thời ấy về màu sắc, vì nếu phóng to tranh Ấn Tượng sẽ thấy sự nhòa dần của những hạt màu mà so với đồ họa vi tính ngày nay thì chẳng khác nhau mấy!; và nó cũng đã phần nào ảnh hưởng ngược lại một lĩnh vực nghệ thuật đã từng một thời “cạnh tranh” với chính nó, là nghệ thuật nhiếp ảnh, đó là hình thức cố ý làm hình trên ảnh nhòa đi….

Nguyễn Anh Huy

Check Also

THUNG LŨNG YARRA (1)

TRỞ LẠI AUSTRALIA

TRỞ LẠI AUSTRALIA Mùa lá đỏ ở thung lũng Yarra Australia cuối thu. Đúng 8 …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *