Home / VẤN ĐỀ HÔM NAY / Đô thị - Môi Trường / Không phải trả giá mà chỉ có lời nguyền và sự im lặng

Không phải trả giá mà chỉ có lời nguyền và sự im lặng

Con người thường tự hỏi nhân tố nào đã khiến loài lưỡng thê ở đệ nhị nguyên đại bỗng nhiên bị tiêu diệt. Song điều đó không làm người ta phải quan tâm nhiều bằng những nền văn minh mà giờ đây chỉ còn lại phế tích rải rác từ Tây sang Đông. Cố nhiên lý do nào đã đưa một nền văn minh từ buổi cực thịnh đến chỗ suy tàn thì không chỉ là một, và mỗi nền văn minh đều có lý do riêng để tự xoá cơ đồ gây dựng của mình dưới ánh sáng mặt trời!

Nếu như khơi lại những gì còn sót về nền văn minh của dân Cnossus trên các đảo Crète ở biển Egée (trong Địa Trung Hải) mệnh danh là nền văn minh Egée, và theo sự đào bới của Schliemann, người ta phải lấy làm kinh ngạc trước những công trình nghệ thuật khá cao từ lâu đài, hệ thống dẫn nước, đến các tiện nghi khác trong đời sống. Ngay từ câu chuyện mê cung (labyrinth) là do những cơ sở kiến trúc kỳ lạ của dân Cnossus mà ra. Điều gì trong quá khứ xa xôi đã hình thành một đế quốc lớn trên vùng biển Egée tồn tại hơn ngàn năm, và điều gì đã gây ra sự sụp đổ mau chóng như thế? Lịch sử của họ mãi đến nay vẫn còn là bất khả tri. Chúng ta cũng có thể nghĩ rằng một dân tộc sống trên cầu đảo ấy thiếu hẳn một hậu phương rộng lớn để bảo tồn nền văn minh trước hoạ xâm lăng. Song trên lớp đất phì nhiêu thuộc tầng đá vôi của các hòn đảo mà giờ đây đã trở nên khô khan cằn cỗi, cảnh trí đìu hiu thê lương cùng với những phế tích có thể chứng minh rằng trước kia, trên lớp đất màu mỡ, dân Cnossus (còn gọi dân tộc Mycen) đã gia tăng dân số mau chóng. Họ đã phá rừng một cách tuỳ tiện để trồng trọt và chăn nuôi. Và khi rừng cây biến mất, đồng cỏ nhàu nát dưới chân thú, điều gì sẽ đưa tới cho một dân tộc khi năng suất cây trồng trụt dần. Giáo sư Mitardis trong hội nghị quốc tế bảo vệ môi sinh cách đây 20 năm đã cho rằng sở dĩ dân tộc ấy suy diệt trong trường hợp này vì đã không biết bảo vệ sinh thái. Nhiều chuyên gia qua nghiên cứu và kiểm chứng lịch sử đã thống nhất với kết luận trên. Họ còn cho rằng “qua nhiều thế kỷ, những sự “cải thiện” do con người đóng góp ngày càng quan trọng và nhiều đến nỗi trong số đó đã bắt đầu có phản tác dụng” (Au cours des siècles, les “améliorations” qu’il a apportées ont été de plus en plus importantes, tant et si bien que nombreuses ont été celles qui aboutirent a l’effet countraire – Dominiqué Albouy).

Thực vậy, không kể từ vài trăm năm về trước, khi dân số còn quá ít, con người chưa có nhu cầu gia tăng trên nhiều phương diện đến nỗi đã làm kiệt quệ tài nguyên thiên nhiên một cách vô ý thức, hoặc đã làm tổn thương trầm trọng sự cân bằng sinh thái đã có trong buổi đầu: “Từ khi được tạo dựng, quả đất đã đạt đến một sự cân bằng thiên nhiên hoàn hảo. Thú vật và cây cỏ tự nuôi nấng lẫn nhau, tự sinh sôi nảy nở và tự giới hạn hỗ tương. Sống và chết, tổng hợp và huỷ giảm nối tiếp nhau theo những chu kỳ dài và đều đặn.

DSC08697_cNhững sự mất mát năng lượng thật ít ỏi bởi một thành phần khi tiêu diệt lại trở về nguồn gốc một cách toàn vẹn để từ đó nó được sử dụng trở lại” (Celle-ci, depuis sa création, avai connu un équibibre naturel parfait. Bêtes et plantes se nourrissaient, se multipliaient, se limitaient mutuellement. Vie et mort, synthèse et dégradation se succédaient en cycles longs et réguliers. Les pertes d’energie étaient faibles car un élément à sa mort retournait intégralement à sa source où il éfait de nouveau utilisé – Albouy). Sự du canh ban đầu còn để cho rừng cây phục hồi, tái lập lại thế cân bằng của thảo mộc, nhưng càng về sau hình thức canh tác này đã trở thành một tai hoạ thực sự. Ở nước ta hàng năm, đồng bào dân tộc miền núi, với hình thức du canh đã khiến cho biết bao nhiêu cánh rừng làm mồi trong ngọn lửa. Những rừng già bao la từ miền Đông Nam Bộ đến Buôn Hồ, Cheo Reo, Toumorông với nhiều danh mộc có từ trên đôi ba thế kỷ đang tiếp tục bị triệt hạ do nạn khai thác rừng bừa bãi. Trong các rừng cây này, cây lớn chiến 50% trong khi ở Âu châu chỉ có độ 11% mà thôi. Ở các vùng đất đỏ do phún trào ba-dan, đất tốt nên cây to lớn như bằng-lăng, muồng, sao, dầu, con rai, dầu sông-nàng… ở các vùng đất ba-dan nâu thì có bằng-lăng, cẩm xe, gỗ đỏ, cẩm lai… Ở vùng đất xám tương đối ít màu, cây cối trưởng thành chậm, nên các sắc mộc thường gặp là làu táu, chai, vện vện mọc lẫn với vắp, huỳnh và xoan mộc… Ở vùng đá vôi thường có các loại cây to, gỗ lớn và chắc như lim, giẻ, ca ôi, táu, lát, xoan, giỗi, vàng tâm, sến… Tất cả kho lâm sản quý giá và phong phú ấy đến hôm nay vẫn chưa có một thống kê cụ thể về sự tàn phá rừng trong nhiều thập kỷ gần đây.

