Home / QUY HOẠCH / QUY HOẠCH / MỞ RỘNG KHÔNG GIAN ĐÔ THỊ – ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN KINH TẾ

MỞ RỘNG KHÔNG GIAN ĐÔ THỊ – ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Đà Nẵng là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, là trung tâm kinh tế lớn của quốc gia về du lịch, công nghiệp, thương mại, dịch vụ tài chính ngân hàng, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia. Hiện nay, Đà Nẵng đang được xây dựng và phát triển hướng đến các mục tiêu là: Trung tâm văn hóa, thể dục thể thao, giáo dục đào tạo, trung tâm khoa học kỹ thuật và công nghệ của khu vực miền Trung và Tây Nguyên; Đầu mối giao thông, viễn thông quan trọng trong vùng, quốc gia và quốc tế; Một trong những địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước. Nhân kỷ niệm 25 năm thành phố trực thuộc Trung ương, Đô thị & Phát triển trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài viết của TS. Đặng Việt Dũng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam.

song han 2222

Đà Nẵng trở thành một “ hiện tượng” trong tiến trình phát triển của hệ thống đô thị Quốc gia

Trải qua hành trình 25 năm phát triển, Đà Nẵng đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận thể hiện qua các con số ấn tượng về phát triển kinh tế và xây dựng đô thị, quy mô kinh tế năm 2021 đạt 105 ngàn tỷ đồng gấp 12 lần; tổng thu ngân sách đạt 21 ngàn tỷ gấp 18 lầnnăm 1997. Diện tích đất xây dựng đô thị năm 2019 là 18.396 ha mở rộng gấp 3,5 lần năm 1997. Không chỉ có vậy, trên lĩnh vực văn hóa xã hội chúng ta cũng đạt được những kết quả ngoạn mục như tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn của thành phố giảm sâu, quy mô dân số tăng gấp 2 lần so với thời điểm Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Một trong các động lực chính đem lại cho đô thị Đà Nẵng một diện mạo khác biệt, đưa Đà Nẵng trở thành một “ hiện tượng” trong tiến trình phát triển của hệ thống đô thị Quốc gia chính là các giải pháp mạnh mẽ để mở rộng không gian đô thị. Nhân kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về “Đà Nẵng cần cơ cấu lại nền kinh tế, tìm động lực mới để phát triển”, nguồn động lực có được từ việc mở rộng không gian đô thị giúp cho Đà Nẵng phát triển nhanh chóng cách đây 25 năm có thể sẽ là những gợi ý giúp chúng ta cùng suy nghĩ về động lực để phát triển Đà Nẵng trong thời gian tới.

Những điểm nghẽn, cản trở sự phát triển

Một trong những điểm nghẽn quan trọng nhất cản trở sự phát triển của thành phố Đà Nẵng giai đoạn 1975- 1997 đã được nhiều thế hệ lãnh đạo Trung ương, tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng, thành phố Đà Nẵng trước đây chỉ ra, đó là sự bó hẹp của địa giới hành chính dẫn tới hạn chế phát triển không gian đô thị, thiếu quỹ đất dành cho sản xuất, cho các công trình dịch vụ đô thị, gây khó khăn cho việc phát triển và kết nối hạ tầng. Trước khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng là đô thị loại II  trực thuộc tỉnh, với diện tích đất tự nhiên là 9.515 ha, trong đó diện tích đất đô thị 5.146,2 ha ( chiếm 54%), dân số là 519.384 người (1996), mật độ dân số trung bình toàn đô thị xấp xỉ 55 người/ha. Diện tích đô thị nhỏ hẹp lại bị chia cắt bởi dòng sông Hàn, dẫy núi Hải Vân, Phước Tường khiến cho không gian đô thị nát vụn, thiếu tính liên kết. Nhiều khu chức năng mặc dầu thuộc cơ cấu quy hoạch của đô thị Đà Nẵng nhưng lại hình thành và phát triển phía ngoài ranh giới hành chính thành phố.

song han xua   Bến phà Đà Nẵng

68380080

Khu nhà Chồ phía Đông sông Hàn

      68380095

Đường Bạch Đằng cũ

Cơ cấu sử dụng đất bất hợp lý khi diện tích đất dành cho đầu tư hạ tầng, các công trình công nghiệp, dịch vụ, các công trình đô thị thiết yếu không cân đối với diện tích đất dành cho mục đích khác. Thiếu không gian phát triển làm cho kinh tế thành phố gặp rất nhiều khó khăn, đời sống người dân đô thị không được cải thiện. Sau hơn 20 năm (1975-1997), bộ mặt đô thị Đà Nẵng không có nhiều thay đổi đáng kể, vẫn là những lớp “ nhà chồ” tạm bợ bên sông Hàn, đường phố đô thị nhỏ hẹp, các khu chức năng đô thị đan xen…thành phố bức bách trong một không gian chật chội.

Đô thị hình thành và phát triển

Năm 1993, mặc dầu Đà Nẵng vẫn là thành phố trực thuộc tỉnh nhưng đồ án quy hoạch Đà Nẵng và phụ cận đã có quy mô nghiên cứu là 22.372,7 ha gấp hơn 2 lần diện tích tự nhiên hiện có nhằm mong muốn dành thêm diện tích đất cho phát triển đô thị Đà Nẵng.

IMG_1338

Thành phố hướng biển

Ngày 1.1.1997, Đà Nẵng chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở sát nhập địa giới hành chính của thành phố Đà Nẵng (cũ), huyện Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa, với diện tích tự nhiên là 128.340 ha, mở rộng gấp 13,4 lần so với diện tích tự nhiên của thành phố Đà Nẵng (cũ), đồng thời  dân số là 633.115 người, tăng hơn 113.731 người.Trên cơ sở địa giới hành chính mới, thành phố tập trung phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông để từ đó mở rộng diện tích đất đô thị, phát triển không gian đô thị. Trong vòng 25 năm, đặc biệt giai đoạn 1997-2017, hàng loạt công trình giao thông huyết mạch được khởi công và khánh thành bao gồm các công trình giao thông đầu mối như ga hàng không Quốc tế Đà Nẵng, các nút giao thông trọng điểm như nút giao thông Ngã ba Huế, Hòa Cầm, các cây cầu lớn bắc qua sông Hàn trở thành các biểu tượng kiến trúc đặc sắc nối liền không gian đô thị hai bờ sông Hàn, hệ thống đường nội thị được mở rộng và nâng cấp, hệ thống đường vành đai được xây dựng mới. Đường xá mở đến đâu đô thị phát triển đến đến đó, cả thành phố trở thành một đại công trường. Hàng vạn gia đình đã đồng thuận di dời, cùng chính quyền thành phố chỉnh trang và phát triển đô thị. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách hàng năm liên tục tăng, kéo theo tổng nguồn vốn đầu tư xã hội tăng theo. Diện tích đất khu vực đô thị mở rộng, từ 20.508 ha năm 1997 lên 24.670 ha năm 2015. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thành phố vì thế cao và liên tục trong nhiều năm. Số liệu thông kê dưới đây cho thấy mối quan hệ cùng chiều giữa tốc độ tăng diện tích đất đô thị, tốc độ tăng tổng vốn đầu tư xã hội và tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố.

91dfa0c6fff135af6ce0

 Với chủ trương hạ tầng giao thông đi trước một bước, vừa mở rộng được không gian đô thị đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của các thành phần kinh tế, vừa thu hút và tăng nguồn vốn đầu tư xã hội đã tạo ra động lực cho phát triển kinh tế của thành phố. Tuy nhiên chuỗi số liệu cũng chỉ ra rằng động lực chính của tăng trưởng kinh tế đang dần hết dư địa huy động.  Giai đoạn 2015-2019, diện tích đất đô thị không tăng, tổng vốn đầu tư xã hội tăng thấp nhất trong cả giai đoạn 1997-2019, kéo theo tốc độ tăng GRDP thấp nhất kể từ khi thành phố trực thuộc Trung ương. Đánh giá nêu trên cho phép chúng ta suy nghĩ về động lực tăng trưởng kinh tế thành phố của giai đoạn 2020 -2030 trong việc tìm các giải pháp tạo ra không gian phát triển.

Xu hướng phát triển hiện nay đối với Đà Nẵng

Thứ nhất, đẩy nhanh thực hiện các giải pháp phát triển hạ tầng, đặc biệt các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm nhằm phát triển đô thị theo chiều ngang, mở rộng diện tích đất xây dựng đô thị đạt 31.836 ha ( chiếm 31,32% diện tích đất trên đất liền) vào năm 2030 và 35.054 ha ( chiếm 35,57% diện tích đất trên đất liền) vào năm 2045 theo quyết định phê duyệt quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng số 359/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đảm bảo diện tích đất cho quy mô dân số là 1,79 triệu người (2030) và 2,56 triệu người (2045) và diện tích đất cho nhu cầu phát triển kinh tế. Đây là một thách thức rất lớn vì trong vòng 11 năm (2019-2030), thành phố phải gia tăng diện tích đất xây dựng đô thị lên 13.440 ha, bình quân 1.221ha/năm, cao gấp đôi bình quân giai đoạn 1997- 2019, là giai đoạn thành phố phát triển mạnh mẽ, trong điều kiện công tác giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn đầu tư xã hội có dấu hiệu giảm sút. Các công trình giao thông đầu mối cần được đầu tư trong giai đoạn này là Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng, cảng Liên Chiểu, di dời ga đường sắt, hệ thống giao thông kết nối khu vực đô thị đã phát triển với khu vực đô thị mở rộng phía Tây thành phố, phát triển Hòa Vang thành khu vực đô thị hiện đại.

Thứ hai, thực hiện các giải pháp mở rộng đô thị theo chiều đứng. Xây dựng mô hình phát triển đô thị nén theo phương thức tăng mật độ nhưng không tăng quy mô dân số, xây dựng công trình cao tầng kết hợp phát triển giao thông công cộng. Phát triển các cụm đô thị vệ tinh đảm bảo nguyên tắc tiếp cận dịch vụ tốt nhất nhưng bán kính di chuyển ít nhất, điều chỉnh cấu trúc đô thị từ đơn tâm sang đa cực.Giải phóng các khu dân cư thấp tầng, kiệt hẻm, thiếu các điều kiện sinh hoạt tối thiểu, không đảm bảo an toàn dịch bệnh, an ninh trật tự ở các khu vực trung tâm, thay thế bằng các cụm chung cư cao tầng kết hợp với việc bổ sung các tiện ích đô thị, tăng mật độ cây xanh. Thực hiện chuyển đổi số cho tất cả các loại hình dịch vụ đô thị, trước hết là các dịch vụ thiết yếu như giao thông, y tế, giáo dục, môi trường nhằm từng bước xây dựng đô thị thông minh. Tập trung phát triển hạ tầng số đi trước một bước để phát triển không gian đô thị theo chiều đứng, tương tự phát triển hạ tầng giao thông để mở rộng đô thị theo chiều ngang. Các giải pháp mở rộng đô thị theo chiều đứng, bao gồm cả không gian dưới mặt đất, sẽ giúp tăng trưởng kinh tế nhờ nguyên tắc tích tụ. Mật độ cao và đa dạng công năng tạo nên đô thị sầm uất, sống động, giảm giá thành các loại hình dịch vụ theo nguyên tắc kinh tế số lượng, tạo ra những hiệu ứng cộng hưởng về sản xuất, tiêu dùng. Hệ số sử dụng hạ tầng cao làm giảm thiểu lãng phí tài nguyên đất đai. Bán kính di chuyển ngắn, sử dụng giao thông công cộng sẽ giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường.Không những vậy, việc phát triển đô thị theo chiều đứng còn tăng hiệu quả của nguồn lực đầu tư, tránh được hiện tượng đầu tư dàn trải trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư hạn hẹp. Tận dụng tối đa không gian trên không và dưới mặt đất, mở rộng không gian đô thị nhưng không cần mở rộng địa giới hành chính.

Thứ ba, liên kết vùng để mở rộng không gian đô thị. Đây thực chất là giải pháp về chính sách vĩ mô. Kinh tế đô thị ở mọi cấp đều là nhân tố quan trọng dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của cả vùng hay khu vực lân cận. Vai trò dẫn dắt thể hiện rõ nhất từ yếu tố sản xuất, đặc biệt các đô thị công nghiệp phát triển. Vai trò thúc đẩy thể hiện thông qua sự phát triển của thị trường lao động và thị trường tiêu dùng. Chính vì vậy trong các nghị quyết 33-NQ/TƯ và 43-/NQ-TƯ của Bộ Chính trị đã lựa chọn và xác định đô thị Đà Nẵng là hạt nhân, là đầu tầu tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, chịu trách nhiệm dẫn dắt kinh tế khu vựcthông qua việc thúc đẩy việc phân bố của lực lượng sản xuất, xây dựng giao thông kết nối, đào tạo nguồn nhân lực và thị trường lao động chung và bảo vệ môi trường. Để tạo ra được không gian đô thị rộng lớn, hình thành nên không gian kinh tế cấp Vùng, cần thiết phải tổ chức qui hoạch Vùng đô thị Đà Nẵng bao gồm hệ thống các đô thị từ Lăng Cô tới Dung Quất, trọng tâm là tam giác Đà Nẵng – Hội An – Điện Bàn, hình thành chuỗi đô thị vệ tinh được kết nối thông qua mạng lưới giao thông quốc gia và nội vùng. Mỗi đô thị có chức năng thúc đẩy sự phát triển kinh tế cho một khu vực và sự liên kết hợp lý sẽ tạo ra một không gian đô thị đủ lớn để tạo ra động lực kinh tế cho toàn vùng. Giải pháp để hình thành Vùng đô thị Đà Nẵng trước hết đến từ công tác quy hoạch, bên cạnh các quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị cho từng địa phương thì cần có một quy hoạch tổng thể riêng cho Vùng đô thị. Tiếp theo là việc tập trung đầu tư hệ thống giao thông kết nối, trước hết là các công trình giao thông đấu mối như sân bay Đà Nẵng để trở thành sân bay của Vùng, tuyến đường chiến lược ven biển, các trục ngang nối với Tây Nguyên. Một giải pháp rất quan trọng đó là cơ chế tài chính đặc thù riêng cho Vùng đô thị.

4

Cầu  Rồng – Đà Nẵng

Thay lời kết

Cách đây 25 năm, Đà Nẵng đã chọn phát triển hạ tầng giao thông đi trước để mở rộng không gian đô thị, tạo ra động lực to lớn giúp kinh tế Đà Nẵng có những bước phát triển thần kỳ. Bộ mặt đô thị nhờ đó đã có sự thay đổi ngoạn mục, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Nguồn thu từ kinh tế đô thị đã có đóng góp đáng kể về Trung ương.  Tuy nhiên trong một vài năm gần đây dư địa huy động đã dần bị thu hẹp, làm cho tăng trưởng kinh tế thành phố giảm sút. Một trong các nguyên nhân chính là tốc độ mở rộng đô thị chậm lại, nguồn vốn đầu tư xã hội giảm xuống. Các giải pháp mở rộng không gian đô thị theo chiều ngang, chiều đứng, đặc biệt để hình thành Vùng đô thị Đà Nẵng sẽ là những gợi ý về động lực kinh tế cho Đà Nẵng những năm tới.

TS.Đặng Việt Dũng

Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam

Check Also

d308b2c4511ef140a80f

HỘI THẢO: ĐÔ THỊ MỚI HÒA VANG – TẦM NHÌN VÀ THÁCH THỨC

          Sáng nay 31/5/2024 tại Hội trường Huyện ủy  Hòa Vang đã …