Thời kỳ thuộc địa của Pháp trên bán đảo Đông Dương là thời kỳ hình thành các đô thị mới và đặc biệt là những dự án mở rộng và cải tạo quy mô lớn đối với những đô thị hiện có. Chính quyền thuộc địa coi sự phát triển của xã hội đô thị như một phương tiện truyền bá lối sống Phương Tây mà sau đó được coi là phổ biến, những việc tạo ra tầng lớp thượng lưu đô thị cũng là một phương tiện thiết lập sự thống trị của phương Tây.
Do đó, ảnh hưởng của Pháp đối với kiến trúc và quy hoạch đô thị là điều dễ hiểu đối với nhiều thành phố Việt Nam và cũng liên quan đến nhiều thành phố tại Campuchia và Lào. Sự giao thoa văn hóa Tây – Đông này đặc biệt mạnh mẽ ở các thành phố như Hà Nội, khi đó là thủ đô của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp, vốn từng được coi như một tiểu Paris ở vùng Viễn Đông ; Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ đó có tên gọi là Sài Gòn và được coi là «Hòn ngọc Phương Đông » bởi cuộc sống nhộn nhịp thanh lịch và cuốn hút hay Phnom Penh, một viên ngọc quý khác của thuộc địa vừa là thủ đô hoàng gia vừa là thành phố đậm chất Pháp.
Vậy Đà Lạt có vị trí như thế nào trong sự giao thoa văn hóa Tây Đông ?
Đà Lạt là một thành phố có thể coi là « khác biệt » về nhiều mặt với một vị thế đặc biệt so với các thành phố khác trên bán đảo Đông Dương.
Trước hết, một trong những điểm khác biệt chính giữa Đà Lạt và các thành phố khác tại Việt Nam khi đó nằm ở chỗ khi người Pháp quyết định thành lập thành phố này thì đó vẫn là vùng đất chưa có sự định cư của con người. Hà Nội, Huế và ở một mức độ thấp hơn là Sài Gòn đã từng được quy hoạch đô thị theo kiểu Pháp trước đó. Còn Đà Lạt chưa từng hình thành đô thị nên những chuyên gia người Pháp được giao nhiệm vụ quy hoạch Đà Lạt – Jean O’Neill năm 1919, Ernest Hebrard năm 1923, Louis Georges Pineau năm 1932, Francois Lagisquet 1943 – được tự do ứng dụng các khái niệm quy hoạch đô thị sáng tạo và có tính thử nghiệm, đặc biệt đối với khu vực Đông Nam Á, chẳng hạn như thành phố vườn, cấu trúc đô thị theo mạng lưới hoặc đô thị cảnh quan. Mặc dù đúng là có một số chuyên gia như Hebrard đã nhìn thấy ở Đà Lạt có khả năng trở thành thủ phủ của chính quyền thuộc địa thời kỳ đó, nhưng trước hết thành phố vẫn là một đô thị nghỉ dưỡng bao gồm các dinh thự và biệt thự để nghỉ ngơi, thư giãn và ngắm cảnh với mục đích tĩnh dưỡng. Do đó, đây là những mục tiêu rất khác với chức năng thông thường của các thành phố lớn nói chung và đặc biệt là những trung tâm đô thị thuộc địa của Pháp như Hà Nội, Sài Gòn hay Phnom Penh.
Như vậy, Đà Lạt được thiết kế cho một chức năng rất đặc biệt và duy nhất : một thành phố nghỉ mát cho các quan chức quân sự và dân sự, đảm bảo hồi phục sức khỏe cho người châu Âu khi phải chịu đựng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Nói cách khác, trong ADN của Đà Lạt, chúng ta tìm thấy những khái niệm về hạnh phúc, sự thoãi mái, một nơi mà cuộc sống phải thực sự dễ chịu… Người ta có thể tưởng tượng rằng nếu thành phố được xây dựng vào thế kỷ 21, chúng ta sử dụng những thuật ngữ hiện đại hơn như đô thị sinh thái, thân thiện môi trường hoặc thành phố của niềm vui và hạnh phúc với những lợi ích nghỉ dưỡng.
Để mang lại những chất lượng cuộc sống và sự thoãi mái cho thành phố, cảnh quan đóng một vai trò quan trọng hàng đầu. Do đó, đây là yếu tố quan trọng nhất của sự giao thoa Tây – Đông ở Đà Lạt : sự giao thoa văn hóa được xây dựng trên cảnh quan, trên mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên theo nghĩa rộng.
