Home / VĂN HÓA-DU LỊCH / Làng nghề truyền thống – ưu thế của du lịch Quảng Nam

Làng nghề truyền thống – ưu thế của du lịch Quảng Nam

    Quảng Nam hiện có 61 làng nghề, đa dạng về quy mô và loại nghề truyền thống đã và đang khôi phục hoạt động khá tốt, từng bước trở thành những điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

    Mới đây, hồi trung tuần tháng 2/2012, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có buổi làm việc với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội về việc triển khai dự án “Hỗ trợ sản phẩm thủ công dấu ấn của di sản thế giới”. Theo đó, Dự án này được thực hiện trong vòng 24 tháng với tổng kinh phí khoảng 100.000 USD do Quỹ Ủy thác Hàn Quốc tài trợ. Mục tiêu chính của dự án là hỗ trợ các hoạt động tạo thu nhập cho cộng đồng địa phương xung quanh các điểm di sản thế giới bằng cách thông qua việc tăng cường mối gắn kết giữa sản xuất các sản phẩm thủ công và du lịch. Ông Trần Minh Cả, phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, mục tiêu sản phẩm du lịch làng nghề là ưu thế của du lịch Quảng Nam. Phải đưa làng nghề thành các điểm du lịch, góp phần phong phú sản phẩm du lịch và chủ trương đẩy mạnh việc phát triển du lịch làng nghề là một trong những lựa chọn số 1 của Quảng Nam. Để làm được điều đó cần có thêm yêu cầu tự vận động từ phía các làng nghề và sự nỗ lực hợp tác của các ngành các cấp.

    NHỮNG LÀNG NGHỀ TIÊU BIỂU

    Làng mộc Kim Bồng
    Từ cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, nghề mộc Kim Bồng bắt đầu phát triển nhờ sự phồn thịnh của thương cảng Hội An. Đến thế kỷ 18, nghề mộc Kim Bồng đã phát triển mạnh mẽ và thịnh đạt thành làng nghề với ba nhóm nghề rõ rệt: nghề mộc xây dựng các công trình kiến trúc đô thị, nghề mộc dân dụng và nghề đóng tàu thuyền mộc. Hiện nay làng có 5 thôn: Vĩnh Thành,Đông Hà,Trung Hà,Trung Châu,Phước Thắng
Địa danh và nghề mộc Kim Bồng đã được Lê Quý Đôn đề cập trong Phủ Biên Tạp Lục viết vào thế kỷ 18. Tài năng của người thợ Kim Bồng được minh chứng rõ nhất ở các công trình hội quán, chùa chiền, đình làng… tại đô thị cổ Hội An. Thời phong kiến, nghệ nhân Kim Bồng cũng được vua chúa nhà Nguyễn mời ra kinh đô xây dựng và tôn tạo các công trình thành quách, lăng tẩm. Trong số đó, nhiều người đã được ban tước Cửu phẩm, Bát phẩm, đội trưởng mộc tượng…
Hiện nay, đã có danh hiệu nghệ nhân tôn vinh cho một số thợ mộc lành nghề Kim Bồng.   Tại làng nghề nổi tiếng này vẫn miệt mài các hoạt động chạm khắc gỗ, đóng đồ gỗ dân dụng, làm nhà, đóng thuyền đi biển trọng tải 10 tấn đến 20 tấn cho khách hàng từ Quảng Nam – Đà Nẵng đến Bình Thuận khá phát triển. Đặc biệt, thợ Kim Bồng đã tích cực góp phần trong công cuộc bảo vệ, trùng tu-tôn tạo di tích Đô thị cổ Hội An.

    Làng dệt chiếu cói Bàn Thạch
Từ thị trấn Nam Phước – huyện Duy Xuyên đi về hướng Đông khoảng 5 km, du khách sẽ bắt gặp những bãi đay xanh tốt nằm dọc hai bờ hữu ngạn con sông Thu Bồn. Chính từ nơi đây, những sợi đay đơn sơ nhưng qua bàn tay khéo léo, tài hoa của người phụ nữ Bàn Thạch đã trở thành những chiếc chiếu trắng, chiếu hoa, chiếu trổ, chiếu bông, chiếu nổi… rực rở, mịn màng và bền chắc, được thị trường trong nước ưa chuộng: “Không chiếu nào đẹp bằng chiếu Bàn Thạch / Không lạch nào sâu bằng lạch Bùng Binh”.
Đáng lưu ý, thôn Đông Bình được xem là cái nôi của nghề chiếu cói Bàn Thạch vốn nổi tiếng xưa nay. Hiện thôn có 68 hộ với 320 khẩu, trừ 28 hộ theo nghề sông nước, số còn lại 40 hộ xem nghề chiếu là nghề chính, vì nghề này cần ít vốn, có thể làm vào những lúc rảnh rỗi. Muốn làm ra những chiếc chiếu thì phải phân công lao động rõ ràng. Đàn ông thì lo việc chặt đay, lác, phơi phóng và tước sợi để làm nguyên liệu. Phụ nữ lo việc nhuộm màu, dệt chiếu.
Theo những người lớn tuổi: “Xưa, làng Đông Bình chỉ dệt toàn chiếu trơn, không có hoa văn. Sau này, theo nhu cầu của thị trường, chúng tôi làm thêm chiếu màu. Muốn chiếu có màu đỏ, chúng tôi mua giang về chặt nhỏ, cho vào khạp nấu với nước phèn chua. Muốn có màu vàng phải lấy củ ngãi, mài lấy nước rồi cho vào khạp nấu keo lại. Đem lác khô trắng ngâm 2 – 3 ngày đêm cho lác ăn màu, sau đó đem ra phơi nắng cho khô rồi mới bắt đầu dệt”.
Bình quân, mỗi ngày một cặp thợ lành nghề ở Bàn Thạch có thể dệt được 1,5 – 2 đôi chiếu. Du khách, đặc biệt là khách Nhật, rất thích đặt mua những chiếc chiếu khổ nhỏ, trang trí tứ linh hoặc hoa văn ở bốn góc, hoa văn nổi, chìm ở cả hai mặt chiếu để mang về làm quà.  Làng chiếu Bàn Thạch cũng là một trong những làng nghề đang được Quảng Nam ưu tiên đầu tư khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống gắn kết với du lịch.

    Làng rau Trà Quế
    Cách trung tâm phố cổ Hội An khoảng 2km về phía Đông Bắc, nằm giữa con sông Đế Võng và đầm rong Trà Quế (thuộc thôn Trà Quế – xã Cẩm Hà – thị xã Hội An), làng Trà Quế  với diện tích đất trồng rau chỉ khoảng vài chục hécta,  nhưng nghề trồng rau đã trở thành nguồn thu nhập chính của cư dân trong làng qua nhiều thế hệ.
Hiện nay, cả thôn Trà Quế có 239 hộ, trong đó có 229 hộ làm nông nghiệp (trong số 229 hộ làm nông nghiệp có 200 hộ sống bằng nghề trồng rau luân canh, xen canh trên diện tích 40 ha).  Đặc biệt, từ khi du lịch Hội An bắt đầu khởi sắc, cũng là lúc làng rau Trà Quế khẳng định thương hiệu và phát triển thịnh vượng nhất. Rau Trà Quế phục vụ cho các nhà hàng, khách sạn và các chợ đầu mối trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, người dân Trà Quế cũng tham gia vào các hoạt động du lịch. Đến với làng quê thôn dân dã này, du khách sẽ được hướng dẫn cuốc đất, vun luống, bón phân, gieo hạt, trồng rau và học chế biến các món ăn từ sản phẩm rau tại làng nghề như những người nông dân thực sự, với công việc làm “một ngày làm nông dân Trà Quế”.
Vào mỗi dịp tết,  hằng năm còn diễn ra lễ hội Cầu Bông truyền thống rất thu hút du khách. Dân làng  rước lễ từ đình làng về điểm cúng tập trung giữa vườn rau xanh tốt. Các bô lão thành kính dâng hương, đọc sớ tri ân công đức tổ tiên và những người có công khai cơ lập ấp hình thành làng rau chuyên canh từ hơn 500 năm qua. Phần hội tiếp theo là cuộc thi làm món Tôm hữu đặc trưng của làng. Đó là món ăn dân gian gồm một con tôm đất chín, một lát thịt heo nhỏ, vài cộng rau húng được quấn chung với nhau bởi một cộng hành lá đã chần nước sôi. Trước đó, mỗi hộ đều lập mâm cúng tại gia, cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

    Làng đúc đồng Phước Kiều
Nằm ven quốc lộ 1A, thuộc xã Điện Phương huyện Điện Bàn, làng đúc đồng Phước Kiều là một làng nghề truyền thống đã nổi tiếng từ nhiều thế kỷ trước với các sản phẩm bằng đồng phục vụ trong các dịp tế lễ, hội hè như: chuông, đồng, chiêng, kiểng, mõ, phèng la; các vật dụng thông thường trong đời sống như lư hương, chân đèn, nồi niêu, xoong chảo, chén bát và cả các loại binh khí cổ như gươm, dao, giáo, mác …..
Làng đúc Phước Kiều có nguồn gốc từ Thanh Hóa, do một người mang họ Dương Tiền di cư vào truyền dạy. Người này là bậc tiền hiền của nghề đúc đồng. Đến cuối thế kỉ XVIII, tại  đây hình thành hai khu vực là phường tạc tượng Đông Kiều và phường chú tượng Phước Kiều. Ngoài những sản phẩm gia dụng, các nghệ nhân còn đúc súng đạn, ấn tín… cho nhà Nguyễn. Nhiều nghệ nhân được vua Minh Mạng cho mời về đúc tiền, đúc ấn để thờ tại Thế Miếu (Kinh thành Huế). Đến đầu thế kỉ XIX, triều Nguyễn sáp nhập 2 phường tạc tượng và chú tượng để hình thành “xã hiệu Phước Kiều”, còn gọi là làng đúc đồng Phước Kiều tồn tại đến ngày nay.
Hiện làng Phước Kiều có trên 100 cơ sở lớn nhỏ làm nghề đúc đồng với nhiều sản phẩm đa dạng như: chuông chùa, đồ thờ tự, cồng chiêng, lư hương và nhiều dòng sản phẩm nghệ thuật khác, đặc biệt là mở rộng ra nhiều mặt hàng khác phục vụ cho lĩnh vực trang trí nội thất và du lịch, không những đã có mặt ở hầu hết thị trường trong nước mà còn vươn xa ra thị trường thế giới. Năm 2004 làng đã đúc thành công chuông Gia Trì nặng 432kg, cao gần một mét và năm 2006 Phước Kiều tiếp tục đúc quả chuông nặng 1,8 tấn, đường kính 1,3m, cao 2,4m.
Để làm ra những sản phẩm độc đáo với âm thanh như cái hồn trầm hùng của người Tây Nguyên, các nghệ nhân ở làng nghề Phước Kiều có một bí quyết riêng trong cách pha hợp kim đồng. Ngoài ra, để có được nhạc khí đạt tiêu chuẩn, người thợ mất nhiều thời gian, công sức với sự tỉ mỉ, khéo léo trong việc làm khuôn. Và tùy vào mỗi sản phẩm lại có cách pha hợp kim, cách làm khuôn, thậm chí cách nấu đồng khác nhau. Người thợ Phước Kiều cũng phải có sự từng trải với đôi tai tinh nhạy, cũng như kinh nghiệm cảm nhận âm thanh một cách tinh tế mới chế tác được âm thanh của loại nhạc cụ độc đáo, phù hợp với từng vùng dân tộc: âm Ê Đê sôi động, tiếng chiêng Ba Na trầm lắng, điệu nhạc khoan thai và ngẫu hứng của người Cơ Ho…
Tuy nhiên, theo những nghệ nhân cao tuổi, bên cạnh sự phát triển, nghề đúc đồng Phước Kiều đang có những biểu hiện mai một ngay trong thời điểm hiện tại và tương lai nếu không có biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Trong đó, cần chú ý sự cạnh tranh làm cho tính liên kết, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau giữa các chủ lò đúc đồng còn hạn chế. Mặt khác , trong làng không còn được mấy nghệ nhân am hiểu về nghề đúc đồng. Nhiều cụ cao niên, am hiểu và giỏi về nghề đã qua đời hoặc quá già yếu, để truyền nghề cho hậu thế.

    Nghề dệt thổ cẩm của người Cơtu
Mặc dù đến hiện nay nghề dệt thổ cẩm chưa phát triển với qui mô lớn , nhưng đây vẫn là một nghề truyền thống, mang đậm bản sắc văn hoá CơTu. Tại hầu hết các làng đồng bào CơTu, tập trung nhiều nhất có lẻ là làng TaBhing (cách thị trấn Thành Mỹ – huyện Nam Giang khoảng 15 km về phía tây bắc), du khách tham quan sẽ rất thích thú khi được những người phụ nữ CơTu ân cần chỉ dẫn từng động tác dệt thổ cẩm với những chiếc khung dệt đơn giản làm từ các thanh gỗ, thanh tre, thanh nứa kết hợp lại. Bằng đôi tay khéo léo và sự cần mẫn, người phụ nữ CơTu đã biến những thứ nguyên liệu cây nhà lá vườn thành những tấm đắp (tuốc), khố (cha lan), váy (doáh)… với nhiều hoạ tiết, màu sắc lộng ly và độc đáo.
Theo lời kể của các già làng thôn Za Ra, từ khi còn nhỏ, họ đã thấy nhiều người đã thông thạo công việc dệt, nên chẳng biết nó được ra đời như thế nào. Tuy nhiên, kỹ thuật dệt thổ cẩm của dân tộc Cơ tu chắc chắn phải có nhiều bí quyết riêng đặc biệt về pha chế màu, nhuộm màu, dệt hoa văn…
Từ năm 2000, UBND huyện Nam Giang và tổ chức phi chính phủ Nhật Bản FIDR đã hỗ trợ nhóm 20 phụ nữ có kinh nghiệm dệt thổ cẩm tại thôn Za Ra phát triển dệt thổ cẩm. Họ được tham gia các khóa tập huấn như: thiết kế, phối màu, học may…Qua nhiều lần thực hành cùng nỗ lực của các thành viên, hiện nhóm đã có thể hoàn thiện các sản phẩm ngay tại địa phương.
Hiện nay, nhóm dệt thôn Za Ra đã có thể tạo ra gần 40 sản phẩm thổ cẩm khác nhau. Các sản phẩm này được bán tại chỗ cho khách du lịch, đồng thời được giới thiệu tại các đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ…nhằm tìm kiếm thị trường, qua đó, giúp nghề dệt thổ cẩm của người Cơ tu được bảo tồn và phát triển.

TRẦN TRUNG SÁNG
ĐTPT số 37/2012

Check Also

THUNG LŨNG YARRA (1)

TRỞ LẠI AUSTRALIA

TRỞ LẠI AUSTRALIA Mùa lá đỏ ở thung lũng Yarra Australia cuối thu. Đúng 8 …