Home / TIN TỨC-SỰ KIỆN / Những trăn trở và trách nhiệm

Những trăn trở và trách nhiệm

Nhân Đại hội Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP. Đà Nẵng Lần thứ IV – Nhiệm kỳ 2017- 2022, tạp chí chuyên đề Đô thị & Phát triển phối hợp với Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP. Đà Nẵng thực hiện số chuyên đề về công tác Hội. Nội dung chuyên đề là hướng tới sự phát triển đô thị bền vững và đánh giá lại một quá trình hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ qua với những gì làm được, chưa được và định hướng cho những năm kế tiếp.

Thực hiện: Bích Phượng (ĐTPT/số 68-69)

PV. Là người công tác tại các Hội lâu năm và đặc biệt là người tham mưu trong các vấn đề của tổ chức Hội. Với nhiệm vụ và chức danh hiện nay là Chánh Văn phòng kiêm Trưởng ban thông tin đối ngoại của Hội Quy hoạch Phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng. Theo ông, nội dung nào sẽ là “điểm nhấn” trong toàn cảnh bức tranh hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ 2017 – 2022?

Nguyễn Cửu Loan - CVP Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP. Đà Nẵng
Nguyễn Cửu Loan – CVP Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP. Đà Nẵng

Trước hết, có thể nói ngay rằng hoạt động của Hội trong năm tới sẽ có rất nhiều thay đổi mà điểm nhấn đầu tiên chính là quan điểm và nhận thức về các hoạt động của Hội. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X đã chỉ rõ “Tách các hoạt động công quyền với hoạt động cung ứng dịch vụ” và “ Ban hành luật về Hội” hiện nay Quốc hội cũng đang đưa ra bàn thảo tại nghị trường. Tư tưởng chỉ đạo này sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho hoạt động của Hội, đặc biệt trong lĩnh vực tư vấn phản biện, và tham gia thực hiện các công việc có tính dịch vụ xã hội. Vì vậy, những nhiệm vụ có tính chất trọng tâm trong hoạt động 5 năm tới của Hội sẽ là:

Tiếp tục cũng cố tổ chức Hội theo hướng mở rộng về số lượng và tăng cường về chất lượng. Chuẩn bị thật chu đáo lực lượng chuyên môn, cụ thể là sử dụng có hiệu quả cán bộ có chuyên môn cao đã nghỉ hưu nhưng còn sức khỏe kết hợp với lực lượng đã qua đào tạo, có nhiều kinh nghiệm hiện đang công tác tại các đơn vị, cơ quan, trường học, để sẵn sàng nhận các nhiệm vụ mà cơ quan công quyền chuyển giao như xét và cung cấp chứng chỉ hành nghề, tổ chức đào tạo hoặc đào tạo lại …Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chấp hành, đổi mới hoạt động của các Chi hội theo hướng bám sát vào việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị, cơ quan mình.

Đẩy mạnh các hoạt động về tư vấn phản biện xã hội. Nâng cao chất lượng các ý kiến tư vấn, mở rộng các hình thức và đối tượng phản biện. Nghiên cứu xây dựng quy trình tư vấn nhằm đảm bảo tiếp nhận và cung cấp thông tin đầy đủ nhất cho cả hai đối tượng, cả bên tư vấn và bên nhận tư vấn. Đẩy mạnh các hoạt động Hội thảo phản biện, phấn đấu mỗi năm Hội phải tổ chức được ít nhất một Hội thảo tập trung vào những vấn đề quan trọng liên quan đến sự phát triển chung của thành phố, của ngành, hội. Mở rộng đối tượng được tư vấn phản biện, đưa công tác tư vấn phản biện vào các hoạt động trong lĩnh vực quy hoạch – kiến trúc –  xây dựng, từ việc tư vấn đơn lẽ về nhà ở của tư nhân…đến việc phản biện các dự án quy hoạch, công trình lớn có tính chất quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển chung.

Tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền. Từng bước liên kết hơn nữa để xây dựng tờ tạp chí chuyên đề Đô thị và Phát triển có tầm vóc hơn nữa tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Bổ sung các chuyên mục, nâng cao chất lượng bài viết. Tập trung cho công tác tuyên truyền phổ biến các chủ trương chính sách, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, kinh nghiệm hoạt động Hội và tham gia hướng dẫn kỹ thuật thường thức cho cộng đồng dân cư. Ổn định tổ chức và đẩy mạnh hoạt động của Ban tuyên truyền.

Trong bối cảnh thuận lợi hiện nay và những năm tới về môi trường chính trị cũng như triển vọng phát triển về kinh tế, với sự nỗ lực cố gắng của tập thể Ban Chấp hành mới và đông đảo hội viên, chắc chắn Hội Quy hoạch Phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng sẽ hoàn thành tốt các mục tiêu và nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ IV- Nhiệm kỳ 2017- 2022 đề ra.

PV. Nhiều chuyên gia nhận định rằng: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn nhiều bất cập, quản lý và sử dụng đất đai còn nhiều hạn chế, hiệu quả từ khai thác tài nguyên đất đai còn thấp, thiếu bền vững. Theo Ông (bà) những nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng trên và giải pháp nào để phát triển bền vững?