Khi Đà Lạt được thành lập, các vấn đề về môi trường được đặt tên hàng đầu và phải tính đến thiên nhiên xung quanh : địa điểm này cách xa bất kỳ công trình thuộc địa nào, đường vào phức tạp và vẫn chưa có cơ sở hạ tầng. Việc thuần hóa các yếu tố tự nhiên không dễ dàng như mong đợi. Ví dụ, trận lụt năm 1932 cướp đi sinh mạng của 17 người đã nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm và phải tính đến các yếu tố rủi ro trong quy hoạch Đà Lạt. Do đó, không nên đi ngược lại các yếu tố tự nhiên và cảnh quan hiện có, mà trái lại, cần tận dụng tối đa những yếu tố đó trong việc kiến tạo thành phố.
Việc kiểm soát các không gian mặt nước về sau trở thành điều cần thiết trong quy hoạch và phát triển đô thị Đà Lạt, đồng thời cũng là một phương tiện tạo dựng cảnh quan đô thị. Cụ thể là một hồ lớn được quy hoạch ở trung tâm thành phố. Việc kiểm soát nguồn nước cũng là một phương tiện sản xuất năng lượng thông qua việc xây dựng một nhà máy thủy điện vào đầu những năm 1940. Ở đây chúng ta thấy một minh chứng về lợi ích đa mục tiêu khi tính toán hiệu quả của việc quy hoạch đô thị bắt đầu từ cảnh quan và những thách thức về hiện trạng địa hình.
Ở Đà Lạt, thiên nhiên và cảnh quan, vốn là cấu trúc tự nhiên của vùng đất, đã trở thành yếu tố tổ chức nơi định cư của con người. Sau đó, vấn đề đặt ra là cần hiểu rõ bảo tồn cảnh quan này , thậm chí cần phát triển một trung tâm đô thị cảnh quan, còn vấn đề mặt kiến trúc phải tính đến cảnh quan và thiên nhiên trong việc xây dựng các tòa nhà, dù là công trình công cộng hay nhà riêng. Kết quả là các hình thức và phong cách kiến trúc giúp tạo ra sự tương tác giữa con người và thiên nhiên.
Nhìn chung, chính quyền thuộc địa ưa thích áp dụng kiến trúc tân cổ điển cho các công trình công cộng và cho bất cứ thứ gì có liên quan trực tiếp đến quyền lực. Vì vậy mà tại Hà Nội hay Sài Gòn, các tòa nhà chính, bưu điện, nhà hát, bệnh viện, trường học,… đều được xây dựng theo phong cách tân cổ điển. Thật đấy, bởi phong cách này là biểu tượng của quyền lực, sự ổn định, cân bằng, của sự giàu có nhất định, tân cổ điển rất thường được sử dụng để đại diện cho Nhà nước. Do đó, các công trình công cộng theo phong cách tân cổ điển đã trở thành hiện thân của Nhà nước ở các vùng miền, các tỉnh và thành phố trên lãnh thổ Pháp chính quốc, đồng thời cũng được áp dụng cho các thuộc địa.
Đến đây, một lần nữa chúng ta lại thấy Đà Lạt là một ngoại lệ : thành phố này có rất ít công trình theo phong cách cổ điển hoặc tân cổ điển mà hầu hết là những tòa nhà thể hiện phong cách địa phương hoặc chủ nghĩa hiện đại. Các công trình nhà ở chủ yếu là biệt thự, không tìm cách thể hiện địa vị xã hội của chủ sở hữu, như trường hợp của phong cách tân cổ điển với các mặt tiền được trang trí cẩn thận, mà chỉ thể hiện rằng đó là những ngôi nhà tạo nên sự thoãi mái. Tiếp cận cảnh quan, thể hiện sự thoãi mái trong cuộc sống và sử dụng một thẩm mỹ hiện đại đã trở thành những dấu ấn của sự giàu có và địa vị xã hội ở Đà Lạt. Do đó, nhiều ngôi nhà có các căn phòng mở ra không gian bên ngoài hoặc có một căn phòng hình tròn để làm phòng khách trong nhà lớn với góc nhìn rất rộng ra vườn và cảnh quan. Chúng tôi hiểu rằng các kiến trúc sư đã tìm thấy cách tích hợp cảnh quan vào những lô đất dành để xây dựng biệt thự, thậm chí vào chính ngôi nhà. Các quy định quản lý đô thị ủng hộ xu hướng kiến trúc tích hợp cảnh quan như vậy. Ví dụ, bất kỳ ngôi nhà nào cũng cần có không gian xanh bao quanh và có tầm nhìn ra cảnh quan cũng như thông gió tự nhiên.
Chúng tôi cũng nhận thấy sự tích hợp cảnh quan vào công trình được thể hiện thông qua những tên gọi đầy sức hấp dẫn được đặt cho các dự án nhà ở : những dự án biệt thự « tầm nhìn ngoạn mục » hay «thành phố vườn : Đô đốc Jean Decoux » nằm cách Hồ Xuân Hương khoảng một cây số về phía Bắc.
Một phương thức tổ chức không gian khác được áp dụng rất phổ biến ở các thuộc địa để phát triển đô thị và thể hiện quyền lực thông qua tầm ảnh hưởng trên phạm vi lãnh thổ, đó là quy hoạch đô thị theo cấu trúc mạng ô bàn cờ. Cách tổ chức không gian này muốn hướng tới tính thực dụng, nhưng cũng để tượng trưng cho chủ nghĩa hợp lý của quá trình thực dân hóa : hiệu quả, kiểm soát và an ninh. Chúng ta nhận thấy người Pháp sử dụng hình thức quy hoạch này khá phổ biến ở các thành phố của Việt Nam như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng …
Và thêm một lần nữa, chúng ta lại thấy một đặc thù khác của Đà Lạt : ở nơi đây không có bản quy hoạch đô thị nào được thiết lập để phát triển thành phố theo kiểu ô bàn cờ. Một lần nữa chính cảnh quan và các yếu tố của thiên nhiên như nước, thảm thực vật, đồi núi sẽ định hướng cho sự phát triển của thành phố và tạo nên bộ khung cấu trúc cho đô thị Đà Lạt.
Nhà quy hoạch đô thị Ernest Hebrard có vai trò hết sức quan trọng đối với Đà Lạt bởi thành phố này là nơi lý tưởng để ông áp dụng các khái niệm quy hoạch mà ông đang ấp ủ.
Ernest Hebrard và quy hoạch Đà Lạt
Thực tế là vào năm 1921, toàn quyền Maurice Long muốn có một phương thức quy hoạch hiện đại cho các đô thị của thuộc địa nên đã mời Ernest Hebrard đến Viễn Đông với sứ mệnh mang đến cho các đô thị lớn một quy hoạch hiện đại, đồng thời xây dựng một kế hoạch dứt khoát để Đà Lạt không chỉ là một khu nghỉ mát trên núi hiện đại mà phải trở thành thủ đô hành chính của Liên bang Đông Dương. Năm 1923, ngày Ernest Hebrard đến Hà Nội, cũng là thời điểm thành lập Sở Quy hoạch đô thị mà ông sẽ được yêu cầu lãnh đạo. Đối với ông, đó sẽ là một công cụ hành chính thực sự cho phép ông thực hiện sứ mệnh của mình : lập các ban quy hoạch đô thị.
Hebrard coi dự án của Toàn quyền – biến Đà Lạt thành thủ đô hành chính – như một phương tiện thử nghiệm đô thị và kiến trúc, tạo ra một thủ đô xanh, áp dụng cụ thể tư tưởng đô thị toàn cầu nơi kiến trúc và hình thái đô thị được tư duy một cách mạch lạc để mang đến một cuộc sống dễ chịu. Hơn nữa lý tưởng của ông về thủ đô hành chính cho Đà Lạt có thể được so sánh với dựán vĩ đại của ông về một thành phố quốc tế có tên gọi là « Trung tâm Thế giới » mà ông đã đề xuất và phát triển cùng với nghệ sĩ Hendrik C. Andersen vào năm 1913.
Theo Ernest Hebrard thật đáng tiếc khi các thành phố thuộc địa của Pháp không phải do các nhà quy hoạch đô thị vẽ ra mà là sản phẩm của các cán bộ kỹ thuật, kỹ sư công chính nên thường đưa ra giải pháp không phù hợp với mục đích sử dụng của xã hội đô thị. Ông mong muốn mang đến tầm nhìn đô thị của mình, thoát khỏi những kế hoạch quá quy củ, vượt khỏi tầm nhìn lầm tưởng là khoa học quá cứng nhắc dẫn đến hình thái đô thị không thích ứng với nhu cầu của người sử dụng.
