Home / QUY HOẠCH / Nhận diện Đô thị Điện Bàn – Định hướng và giải pháp đầu tư phát triển bền vững kết nối với hai đô thị hiện hữu Đà Nẵng – Hội An

Nhận diện Đô thị Điện Bàn – Định hướng và giải pháp đầu tư phát triển bền vững kết nối với hai đô thị hiện hữu Đà Nẵng – Hội An

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung mà thành phố Đà Nẵng là đô thị trung tâm của vùng có vị thế quan trọng trong quá trình đô thị hóa của cả nước. Viện quy hoạch xây dựng thành phố Đà Nẵng, đô thị loại I cấp quốc gia cần phải có nghiên cứu về vùng đô thị lớn. Điều đó tác động đến dự phát triển của các đô thị trong vùng mà địa bàn Quảng Nam là không gian địa lý và kinh tế quan trọng hàng đầu trong nhiệm vụ quy hoạch vùng lãnh thổ của thành phố lớn. Đô thị Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) có địa thế hành chính giáp ranh với thành phố Đà Nẵng về phía Nam, án ngữ vùng không gian quan trọng nhất trong quá trình đô thị hóa, bởi vậy việc nghiên cứu quy hoạch xây dựng đô thị Điện Bàn không thể tách rời quá trình đô thị hóa của thành phố Đà Nẵng và ngược lại.

Nhận diện Đô thị Điện Bàn – Định hướng và giải pháp đầu tư phát triển bền vững kết nối với hai đô thị hiện hữu Đà Nẵng – Hội An

1. Nhận diện đô thị Điện Bàn

1.1 Cụm động lực số 2- Đô thị Điện Bàn có vị thế quan trọng trong sự phát triển bền vững

Đô thị Điện Bàn ở phía Bắc tỉnh Quảng Nam có bờ biển và nằm giữa hai đô thị Đà Nẵng và Hội An có các đường giao thông quốc gia quan trọng (đường sắt quốc gia, đường Quốc lộ 1A, đường cao tốc quốc gia, đường ven biển Sơn Trà – Hội An, và cách sân bay Đà Nẵng hơn 20km. Có hệ thống sông tạo điều kiện phát triển giao thông đường thủy và cung cấp nước.

Đô thị Điện Bàn nằm ngay trung tâm trục đô thị hóa quan trọng nhất của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, cách đều khoảng 75km về phía Bắc là khu kinh tế mở Chu Lai – Dung Quất, cách đường Hồ Chí Minh về phía tây khoảng 45km.

Với diện tích 214,71 km2 và dân số 217.214 người với 20 đơn vị hành chính là địa bàn khá đa dạng phong phú được quy hoạch, phát triển nhằm phát huy hiệu quả việc khai thác tài nguyên thiên nhiên hợp lý với việc bảo vệ môi trường; một đơn vị hành chính cấp huyện được quy hoạch nâng cấp lên đô thị toàn huyện (Điện Bàn) hội đủ các chức năng cần thiết để quy hoạch phát triển trở thành một đô thị sinh thái phát triển năng động theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.

Về công nghiệp và tiểu công nghiệp dự kiến năm 2013-2015, đạt 13-14%, đạt trên 7.500 tỷ đồng vào năm 2015, chiếm 61,6% tỷ trọng trong cơ cấu ngành kinh tế toàn huyện. Khu công nghiện Điện Nam- Điện Ngọc với diện tích 390 ha cơ bản được lấp đầy, đã có 420 doanh nghiệp đăng ký sản xuất với vốn đầu tư 1.276 tỷ đồng và 312,7 triệu USD, đã có 30 doanh nghiệp đi vào sản xuất và đã giải quyết cho khoảng 23.000 lao động. Đây là những con số rất ấn tượng cho mô hình một đô thị phát triển.

Về thương mại – du lịch – dịch vụ: Điện Bàn có tới 8.874 cơ sở kinh doanh đang hoạt động với 33.240 người tham gia lao động, ngành thương mại dịch vụ đã tạo ra 1.571 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 19,37% so với giá trị sản xuất toàn huyện.

Hàng may mặc da giày tăng 11,4% vởi tổng kim ngạch 356,3 triệu USD. Điện Bàn có bãi biển đẹp, nhiều khu du lịch nổi tiếng như: bãi tắm Hà My, resort LeBelHaMy, resort Nam Hải và có sân golf đẹp vào bậc nhất Việt Nam như sân golf Montgomerie Links. Ngoài ra, Điện Bàn còn có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như nước mắm Hà Quảng, làng đúc đồng Phước Kiều, làng chiếu chẻ ở Triêm Tây, bánh tráng Phú Chiêm.

2.1 Định hướng quy hoạch và xây dựng

Việc định hướng phát triển thị trấn Vĩnh Điện mở rộng (Đô thị Điện Bàn) thành đô thị loại IV đã được xác định từ rất sớm. Năm 1999, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc (thuộc huyện Điện Bàn) đến năm 2020 với mục tiêu hình thành tại đây một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, giáo dục, đào tạo, du lịch và nghỉ mát của tỉnh Quảng Nam và khu vực miền Trung. Năm 2006, tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt đề án phát triển đô thị toàn tỉnh, theo đó, đối với đô thị Điện Bàn năm 2014 là đô thị loại IV.

Năm 2012, quy hoạch vùng Đông tỉnh Quảng Nam được phê duyệt, trong đó định hướng đô thị Điện Bàn đạt tiêu chuẩn đô thị III giai đoạn đến năm 2020. Năm 2013, đồ án Quy hoạch chung đô thị Điện Bàn được phê duyệt với mục tiêu phát triển đô thị Điện Bàn theo hướng trở thành thị xã mới năm 2015. Qua nhiều giai đoạn, mô hình phát triển đô thị đơn lẻ ( Điện Nam- Điện Ngọc, dải ven biển, Vĩnh Điện, Điện Thắng) đã chuyển đổi theo hướng mở rộng, sáp nhập, phù hợp với điều kiện thực trạng, xu hướng phát triển đô thị đa cực, phù hợp với yêu cầu tiết kiện đất canh tác, vốn đầu tư trong chương trình phát triển.

2. Kết nối với đô thị hiện hữu Đà Nẵng- Hội An và giải pháp đầu tư phát triển bền vững.

Đô thị Điện bàn phát triển theo mô hình cụm đô thị giữa khu đô thị ven biển, các khu đô thị dọc Quốc lộ 1A, được phân cách bằng các dải cây xanh và hệ thống sông Vĩnh Điện, cổ Cò và khu vực phát triển nông thôn, nông nghiệp. Ngoài ra, khu vực nông thôn được định hướng phát triển thành các tiểu vùng Điện Tiến, Điện Hồng, Điện Quang, Điện Phong và Điện Trung (gọi chung là tiểu vùng Gò Nổi).

1.2 Về tổ chức không gian lãnh thổ

a. Định hướng ranh giới khu vực nội thị

Là địa giới các xã, thị trấn: Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Nam, Điện An, Vĩnh Điện, Điện Minh, Điện Phương, giới hạn cơ bản về phía đông là sông Vĩnh Điện, phát triển gắn với các trục Quốc lộ 1A, trục Đông Tây và sông Vĩnh Điện. Hướng phát triển thành khu đô thị Điện Thắng, khu đô thị Phương An.

Là địa giới các xã vùng cát, không gian cơ bản từ biển Đông đến trục 607A.

Khu vực ngoại thị là các vùng còn lại, được phát triển theo mô hình nông thôn mới

b. Phân vùng phát triển:

Khu vực đô thị trung tâm dọc Quốc lộ 1A từ Điện Phương tới Điện Thắng. Cấu trúc phân tán theo hướng thành các khu đô thị Điện Thắng và khu đô thị Phương An. Các khu đô thị có định hướng phát triển theo hướng Đông – Tây theo dòng chảy tự nhiên.

Khu đô thị ven biển dựa trên nền tảng của khu đô thị Điện Nam- Điện Ngọc với tuyến sông Cổ Cò là tuyến phân vùng phát triển.

Không gian xanh đô thị:

  • Vùng phát triển du lịch sinh thái văn hóa gồm tiểu vùng Gò Nổi, phân vùng Đông Vĩnh Điện và các điểm dân cư truyền thống, các khu cảnh quan sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, trồng hoa, trang trại sản xuất sinh thái thuộc khu vực các xã phía đông Quốc lộ 1A.
  • Vùng du lịch Gò Đồi thuộc khu vực đồi Bồ Bồ, Điện Tiến.
  • Không gian du lịch biển từ bờ biển đến sông Cổ Cò và lan tỏa trong các không gian về phía tây.

2.2 Định hướng phát triển các khu chức năng chính

a. Trung tâm vùng Bắc Quảng Nam:

Là trung tâm tổng hợp  đa chức năng, bao gồm hành chính thương mại, dịch vụ tài chính du lịch biển, vui chơi giải trí, thể dục thể thao, sân golf, văn phòng đại diện của các tập đoàn kinh tế liên quốc gia và liên vùng ngân hàng, khách sạn, văn phòng với quy mô 150ha.

Hệ thống trung tâm trong đô thị:

  • Trung tâm đô thị Điện Nam- Điện Ngọc: 50ha (hành chính, thương mại, thể dục thể thao, y tế, văn hóa).
  • Trung tâm đô thị Điện Thắng: Quy mô 25ha (hành chính, thương mại, thể dục thể thao, y tế, văn hóa).
  • Trung tâm đô thị Vĩnh Điện: Quy mô 15ha (hành chính, thương mại, thể dục thể thao, y tế, văn hóa).
  • Trung tâm Bắc Vĩnh Điện quy mô: 90ha (hành chính, thương mại, dịch vụ, thể dục thể thao, văn hóa, y tế…).
  • Trung tâm Thanh Chiêm: quy mô 50ha. Có chức năng phát triển với hệ thống làng nghề truyền thống, di tích, các công trình dịch vụ du lịch…
  • Trung tâm giáo dục đào tạo: tại khu vực về biển (giáp thành phố Đà Nẵng). Quy mô 200ha (đào tạo đại học, việc nghiên cứu, cao đẳng, nghề, giáo dục thường xuyên).
  • Tại khu đô thị Phương An, quy mô: 15ha (đào tạo cao đẳng, nghề, giáo dục thường xuyên).

b. Hệ thống công nghiệp – tiểu thủ công:

Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc gắn với đô thị du lịch biển (khu công nghiệp sạch, công nghệ cao…).

Khu công nghiệp Trảng Nhật gắn với khu công nghiệp Điện Thắng (công nghiệp tiêu dùng, lắp ráp, vật liệu xây dựng).

3.2 Lựa chọn đầu tư phát triển bền vững nhằm kết nối với Đà Nẵng và Hội An

Quá trình đô thị hóa tại Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã đặt thành phố Đà Nẵng vào vị trí trung tâm của quá trình phát triển. Thực tế trong nhiều năm qua. Đà Nẵng phát huy vị thế của mình, đã bứt lên và đạt được nhiều thành tích trong xây dựng và mở rộng thành phố. Theo dự kiến quy mô dân số thành phố trong các giai đoạn phát triển từ 1,2 lên đến 1,5 triệu người. Trong khi đó Đà Nẵng không còn quỹ đất để phát triển. Hướng duy nhất để phát triển là hướng nam ( vùng bắc của Điện Bàn). Đà Nẵng cần quỹ đất để phát triển các khu đào tạo lớn, các viện nghiên cứu, các khu công nghiệp kết hợp thể thao, triễn lãm hội chợ có quy mô cấp quốc gia, đất để xây dựng các khu đô thị mới, các khu công nghệ cao và các viện nghiên cứu quan trọng… Mặt khác, cần diện tích lớn để xây dựng các cơ sở hạ tầng, kỹ thuật đô thị như các trạm xử lý kỹ thuật, các nhà ga, bến đỗ, các trạm giao thông phục vụ quá trình đô thị hóa.