KS. Huỳnh Việt Thành - Trung tâm tư vấn phản biện - Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật
KS. Huỳnh Việt Thành – Trung tâm tư vấn phản biện – Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuậ

Theo Tôi muốn đánh giá khách quan vấn đề nêu trên cần được xem xét nhìn nhận thấu đáo tình hình phát triển đô thị tại Đà Nẵng trong một giai đoạn dài đặc biệt là từ khi thành phố Đà Nẵng trực thuộc trung ương từ cuối năm 1997 đến nay. Trong chặng đường 20 năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương đến nay, công tác sử dụng đất lập quy hoạch để phát triển đô thị là rất lớn, đánh giá chung theo Tôi thành phố Đà Nẵng về cơ bản đã chuyển động theo hướng đô thị phát triển hiện đại, bền vững. Một số công việc chính thành phố đã thực hiện được như sau:

  1. Đã giải toả gần 120 nghìn hộ dân trong đó có khoảng 40% hộ đi hẳn đáp ứng chỗ ở mới an toàn hơn, khang trang hơn và tạo điều kiện cho các hộ ở lại chỉnh trang và tạo ra được một quỹ đất lớn cần thiết phục vụ cho cầu phát triển chỉnh trang đô thị .
  2. Đã di chuyển gần như toàn bộ các cơ sở sản xuất kho tàng nguy hại đến môi trường, cảnh quan đô thị ra khỏi khu dân dụng chuyển về tập trung tại các khu công nghiệp kho tàng theo quy hoạch bao gồm: Các nhà máy cơ khí, cao su, luyện thép, đóng tàu, nhà máy bia, cá nhà máy chế biến thuỷ sản, chế biến gỗ, hệ thống cảng ven sông Hàn, bãi than, hệ thống các kho xăng dầu, kho gas, cùng với việc giải tỏa hàng nghìn hộ nhà chồ bên bờ Đông sông Hàn ..vv. Đã sử dụng các khu vực đất giải tỏa đó vào mục đích quy hoạch, đặc biệt đã tạo cảnh quan đô thị cho 2 bờ sông Hàn.
  3. Quy hoạch và xây dựng các nghĩa trang mới có quy mô lớn nhằm giải quyết nhu cầu mai táng và đặc biệt để di chuyển và cải táng hàng trăm nghìn mồ mả nằm trong các khu quy hoạch và các mồ mả nằm rải rác trong khu vực dân cư đông đúc ở các quận trung tâm bảo đảm yêu cầu vệ sinh môi trường trong khu dân cư đồng thời đã giải phóng được hàng trăm ha đất sử dụng vào mục đích phát triển đô thị.
  4. Sử dụng một diện tích quỹ đất lớn để phát triển mạnh nhà ở chung cư trong 10 năm qua đã xây dựng được 10.000 căn hộ chung cư giải quyết chỗ ở an toàn và tạo môi trường ở tốt hơn trong đô thị.
  5. Nhận chuyển giao hằng trăm ha đất quốc phòng nguyên là kho tàng bến bãi của quân sự vào mục đích phát triển đô thị.
  6. Xây dựng các trục đường ven biển ven vịnh Đà Nẵng tạo cảnh quan và thu hút đầu tư du lịch từ chỗ thành phố quay lưng ra biển, ra sông, đô thị đã chuyển mình hướng ra biển, ra sông khai thác các thế lợi và cảnh quan sông biển.
  7. Sử dụng đất để cải tạo mở rộng và xây dựng mới nhiều trục đường chính ngay trong trung tâm thành phố và hệ thống giao thông huyết mạch mang tính bền vững cho toàn thành phố.
  8. Dành đất để xây dựng hệ thống thu gom nước thải và trạm xử lý hạn chế việc nước thải chưa qua xử lý trực tiếp đổ ra sông, biển. Hình thành hệ thống thu gom rác và bãi xử lý rác hợp vệ sinh tạo môi trường theo hướng bền vững.
  9. Có giải pháp quản lý tách thửa và hợp các thửa diện tích nhỏ hợp lý để không tạo ra trên các trục phố các nhà siêu mỏng, siêu gầy thường thấy ở các đô thị khác

Những việc đã làm được nêu trên có thể đánh giá việc quy hoạch và sử dụng đất quy hoạch đô thị của Đà Nẵng trong giai đoạn vừa qua cơ bản là thành công theo hướng phấn đấu phát triển đô thị bền vững và hiện đại. Tuy nhiên cũng có một số những bất cập cần được đánh giá như sau:

  1. Việc phát triển đô thị trong một thời gian dài từ 2007 đến 2013 vẫn chỉ căn cứ vào quy hoạch chung được duyệt từ năm 2002 mà không có sự xem xét điều chỉnh phê duyệt quy hoạch chung theo đúng định kỳ, trong khi đó công tác lập quy hoạch chi tiết giai đoạn này lại rất lớn lên tới vài ngàn ha. Do vậy giai đoạn này công tác lập quy hoạch đã không chú trọng đến công tác nghiên cứu định hướng quy hoạch chung và định hướng về quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị. Chưa thật gắn kết với sự phát triển đô thị theo hướng bền vững và xem xét đến yếu tố biến đổi khí hậu. Ví dụ như việc phát triển mở rộng khu đô thị về phía Hoà Xuân, Hoà Quý, một phần Hòa Châu lên tới hàng nghìn ha, tuy là nơi có sức hấp dẫn phát triển đô thị nhưng lại có địa hình thấp trũng nằm ở thượng nguồn chứa và thoát lũ của thành phố nhưng  đồ án lúc đó đã chưa xem xét đến các yếu tố biến đổi khí hậu gia tăng, chưa xem xét thấu đáo các yêu cầu thoát lũ và dành thích đáng quỹ đất cho hành lang thoát lũ.

Mặt khác công tác lập quy hoạch tại đây cũng rất ít chú trọng đến yêu cầu phát triển bền vững của đô thị đã dành rất ít các không gian cần thiết mang tính sinh thái có chức năng chứa nước và thông thoáng cho khu vực trũng thấp này.

  1. Do chú trọng công tác tái định cư nên trong một thời gian dài thành phố đã phát triển một lượng quỹ đất ở rất lớn, tình trạng đất ở để trống, dôi thừa không sử dụng xây dựng đang còn xảy ra rất phổ biến mọi khu dân cư quy hoạch. Mặt khác do áp lực bố trí tái định cư lúc bấy giờ nên đồ án quy hoạch chủ yếu chia lô đất ở nhỏ diện tích 100m2 trở xuống. Các cơ cấu thành phần chức năng khác phục vụ cho nhu cầu dịch vụ công cộng như: Hệ thống cây xanh, quỹ đất cho các công trình dịch vụ đô thị, quỹ đất cho hạ tầng kỹ thuật đô thị, quỹ đất dành cho các công trình cao tầng tạo điểm nhấn cho khu vực dân cư ..vv.. rất hạn chế chưa thật sự bảo đảm cho phát triển bền vững và hiện đại của đô thị.
  2. Trong những năm qua chúng ta đã xây dựng được các công trình mang tính lịch sử cho phát triển Đà Nẵng như các trục đường ven biển, ven vịnh Đà Nẵng, các tuyến đường ven Sông Hàn..vv.. khai thác và tạo ấn tượng về cảnh quan cho các khu vực trên. Tuy nhiên lại quá chú trọng dành cho các nhà đầu tư khai thác quỹ đất thương mại nên đã để lại những hạn chế, bất cập một số khu vực đô thị ví dụ như: Dải đất ven biển từ đường Hồ Xuân Hương đến Hòa Hải đã giao gần như hết cho các nhà đầu tư chỉ còn lại 3 bãi tắm có chiều rộng ra biển rất nhỏ hẹp, đã làm hạn chế rất lớn không gian phát triển hướng biển của cả khu vực đô thị rộng lớn hàng nghìn ha thuộc quận Ngũ Hành Sơn nằm phía trong không thể hướng ra biển nên không đủ điều kiện tạo thế lợi của biển để phát triển đô thị, làm giảm rất lớn giá trị đô thị tại khu vực này. Thực tế cho thấy các khu vực ven biển, ven vịnh ở các quận Sơn Trà, Thanh Khê và Liên Chiểu khi đã được hướng trực tiếp ra biển đã có đà bứt phá phát triển vượt bậc.

Hai bên bờ sông Hàn nơi có các khu vực có cảnh quan đặc biệt đã không được sử dụng nhiều cho công cộng mà rất tiếc đã dành quá nhiều cho các nhà đầu tư chủ yếu xây dựng các khu dân cư làm giảm đi giá trị cảnh quan chung của sông Hàn.

  1. Tình trạng sử dụng đất một số nơi còn bất cập, nhiều khu đất đã giao cho nhà đầu tư cả hơn chục năm không xây dựng hoặc xây dựng dở dang nằm ven biển, ven sông, đặc biệt tại khu vực trung tâm thành phố nơi rất nhạy cảm về mỹ quan đô thị như khu vực nhà hát Trưng Vương, nhưng chưa có giải pháp xử lý phù hợp.
  2. Tình trạng sử dụng đất do quốc phòng quản lý để xây dựng các công trình dân sinh như: Nhà hàng, tiệc cưới, sân bóng đá, khách sạn, kho tàng dân sự, các cơ sở sản xuất..vv.. xảy ra khá phổ biến chưa có sự phối hợp quản lý phù hợp với quy hoạch đô thị.

Để có được bức tranh về quy hoạch và sử dụng đất đô thị theo quy hoạch nên xem xét một số giải pháp sau :

  1. Việc điều chỉnh quy hoạch chung là cần thiết vì cũng đã đến thời hạn quy định và để có cơ sở định hướng cho các quy hoạch tiếp sau.
  2. Xem xét điều chỉnh, bổ sung những khuyếm khuyết của các đồ án quy hoạch, các khu dự án đã và đang thực hiện theo hướng xem xét điều chỉnh tăng thêm quỹ đất dành cho cây xanh, hành lang thoát nước, thoát lũ tăng quỹ đất phúc lợi công cộng, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị khác, giảm quỹ đất ở chia lô nhỏ tăng cường nhà ở cao tầng, nhà vườn theo hướng phát triển đô thị bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đồng thời xem xét việc không tiếp tục quy hoạch các khu dân cư theo kiểu chia lô đất nhỏ như đang xảy ra tràn lan.

  1. Kiên quyết không xem xét điều chỉnh quy hoạch theo hướng giảm bớt quỹ đất phúc lợi tăng thêm quỹ đất kinh doanh, thương mại theo nguyện vọng của các nhà đầu tư mang tính lợi ích nhóm.
  2. Cần xem xét điều chỉnh quy hoạch khu vực đô thị phía Nam sân bay Nước Mặn theo hướng xem xét thu hồi lại đất của các nhà đầu tư ven biển để lâu không xây dựng của khu vực này, sắp xếp quy hoạch lại để tạo không gian hướng biển gắn kết đô thị Ngũ Hành Sơn được trực tiếp hướng mặt ra với biển.
  3. Xử lý các khu đất trống các công trình xây nham nhở dở dang đặc biệt nằm trong khu vực trung tâm thành phố và tại các khu vực có cảnh quan quan trọng khác tồn tại hàng chục năm nay làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan đô thị.
  4. Tại các khu dân cư hiện trạng có quy mô hàng nghìn ha, nằm trong các khu vực quận trung tâm như Hải Châu, Thanh Khê và một phần Sơn Trà mật độ ở rất cao, nhà cửa lụp xụp dạng “ổ chuột”. Chúng ta đã đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống giao thông kiệt hẻm và các hạ tầng kèm theo cho các khu vực dân cư này, đồng thời đã giải tỏa, di chuyển mồ mả nằm xen trong các khu dân cư để tạo thêm được sự thông thoáng. Tuy nhiên chừng đó vẫn chưa thể đủ đáp ứng được tiêu chuẩn cho một khu dân cư đô thị phát triển theo hướng bền vững.

Cần xem xét các giải pháp cơ bản hơn để cải tạo nâng cấp các khu vực dân cư trên nhằm tăng cường các khu vực thông thoáng như: Cây xanh, bố trí thêm các công trình phúc lợi, xem xét mở rộng các tuyến kiệt chính để cải thiện giải thoát giao thông khu vực ..vv..

Về định hướng lâu dài nên xem xét theo hướng xây dựng các khu chung cư tại chỗ hoặc tại khu vực khác  để từng bước giảm mật độ ở tại các khu vực dân cư trên.  Phấn đấu định hướng đến năm 2030 sẽ cải tạo được một số khu vực dân cư này theo hướng đô thị bền vững.

  1. Tiếp tục đề nghị chuyển giao đất quốc phòng để phát triển đô thị theo quy hoạch đặc biệt là những khu vực đất thực sự và thực tế đã không sử dụng vào mục đích quốc phòng mà đã xây dựng nhà hàng, khách sạn, cơ sở sản xuất, kho tàng dân dụng..vv..

Có cơ chế phối hợp việc xây dựng trên đất quốc phòng phù hợp với quy hoạch chung đô thị.

PV. Ông nhận định công tác quản lý quy hoạch đô thị hiện nay tại Đà Nẵng?

TS.KTS Nguyễn Hồng Ngọc - Trưởng khoa Kiến trúc Đại học Bách khoa Đà Nẵng
TS.KTS Nguyễn Hồng Ngọc – Trưởng khoa Kiến trúc Đại học Bách khoa Đà Nẵng

Công tác quy hoạch đô thị (QHĐT) rất quan trọng với thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ hiện tại. Có lẽ cần nhận ra rằng QH không chỉ đơn thuần là chọn vị trí và bố trí đủ diện tích, mà cần xem QH như một động lực, một công cụ để phát triển kinh tế – xã hội. Bởi vì không gian không phải là môi trường trung tính trong đó ta bố trí các hoạt động của đô thị, mà không gian là cái định hình nên các hoạt động kinh tế, văn hóa và xã hội của đô thị. Các khu trung tâm, các khu công nghiệp, khu công nghệ cao chính là các “cực”, các “lõi” động lực phát triển của một thành phố.

Cụ thể các nhận định của tôi về công tác lập quy hoạch đô thị (cụ thể là Quy hoạch 2020 và quy hoạch 2030 tầm nhìn 2050) và quản lý đô thị tại Đà Nẵng:

Về tầm nhìn quy hoạch: trong cả hai bản quy hoạch QH 2020 và QH 2030 tầm nhìn 2050 đều chưa rõ chúng ta muốn thành phố Đà Nẵng tương lai như thế nào. Cơ cấu kinh tế không được thể hiện rõ qua hai bản quy hoạch đó. Đặc biệt quy hoạch hầu như chưa nêu được tầm nhìn của phát triển đô thị với quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra hết sức sâu rộng hiện nay, giữa xây dựng và phát triển Đà Nẵng với vấn đề biến đổi khí hậu, giữa Đà Nẵng trong mối quan hệ phát triển vùng, đặc biệt với thành phố Hội An, một vùng đô thị đặc biệt có ảnh hưởng trực tiếp đến Đà Nẵng. Tầm nhìn quy hoạch cho Đà Nẵng phải xác định được cơ cấu kinh tế của thành phố trên cơ sở xác định lợi thế cạnh tranh của đô thị trong thời đại toàn cầu hóa.

Dưới đây là những nhận xét chung và các nhận xét chi tiết về đồ án quy hoạch chung.

  1. Cần xây dựng gấp điều lệ/quy chế đô thị cho toàn bộ thành phố. Tận dụng kinh nghiệm của các nước tiến tiến trên thế giới như Quy chế đô thị thông minh (SmartCode), Luật đô thị dựa theo hình thức (form-based codes), đô thị truyền thống (traditional neighborhood development –TND), đô thị phát triển theo định hướng giao thông công cộng (transit-oriented development – TOD) v.v…
  2. Đà Nẵng có thể là một địa phương đi đầu trong công tác quản lý đô thị bằng việc sử dụng các phần mềm Hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System- GIS). Đây là những phần mềm tích hợp thông tin bản đồ với các dữ liệu số. GIS sẽ hỗ trợ rất tốt cho công tác phân tích xử lý thông tin quy hoạch. Sử dụng GIS là xu hướng chung trên thế giới cho phép các nhà quy hoạch, các nhà quản lý khai thác thông tin quy hoạch một cách hiệu quả nhất.
  3. Quy hoạch Đà Nẵng 2030 tầm nhìn 2050 hầu như không đề cập đến mối liên kết vùng, đến ảnh hưởng hay hỗ trợ lẫn nhau giữa Đà Nẵng với các địa phương lân cận. Đặc biệt quan hệ phát triển đô thị giữa Đà Nẵng và Hội An là đô thị gần nhất, có ảnh hưởng trực tiếp nhất cũng không được đề cập đến. Một ví dụ, hầu hết các nước trên thế giới trải qua tình trạng đô thị lớn dần lên rồi nuốt chửng thành phố nhỏ lân cận, đến nỗi người dân sau này không hề nhận thức được mình đã đi qua ranh giới của thành phố khác. Liệu Đà Nẵng có tạo ra kiểu phát triển như vậy với Hội An. Nếu không có quan điểm quy hoạch rõ ràng e rằng vài năm nữa người dân và du khách sẽ không phân biệt nổi đâu là Đà Nẵng đâu là Hội An.
  4. Trong quy hoạch điều chỉnh thực hiện năm 2013 cũng không hề nói đến quy hoạch phải thích ứng thế nào với biến đổi khí hậu, với việc giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Chẳng hạn cần quy hoạch với cơ cấu đô thị gọn (compact city – không nên dịch là đô thị nén, compact ở đây chỉ có nghĩa là gọn, compact city là thành phố phát triển gọn, khác biệt với sprawl city – thành phố phát triển tràn lan), được hỗ trợ thêm bởi phát triển theo định hướng giao thông công cộng – TOD. Giảm hiệu ứng nhà kính thông qua quy hoạch sử dụng đất và giao thông công cộng cần được làm rõ trong bản quy hoach sửa đổi.
  5. Cần làm rõ hơn và nghiên cứu các tuyến giao thông, tuyến du lịch đường thủy. Những điều này chưa được thể hiện trong Quy hoạch điều chỉnh năm 2013 (theo QĐ 2357).
  6. Cần gấp rút đưa chợ Hàn và chợ Cồn vào các công trình cần được bảo vệ. Hai công trình này ghi lại các thời kỳ lịch sử, ghi lại “tuổi” của thành phố nên cần phải được bảo tồn và bảo vệ. Chợ Cồn được hoàn thành năm 1985 là năm kỷ niệm 10 năm thành phố được giải phóng, chợ Hàn được hoàn thành năm 1989 vào thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới. Sẽ rất có ý nghĩa nếu cả hai ngôi chợ quan trọng này vốn nằm trên một trục chính đô thị (đường Hùng Vương) được bảo tồn và tôn tạo. Chúng như là những nhân chứng cho thành phố qua các thời kỳ. Tuy trong quy hoạch điều chỉnh 2013 có ghi “nâng cấp trung tâm thương mại Chợ Hàn, chợ Cồn” (tr. 6) nhưng cần ghi cụ thể hơn là phải bảo tồn và tôn tạo các công trình này vì giá trị lịch sử của nó. Nếu không dễ có xu hướng biến Chợ Hàn thành Siêu thị Hàn!
  7. Cần làm rõ thêm khía cạnh đảm bảo an ninh quốc phòng đối với bán đảo Sơn Trà. Không xây dựng thêm và cần rà soát lại tất cả các dự án đang và sẽ được triển khai tại Sơn Trà căn cứ trên sự phù hợp của việc bảo tồn đa dạng sinh học cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng.
  8. Về việc di dời nhà ga: Tại các thành phố như Venice (Ý), New York (Mỹ), Moscow (Nga) nhà ga vẫn được bố trí trong lòng đô thị vì thuận tiện cho người dân, thêm vào đó kiến trúc của nhà ga thường là kiến trúc có giá trị lịch sử và nghệ thuật v.v… Nếu di dời nhà ga ra ngoài đô thị sẽ hình thành các dao động quả lắc của các luồng di chuyển của hành khách đến và đi khỏi nhà ga. Theo tôi không nên di dời nhà ga ra khỏi trung tâm thành phố thay vì đó chỉ cần giải quyết tốt hơn các nút giao cắt của đường sắt đô thị với đường bộ.
  9. Cần rà soát lại quy hoạch bãi đỗ xe. Trong quy hoạch 2030 ghi có 43 bãi đỗ xe. Liệu từng đó có đủ cho một thành phố 1,4 triệu dân? Hầu hết các khuyến nghị về bãi đỗ xe theo quan điểm quy hoạch mới là: nên có nhiều bãi đỗ xe nhỏ hơn là có một số lượng ít bãi đỗ xe lớn. Cần khuyến khích tư nhân hoặc nhà nước kết hợp với tư nhân xây dựng các bãi đỗ xe nhiều tầng.
  10. Trong đồ án quy hoạch chung còn thể hiện rõ tư duy kiểu bao cấp trong đó nêu cần phải có Trung tâm văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao cấp quận, huyện. Tuy nhiên cần biết các trung tâm này có thể có bán kính phục vụ chồng lấn lên nhau và có thể hỗ trợ nhau. Thêm vào đó các tiêu chuẩn của các trung tâm có thể phải được xem xét một cách mềm dẻo hơn.
  11. Không nên hình thành các trung tâm biệt lập phân chia theo chức năng sử dụng: Trung tâm hành chính, trung tâm văn hóa, trung tâm y tế, trung tâm giáo dục, trung tâm thể dục thể thao v.v… Xu thế hiện tại của thế giới là hình thành các trung tâm sử dụng đất hỗn hợp (mixed land uses). Việc sử dụng đất hỗn hợp cần phải tồn tại trong từng ô phố thậm chí trong từng công trình (chẳng hạn trung tâm thương mại có cả khu vực văn phòng, thương mại và nhà ở).
  12. Cần thận trọng với khái niệm quy hoạch ngành. Bởi lẽ trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện tại, các ngành nghề được điều tiết theo cơ chế thị trường. Trong Hội nghị góp ý dự thảo Luật Quy hoạch (dự định thông qua năm 2018) tại Hội An tháng 9 – 2016, các đại biểu đã đề nghị bỏ các loại quy hoạch ngành.
  13. Cần lập một danh sách các công trình lịch sử, công trình kiến trúc có giá trị cần phải được bảo tồn. Chẳng hạn nhà số 112 đường Bạch Đằng là hiệu sách Việt Quảng. Là di tích lịch sử cách mạng, là nơi hội họp của Đảng Cộng sản Đông Dương, nơi các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đã từng lui tới. Di tích này đã được ghi trong danh sách di tích cần được bảo vệ.  Nhưng trong tất cả các phương án đoạt giải tại cuộc thi quốc tế thiết kế quảng trường sông Hàn vừa rồi đều đề xuất đập bỏ công trình này.

Một số điều chi tiết cần sửa đổi

  1. Trang 6 nói đến định hướng phát triển sân golf. Theo tôi việc phát triển sân golf không quá quan trọng để đưa vào quy hoạch. Loại hình sử dụng đất này cần phải bị hạn chế loại vì tốn diện tích và sử dụng nhiều nước. Phát triển sân golf nhiều là không bền vững. Loại hình thể thao quý tộc này còn xa lạ với quần chúng nhân dân.
  2. Trang 6 ghi đô thị nén (compact city), cần hiểu rõ compact city không phải là nén mà là đô thị phát triển gọn, đô thị hỗ trợ phát triển giao thông công cộng (TOD) v.v…nên gọi là đô thị phát triển gọn.
  3. Tương tự như vậy: tr. 4. “Phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn tự nhiên tại các khu vực dưới chân bán đảo Sơn Trà”, tôi không thể hiểu làm thế nào có thể tồn tại song song hai hoạt động vừa phát triển du lịch lại có thể bảo tồn tự nhiên được. Cách viết như vậy là không rõ ràng và mâu thuẫn. Như chúng ta đều biết bán đảo Sơn Trà là khu vực rất nhạy cảm về môi trường và an ninh quốc phòng nên trong bản quy hoạch sửa đổi lần này cần khẳng định rõ chẳng hạn: “Đối với các dự án đã xây dựng cần tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ rừng, trong đó không được phép lấn chiếm thêm diện tích, không khai thác nước ngầm không làm biến dạng địa hình khu vực. Đối với các dự án đã được cấp giấy phép thì Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin Thể thao và Du lịch cần phối hợp kiểm tra, giám sát các dự án đảm bảo thực hiện đúng quy hoạch chi tiết. Không cấp phép thêm cho các dự án xây dựng tại Sơn Trà sau ngày –/–/2017”.
  4. Trang 15. “Bảo vệ các hệ sinh thái rừng ngập mặn, cửa sông, ven biển”. Theo tôi biết thì các hệ sinh thái mong manh này còn lại rất ít. Cần rà soát lại và nêu diện tích, vị trí cụ thể để bảo vệ.
  5. Trang 16. Có ghi: nâng cấp bệnh viện C v.v…thực tế là tất cả các bệnh viện hiện tại đều quá tải. Cần ghi rõ xây mới bao nhiêu bệnh viện với số giường là bao nhiêu để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trong vòng hơn chục năm tới.

Thời đại mà chúng ta đang sống là thời đại toàn cầu hóa trong đó các đô thị đóng vai trò như các đầu tàu kinh tế xã hội, nơi chúng tạo ra các quyền lực “cứng” (kinh tế) và “mềm” (văn hóa, giáo dục và các giá trị tinh thần). Theo tôi, đồ án quy hoạch chung phải phản ảnh tầm nhìn của nhân dân Đà Nẵng trong vòng vài chục năm tới. Câu hỏi mà đồ án quy hoạch chung phải trả lời là: Đà Nẵng muốn trở thành đô thị như thế nào trong tương lai? Thành phố của chúng ta có muốn trở thành một đô thị vô bản sắc như một số thành phố khác trên thế giới? Hay thành phố muốn trở thành một đối thủ cạnh tranh nặng ký với các đô thị khác trong cuộc đua toàn cầu. Như vậy thành phố phải có định hướng kinh tế độc đáo của riêng mình. Định hướng kinh tế đó là dựa vào phát triển du lịch, dịch vụ (chưa có giá trị cao) và công nghiệp như hiện tại? Hay là cần đa dạng hóa nền kinh tế thành phố trên nền tảng tri thức và có giá trị cao? Về mặt xã hội cần đảm bảo tốt các yếu tố an sinh và công bằng xã hội. Về mặt văn hóa cần bảo tồn bản sắc thông qua việc bảo vệ các giá trị vật thể và phi vật thể, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ các loại động vật hoang dã. Nói tóm lại thành phố cần tìm ra được lợi thế cạnh tranh cho mình trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay. Thông qua huy động trí tuệ tập thể chúng ta có thể xác định tầm nhìn và quy hoạch tương lai cho thành phố Đà Nẵng.

PV: Trở thành “Thành phố môi trường” là khát vọng của người dân và là mục tiêu mang tính chiến lược lâu dài của thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên hiện nay, nguy cơ về suy thoái môi trường, đặc biệt là hạ tầng cây xanh đô thị ngày càng bị thu hẹp, dành chỗ cho các dự án, công trình xây dựng. Vậy theo Ông làm thế nào để tạo được một không gian xanh đô thị vẫn đảm bảo được hạ tầng kiến trúc?

NCS.KTS Hồ Thế Vinh
NCS.KTS Hồ Thế Vinh

Trên thế giới, không thiếu các quốc gia thực hiện tốt công việc này như: Curitiba (Brazil), Thanh Đảo, Bắc Hải (Trung Quốc), Stockholm (Thụy Điển), Freiburg (Đức), Alexandria, Virginia (Mỹ)…Và gần chúng ta nhất là Singapore hay các thành phố Kawasaki, Kitakyushu của Nhật Bản chẳng hạn. Đặc điểm chung ở các thành phố này mà chúng ta có thể thấy đó là:

Không gian xanh: đô thị có mật độ cây xanh cao, tỷ lệ cây xanh/người cao, không gian công cộng, không gian công viên, mặt nước được quan tâm.

Công trình xanh: Xanh hóa công trình(Các tòa nhà thường được xây dựng theo mô hình thấp tầng, mái nhà phủ cỏ và cây xanh để cách nhiệt,…), vật liệu xanh, tiết kiệm năng lượng, ưu tiên tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, sử dụng năng lượng hiệu quả và vật liệu thân thiện môi trường.

Giao thông xanh: nâng cao tỷ lệ giao thông công cộng, giảm sử dụng các phương tiện cá nhân, giảm khí thải CO2, sử dụng khí tái chế cho giao thông công cộng (Phương tiện đi lại trong khu đô thị là xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch, xe đạp hoặc xe chạy điện,..).

Công nghiệp xanh: Công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, hạn chế ô nhiễm.(Tại thành phố sinh thái như Kitakyushu, Nhật Bản, mọi hoạt động sản xuất vẫn diễn ra bình thường từ các ngành công nghiệp nặng cho đến công nghiệp nhẹ. Nhưng các doanh nghiệp đều được cơ quan quản lý kiểm tra mức độ ảnh hưởng đến môi trường khi xây dựng nhà máy và sản xuất tại đây. Nếu không đảm bảo vấn đề môi trường sẽ không được cấp phép, ngược lại các đơn vị đạt tiêu chuẩn sẽ được nhà nước hỗ trợ. Chính vì thế, thành phố này đã cắt giảm được 2.000 tấn CO2/năm. Mỗi năm thành phố này thu hút hàng triệu lượt du khách tới tham quan).

Chất lượng môi trường đô thị xanh: Môi trường không khí sạch, giảm rác thải, khói, bụi, độ ồn trong đô thị.

Bảo tồn cảnh quan văn hóa lịch sử danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên.
Cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường.

Đều có khung thể chế và pháp lý cho việc phát triển Xanh trong đô thị. (Thủ đô Seoul của Hàn Quốc cũng đã lập quỹ thưởng cho cá nhân, tập thể, công sở nào tận dụng diện tích mái nhà trồng thảm cỏ, cây xanh trên cao. Nhờ mức thưởng tăng theo diện tích “thảm xanh” tạo ra so với diện tích nhà xây mà thúc đẩy được tốc độ xã hội hóa tăng “diện tích xanh” để thay đổi vi khí hậu trong các tiểu khu đô thị, khắc phục ô nhiễm khói bụi, tăng oxy tự nhiên. Các bể bơi lộ thiên cũng được xây ở mái bằng tòa nhà để tăng diện tích mặt nước, tận dụng đất trống giữa các nhà cao tầng để xây bể bơi, làm bồn phun nước, cải thiện vi khí hậu, tiết kiệm năng lượng cho các toà nhà,..).

Như vậy có thể nói, các tiêu chí Xanh trong sự phát triển có thể có nhiều và khác nhau tùy từng tính chất đô thị, nhưng nói chung, thường phải đảm bảo các nguyên tắc: Xâm phạm ít nhất đến môi trường tự nhiên, đa dạng hóa việc sử dụng đất, chức năng đô thị và hoạt động của con người. Trong điều kiện có thể cố giữ cho hệ sinh thái được khép kín và tự cân bằng, giữ cho phát triển dân số và tiềm năng của môi trường, tài nguyên thiên nhiên được cân bằng tối ưu… Và với cách tiếp cận đó, tôi nghĩ chúng ta có thể tạo ra và kiểm soát một không gian Xanh trong đô thị theo nghĩa bao hàm cả các yếu tố tự nhiên nhưng vẫn đảm bảo được các thành phần kiến trúc, hạ tầng đô thị,.. trong sự phát triển chung của xã hội. Trong đó, ngay từ đầu, chúng ta cần xây dựng và thực thi triệt để bằng các khung thể chế và pháp lý về các “tiêu chí Xanh” trong đô thị với nội dung vừa định tính, vừa định lượng một cách rõ ràng, giúp người quy hoạch – thiết kế đô thị hay thiết kế kiến trúc công trình dễ dàng tìm kiếm ý tưởng, giải pháp để tạo ra một đồ án theo hướng mong đợi…

PV: Ý kiến và đề xuất đối với công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị?

Ths. KTS Hoàng Hà - Trưởng bộ môn Cơ sở Kiến trúc, Khoa Kiến trúc - Duy tân
Ths. KTS Hoàng Hà – Trưởng bộ môn Cơ sở Kiến trúc, Khoa Kiến trúc – Duy tân

Để công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị được chất lượng và đúng hướng chúng ta cần chú trọng các yếu tố sau:

– Trước tiên phải nhận thức được rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của quy hoạch đô thị, hiểu được bản chất của quy hoạch đô thị. Bấy lâu nay chúng ta đang có phần nhầm hiểu và làm quy hoạch cũng như tổ chức thực hiện một cách cứng nhắc, thiếu tính mở, chỉ dừng lại ở định hướng thiển cận và dừng lại ở thực hiện bản vẽ cho đẹp.

Bản chất của quy hoạch đô thị phải nghĩ thoáng hơn, rộng hơn và xa hơn. Đó phải là một tiến trình kết hợp của chính trị và kỹ thuật. Như Taylor (Nhà lý thuyết đô thị nổi tiếng thế giới) nói: “Quy hoạch đô thị là một quá trình kỹ thuật và chính trị xử lý việc kiểm soát sử dụng đất và thiết kế môi trường đô thị, bao gồm các mạng lưới giao thông, nhằm hướng dẫn và bảo đảm sự phát triển theo trật tự”.

– Lập quy hoạch phải là sự phối kết hợp của các ngành, ban ngành liên đới ngay từ khâu đặt vấn đề, lên ý tưởng, định hướng… qua sự đóng góp của các cá nhân, tổ chức và người dân. Cần nâng cao vai trò cộng đồng trong công tác tổ chức lập, thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị, gắn liền với tất cả các bước thực hiện.

– Xây dựng và hoàn thiện các hành lang pháp lý nhằm hoàn chỉnh công cụ để thực hiện việc quản lý, xây dựng phát triển đô thị, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành luật, phù hợp đặc thù của từng địa phương, khu vực.

– Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực của cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý quy hoạch xây dựng đô thị. Học hỏi kinh nghiệm của các nước phát triển, các nước đi trước để rút kinh nghiệm bản thân.

PV. Đà Nẵng xác định mục tiêu quy hoạch và thiết kế kiến trúc đô thị hướng tới phát triển bền vững và có bản sắc riêng. Theo Ông (bà) để làm được điều này Đà Nẵng cần phải định hướng tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan đô thị như thế nào vừa có tính bền vững, vừa mang bản sắc riêng, không lai căng, chấp vá?

KTS. Hồ Phước Phương - Giám đốc Công ty CP TVXD Công nghiệp & Đô thị Việt Nam - Đà Nẵng
KTS. Hồ Phước Phương – Giám đốc Công ty CP TVXD Công nghiệp & Đô thị Việt Nam – Đà Nẵng

Thành phố Đà Nẵng, một trong số ít thành phố ở nước ta nằm ở ven biển miền Trung lại có nhiều yếu tố để hướng tới một đô thị Phát triển Bền vững và Hội nhập. Ngày nay, phát triển bền vững nói chung và phát triển đô thị bền vững nói riêng, vẫn được dựa trên 3 nguyên tắc kinh điển chủ yếu:

  • Kinh tế phát triển ổn định;
  • Văn hoá xã hội có bản sắc riêng;
  • Bảo vệ môi trường;

Tuy nhiên, đối với Phát triển Đô thị bền vững phải đến các yếu tố đặc thù riêng của đô thị:

– Các tiện ích về cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng đô thị;

– Các kỹ năng và hiệu quả về công tác quản lý đô thị nói chung và vận hành, điều tiết khai thác đô thị nói riêng một cách hiệu quả.