Tuy nhiên con người ngày càng đông đảo, nhu cầu bắt đầu vượt quá khuôn khổ quen thuộc, du canh chuyển dần sang định canh, thời gian luân canh kéo dài lên, đất đai bị mất dần các chất muối bổ và sự bền bỉ chịu đựng trước sức bào rỉa của dòng nước. Nắng mưa bất thường, rồi những ngày nắng nhiều hơn góp phần tích cực với thời gian để làm xuất hiện một vùng khô cằn và loang dần theo bước chân di cư của thú rừng. Ở Georgia (Hoa Kỳ), mưa gió đã cuốn đi một phần tư lớp đất mặt trong hai mươi năm đã khiến cho hàng triệu mẫu đất đã trở thành vô dụng. Cái thau bụi này (Dust bowl) là kết quả của sự bòn rút các chất muối bổ bằng cách khai thác liên tục đất đai. J.K.Basu cho rằng vùng Decan-Bombay (Ấn Độ) sự thoái hoá của đất có một tốc độ khủng khiếp. Chỉ trong vòng 75 năm, 7% diện tích đất biến từ tốt sang vừa. Còn ở nước ta, sự thoái hoá ấy tuy chưa được khảo cứu tường tận và toàn diện song chắc chắn cũng khá nghiêm trọng. Ở Brasil (Nam Mỹ) trung bình hàng năm rừng cây lùi từ 10 đến 15 km về phía Tây, điều đó có nghĩa là sa mạc sẽ tăng lên. Trên những cao nguyên Congo (Phi Châu) trong vòng 3 thế kỷ, 10 triệu mẫu rừng biến thành sa mạc. Hơn thế nữa, ở Madagascar, sự phá rừng đã vượt quá một mức đáng sợ, trong 23 triệu mẫu thì cứ một triệu mẫu trong vòng 50 năm. Ở Bắc Phi, dưới ảnh hưởng của nền văn minh Pháp, dân số tăng lên từ 3 đến 10 triệu người trong vòng 60 năm, và cùng lúc ấy rừng bị giảm mất 5 triệu mẫu (Les problèmes écologiques de la planète).  Những sự tìm tòi của Pons và Quezel (1966) chứng minh rằng nhiều nơi ở Phi Châu nay do cát phủ mà cách đây 5000 năm vẫn còn rừng dày. Thật thế, ở các nơi do hai ông tìm ra được đất mùn (Humus) mà có đất mùn tức là phải có rừng già để trong đất mùn có các phấn hoa của thông, tùng, giẻ, cedrus, pistacia, juglans… Quezel tính ra rằng trong vòng 5000 năm sa mạc ở vùng khảo cứu đã lan rộng ra ít nhất là 1000 km… Sự kiện sa mạc xâm lăng đất hữu dụng như thế hiện nay vẫn còn tiếp diễn. Các rừng quanh sa mạc đang ở tình trạng nguy ngập: Chúng không thể tiến hoá thành rừng được mà khả năng biến mất để nhường chỗ cho sa mạc… Các đồng cỏ vũ mâu stipa tenacissina (giống như tranh) mà xưa là nguồn lợi cho các nước Phi Châu, thì nay chỉ còn rải rác ở vài nơi, và chẳng bao lâu chỉ còn một kỷ niệm đẹp đáng tiếc trong ký ức loài người.
Hiện nay sa mạc đã chiếm ¼ diện tích lục địa (khoảng trên 32 triệu km2).
maxresdefault_cTừ trước, người ta đinh ninh rằng sa mạc là một thực trạng tự nhiên sẵn có do tác nhân khí hậu và điều kiện đất đai. Giờ đây qua nhiều cuộc nghiên cứu và tổng kết mới thấy rằng con người đã có những ảnh hưởng sâu xa, không mấy tốt đẹp với thiên nhiên mặc dầu con người không bao giờ có cảm tình với sa mạc. Bởi vì con người luôn luôn cần có thêm những cung ứng của thảo mộc để duy trì đời sống trước sự gia tăng dân số không ngừng. Vì vậy “Sự cân bằng sinh thái này đã phị phá vỡ từ khi thiên nhiên hoang dã xuất hiện như một trở lực đối với sự phát triển trồng trọt. Hơn nữa, ông bà tổ tiên chúng ta chịu lấy một phần lớn trách nhiệm đối với sự mất cân bằng ấy. Sự mở rộng diện tích canh tác xâm nhập rừng cây là một ví dụ rõ ràng” (Cet équilibre de la nature a étérompu dès que la nature sauvage est apparue comme une entrave au développement de la culture et d’ailleurs nos lointains ancêtres y out une bonne part de responsabilité. L’ avance des terre cultivées aux depens de la forêt en est un exemple bien connu – Dominique Albouy). Song song với sự gia tăng diện tích trồng trọt, sự phát triển chăn nuôi cũng dự phần thúc đẩy thảo mộc suy đồi nhanh chóng hơn. Ban đầu cũng như hình thức du canh, dân du mục bắt buộc phải chọn đồng cỏ theo từng mùa. Nhờ sự khai thác có giới hạn những tài nguyên khả dụng có sẵn chỉ trong một thời gian ngắn mà những mầm cây, lá non mới có thời gian trưởng thành thay vì héo úa dưới sự dẫm nát của hàng triệu chân thú. Cỏ xanh cũng được nảy nở đầy đủ trước khi được biến thành thịt, thành sữa, thành len. Song từ khi thổ dân da đỏ Navajos bị cưỡng bức định cư (…Navajos mostly living ou a reservation in Arizona, New Mexico and Utal…) thì thảm xanh thảo mộc biến mất dần trước số lượng cừu tăng lên mãi. 630.000 mẫu thảo mộc dự trữ biến thành sa mạc, và điều đó không khác gì sự thể đã xảy ra ở Mêhicô, ở bán đảo Iberique (Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha), ở Cận Đông. Một số đồng cỏ đã vĩnh viễn mất, không bao giờ có hy vọng phục hồi ở New Zeland, ở Australia. Tại sao sự thiệt hại lại lớn như thế? Bởi vì thêm vào sự tàn phá do ăn cây lá quá nhiều của hàng triệu gia súc còn dẫn tới sự tàn phá thứ hại không kém trầm trọng khiến ai mới nhìn thấy cũng phải sửng sốt: Đó là sự giẫm đạp của chân thú; Súc vật chăn nuôi không như thú rừng, chúng chỉ ăn cỏ xa nơi có nước nhưng lại thường uống và uống rất nhiều nên sự đi lại của chúng đã làm biến mất nhiều đồng cỏ. (Les problèmes ecologiques de la planète). Nhưng khốn thay sự tàn phá rừng cây, thảo mộc không cùng với những nguyên nhân ấy, khi sự tiến bộ kỹ thuật vừa đủ giúp con người biết dùng than hồng để uốn nắn những thỏi sắt theo ý mình. Một giai đoạn mới bắt đầu tiếp tay cùng canh nông và chăn nuôi triệt hạ rừng cây. Để lấy than nấu kim loại (khi chưa tìm ra than đá) người Anh đã phá rừng lên tới 95%.

SONY DSC

1029021__c

Thảm trạng do phá rừng không thể nào kể xiết, ảnh hưởng xấu đến khí hậu, biến đổi thật tàn nhẫn những gì mà đời sống và tương lai con người đều đặt lên lớp đất màu mỡ. Ngày nay Mêhicô, nông nghiệp khó tiến phát được phần lớn là do diện tích rừng không còn bao nhiêu nữa. Mỗi lần ôn lại quá khứ đẹp đẽ, dân Azteque không làm sao quên được vườn cây, đồng cỏ, rừng xanh bao phủ trên các triền núi bao quanh làng mạc, đô thị. Năm nào cũng vậy, những hạt mưa trong mát từ trên bầu trời ẩm ướt rơi xuống reo vang trên mái, trên lá cây tươi xanh, đem đến  con người một niềm vui nhẹ nhàng.

Tất cả cây cỏ, sinh vật như nở nang, tăng trưởng một cách rõ rệt trong không khí mát dịu. Hồ ao đầy ngập cả nước với tiếng ếch nhái thi nhau ca mừng suốt đêm dài như ru con người trong những giấc mộng êm đềm. Nhưng giờ đây, thỉnh thoảng chỉ còn nghe trong những buổi hoàng hôn nào đó, không phải tiếng ngân nga của rừng cây rì rào mà của tiếng hát của một anh chàng, bóng anh nổi bật trên ngọn đồi, cỏ cây không lấp nổi móng ngựa của anh. Tiếng hát của anh vang vọng âm thầm trong hẻm đá phủ tối bóng chiều như lời khóc than của hồn thiêng đất nước:

Hỡi rừng cây, hỡi đồng cỏ
Hãy cho ta bóng mát làm lọng cho nàng
Hãy cho ta thảm cỏ êm đềm ôm lấy chân người đẹp
Hãy cho ta những cánh hoa đầu ngày kết làm vòng hoa ngày cưới
Ôi chỉ có mặt trời nóng cháy
Ôi chỉ có đường mòn, cỏ héo, đá sỏi gập ghềnh
Hỡi rừng cây…
Hỡi đồng cỏ…

144085Kho_han_o_DBSCL___Anh_LE_HOANG_VuTất cả những điều ấy cho thấy rằng, trong quá khứ đã quá chậm để con người có đủ hiểu biết hòng có thể giải thích rành mạch lý do nào sa mạc ngày càng tới gần đời sống con người hơn. Ngày nay, người ta đã nhận thức được rằng hành tinh này đang bị tổn thương nghiêm trọng: Tàn phá rừng cây, gây ô nhiễm, làm cạn kiệt màu mỡ đất đai, thêm vào đó là công nghiệp, tốc độ phát triển dân số, tham vọng và đầu óc ngoan cố vị kỷ, trong khi khả năng duy nhất của con người là chỉ có thể đẩy lùi cái kỳ hạn khủng khiếp không thể tránh khỏi đối với sự sống.

Nguyễn Phúc
ĐTPT số 67/2017

Check Also

Cover Mot nam nhin lai covid_0

VÌ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN XÃ HỘI TA ĐI TỚI

Năm 2020, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp hơn so …