Đô thị cổ Hội An – Di sản văn hóa thể giới càng trở nên quan trọng đối với quá trình hội nhập về văn hóa, du lịch quốc tế đã chú ý nhiều đến Hội An và thực tế những năm qua nhu cầu phát triển vượt trội so với thực tiễn nhằm phục vụ khách quốc tế, phục vụ phát triển của đô thị cổ với nhiều loại hình dịch vụ: khách sạn, nhà hàng, bến chợ, công viên, thương mại, các khu du lịch kết nối với Cửa Đại – Cù Lao Chàm và quy mô phát triển đô thị không ngừng tăng. Trong khi đó, quỹ đất của Hội An rất hạn chế khi yêu cầu của công tác quy hoạch là hạn chế việc xây dựng có quy mô lớn gần kề đô thị cổ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững.

Xét cơ hội cho đô thị Điện Bàn trong quá trình hội nhập kết nối với vùng mà thực tiễn là thành phố Đà Nẵng và Hội An – Đô thị Điện Bàn là nơi duy nhất để đón nhận sự phát triển của vùng và Đà Nẵng – Hội An trong tương lai.

Sự lựa chọn:

  • Đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị đại học (đầu tư tri thức là sự đầu tư được lựa chọn hàng đầu cho mọi quốc gia…).
  • Xây dựng hạ tầng khu đại học diện tích 200ha. Chuẩn bị cho xây dựng các trường đại học, các viện nghiên cứu, trường cao đẳng, học nghề, các trường đại học quốc tế, văn hóa nghệ thuật, sân khấu điện ảnh…
  • Tiếp tục đầu tư dự án khu đô thị Điện Nam – Điện Ngọc: 2.700ha, trong đó có khu công nghiệp 390 ha là sự lựa chọn tốt về phát triển công nghiệp (ở đây dễ thu hút đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế).
  • Đẩy nhanh tiến độ dự án khai thác sông Cổ Cò vào mục đích phát triển du lịch và sinh thái của đô thị.
  • Tổ chức quản lý và khai thác tốt nhất vùng đất ven biển và dải bờ biển chạy dài 10km. Phân vùng cho các khu resort và các khu bãi tắm công cộng. Xây dựng cầu tàu cho du thuyền nhằm kết nối Đà Nẵng – Hội An và Cù Lao Chàm, tiến hành lập dự án công viên sinh thái tại dải cát ven biển và xây mới sân golf thứ hai tại xã Điện Dương giáp song Cổ Cò.
  • Tập trung quy hoạch và xây dựng dự án một số làng nghề nổi tiếng vừa khôi phục và phát triển thành địa danh kết nối cho du lịch mang tính văn hóa địa phương mà du lịch quốc tế đang hướng đến.
  • Diện tích nông nghiệp là rất lớn. Cần có phương thức chuyển đổi về cơ cấu cây trồng sang hướng nông nghiệp kỹ thuật cao, nông nghiệp sinh thái, vùng rau quả và làng hoa phục vụ cho đô thị.
  • Kết nối giao thông đường sắt nội vùng, đường ô tô buýt nhanh, đường sông, cho tổ hợp đô thị Đà Nẵng – Điện Bàn – Hội An vận chuyển hành khách khối lượng lớn, tuyến xe ô tô buýt đến tận các khu công nghiệp, kết nối và nạo vét mở rộng sông Vĩnh Diện – sông Cổ Cò trong việc tạo cảnh quan giao thông và cấp thoát nước cho đô thị.
  • Phát triển đô thị gắn với chương trình giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu. Triển khai dự án chính trị đối bới hệ thống song Vu Gia – song Thu Bồn, vùng Cửa Đại nhằm chủ động trong công tác quy hoạch xây dựng và triển khai dự án có hiệu quả.

Nhận diện đô thị Điện Bàn để định hướng liên kết phát triển bền vững với Đà Nẵng và Hội An là hướng đi rất quan trọng trong quá trình đô thị hóa. Đà Nẵng – Điện Bàn – Hội An là tập hợp đô thị có tầm chiến lược đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của khu vực trọng điểm miền Trung và cả nước. Những nghiên cứu và đề xuất trên đây chỉ là những nghiên cứu và đề xuất ban đầu trong quá trình khảo sát và nghiên cứu những tài liệu có liên quan. Hy vọng trong thời gian tới sẽ được tham khảo, bổ sung thêm tài liệu, số liệu báo cáo để có thể đóng góp tốt hơn cho nội dung công tác quy hoạch quan trọng này.

KTS. Trần Ngọc Chính

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *