Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu. Trong các loại thiên tai, bão và lũ lụt là hai yếu tố thường xuyên và nguy hiểm nhất. Theo ước tính, trung bình mỗi năm Việt Nam phải hứng chịu từ 6 đến 8 cơn bão. Các trận lũ trên hệ thống sông, hạn hán nghiêm trọng, xâm nhập mặn, sạt lở đất, và nhiều thiên tai khác đã và đang gây trở ngại cho sự phát triển của các đô thị ở Việt Nam. Đặc biệt, trong những năm gần đây, các thiên tai mang tính cực đoan hơn, đó là sự đa dạng về loại hình, gia tăng về cường độ và tần suất. Thiên tai xảy ra ở hầu khắp các khu vực trên cả nước, gây thiệt hại nhiều hơn về người và ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế, văn hóa, xã hội, tác động xấu đến môi trường và sự phát triển bền vững của đất nước. Thiên tai và biến đổi khí hậu (BĐKH) đã, đang và sẽ tiếp tục gây ra những tác động khó lường đến hệ thống đô thị Việt Nam và làm gia tăng mức độ khắc nghiệt của các vấn đề môi trường đô thị. Tại diễn đàn Hội thảo chào mừng Ngày Đô thị Việt Nam 08-11, Đô thị & Phát triển trân trọng giới thiệu bài tham luận của KTS Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam.
Ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
1/ Đặt vấn đề
Biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở Việt Nam không còn là sự nhận diện mà là hệ lụy hiện hữu. Sau nhiều năm, những người trong vùng bị ảnh hưởng phải “oằn mình” để chống chịu với những thiên tai bất thường như : hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn, sạt lở, nước biển dâng…thì đến nay người dân ở các khu vực này đã vào thế buộc phải quen dần để chuyển sang thích ứng.
Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ tại các đô thị lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…đã làm cho các đô thị của Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ ngập lụt ngày càng gia tăng do sự bê tông hoá, mật độ xây dựng lớn, không gian công cộng dành cho giao thông và mảng xanh ngày càng bị thu hẹp…. Thêm vào đó, vấn nạn về ô nhiễm không khí, việc thu gom và xử lý nước thải, rác thải không được đảm bảo, gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đồng thời gây hại cho sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, có thể nói biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu là một thách thức lớn nhất của thời đại.
Một thách thức lớn khác đang đe dọa đến toàn nhân loại trong thập kỷ thứ 3 của thế kỷ 21, đó là đại dịch Covid-19. Những gì đã trải qua đối với tất cả các quốc gia có dịch bệnh, đã buộc các nhà lãnh đạo, các nhà khoa học phải xem xét một cách nghiêm túc về những yếu tố liên quan đến công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị. Trên thế giới những lần xảy ra dịch bệnh như dịch tả, dịch lao và gần đây nhất là dịch Sars cũng đã làm thay đổi trong quy hoạch đô thị nói chung và hạ tầng cơ sở nói riêng.
Đại dịch Covid – 19 đã tác động tiêu cực đối với mọi hoạt động kinh tế – xã hội , trong đó có ngành xây dựng và phát triển đô thị. Tuy nhiên, đại dịch Covid – 19 cũng mang lại những tác động tích cực như việc “giãn cách xã hội” đã giúp mọi người sống chậm lại, gần gũi nhau hơn; môi trường đô thị được cải thiện; cách thức làm việc trong hệ sinh thái công nghệ, chính phủ điện tử, thông minh, kinh tế số… được thúc đẩy nhanh hơn. Một câu hỏi đặt ra là, thời gian tới, trong bối cảnh con người phải chấp nhận sống chung với thiên tai, dịch bệnh nói chung, đại dịch Covid – 19 nói riêng, thì mô hình quy hoạch, tổ chức không gian đô thị như hiện nay liệu có bị tác động ? Quá trình phát triển đô thị có cần được xem xét cả trên bình diện tiêu cực và tích cực?
Trong các đợt dịch bùng phát vừa qua, việc trưng dụng các dự án nhà tái định cư, các trường học, sân vận động, khu liên hợp thể thao…để làm nơi cách ly, lập bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 cùng với việc phải đối mặt với những tác động ngày càng tồi tệ của biến đổi khí hậu, cho thấy bài toán cân bằng nhu cầu sử dụng đất đai khi phải có không gian dự trữ, cần được sử dụng linh hoạt trong trường hợp xảy ra các rủi ro thiên tai, dịch bệnh với quy mô lớn là điều các nhà quy hoạch cần phải quan tâm trong quá trình lập quy hoạch và phát triển đô thị. Việc phân loại dự án đầu tư xây dựng sẽ giúp tạo cân bằng trong phát triển đô thị, chủ động tạo ra những khu vực an toàn, tiện lợi, sẵn sàng cho những tình huống đột biến, chưa có tiền lệ như đại dịch Covid-19.
Hiện nay, việc lồng ghép các yếu tố biến đổi khí hậu nước biển dâng vào công tác lập, quản lý phát triển đô thị ở Việt Nam đang từng bước được thiết lập, nhưng việc lồng ghép, tích hợp yếu tố phòng chống dịch bệnh với thiên tai vào quá trình quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị còn bị bỏ ngỏ, chưa được quan tâm… Công tác quy hoạch, tổ chức không gian đô thị tại các vùng có nguy cơ phải đối mặt với thiên tai, dịch bệnh đang đòi hỏi phải có cái nhìn tổng thể với cách tiếp cận có tính bao trùm, tích hợp đa ngành dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn về quy hoạch, xây dựng công trình, quy hoạch có sự tham gia,…để đảm bảo có được các giải pháp quy hoạch và quản lý phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh hướng tới phát triển bền vững.
Quan cảnh buổi Hội thảo – Trực tuyến trên toàn quốc nhân ngày Đô thị Việt Nam 08-11
2/ Thực trạng về phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu và dịch bệnh tại các đô thị ở Việt Nam
Theo Quyết định số 445/2009/QĐ-TTg về Phê duyệt điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050, mạng lưới đô thị ở Việt Nam đang được hình thành và phát triển trên cơ sở các đô thị trung tâm, gồm thành phố trung tâm cấp quốc gia, khu vực và quốc tế như Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng và Huế. Thành phố trung tâm cấp vùng như Hạ Long, Việt Trì, Thái Nguyên, Hòa Bình, Nam Định, Vinh, Nha Trang, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, Biên Hòa, Vũng Tàu và Cần Thơ….Hai đô thị lớn nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang có tỉ lệ dân số đô thị cao và cùng tăng trưởng nhanh chóng, ngoài ra, các đô thị nhỏ hơn cũng đang phát triển ở tốc độ nhanh bằng hoặc thậm chí hơn hai thành phố này. Ví dụ, tăng trưởng của Cần Thơ thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long giữa năm 2010 và 2015 ở mức 46%, cao hơn nhiều so với cả hai thành phố lớn nhất Việt Nam và so với tốc độ tăng trưởng cùng kỳ của quốc gia là 23%.
Sự phát triển nhanh chóng của các đô thị Việt Nam và những khu vực lân cận đang mang lại nhiều lợi ích song cũng tiềm ẩn không ít những rủi ro đang diễn ra với tần xuất ngày càng gia tăng như thiên tai, dịch bệnh và sự biến đổi về môi trường. Những diễn biến này cùng với các xu hướng kinh tế và môi trường toàn cầu làm xuất hiện những thách thức mới, đòi hỏi phải có cách tư duy mới, có những thay đổi mang tính dẫn hướng trong quy hoạch, những thay đổi trong mô hình cư trú, làm giảm thiểu những rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu, đồng thời tăng cường khả năng thích ứng trong cả hai quá trình ứng phó với BĐKH và đại dịch trong quản lý đô thị.
Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030 (Quyết định số 438/QĐ-TTg ngày 25/3/2021) đã xác định, các đô thị cần chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên trong cải tạo nâng cấp và phát triển đô thị; nâng cao nhận thức, tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong điều hành, quản lý phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó cần tích hợp nội dung ứng phó biến đổi khí hậu vào quy hoạch và chương trình, kế hoạch phát triển đô thị; cảnh báo các rủi ro tại các khu vực phát triển đô thị có khả năng chịu tác động từ biến đổi khí hậu.
Theo kịch bản biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2016, các khu vực tiềm ẩn chịu tác động mạnh từ biến đổi khí hậu lại là khu vực có tốc độ đô thị hóa và phát triển đô thị cao trong những năm gần đây và được dự báo sẽ tiếp tục đô thị hóa mạnh. Một số tỉnh, thành phố bị ngập nặng phải kể đến là thành phố Hải Phòng (5-10% diện tích bị ngập), tỉnh Thái Bình (50-60% diện tích bị ngập), tỉnh Nam Định (30-40% diện tích bị ngập), Thành phố Hồ Chí Minh (20% diện tích bị ngập), tỉnh Kiên Giang (80% diện tích bị ngập), tỉnh Hậu Giang (80% diện tích bị ngập), thành phố Cần Thơ (5-10% diện tích bị ngập), tỉnh Bạc Liêu (40-50% diện tích bị ngập), tỉnh Sóc Trăng (25-30% diện tích bị ngập), tỉnh Cà Mau (40-50% diện tích bị ngập).
Còn theo Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), hiện nay có khoảng 300 đô thị ven biển chịu sự tác động rất lớn của biến đổi khí hậu như tình trạng ngập lụt, xâm nhập mặn, triều cường. Khoảng 140-150 đô thị ở miền núi chịu sự ảnh hưởng của sạt lở đất, lũ quét và hạn hán. Với xu thế đô thị hóa và phân bố hệ thống đô thị hiện nay, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan thực sự là thách thức đối với công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị ở Việt Nam. Có thể dẫn ra một số trường hợp như sau:
(i) Tỉnh Lào Cai là một trong những địa phương có mức độ dễ bị tổn thương cao do tác động của BĐKH, hiện tượng thiên tai, thời tiết cực đoan như lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, băng giá, sương muối, rét đậm rét hại và hạn hán. Các hiện tượng thiên tai này có xu hướng gia tăng cả về tần số và cường độ, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống của người dân. Hiện tại, kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Lào Cai chủ yếu tập trung vào việc đẩy mạnh giải pháp lồng ghép vấn đề BĐKH vào các kế hoạch, quy hoạch phát triển của tỉnh, trong đó lưu ý đến các quy hoạch phát triển không gian, cơ sở hạ tầng đô thị (dài hạn); Tăng cường khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng trước các tác động của BĐKH; Lồng ghép vấn đề BĐKH vào công tác tái định cư, nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai trong điều kiện BĐKH.
(ii) Thành phố Đà Nẵng nằm trong vùng Duyên hải Nam Trung bộ cũng đang phải đối mặt với những BĐKH và các hiện tượng thời tiết cực đoan như sự gia tăng về nhiệt độ, lượng mưa, siêu bão, lũ lụt, nước biển dâng …. Trung bình một năm Đà Nẵng chịu ảnh hưởng từ 2-3 xoáy thuận nhiệt đới, gây thiệt hại nặng nề. Về mực nước biển dâng, theo số liệu đo của vệ tinh mức tăng trung bình là 3,69mm/năm và theo số liệu quan trắc tại trạm Sơn Trà tăng trung bình 2,55mm/năm. Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của thành phố (đô thị hóa mạnh mẽ) cũng đã kéo theo sự gia tăng về ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên.
Với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, và là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính…Đà Nẵng đang xây dựng những định hướng phát triển đảm bảo nền tảng cho một đô thị có khả năng thích ứng với BĐKH, trong đó chú trọng vai trò của cảnh quan tự nhiên, tăng cường các giải pháp gìn giữ sự đa dạng sinh học, hài hòa với các quy luật tự nhiên, lấy yếu tố tự nhiên làm chủ đạo, cùng với các giải pháp kỹ thuật để gắn kết giữa thiên nhiên và con người. Tổ chức và xác định quy mô các khu chức năng đô thị hợp lý; áp dụng giải pháp giao thông xanh. Tổ chức lập, công bố bản đồ vùng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu để giảm các thiệt hại về cơ sở hạ tầng và con người.
(iii) Đối với thành phố Cần Thơ, dưới tác động của BĐKH như: triều cường, sạt lở đất, nắng nóng, bão, lốc xoáy đã kéo theo những hiểm họa khác như: xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường và dịch bệnh. Quá trình đô thị hóa đang diễn ra tương đối mạnh tại TP. Cần Thơ trong những năm gần đây cũng đã làm phát sinh khả năng gây sụt lún cục bộ tại những khu vực có mật độ xây dựng cao, tải trọng lớn. Để giảm nhẹ các tác động của BĐKH, bước đầu TP. Cần Thơ đã lồng ghép và xây dựng các giải pháp về phát triển đô thị theo hướng kết hợp với bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố trong từng giai đoạn, đảm bảo phát triển bền vững, an toàn.
Biến đổi khí hậu và phát triển đô thị thường có tác động tương quan lẫn nhau theo chiều hướng tiêu cực. Việc phát triển đô thị khiến cho các đô thị được mở rộng, cải tạo và xây dựng mới ngày càng nhiều, nên tại những khu vực này nguy cơ ngập lụt khi mưa to, bão lớn và triều cường ngày càng gia tăng. Trong khi đó, các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, quy hoạch đô thị chưa cập nhật các kịch bản mới của biến đổi khí hậu, chưa có các phương án phòng ngừa phù hợp .
Trong quá trình lập quy hoạch, việc khai thác, sử dụng tài nguyên đất đai chưa hiệu quả, tầm nhìn dài hạn còn hạn chế; hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu, tình trạng ô nhiễm môi trường, khả năng kết nối giao thông giữa các khu vực đô thị còn yếu. … dẫn đến quá trình phát triển đô thị và tăng trưởng đô thị thiếu bền vững.
Các quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch, thiết kế nhà ở, công trình công cộng, trường học, bệnh viện, công sở, hệ thống đê điều, cửa xả… trước đây không còn phù hợp với quy mô, tần xuất thiên tai, dịch bệnh ngày càng phức tạp, khó dự báo với các giá trị cực trị mới xuất hiện.
Chiến lược Quốc gia về Biến đổi Khí hậu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 5 tháng 12 năm 2011 đã nêu rõ: “Theo các kịch bản biến đổi khí hậu, vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm ở nước ta tăng khoảng 2 – 3oC, tổng lượng mưa hàng năm và lượng mưa trong mùa mưa tăng, trong khi đó lượng mưa mùa khô lại giảm, mực nước biển có thể dâng khoảng từ 75 cm đến 1 m so với thời kỳ 1980 – 1999”. Chiến lược cũng đã đưa ra nhiều mục tiêu và hành động nhằm đảm bảo rằng các giải pháp ứng phó và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu cần được lồng ghép trong tất cả các lĩnh vực phát triển của quốc gia. Vì vậy, tác động của biến đổi khí hậu là một vấn đề then chốt trong mọi chiến lược nhằm giải quyết những thách thức to lớn mà hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt trong quản lý rủi ro thiên tai và quản lý phát triển đô thị.
Về quy hoạch ứng phó với dịch bệnh. Đại dịch Covid-19 bắt đầu từ cuối năm 2019 đến nay, đã và đang ảnh hưởng đến hầu hết các đô thị ở Việt Nam. Qua đại dịch bùng phát lần thứ 4, đã bộc lộ một số hạn chế của các đô thị. Đó là trong quy hoạch và quy hoạch sử dụng đất chưa chú trọng quan tâm đến việc tách biệt các hoạt động có nguy cơ cao, chưa có quy hoạch dự trữ đất cho các dự án xây dựng liên quan đến phòng, chống dịch như các bệnh viện dã chiến, nơi cách ly tập trung cho các bệnh nhân mắc COVID. Các quy định về không gian công cộng, không gian xanh, công viên và khu vui chơi giải trí, những khu vực được coi là “nơi trú ẩn” an toàn trong trường hợp khẩn cấp của người dân chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Quy hoạch và quản lý chất thải y tế và rác thải sinh hoạt cũng chưa tính đến khả năng đáp ứng khi xảy ra đại dịch. Mạng lưới y tế cơ sở- một chức năng thiết yếu của quy hoạch đô thị, hiện phân bố không đồng đều giữa các đô thị, chủ yếu tập trung ở các trung tâm đô thị. Còn các cơ sở y tế, trung tâm y tế dự phòng ở địa bàn nông thôn, cấp xã phường còn thiếu và yếu.
Chưa tích hợp các tiêu chuẩn y tế vào thiết kế tòa nhà như yêu cầu về hệ thống điều hòa không khí và thông gió, hành lang chung, hệ thống cấp thoát nước, quản lý chất thải, làm sạch và khử trùng trong giai đoạn xảy ra dịch bệnh, thiên tai, phòng chống lây lan.
Tại các khu vực có mật độ dân cư cao, nơi có các khu tập thể cũ với các tiêu chuẩn xây dựng và dịch vụ hạn chế, thiếu các điều kiện môi trường thích hợp… là những nơi có nguy cơ cao và tỷ lệ lây nhiễm lớn dịch bệnh mà phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân là một ví dụ trong đợt dịch COVID-19 vừa qua
Cũng trong đợt dịch vừa qua, chính quyền đô thị ở một số địa phương, một số cấp cũng tỏ ra bị động trước những diễn biến phức tạp và lây lan nhanh chóng của dịch bệnh.
Từ một số nhận định trên, cho thấy việc nhận diện một số vấn đề đang tồn tại từ thực trạng phát triển của các đô thị Việt Nam trong ứng phó với BĐKH và dịch bệnh là những bài học quý cho các nhà quản lý, nhà quy hoạch và các kiến trúc sư trong việc đưa ra các giải pháp về khả năng chống chịu và thích ứng từ những thách thức kép của thiên tai và dịch bệnh. Đã đến lúc quy hoạch và kiến trúc cần phải đáp ứng yêu cầu về sự an toàn và tính linh hoạt, tạo lập khả năng ứng phó kịp thời để có thể sớm phục hồi đô thị và thiết lập các trạng thái sống chung với các biến đổi của thiên tai và dịch bệnh trong tương lai.
3/ Một số đề xuất, kiến nghị trong xây dựng giải pháp thực hiện
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhận định, BĐKH là vấn đề toàn cầu và là một trong những thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt và gây ra nhiều hệ lụy đối với sự phát triển của đất nước. Vì vậy “Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh” là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 và là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.
Cuối năm 2019, Bộ Xây dựng đã thông qua Khung thực hiện chương trình phát triển đô thị nhằm tạo hỗ trợ pháp lý để tăng tốc phát triển. Song chưa có một chính sách nào đề cập sức chống chịu đô thị và đối phó thảm họa, bao gồm các thiên tai, dịch bệnh. Trong khi đô thị vừa là nguyên nhân của BĐKH nhưng đồng thời cũng là khu vực chịu ảnh hưởng mạnh của BĐKH do đô thị là nơi tập trung dân cư và các hoạt động phát triển của đô thị.
Thực tiễn cho thấy, quá trình quy hoạch và xây dựng phát triển đô thị hiện nay còn hạn chế về công tác lồng ghép BĐKH, thiếu đánh giá, phân tích những tác động của BĐKH. Vẫn còn tồn tại các quy hoạch mở rộng xây dựng đô thị vào các khu vực có nguy cơ thiên tai, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị chủ yếu mới chú trọng về kỹ thuật và tổ chức không gian, chưa quan tâm nhiều đến bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh tế đô thị để hỗ trợ các giải pháp ứng phó BĐKH. Chưa đánh giá lựa chọn đất xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, đề xuất mô hình đô thị, cấu trúc không gian đô thị, hạ tầng kỹ thuật, v.v. ứng phó với BĐKH. Các giải pháp quy hoạch chủ yếu tập trung khai thác triệt để nguồn lực đô thị, gia tăng sử dụng đất, thiếu chú trọng tới phát triển bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái.
