Home / VĂN HÓA-DU LỊCH / Không gian văn hóa nhà ở miền Trung

Không gian văn hóa nhà ở miền Trung

Không gian kiến trúc và cách tổ chức nhà ở truyền thống của người Việt luôn ảnh hưởng đến tính cách tâm hồn của những người sống trong ngôi nhà của họ, nhất là việc xây dựng được thói quen giữ gìn nếp nhà đáng quý của mỗi gia đình. Cách tổ chức ấy dù có biến đổi sao dời nó vẫn như một cái pháo đài nhỏ giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình. Văn hóa nhà ở, kiến trúc nhà ở là những biểu hiện sâu và đậm của nền văn minh ăn ở của đời sống tinh thần Việt.

nhà vuon hue

Ở mỗi ngôi nhà Việt ở làng quê các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị… ở miền Trung thường được tổ chức không gian theo mô hình quen thuộc. Đầu tiên là cổng nhà, ngõ vào, tiếp đến là sân gạch, nếp nhà, (trước ngôi nhà ở những làng Bắc bộ thường là cái ao) vườn trước và vườn sau theo mặc định trước cau sau chuối hoặc trồng cây ăn trái. Ở Huế có một tục lệ rất hay, trong nhà khi có người chết, người ta thắt dây tang trên cây thể hiện sự tôn trọng trong mối giao hòa với thiên nhiên, lòng biết ơn với cây trái trong vườn. Trước sân, bước vào là một bức bình phong, bể nước được thiết kế thu nhỏ theo phong thủy minh đường thủy tụ. Nhìn vào cách bố trí không gian nhà ở dễ dàng nhận ra cái tính hướng nội của ngôi nhà Việt. Bức bình phong như một vật cách ngăn với thế giới bên ngoài. Với những hàn nho hoặc những cụ già, họ thường trồng một cây hoa mộc hay hoa sói với cái thú nếp nhà thanh cao, thanh đạm thả vào trong ấm trà thơm buổi sớm. Mô thức nhà ở được tổ chức không gian sống một cách biệt lập, theo tập quán đóng cửa dạy con, giữ gìn cái gia phong riêng biệt, có bổn phận kìm giữ mọi thói hư, tật xấu, mọi sự sa đọa từ bên ngoài dội vào, ập lên. Cuộc chiến đấu giữa cái mất-còn của 2 phía vẫn đang tiếp diễn một cách mạnh mẽ, hệ thống nhà ở dân gian truyền thống vẫn đang trong tư thế yếu cần sự tiếp sức của mọi người.

Ngôi nhà Việt ở miền Trung thường theo kiểu ba gian hai chái, hay một gian hai chái. Chính diện ngôi nhà là nơi thể hiện sự tôn nghiêm và giá trị tinh thần của gia chủ được bố trí theo hàng dọc: Tủ thờ, bàn tiếp khách. Bàn thờ, thờ từ ông bà nội, cha mẹ hoặc anh em của gia chủ, được bày biện rất trang trọng, rộng rãi để có thể dọn những phẩm vật cúng bái trong những dịp kỵ giỗ, những ngày lễ trọng của gia đình. Chính bàn thờ càng trang nghiêm càng thể hiện tình cảm sâu nặng với người đã khuất, hàm ý giáo dục cho mọi người trong nhà lòng tôn kính, hiếu để đối với những người đi trước. Trước bàn thờ là một chiếc bàn bằng thiết mộc hình chữ nhật. Đây là một nơi tiếp khách của gia chủ. Những cuộc họp của đại gia đình hay họp phái, tộc thì những bậc trưởng thượng, chức sắc, có vai vế trong làng trong họ, gia chủ đều xếp ngồi ở bàn chính. Mọi việc trong tộc trong nhà đều được “phát ngôn chính thống” tại đây, những quyết định, răn dạy con cháu hay kế hoạch gì của tộc họ cũng do các bậc trưởng lão ngồi đây ban bố. Tôn ti trật tự, kính trên nhường dưới, lễ nghĩa, nề nếp gia phong được thể hiện rất rõ ràng trong cách sắp xếp, góp phần giáo dục cho con cháu. Ai xem phim Đất và người được chuyển thể từ tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường đều thấy những cuộc họp hội gia tộc, dòng họ quan trọng đều được tổ chức theo sự sắp đặt như thế. Gia chủ thường kêu con cái ra đứng cạnh ở cái bàn này, trước sự chứng kiến vong linh của người đã khuất, những lời răn dạy về đạo lý làm người, tam tòng tứ đức, phẩm hạnh, điều hay lẽ phải… của gia chủ luôn có một sức nặng tâm lý và tinh thần đáng kể. Vợ chồng gia chủ bàn bạc những chuyện hệ trọng cũng xoay quanh chiếc bàn gỗ này. Rước dâu về, công việc quan trọng nhất là làm lễ trước bàn thờ gia tiên …

visithue_o lau dong song cua nhung ngoi lang co 2

Chuyện cũ kể khi cụ Hoàng Diệu làm quan có gửi về tặng mẹ một xấp vải lụa, bà mẹ Hoàng Diệu kêu lính hầu vào, mới đặt tấm vải trên chiếc bàn trước bàn thờ gia tiên kèm theo một cái roi dâu, hàm ý khuyên con đạo làm quan phải thanh liêm, coi việc nước là trên hết. Hình ảnh cái roi dâu còn mang tính ẩn dụ bởi quê hương của ông là xứ trồng dâu nuôi tằm. Bà mẹ cũng đêm đêm ngồi dệt vải. Lời dạy, lời khuyên của bà cũng xuất phát từ ý nghĩa của gia phong nếp nhà, nếp làng không cho con được làm thế. Việc đặt tấm vải lụa và chiếc roi dâu trước bàn thờ mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó không chỉ là với mẹ mà là lời dạy với nội dung đạo nhà của cha ông, dòng tộc để con phải nhớ lấy khi nhập thế làm quan, làm việc nước.

Ngày Hoàng Diệu được bổ nhậm làm Tổng trấn Hà Nội, ông cũng về nhà, thắp hương khấu lạy trên bàn thờ, nghe mẹ dặn dò trước khi ra đi. Trước đó, ông cũng sang ghé thăm Phạm Phú Thứ ngồi bàn chuyện quốc sự, hai người cũng bái biệt nhau trước bàn thờ gia tiên của Phạm Phú Thứ, đó là lời chào vĩnh biệt của những vị anh hùng. Đọc lại những dòng sử ký về cuộc đời của Hoàng Diệu ngoài tấm gương một lòng vì nước đã tuẫn tiết trong tư thế của anh hùng. Hình ảnh đó gần 150 sau vẫn để lại trong lòng người đọc sự xúc động và ngưỡng mộ vô cùng trước cái chết đầy bi tráng vang vọng một trời chính khí. Còn những câu chuyện của những người bên ông đặc biệt là người mẹ cũng gây cho ta mối cảm hoài, vấn vương.

80481453738303_mamco2

Người mẹ của Hoàng Diệu khi nghe tin con hy sinh bà đã ngất đi bên ruộng trong khi đi làm cỏ de. Không ai có thể tin được một người mẹ của một Thượng thư bộ Hình, Tổng trấn Đại thần mà đêm đêm ngồi quay tơ dệt vải, ngày thì làm ruộng nương. Rõ ràng chính Hoàng Diệu đã lớn lên trong ngôi nhà khoa bảng đó (4 anh em, Hoàng Diệu đỗ Phó bảng có 3 người kia đều đỗ cử nhân), từ nhỏ đã được mẹ cha răn dạy, đặc biệt là người mẹ với tất cả phẩm hạnh, phẩm giá của mình đã trở thành một tấm gương cho con cái noi theo. Tôi từng có dịp đi thăm những ngôi nhà cũ của các bậc danh sĩ, các vị anh hùng, các nhà trí thức… Điều tôi tâm đắc nhất là nhà nào cũng đơn sơ, thanh bạch nhưng được tổ chức không gian nhà ở dù có khác nhau nhưng đều mang một tinh thần chung theo một mô hình truyền thống. Và tôi tin rằng những ai từ đó đi ra đều được thấm nhuần một nếp nhà đáng quý khi bước vào đời.

Cửa chính của ngôi nhà thường làm bằng gỗ “bản khoa” kiểu “thượng song hạ bản”. Dưới cửa thường có một cái ngạch cửa chắn ngang bằng gỗ cao độ một tấc rưỡi, ngoài chức năng làm phần cách ngăn bên trong-ngoài của ngôi nhà, còn xem như khoảng nghỉ, khoảng lặng. Những người trong nhà khi đi ra ngoài thường dừng lại một chút để xem lại trang phục, cách ăn mặc, chuẩn bị tâm thế để tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Và ngược lại, khách bước vào cũng phải dừng lại để có tín hiệu khi bước vào nhà. Đó cũng là thái độ cư xử cho phải lẽ trong quan hệ. Người mẹ trong ngày cưới của con gái trước khi tiễn con đi, thường đứng lại bên trong ngạch cửa dặn dò con gái về đạo làm dâu, làm vợ, công dung ngôn hạnh khi về nhà chồng.

Nhà ở dân gian truyền thống ngoài ngôi nhà chính thường có thêm dãy nhà ngang (gọi là nhà Rọi) làm nhà phụ có gian làm bếp, gian chứa nông cụ, vật liệu… Nếu con dâu có thai trước khi làm lễ cưới, khi rước về phải đi vào ngõ sau. Con dâu được đưa xuống dưới nhà ngang ở và sinh đẻ. Nhà theo lối phong kiến, có nơi bắt con dâu sinh đẻ ở căn nhà lá sau vườn. Thấy có vẻ gia quy khắt khe nhưng ở góc độ giáo dục truyền thống, phận con gái phải biết giữ gìn trinh tiết trước khi về làm dâu chứ không phải sống chung sống thử như một bộ phận lớp trẻ bây giờ. Ở những ngôi nhà quyền quý xưa, người ta còn làm một cô lâu trong vườn, trong nhà ai làm việc gì sai trái thì bị “phạt” ra ngủ lại trên đó để suy gẫm, tự vấn, sám hối về việc làm không đúng của mình.

ngoi-lang-co-thu-hai-viet-nam-duoc-cong-nhan-la-diem-du-lich-cua-tinh-thua-thien-hue-bb-baaadJCX8m

Đặc biệt trong những ngày Tết, suốt bốn ngày liên tiếp từ chiều 30 đến chiều mồng Ba Tết đều tổ chức Cúng Gia tiên (Chiều 30: Cúng Tất niên là lễ cúng để trình ông bà, báo cáo năm cũ đã hết. Sáng mồng Một Tết là cúng Tết Nguyên đán, Chiều cúng Tịch điện (cúng chiều). Mồng Hai: Chiều cúng Tịch điện. Chiều mồng Ba là lễ cúng Tạ ơn ông bà, trình báo với ông bà là Tết đã hết…). Trong không gian lễ Tết được tổ chức rất trang trọng trước bàn thờ ở gian giữa, những mâm cỗ được tổ chức chu đáo không phải chú trọng đến mâm cao cỗ đầy, cao lương mỹ vị (ngay cả Lễ cúng đầu năm của Vua Hùng cũng đơn giản với Bánh chưng, bánh dầy) mà quan trọng là ý thức, lòng thành kính của gia chủ đối với người đã khuất. Gia chủ với trang phục trịnh trọng thường khăn đóng áo dài hoặc ăn bận chỉnh tề để cúng lạy. Cả khu vực này trong ngôi nhà trở nên ấm áp nhờ hương khói thấm đẫm tâm linh luôn nhắc nhở với con cháu về chữ hiếu, về nề nếp gia phong. Rõ ràng cách tổ chức nhà ở của người Việt trong ý thức sâu thẳm đã sắp xếp các khu vực, các phòng chức năng rõ rệt, nặng tính giáo dục đối với mọi người trong gia đình, hướng đến sự giữ gìn nếp nhà của mỗi gia đình.

Nhiều khi ngồi nghĩ mà thương căn nhà gỗ, nhà rường của cha ông, giản dị, mộc mạc thuần khiết biết bao, thấm đẫm chứa chan cái hồn của nếp sống Việt, nâng niu ấp ôm bao điều tốt đẹp để gìn giữ cái nếp nhà đáng quý mà mong manh, có nguy cơ phai nhạt.

Hồ Sĩ Bình

(Đô thị & Phát triển số 80-81/2020)

Check Also

THUNG LŨNG YARRA (1)

TRỞ LẠI AUSTRALIA

TRỞ LẠI AUSTRALIA Mùa lá đỏ ở thung lũng Yarra Australia cuối thu. Đúng 8 …