Đây là những gì ông viết về hoạt động đang được thực hiện tại Việt Nam khi ông đến :
« Ở Đông Dương các quy hoạch đô thị đã và đang được giao cho các Sở Địa chính » (…), Sở Công chính (…) lập ra. Các quy hoạch này được thể hiện một cấu trúc không gian đô thị kiểu ô bàn cờ, nghĩa là được hình thành từ các đường phố có chiều rộng bằng nhau, giao cắt vuông góc với nhau và tạo thành những ô phố thường có hình vuông. Kiểu quy hoạch như vậy hoàn toàn không phù hợp bởi lưu lượng giao thông giữa các tuyến phố không thể hoàn toàn giống nhau nên sẽ dẫn đến tính trạng có một số tuyến sẽ trở nên quá đông đúc, quá chật hẹp trong khi một số tuyến khác vắng người qua lại thì quá rộng. Có thể dễ dàng khắc phục khiếm khuyết này bằng cách thu hẹp bề rộng mặt đường, nhưng các kích thước khi đó đã được quy định thành khuôn mẫu : bề rộng mặt đường luôn phải tỉ lệ thuận với chiều rộng tổng thể nên kết quả ở tất cả các tuyến phố nhánh, nhất là những đại lộ ở Hà Nội thời kỳ đó, cỏ mọc lan nhiều và gây hư hại cả những mặt nền đường được đàm đá dăm tốt nhất.\
Bên cạnh đó, việc quy hoạch các ô phố hình vuông cũng gây ra nhiều khó khăn nhất khi tiến hành phân lô.
Ngoài ra, do tất cả các ô phố đều bằng nhau nhưng lại được sử dụng cho nhiều công trình có chức năng khác nhau như nhà ở, tòa nhà hành chính, tượng đài công cộng, nhà máy, từ dó tạo nên những không gian lân cận không mong muốn. Rất ít quảng trường tạo được sự hấp dẫn, đôi khi có những khoảng lùi ở mức độ khác nhau so với chỉ giới xây dựng dọc theo các tuyến đường hoặc đại lộ. Cấu trúc tổng thể rất cứng nhắc và khắc khe. (…) »
Trích từ bài viết « L’Urbanisme en Indo-Chine » của Ernest Hebrard, trên tạp chí Urbanisme, nguyệt san về quy hoạch đô thị của Pháp – Đặc san, tháng 3 năm 1932, trang 72.
Tại Đà Lạt, vẽ nên một thành phố theo một quy hoạch hoàn toàn khác, trong đó mạng lưới đường giao thông phù hợp với các cốt nền khác nhau, các thửa đất được bố trí quay hướng chính nhìn ra cảnh quan rộng và chức năng của các tòa nhà phù hợp với hình dạng, vị trí và địa hình của chúng.
Mặt khác, Hebrard muốn đặt Đà Lạt trong hệ thống liền mạch của các thành phố thuộc địa lớn được nâng lên thành thủ đô, chẳng hạn như New Delhi được Sir Edwin Lutyens quy hoạch trong những năm 1922-1912 để trở thành thủ đô mới của Ấn Độ thời thuộc Anh hoặc Canberra được Walter Burley Grifin quy hoạch năm 1913 để trở thành thủ đô mới của Úc. Ông tư duy về một thành phố không chỉ của riêng người Pháp hay người Việt, thậm chí cũng không phải thành phố của sự giao thoa Pháp-Việt, mà là một thành phố tầm cỡ thế giới, có ảnh hưởng toàn cầu, nhưng vẫn gắn liền với cảnh quan và địa bàn của nó.
Di sản của Ernest Hebrard ở Đà Lạt là một thành phố của những hình thái đô thị hài hòa, mềm mại ; đó là một thành phố đồi núi xanh tươi, trung tâm là một hồ nước lớn và một công viên ; đó là một thành phố nơi dân cư đa dạng có thể sống cũng nhau, không có xung đột, mỗi người tùy theo những ràng buộc về chức năng hoặc địa vị xã hội của mình mà không gây bất tiện cho những cộng đồng lân cận.
Mối quan hệ đó giữa con người và thiên nhiên được thể hiện hợp lý trong nền kinh tế đô thị của Đà Lạt. Đặc điểm nổi bật của thành phố – nghỉ dưỡng và rèn luyện thể chất và tinh thần – được bộc lộ qua các công trình xây dựng :
- Các khách sạn lớn, chẳng hạn như Hotel du Parc được xây dựng năm 1932 hoặc khách sạn Palace, trước đây là Lang Biang Palace được xây dựng năm 1922.
- Các công trình hạ tầng chăm sóc sức khỏe, rèn luyện thể thao, chẳng hạn như Viện điều dưỡng hoặc Viện Pasteur được kiến trúc sư Veysseyre xây dựng vào những năm 1930 (xin nhắc lại rằng vùng đất này đã từng được nhiều bác sĩ khám phá trước đó, chẳng hạn như bác sĩ Alexande Yersin đã từng tới đây vào cuối những năm 1880).
Các cơ sở này sẽ là đầu tàu của nền kinh tế địa phương, cụ thể là thông qua tất cả các dịch vụ cung cấp cho du khách : đi săn, đi bộ đường dài, du ngoạn,… Do đó, khu kinh tế này sẽ tạo ra việc làm cho người Việt.
Một hoạt động khác được phát triển mạnh vào những năm 1930 là ông nghiệp nội đô. Việc sản xuất các loại rau tốt cho sức khỏe sẽ đi kèm với ý tưởng về một thành phố hạnh phúc. Nông nghiệp nội đôcũng tạo ra nhiều việc làm cho người dân địa phương. Mục đích là tạo ra một dịch vụ ẩm thực chất lượng cao tại các khách sạn và dinh thự trong thành phố, đồng thời cũng phục vụ chính người dân Đà Lạt. Nông nghiệp nội đô cũng sẽ là một lĩnh vực thể hiện sự giao thoa văn hóa ; Trên thực tế điều kiện khí hậu ở đây cho phép trồng được những loại thực vật phương Tây không thể phát triển ở các tỉnh thành khác của Việt Nam như atiso, dâu tây hay nhỏ.
Như vậy, chúng ta có thể thấy sự giao thoa văn hóa không chỉ giới hạn trong kiến trúc. Bằng cách thiết lập một lối sống đô thị phương Tây, chất lượng và cao cấp, người Pháp đã tạo nên một hệ thống tổng hòa đáp ứng cho chính những nhu cầu riêng của họ về không gian công cộng, năng lượng, thực phẩm, từ đó dẫn đến sự hình thành hệ thống sản xuất nông nghiệp, hoạt động giáo dục và thể thao,..Điểm đặc thù của Đà Lạt là đã hình thành được hệ thống xã hội gắn bó mật tiết với cảnh quan, từ đó tạo nên một thành phố xanh, nơi tiện nghi cuộc sống trở thành điều thiết yếu.
Những thách thức mà Đà Lạt phải đối mặt để trở thành một thành phố di sản thực sự vẫn còn rất lớn. Tất nhiên, vấn đề cấp bách là bảo tồn các yếu tố vật chất đã làm nên lịch sử của Đà Lạt : kiến trúc công cộng và tư nhân cũng như các hình thái đô thị, quy hoạch không gian công cộng và cảnh quan đặt thù của Đà Lạt. Ví dụ, cần kiểm soát tốt chiều cao công trình và quy mô của các dự án kiến trúc và đô thị được đề xuất cho tương lai của Đà Lạt. Di sản đô thị của Đà Lạt bao gồm những công trình xây dựng và không gian công cộng được thiết kế theo tỷ lệ thân thiện với con người. Sự cân bằng giữa con người và các công trình kiến trúc đóng một vài trò quan trọng trong bản sắc đô thị của thành phố : không có nhà cao tầng, thảm thực vật phổ biến và thường cao hơn các tòa nhà.
Và trên tất cả, điều cốt yếu là đừng quên rằng lịch sử của Đà Lạt là lịch sử của một thành phố được tạo ra vì sự an lành và chất lượng cuộc sống đáp ứng cho con người dân thành phố và du khách. Trên thực tế, đây là nơi có thể tìm thấy và cần phải bảo tồn tất cả các giá trị di sản để rồi lồng ghép vào quá trình phát triển của thành phố. Những giá trị đó phản ánh qua mọi phương diện từ kinh tế – xã hội, đô thị, kiến trúc và cảnh quan.
Emmanuel CERISE – Tiến sĩ kiến trúc
Đại diện vùng Ile-de-France tại Hà Nội
Giám đốc PRX-Vietnam
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Olivier Tesier và Pascal Bourdeaux, 2013, Đà Lạt – Et la carte crea la ville…, Edition EFEO/NXB Tri Thức, Hà Nọi, 225 p.
« L’Urbanisme en Indo-Chine », Ernest Hebrard, in : Urbanisme, revue mensuelle de l’urbanisme francais – Hó-serie, mars 1932, pp. : 71,77.
« Ernest Hebrard en Indichine » Louis Hautcoeur, in Urbanisme, revue mensuelle de l’urbanisme francais – n 24, mai 1933, pp. : 169,172
Arnaud Le Brusq et Leonard De Selva, 1999, Vietnam : à travers l’architecture coloniale, Editions de l’Amateur, Pái, 239p.
Caroline Herbelin, 2016, Architecturers du Vietnam colonial – Repenser le metissage, collection : collection l’art & l’esai, Editions CTHS-INHA, Pái, 367p.