Những năm qua, Đà Nẵng đã thành công trong việc thực hiện các ý tưởng lớn của quy hoạch“phát triển hài hòa giữa hiện đại và truyền thống và hướng tới phát triển bền vững và phát triển đô thị bền vững”. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đó cái được rất nhiều nhưng cái chưa được cũng nhiều thậm chí phải trả giá rất nhiều trong tương lai. Thành phố Đà Nẵng cần có cách tiếp cận mới phù hợp hơn trong công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển thành phố.

Không gian kiến trúc cảnh quan đô thị có bền vững hay không phụ thuộc nhiều yếu tố: Định hướng mục tiêu tính chất đô thị (thể chế chính trị, kinh tế); quy hoạch đô thị; quy hoạch cảnh quan; vị trí, công năng, và hình thức kiến trúc; không gian công cộng; hạ tầng đô thị; công tác quản lý đô thị; sự tương tác của cộng đồng… Trong đó công tác quy hoạch đô thị khá quan trọng nhằm thể hiện hoá các yếu tố trên. Dẫu rằng, không gian đô thị thì luôn bị biến động khó xác định một mô hình mẫu mang tính bền vững lâu dài nhưng cần làm cho quá trình đó diễn ra một cách phù hợp. Điều đó khẳng định cần có tầm nhìn và có mục tiêu cụ thể thì vai trò công tác quy hoạch và quản lý đô thị rất quan trọng.

Hiện nay, nhiều đô thị lớn trong cả nước vấp phải tình trạng phá vỡ không gian kiến trúc đô thị hầu hết do thay đổi chức năng sử dụng đất, quản lý tuỳ tiện, lợi ích ngắn hạn… gây ra quá tải hạ tầng đô thị, không gian công cộng bị can thiệp quá nhiều. Do đâu? Có nguyên nhân:

  1. Đối với đô thị cũ, cải tạo, chỉnh trang, bảo tồn… đang không đáp ứng sự phát triển mới. Đa phần do thay đổi chức năng mục đích sử dụng đất làm gia tăng sử dụng hạ tầng trong khi hiện trạng quá tải.
  2. Đối với đô thị mới quy hoạch thiếu tầm nhìn xa hoặc chưa đầy đủ các yếu tố phù hợp hoặc vì cái lợi trước mắt của các tổ chức khai thác hoặc do khả năng quản lý chưa tốt.
  3. Chưa có chính sách chiến lược phát triển đô thị dẫn đến phát triển tuỳ tiện tự phát, hoặc vì lợi ích riêng… Gây lãng phí tài nguyên đất và tài nguyên khác phù vụ cho xây dựng đô thị, lãng phí không gian chiều cao, hoặc khai thác quá đà về không gian chiều cao trong khi các cở sở tính toán hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội không phù hợp. Sự tích hợp quá nhiều hoạt động trên cùng diện tích mà chưa tính đến quá tải cục bộ. Mặc khác sự tính toán còn mang tính cục bộ chưa xét tính đồng bộ trên diện rộng nên gây ra những bất cập trong tương tác các hoạt động xã hội.
  4. Mật độ xây dựng quá dày làm thay đổi môi trường sinh thái cả trên mặt đất lẫn trong lòng đất – hiện tượng mất cân đối môi trường đây cũng là yếu tố quan trọng của đánh giá đô thị bền vững.
  5. Hầu hết các đô thị chưa có tổ chức hoạt động chuyên nghiệp về chiến lược phát triển đô thị độc lập, khách quan tham mưu cho chính quyền đô thị có cách vận hành và quản lý hiệu quả. Với tư duy khi cần thì nghiên cứu thì làm do chính quyền luôn luôn bị động, bản thân các tổ chức nghiên cứu đó cũng không chuyên dẫn đến tham mưu không hệ thống, phiến diện, vô trách nhiệm với khả năng tham mưu.

Bàn về kiến trúc Đà Nẵng bền vững, không lai căng, chắp vá quả là câu chuyện rất dài và phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Những năm qua chính quyền cùng xã hội quản lý và xây dựng diễn ra khá tốt ngoại trừ vài trường hợp mất khả năng kiểm soát thì đô thị nào trên thế giới cũng không tránh khỏi. Thời gian qua, tình hình kinh tế, an ninh chính trị, trật tự xã hội ở Đà Nẵng khá ổn định thuận lợi cho nhiều tổ chức cá nhân tham gia trong quá trình đầu tư xây dựng lên diên mạo đô thị Đà Nẵng. Nhìn chung hình thức kiến trúc khá hiện đại, nhẹ nhàng, phù hợp với điều kiện tự nhiên vốn khắc nghiệt. Trên thế giới cũng như Việt Nam trong thời điểm toàn cầu hoá nên việc xuất hiện nhiều loại hình thức kiến trúc là tất nhiên, sự lai căng kiến trúc chỉ là quan niệm chỉ mức độ hình thức kiến trúc gốc trong việc áp dụng để phù hợp mục đích nhà đầu tư. Rất vui hầu hết các hình thức kiến trúc đã đang xây dựng tại Đà Nẵng đã qua chắt lọc thay đổi để phù hợp với tự nhiên và xã hội.

Check Also

images1717334_Dai_hoi_5_3_copy

Đồng hành xây dựng Đà Nẵng thành đô thị sinh thái, hiện đại

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh (thứ 3, từ trái sang) …