Vì vậy, để phát triển bền vững, giảm thiểu thảm họa thiên tai, dịch bệnh, công tác quy hoạch, tổ chức không gian đô thị đòi hỏi phải có cái nhìn tổng thể, lồng ghép được các yêu cầu mới trong quy hoạch và phát triển đô thị trên cả 3 khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.
Để giải quyết những thách thức mà các đô thị đang phải đối mặt với những hiểm họa liên quan đến biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai chính là khả năng thích ứng của đô thị. Khi đó, phải coi BĐKH là thay đổi điều kiện tự nhiên, chứ không nhất thiết chỉ là thảm hoạ. Nguyên tắc chung là phải nâng cao năng lực thích ứng, bằng cách định hướng phát triển hài hoà, phù hợp với điều kiện tự nhiên trong mọi lĩnh vực. Ba đặc tính chủ yếu của khả năng thích ứng là (i) khả năng tiếp tục tồn tại, vận hành theo chức năng và khả năng chống chịu (ii) khả năng thích nghi – khả năng tiếp tục vận hành trong đó bao gồm cả việc cần khả năng thay đổi đặc điểm vận hành để thích nghi với các điều kiện thay đổi; (iii) khả năng chuyển đổi – khả năng chuyển đổi sang một tình trạng mới để thích nghi với những thay đổi dài hạn về điều kiện vận hành. Đây cũng là cách để Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế về tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Để tăng sức đề kháng cho hệ thống đô thị, các đô thị nhỏ, phi tập trung, mật độ dân cư thấp cần xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Các tiêu chuẩn quy hoạch và thiết kế các khu dân cư đô thị cần phải tính yêu cầu về hệ số sử dụng đất, bao gồm tỷ lệ diện tích sàn (FAR), mật độ xây dựng và tỷ lệ không gian xanh – để đảm bảo có đủ không gian xanh, không gian giải trí cho người dân và không gian sơ tán trong trường hợp khẩn cấp. Đối với các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, cần nhanh chóng thúc đẩy các khu đô thị vệ tinh, nơi có điều kiện phát triển mới theo hướng xanh hơn, bền vững hơn, mang lại nhiều giá trị sống tốt hơn cho con người và tạo cơ hội giãn dân ra khỏi khu vực nội đô.
Khung hành động của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyến khích các quốc gia thành viên cần lồng ghép các giải pháp, hoạt động về sức khỏe đô thị trong các kế hoạch phát triển bền vững để cải thiện các đô thị, đồng thời nêu rõ, hạ tầng đô thị được tăng cường sẽ làm tăng khả năng thích ứng tại các đô thị, làm thay đổi hậu quả của thiên tai và các trường hợp khẩn cấp như đại dịch…. Khi đó, các chỉ tiêu quy hoạch như mật độ dân số, nhà ở, môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin trong chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ y tế, đặc biệt là những công nghệ trong tương lai phải được áp dụng, nhằm sớm phát hiện những vấn đề tiềm ẩn, để từ đó có phản ứng nhanh đối với những dịch bệnh có nguy cơ dễ bị biến thể do tác động của biến đổi khí hậu v.v…
Xuất phát từ yêu cầu về “giãn cách xã hội” của Chính phủ, các mô hình đô thị mới không chỉ đơn thuần là việc sắp xếp, tổ chức lại các không gian đô thị, tạo thêm không gian cho cây xanh và không gian dành cho cộng đồng mà còn cần phải có sự thay đổi về vai trò của chính quyền đô thị, kinh tế đô thị, thói quen đi lại, sử dụng phương tiện giao thông…tạo thành mối liên kết mạnh mẽ giữa các địa phương, cùng nhau giảm thiểu tác động môi trường, hỗ trợ nhau khi có thiên tai, dịch bệnh hoặc thảm họa toàn cầu. Từ đại dịch này, cũng là cơ hội để thúc đẩy chính sách cải tạo nhà chung cu cũ và cải thiện cơ sở hạ tầng và chăm sóc sức khỏe cộng đồng ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
Các khoảng trống trong khung pháp lý và chính sách về sức khỏe, môi trường, hạ tầng kỹ thuật cần thiết phải được bổ sung. Tăng cường sự kết nối giữa các Bộ ngành trong quá trình lập quy hoạch và thực hiện những giải pháp xây dựng đô thị có khả năng thích ứng. Cần kết hợp các yếu tố rủi ro về sức khỏe vào hệ thống phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai và nhấn mạnh tầm quan trọng của các chức năng đô thị thiết yếu, tạo điều kiện để đảm bảo tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ và tiện ích công cộng, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, điều mà trước đây các chỉ số quy hoạch liên quan đến việc cải thiện sức khỏe của người dân thường bị bỏ qua. Ở yêu cầu cao hơn, việc đánh giá tác động sức khỏe nên được sử dụng để đánh giá các dự án và xác định các kịch bản lập kế hoạch, trong đó lấy người dân là trung tâm.
Sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), in 3D, công nghệ mô phỏng, dữ liệu lớn và thực tế ảo… đang đặt ra cho những nhà quy hoạch và các kiến trúc sư, kỹ sư phải có sự thay đổi trong xây dựng ý tưởng và lựa chọn giải pháp phù hợp. Việc làm chủ, vận dụng linh hoạt, hợp lý các công cụ, công nghệ sẽ giúp dự báo, mô phỏng các kịch bản ứng phó với thiên tai, dịch bệnh, trên cơ sở các dữ liệu về đô thị như vị trí công trình trong không gian đô thị, số tầng cao, mật độ xây dựng, khoảng cách các công trình xây dựng, tình trạng sử dụng các công trình…thuận lợi cho việc kiểm soát và phòng, chống, nhằm giảm thiểu tối đa các nguy cơ gây thiệt hại.
Hình ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Phát triển đô thị, nhất là đô thị thông minh cũng là cách để điều chỉnh cách tiếp cận linh hoạt, tương thích và tăng khả năng chống chịu với thiên tai, dịch bệnh. Việc lồng ghép thông minh các giá trị của cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi cấu trúc đô thị, phù hợp xu thế phát triển.
Cuối cùng, chính quyền đô thị và nguồn lực đô thị cũng đóng vai trò rất quan trọng. Cần có một đội ngũ và hành động một cách đồng bộ, quản lý và cung cấp dịch vụ cho người dân một cách hiệu quả, trực tiếp, chú ý đến các đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng như dịch bệnh vừa qua.
Quá trình đô thị hóa ở Việt Nam đã đưa nước ta trở thành một quốc gia có nền công nghiệp và kinh tế phát triển, hội nhập với nền kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng. Công nghiệp hóa đã trở thành một phần của nền kinh tế toàn cầu; đô thị hóa đã và đang giúp đẩy lùi đói nghèo và mang đến nhiều cơ hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn có những thách thức và rủi ro mới. Điều này cần được khắc phục bằng các hệ thống quy hoạch và quản lý linh hoạt, đáp ứng yêu cầu và có khả năng thích ứng. Công tác thúc đẩy đô thị thông minh dựa trên các trụ cột như giải pháp quy hoạch, bảo đảm mật độ dân cư, khoảng cách an toàn, tiết kiệm năng lượng, hiệu quả về đầu tư; cung cấp tiện ích thông minh và quản lý thông minh… cần tiếp tục được triển khai để tạo sức đề kháng tốt nhất cho đô thị ở góc độ phòng ngừa và ứng phó hiệu quả nhất, thích ứng với những cú sốc và sự bất định trong tương lai./.
KTS. Trần Ngọc Chính
Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị VN